Chiếc Mercedes của ngài bộ trưởng đang đi bỗng dừng phắt lại. Lái xe Aaron tắt máy và ngoảnh lại: “Xin lỗi sếp, nhưng sếp vừa nghe thông cáo trên đài rồi đấy”.À, thông cáo trên bản tin 9 giờ về cuộc đình công của giới lái xe. Công đoàn ngành lái xe định sáp nhập với công đoàn kỹ sư hóa học, hoặc hủy vụ sáp nhập với công đoàn ngành vận tải, hoặc họ muốn làm gì đó chẳng rõ, nhưng đại khái là họ đình công.
Aaron ra khỏi xe và đi tới tòa nhà công đoàn để nhận chỉ thị.
Ngài bộ trưởng đang ở giữa phố. Ngài không biết lái xe. Những phát minh nào mà cứ ấn nút gây ra tiếng ồn luôn khiến ngài sợ. Chừng nào còn nhớ lại được, ngài mới lái ôtô có một lần duy nhất. Trước đây bốn chục năm, ở một công viên giải trí, hồi đó ngài bộ trưởng còn trẻ và đầy tham vọng, và ngài gửi gắm số phận mình vào một trò chơi xe điện đụng. Sau này ngài gia nhập đảng cầm quyền, xây đắp sự nghiệp và lúc nào cũng có tài xế riêng.
Có lẽ mình phải gọi trực thăng, ngài bộ trưởng nghĩ bụng. Nội các đang đợi ngài đến dự một cuộc họp khẩn cấp. Hôm nay bàn về công nghiệp ximăng. Lúc 11 giờ.
Ngài bộ trưởng bắt đầu quan sát những người vội vã đi ngang qua xe mình. Lòng ngài tràn ngập một cảm giác kỳ lạ, gần như bất trắc: ngài đang ở ngoài phố. Ngài sửng sốt nhận ra xứ này có bao nhiêu người lạ. Lúc nào ngài cũng chỉ thuộc chừng ấy khuôn mặt ở bộ của mình. Người lạ, nếu có, thì ngài cũng chỉ nhìn thấy trong đám đông vô danh, vào ngày quốc khánh hoặc ở sân bóng đá khi… khi nào nhỉ… à, trong trận chung kết.
Ngài bộ trưởng xuống xe và đi dọc phố. Dần dà ngài thấy thân quen với dạng chuyển động này. Ngài lục lọi trong trí nhớ, lần gần đây nhất ngài làm một việc tương tự là bao giờ. Đúng rồi: 1951. Bữa đó có một cái xe tải đường dài quẹt phải xe ngài và ngài phải cuốc bộ về nhà, xuyên qua thành phố, cuốc bộ nha.
Ánh mắt của ngài bộ trưởng tia xuống dưới, nơi lấp ló dưới vòng bụng có đôi chân hiện ra, chân của chính ngài, chúng đang chuyển động theo nhịp, lạch-bạch, lạch-bạch, ngài vẫn nhớ cách dùng chân. Ngài vẫn nhớ cách đi trên đường. Một cảm giác tốt. Duy chỉ đôi giày trông hơi là lạ. Chúng ở đâu ra nhỉ? Ngài có bao giờ mua giày đâu, hay có?
- Xem thêm: Truyện ngắn: Dây xích
Nghĩ lung một chút thì ngài biết chắc là mình chưa bao giờ đi mua thứ gì. Vậy thì đôi giày này đâu ra? Ngài dừng bước trước cửa kính một hiệu giày và ngó chòng chọc vào trong. Lạ quá. Một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Giày, rất nhiều giày, giày đàn ông, giày đàn bà, giày trẻ con, xếp thành đôi trên kệ hoặc trên đĩa xoay, hoặc nằm chỏng chơ.
Ngài đột ngột quyết định đi vào hiệu, một gian nhà sâu với trần cao, nhiều dãy ghế đệm và kệ kê dọc tường, và trên kệ toàn giày, không gì ngoài giày. Ngài bộ trưởng bắt tay một người đàn ông đi ngược lại: “Tình hình xuất khẩu tốt chứ?”.
