Từ những xã hội hình thành sớm nhất trong thời cổ đại, nam giới đã giữ vai trò thống trị trong khi phụ nữ chỉ ở địa vị như những công dân hạng hai.
Hầu như xuyên suốt lịch sử loài người, phụ nữ bị bó buộc vào khuôn phép và phải đấu tranh chật vật để có được một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cuộc sống của họ trong thời cổ đại chẳng khác gì một bộ phim kinh dị. Họ thường xuyên phải đối mặt với những sự việc căng thẳng, đẩy cuộc đời họ vào một cơn ác mộng triền miên.
Các bé gái mới sinh thường bị bỏ rơi đến chết
Ở Hy Lạp cổ đại, việc cha mẹ vứt bỏ đứa con gái mới sinh ở những nơi hoang vắng, phó mặc chuyện sống chết cho Trời là khá phổ biến. “Họ sẵn sàng nuôi con trai cho dù gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn”, một nhà văn Hy Lạp viết, “nhưng lại thẳng tay vứt bỏ một bé gái ngay cả khi họ là những người giàu có”.
Tại La Mã, việc vứt bỏ các bé gái cũng là chuyện phổ biến, đặc biệt là trong các gia đình nghèo. Người ta tìm được một hồ sơ lưu trữ có ghi lại việc một người La Mã thuộc tầng lớp thấp nói với vợ mình khi biết bà ta có thai. “Một đứa con gái sẽ là gánh nặng và chúng ta lại không có tiền”, ông nói với vợ. “Nếu bà sinh con gái, chúng ta sẽ phải giết nó”.
Ngay cả ở Ai Cập, nơi mà phụ nữ có được quyền bình đẳng tương đối, người nghèo cũng thường bỏ rơi trẻ sơ sinh cho đến chết. “Trường hợp bà sinh con trước khi tôi trở về”, một người đàn ông Ai Cập viết thư cho vợ mình, “nếu là con trai, hãy để nó sống; còn nếu là con gái, hãy vứt bỏ nó”.
Đàn ông không được tiếp xúc với phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt
Nhà triết học tự nhiên người La Mã Pliny The Elder đã viết như sau: “Nếu ta mang sữa đến gần một phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt, sữa sẽ bị chua”. Ông cho rằng phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt có thể giết chết mọi thứ họ nhìn, chẳng hạn như “một đàn ong sẽ lăn ra chết ngay lập tức nếu bị họ nhìn thấy”.
Ở Ai Cập, những phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt sẽ phải ở riêng trong những căn nhà xây dựng đặc biệt mà đàn ông không được phép vào. Và điều này không chỉ xảy ra ở Ai Cập. Người Do Thái thậm chí không chạm vào bất cứ một phụ nữ nào khi họ có kinh, hoặc bất cứ thứ gì mà cô ta đụng vào. Họ cho rằng “mọi thứ mà cô ấy ngồi lên hoặc tiếp xúc sẽ bị ô uế”. Còn ở Hawaii, những người đàn ông bước vào túp lều dành cho phụ nữ tạm trú trong kỳ kinh nguyệt có nguy cơ bị xử tội chết.
Người Papua New Guinea bản địa đã đẩy việc kiêng cữ này lên mức độ cao nhất. Nếu một người đàn ông chạm vào một phụ nữ đang có kinh nguyệt, họ tin rằng nó sẽ “làm máu của anh ta chuyển sang màu đen, làm anh ta trở nên đần độn, và dẫn đến một cái chết chậm chạp và đau đớn”.
Không còn trinh tiết sẽ bị tuyên án tử hình
Ở Hy Lạp, nếu một người cha phát hiện cô con gái chưa lập gia đình của ông đã “ngủ” với trai, ông ta có thể bán cô gái làm nô lệ một cách hợp pháp. Người Samoa đảm bảo rằng người vợ mà họ cưới phải là trinh nữ – và mọi người đều biết điều đó. Trong đám cưới của người Samoa, tộc trưởng sẽ dùng ngón tay xuyên thủng màn trinh của cô dâu trước những người tham dự để chứng minh rằng cô ấy vẫn còn trinh tiết.
