Trong cuộc săn lùng phù thủy rùng rợn nhất tại Mỹ vào thế kỷ 17, 14 phụ nữ và 5 đàn ông đã bị đem ra treo cổ trước đám đông. Tất cả đều bị kết tội tại phiên tòa xét xử và truy tố phù thủy ở Salem, Massachusetts, Mỹ. Chỉ có điều các biện pháp được bày ra để nhận diện phù thủy thì vừa điên rồ lại vừa phi lý.
Lịch sử Mỹ sẽ mãi ghi nhớ khoảng thời gian tăm tối nhất này vào thế kỷ 17. Chỉ từ tháng 2-1692 đến tháng 5-1693, Salem Witch Trials, phiên tòa xét xử và truy tố những người bị tình nghi là phù thủy tại Massachusetts đã buộc tội hơn 200 người, treo cổ 19 người. Lẽ dĩ nhiên, tất cả họ đều là những người vô tội. Vì làm gì có cái gọi là phù thủy giữa đời thường. Chỉ nội việc tin rằng tồn tại “phù thủy” thôi cũng đã đủ nực cười rồi.
Tất nhiên là mọi chuyện, dù vô lý đến đâu, cũng đều có nguyên do của nó. Với cuộc săn lùng phù thủy ở Mỹ, nó bắt đầu từ nỗi bất an liên quan đến định kiến đối với bệnh tâm thần. Khi thấy có ai đó lên cơn động kinh hoặc có hành động, thái độ không bình thường, người ta đều đổ lỗi cho ma quỷ hay phù thủy, tin rằng chính các thế lực siêu nhiên đen tối, xấu xa này cố ý ám hại hoặc nguyền rủa.
Tháng 1-1692 tại Salem, con gái và cháu gái của ông mục sư Samuel Parris lên cơn động kinh. Bác sĩ, sau khi chữa chạy thất bại, đã lớn tiếng tuyên bố cả hai cô bé này đều bị phù thủy nguyền rủa. Cuộc săn lùng phù thủy bắt đầu. Hàng trăm người (chủ yếu là phụ nữ) bị bắt giam, lôi ra trước vành móng ngựa. Họ buộc phải tự biện hộ, thuận lợi trải qua các “thử thách” để chứng minh mình không phải là phù thủy. Nếu thất bại, giá treo cổ đã đợi sẵn ở bên ngoài.
Ăn “bánh phù thủy”
Có lẽ bạn đang thắc mắc “bánh phù thủy” là cái quái quỷ gì? Xin thưa rằng đó là cái bánh được làm bằng hỗn hợp bột lúa mạch đen, chả thịt và… nước tiểu của “người bị phù thủy phù phép mà đổ bệnh”. Hầu hết những người này đều là bệnh nhân ốm liệt giường. Người dân Salem chắc mẩm rằng ma thuật đen tối của phù thủy vẫn nằm trong nước tiểu của “các nạn nhân bị nguyền rủa”. Thế nên nó sẽ “cắn ngược” trở lại phù thủy nếu họ bị ép phải nuốt chính “lời nguyền rủa” của mình.
Muốn chứng minh bản thân trong sạch, các “đối tượng” bị tình nghi sẽ phải nhai và nuốt chiếc bánh kinh khủng ấy mà không được tỏ ra ghê tởm hay sợ hãi. Nếu người nào vừa ăn mà lại vừa khóc lóc hay tỏ vẻ đau đớn, khổ sở, người đó đích thị là… phù thủy.
- Xem thêm: Những câu chuyện bình phục như phép màu
So cân với chồng Kinh Thánh
Có một chồng Kinh Thánh ở Salem Witch Trials và cũng chỉ có duy nhất một cách để một người bị hàm oan chứng minh được sự vô tội: đó là cân nặng của họ phải đúng bằng với cân nặng của chồng sách ấy. Không mấy nạn nhân là vượt được qua “thử thách” này. Thật may là vẫn còn cả 9 “cửa ải” nữa! Nếu không thì con số người bị treo cổ ở “vùng đất phù thủy” chắc chắn đã chẳng dừng lại ở 19 nạn nhân.
Bị đâm bằng dao
Phù thủy là người… “đao thương bất nhập”. Thế nên dao, kiếm cũng được lôi ra để thử nghiệm. Các “đối tượng tình nghi” sẽ bị đặt lên bàn, còn thợ săn phù thủy thì lấy dao đâm vào người họ. Nếu bị thương và chảy máu, đó là người. Còn nếu không hề bị thương hay đổ máu, đó nhất định là phù thủy.
Lẽ dĩ nhiên là ai bị dao đâm trúng cũng sẽ bị thương và chảy máu mà thôi. Nhưng khốn khổ và khốn nạn ở chỗ một vài thợ săn phù thủy sẽ vì thù hằn (hoặc vì tiếng tăm) mà đi lấy loại dao, kiếm có thể tự thu lưỡi vào (thường được dùng trong các đoàn xiếc) để qua mắt quần chúng và quan tòa, từ đó dễ bề ám hại người vô tội.
Lẩm bẩm một mình
Một trong số 14 phụ nữ sớm bị hành hình trong cuộc săn lùng phù thủy này là Sarah Good. Bình thường, Good có thói quen thích lẩm bẩm một mình và chỉ đến khi bị lôi ra khỏi cửa, cô mới kinh hoàng nhận ra là mình cũng có thể mất mạng chỉ vì thói quen chẳng hại gì đến ai ấy.