“Ông đừng hỏi tôi – người đó trả lời – Tôi kiếm một đôi da dê và đế cao su đúc”.
Ngài bộ trưởng ngó quanh. Quy trình ở đây ra sao nhỉ? Người ta cứ thế lấy giày trên kệ hay phải đợi bồi?
Một người mặc áo choàng trắng, có vẻ là bác sĩ, tiến đến chỗ ngài bộ trưởng và hỏi có thể làm gì cho ngài.
“Ông gửi cho tôi vài mẫu hàng”, ngài bộ trưởng thân mật nói rồi ra khỏi cửa hiệu.
Ra đến bên ngoài thì ngài nhớ là chưa cho người ta biết mình là ai. Và người ta cũng không tự nhiên nhận ra ngài. Có lẽ mình phải lên màn ảnh nhỏ thường xuyên hơn, ngài bộ trưởng nghĩ.
Đồng hồ chỉ giờ đã sát hẹn. Có lẽ ngài phải gọi văn phòng gửi một phương tiện nào khác đến đón. Gọi điện. Nhưng gọi điện như thế nào? Và quan trọng là gọi ở đâu? Ngài không thấy cái điện thoại nào ở gần. Và nếu có thì ngài cũng không rõ cách sử dụng. Đó là việc của cô thư ký, và hôm nay cô ấy đi Haifa có chuyện gia đình gì đó. Vả lại, nếu không đi đâu thì cô ấy ở văn phòng chứ không ở đây, nơi chẳng thấy cái điện thoại nào. Kia rồi, một tủ kính với cái hộp màu bạc. Rõ ràng là điện thoại.
Ngài bộ trưởng mở tủ kính và nhấc ống nghe: “Nối máy cho tôi, cảm ơn”.
Cái máy im re, chắc hỏng rồi. Từ bên ngoài có một thằng bé huơ tay ra hiệu là phải nhét gì đó vào hộp. Dĩ nhiên, ngài nhớ rồi, ngài từng là chủ nhiệm tiểu ban tiền xu và thẻ của Quốc hội. Ngài thạo chuyện này. Ngài vào một cửa hiệu gần đó và hỏi mua thẻ điện thoại. “Chúng tôi là hiệu giặt là – người ta cho biết – Thẻ điện thoại chỉ có ở bưu điện”. Quả là một thế giới rối rắm. Ngài bộ trưởng nhìn quanh tìm bưu điện và thấy một cái hộp vàng gắn trên tường nhà bên kia đường. Ngài biết ngay vật đó là gì. Người ta đút thư vào những cái hộp như thế sau khi đã viết sẵn ở nhà. “Xin lỗi bà – ngài quay sang một phụ nữ đứng cạnh mình ở ngã tư – Đèn màu nào thì được qua đường ạ?”.
- Xem thêm: Prada và Sự thật
Ngài biết tương đối rõ là xe của ngài chuyển bánh khi có đèn xanh, nhưng liệu quy định đó cũng dành cho khách bộ hành? Dòng người lúc này túa xuống đường đẩy trôi ngài qua bên kia đường. Ở đó, ngay cạnh cái hộp màu vàng, ngài phát hiện ra một trạm bưu điện. Ngài bước vào và hỏi nhân viên ngồi sau quầy gần nhất: “Đề nghị ông gửi điện cho bộ của tôi, bảo họ đến đón tôi ngay”.
“Đón bằng máy bay ngay tàu ngầm?”, nhân viên ở quầy hỏi và cẩn trọng bấm nút hạ tấm kính che xuống.
Có lẽ người này bị bệnh tâm thần, ngài bộ trưởng nghĩ và nhún vai đi khỏi.
Cạnh bưu điện có một kiôt bán báo. Ngài bộ trưởng vất vả khi ngó vào những trang báo không đánh dấu. Mọi khi các bài báo mà ngài cần đọc trên bàn thường được đóng khung bằng bút màu.