Tại La Mã nếu một nữ tu thờ phụng nữ thần Vesta bị mất trinh tiết trước khi đến 30 tuổi sẽ bị chôn sống. Còn ở Do Thái cổ đại, luật lệ này thậm chí được áp dụng cho tất cả phụ nữ. Bất cứ người phụ nữ nào không còn trinh tiết trước khi kết hôn đều có thể bị ném đá cho đến chết.
Cưỡng hiếp phụ nữ không phải là một tội ác
Tại La Mã, các chủ nô xem việc nô lệ phục vụ tình dục như là một phần công việc của họ. Rắc rối duy nhất mà một người có thể gặp phải khi ngủ với một nô lệ là cô ta thuộc về một chủ nô khác và họ đã không hỏi ý trước. Thậm chí sau khi sự việc xảy ra, chuyện đó cũng không được xem là hiếp dâm – nó chỉ được xem là bị thiệt hại về tài sản.
Có một số công việc mà phụ nữ sẽ không thể tố cáo là họ bị cưỡng hiếp, bất kể là chuyện gì đã xảy ra với họ. Gái mại dâm không thể cáo buộc bất cứ ai đã hiếp dâm họ. Các nhân viên phục vụ nữ và nữ diễn viên cũng được xem là những người sẵn lòng tham gia vào chuyện tình dục cho dù họ bị ép buộc. Trong một trường hợp, một nữ diễn viên bị hiếp dâm tập thể và tòa án đã từ chối tiếp nhận lời tố cáo của cô. Những người đàn ông tấn công cô, theo quan điểm của nhà chức trách, chỉ đơn giản là “một hành động phù hợp với truyền thống đã có từ lâu tại một sự kiện có tổ chức”.
- Xem thêm: Những phiên bản song sinh kỳ lạ
Vào thời Trung cổ, thánh Augustine được coi là một nhân vật tiến bộ khi cho rằng các phụ nữ bị cưỡng hiếp không cần phải tự sát. Mặc dù, ông cũng nói bóng gió rằng có một số phụ nữ đã không hề chống cự khi chuyện đó xảy ra.
Cô dâu thường bị bắt cóc trong thời cổ đại
Tại một số địa phương ở Trung Quốc, tục lệ bắt cóc cô dâu vẫn còn duy trì cho đến những năm 1940. Ở Nhật Bản, vụ bắt cóc cô dâu lần cuối cùng được báo cáo xảy ra vào năm 1959. Tình trạng bắt cóc cô dâu ở Ireland lan truyền rộng rãi vào những năm 1800. Và ngay cả trong Kinh thánh cũng kể lại câu chuyện về những người đàn ông đã tàn sát cả làng và bắt những trinh nữ mang về làm vợ.
La Mã thậm chí sẽ không tồn tại nếu không có chuyện bắt cóc cô dâu. Truyền thuyết về sự hình thành đất nước La Mã bắt đầu với việc những người đàn ông bắt cóc phụ nữ Sabine. Trong câu chuyện, Romulus (vị vua đầu tiên của đế quốc La mã) đã nói rằng những người phụ nữ rất vui khi bị bắt cóc bởi vì họ cảm thấy khá may mắn khi được “sống trong một cuộc hôn nhân với đầy đủ phẩm giá”.
Phụ nữ bị buộc phải giết con của họ
Những đứa trẻ ốm yếu bị giết chết không chỉ là chuyện xảy ra ở Sparta (đất nước nổi tiếng với những chiến binh khỏe mạnh và dũng cảm). Ở hầu hết các quốc gia, khi phụ nữ sinh ra một đứa trẻ dị dạng, cô ấy sẽ phải giết nó. Ở La Mã, đó là luật. Nó ghi rõ rằng: “Một đứa trẻ bị biến dạng khủng khiếp sẽ bị giết một cách nhanh nhất”.
Nếu một đứa trẻ La Mã sinh ra bị khuyết tật, người mẹ có hai lựa chọn. Cô ta có thể bóp chết nó, hoặc thường xảy ra hơn là có thể từ bỏ nó. Một số nơi còn lưu lại dấu tích của sự thật kinh khủng này. Trên bờ biển Israel, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương cốt của khoảng 100 em bé trong miệng cống của thành phố.
Việc giết chết trẻ em ốm yếu xảy ra rất nhiều vào thời cổ đại. Chúng ta không thể biết chính xác số lượng trẻ em bị bỏ rơi đến chết, nhưng người ta tin rằng cứ bốn trẻ em La Mã thì có một đứa trẻ không qua được thôi nôi.