Trước vành móng ngựa, Good nỗ lực phân trần. Cô bảo rằng mình chỉ đang nhẩm lại thánh thi hay giới luật cho khỏi quên mà thôi, nhưng không ai buồn nghe cả. Ngày 19-7-1692, Good bị đem ra treo cổ.
Đọc Kinh Thánh
Người dân Salem bảo rằng phù thủy không đọc được Kinh Thánh, không thể nói những lời trong sáng. Thực tế thì trừ người không biết chữ ra, có ai lại không đọc được Kinh Thánh? Thế nên, khi George Burroughs, một trong 5 người đàn ông đã bị hành hình vì tội “là phù thủy”, bị dẫn đến trước giá treo cổ, ông vẫn còn một cách để chứng minh sự trong sạch của mình. Đó là đọc thật to kinh Lạy Cha (Lord’s Prayer). Ai nấy nghi nghi hoặc hoặc. Nếu Burroughs đã có thể đọc vanh vách kinh Lạy Cha thì có thể nào ông thật sự không phải là phù thủy như kết án của Salem chăng?
Burroughs có lẽ cũng đang nghĩ bằng việc này, ông sẽ thoát được sợi dây treo cổ. Ai dè Cotton Mather, một thẩm phán của Salem lại đứng lên, áp đảo những lời xầm xì bằng khẳng định: “Chính ma quỷ đã xúi giục, mớn lời cho Burroughs để ông ta có thể thoát thân”. Đến đây thì mọi hy vọng của người đàn ông xấu số đã tiêu tan. Khi mà quan tòa lại phán là Satan đang đứng ngay bên cạnh Burroughs thì số phận cũng đã an bài rằng linh hồn của thể xác kia phải lên thiên đường qua vòng thòng lọng rồi.
Không phản đối lời buộc tội
Khi bị các thợ săn phù thủy lôi tới Salem, Rebecca Nurse đã 71 tuổi. Cả đời bà sống tử tế nên ai nấy cũng đều kính nể. Người ta không ngừng nghi ngờ thợ săn phù thủy, tin rằng Nurse chẳng tội tình gì. Sự thật là sau phiên xét xử thứ nhất, Salem Witch Trials cũng đã cân nhắc tới việc sẽ tha bổng Nurse. Nhưng rồi vì vài lời cáo buộc vớ vẩn, họ lại do dự. Và rồi có người chỉ tay: “Bà ấy cũng chỉ là một trong số chúng tôi” (còn chưa rõ “chúng tôi” ở đây có phải là “phù thủy” hay không), còn Nurse thì vì nghễnh ngãng nên đã không nói gì, Salem liền lập tức thay đổi phán quyết, đem bà ra treo cổ.
Có chuột hay ruồi ghé phòng giam
Trước khi bị xét xử, tất cả các nạn nhân bị nghi ngờ là phù thủy đều bị giam giữ. Người ta sẽ để ý các phòng giam. Nếu phòng giam nào mà có ruồi bay tới hay chuột chạy vào, kẻ bị nhốt trong ấy lập tức bị quy là phù thủy. Lý do: chuột và ruồi chính là tay sai của ác quỷ. Chúng chỉ có thể tới được nhà giam khi “phù thủy” đã làm phép triệu hồi.
Đối nghịch Salem Witch Trials
Sau ba tháng làm công việc đưa các “bị cáo phù thủy” ra tòa, cảnh vệ John Willard cuối cùng cũng thấy phát ốm lên được. Ông không hiểu tại sao họ lại bị bắt, càng không hiểu tại sao họ lại bị kết tội và hành hình. Vì chịu không nổi sự vô lý của cái gọi là “phiên tòa xét xử phù thủy”, Willard tuyên bố bỏ việc. Trước khi rời Salem Witch Trials, ông cũng không quên buông thêm một câu mỉa mai: “Cứ treo cổ hết đi, tất cả bọn họ đều là phù thủy đấy”. Lập tức, Salem kết tội Willard là phù thủy và lôi ra xử chết.
Mơ không bình thường
Ngủ mơ thấy gì thì có tội tình gì. Vậy mà Sarah Osborne lại bị chỉ điểm là phù thủy chỉ vì trót lỡ kể ra một giấc mơ kỳ lạ. Đó là giấc mơ “thấy mình bị một người Ấn Độ quấn tóc vào người rồi lôi ra khỏi nhà”. Salem bảo rằng một người Mỹ bình thường thì không thể mơ thấy cái gì đó không liên quan đến Mỹ. Thế nên Osborne, vì mơ thấy người Ấn Độ, cũng thuộc diện tình nghi và bị bắt giam. Trước tòa, Osborne điên cuồng chống đối. Tiếc là bà lại qua đời trong lúc đang bị giam, chưa kịp đi đến phiên xét xử cuối cùng.
Kết hôn nhiều hơn một lần
Các thẩm phán của Salem Witch Trials phân tích như sau: chỉ có đàn bà bị ma quỷ mê hoặc, xúi bẩy mới bỏ người chồng đầu tiên đi lấy người chồng thứ hai, thứ ba… Thế nên phụ nữ từng ly dị hoặc kết hôn nhiều hơn một lần sẽ rất dễ bị viết tên vào danh sách “nghi ngờ là phù thủy”. Và nếu đức phu quân thứ nhất của những chị em này lại đã “xanh cỏ” rồi, Salem sẽ thêm luôn cho họ một “tình nghi” nữa. Đó là “có thể đã phạm tội sát phu”.