“Nước cam?”, một giọng cất lên trong kiôt.
Ngài bộ trưởng gật. Đang khát, ngài uống đến giọt cuối cùng. Một trải nghiệm thần thánh: uống một cốc nước cam giữa phố và khoan khoái đi tiếp.
Người bán hàng chạy theo: “Cho tôi xin 45 xu!”.
Ngài bộ trưởng trố mắt nhìn ông ta. Mấy giây sau ngài mới hiểu ra người ấy muốn gì. Ngài thọc tay vào túi. Túi rỗng. Tất nhiên. Mấy vụ đó thường là việc của cô thư ký. Tại sao hôm nay cô ấy lại phải đi Haifa?
“Gửi cho tôi hóa đơn nhé, cảm ơn”, ngài nói với gã thu tiền tham lam và rảo cẳng đi mất.
Cuối cùng ngài dừng bước trước một ngôi nhà đang xây. Đám người làm việc hối hả khiến ngài rất ấn tượng. Ngài chỉ ghét tiếng động ồn ào. Và cái đống màu xám mà họ đang trộn trong máng là gì?
“Chúc quý vị một ngày tốt lành!” – một ông già, có vẻ như người đi thu tiền bán trái phiếu mới phát hành, chìa tay ra. Ngài bộ trưởng dặn ông ta đến văn phòng.
Khắp nơi có những điều bất ngờ: trong một loạt tủ kính ngài thấy hình các cô gái bán khỏa thân! Ngài bộ trưởng ngó lên: đúng rồi, biết ngay mà, rạp phim! Ngài thấy hứng khởi, rốt cuộc ngài có dịp đi xem phim. Thông thường ngài bận tối mắt.
Ngài gõ ô cửa sắt đóng im ỉm. Ngài gõ nhiều lần mới có một khuôn mặt phụ nữ nhăn nheo ngó ra: “Có chuyện gì?”.
“Tôi muốn xem phim”.
“Vào giờ này? Buổi chiếu đầu tiên là bốn giờ chiều”.
“Chiều thì tôi bận”.
Ô cửa sắt đóng sập lại.
Ở góc phố kế tiếp có một cái ôtô to tướng, dài ngoằng, sơn vàng, nhiều người đang leo lên. À, xe buýt! Ngài bộ trưởng nhớ ra. Vừa tuần trước Quốc hội phê chuẩn cho công ty vận tải nội đô tăng ngân sách thêm 11,5%. Vậy thì mình cũng lên xe được.
“Số 71 phố Hajarkon”, ngài nói với lái xe.
“Tầng mấy?”.
“Hả?”.
“Biến ngay khỏi bậc lên xuống!”.
Lái xe bấm nút đóng cửa và xe vút đi.
Quả là một thế giới đầy bất trắc với những quy định kỳ quái. Ngài bộ trưởng cố định hướng mà không nhận ra mình ở đâu vì thiếu những dấu hiệu đáng tin cậy – như khách sạn Hilton hay nhà hàng đặc sản.
Người ngợm như nước chảy quanh ngài. Thì ra đây là dân tộc ta, là nhân dân, là đám cử tri. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất thì một phần ba đám người lạ hoắc này sẽ bỏ phiếu cho ngài trong tháng mười tới. Ngài bộ trưởng yêu họ lắm.
May quá, sau bao khúc đường quanh co lắt léo ngài đã quay lại chiếc Mercedes của mình; vừa vặn thấy lái xe Aaron tiến lại.
“Hai kỳ thưởng bổ sung mỗi năm và tăng tiền nghỉ phép”, Aaron nói.
Cuộc đình công chấm dứt. Họ lên xe. Aaron khởi động máy.
Và từ cuộc phiêu lưu ở một hành tinh lạ, ngài bộ trưởng quay về thế giới thường nhật của mình.
– Ephraim Kishon