Phụ nữ căn bản là không được lên tiếng
Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, phụ nữ bị cấm đi ra khỏi nhà mà không có đàn ông theo cùng. Khi đến nơi, họ không được phép nói chuyện hay cùng ngồi ăn tối. Họ phải nghỉ ngơi trong phòng của họ, ngoài tầm mắt mọi người, vì sợ rằng sự hiện diện của một người phụ nữ sẽ quấy rầy sự tập trung của nam giới.
Ở Đan Mạch, những người phụ nữ ngang bướng, hay cãi nhau hoặc bộc lộ công khai sự tức giận của họ có thể sẽ bị cùm trong một dụng cụ gọi là “shrew’s fiddle”. Đây là một cái gông bằng gỗ có hình dạng giống như một cây đàn violon; nó sẽ được mang vào cổ và giữ cả hai tay người chịu hình phạt. Người bị cùm sẽ được diễu đi trên phố, chịu đựng sự nhục nhã, bị khinh rẻ trước mặt mọi người vì đã công khai thể hiện sự tức giận.
Người Anh thậm chí còn xử phạt tệ hơn. Họ bắt những phụ nữ hay sinh sự đeo một công cụ gọi là “scold’s bridle”, một chiếc mặt nạ kim loại với những chiếc răng sắc nhọn mà có một cái chuông đính vào. Mục đích là để cho mọi người nghe thấy tiếng chuông và tụ tập lại để chế giễu người phụ nữ thích gây chuyện.
Tội thông dâm sẽ bị nhục hình
Nếu một người phụ nữ có chồng bị bắt gặp gian dâm với một người đàn ông khác, cuộc đời cô ta xem như là đã kết thúc. Một người đàn ông La Mã có quyền giết chết vợ nếu bắt gặp cô ấy đang nằm trên giường với một người đàn ông khác. Ngay cả những người Puritans (Thanh giáo) dù rất ngoan đạo vẫn sẵn sàng tuyên án tử cho những kẻ ngoại tình.
Mặc dù vậy, chính những người đàn ông thời trung cổ, một lần nữa đã làm những điều tồi tệ nhất. Họ không chấp nhận việc chỉ giết vợ một cách đơn giản – họ muốn người vợ đã phản bội họ phải chịu đau khổ nhiều hơn. Ở thời trung cổ họ có một dụng cụ tra tấn khủng khiếp được gọi là “breast ripper”, dùng cho những phụ nữ ngoại tình.
Nó được nung cháy đỏ và đâm vào ngực của nữ tội nhân, xé toang bộ ngực với một sự đau đớn kinh hoàng và không ai có thể chịu đựng nổi sự tra tấn đó. “Breast ripper” thậm chí còn được áp dụng cho những trường hợp không phải là ngoại tình. Một người phụ nữ có thể bị kết án với hình phạt “breast ripper” chỉ vì họ bị sảy thai.
Phụ nữ phải chết theo chồng
Mãi cho đến thế kỷ 19, phụ nữ ở Ấn Độ khi người chồng qua đời họ sẽ phải bước lên giàn thiêu để cùng chết với chồng. Đôi khi trong chiến tranh, phụ nữ sẽ buộc phải tự thiêu trước khi chồng họ qua đời. Nếu cuộc vây hãm của quân thù làm cho mọi việc ngày càng xấu đi, tất cả phụ nữ trong làng sẽ tự thiêu cùng với con cái của họ.
Những người chồng chỉ im lặng đứng nhìn vợ con của họ hóa thành tro trong ngọn lửa. Và vào sáng hôm sau, họ sẽ bôi tro của vợ con lên mặt trước khi đi vào cuộc chiến sinh tử với kẻ thù. Những phụ nữ này tự tử chỉ để cho chồng của họ thêm một chút động lực.
Phụ nữ chỉ đi theo một con đường từ khi bắt đầu xã hội loài người
Ngay cả trước khi có lịch sử thành văn, các cuộc hôn nhân đầu tiên cũng chỉ đi theo một chiều. Các nhà khảo cổ khi khảo sát một di tích thời tiền sử ở châu Phi đã thấy rằng những người đàn ông đều chỉ sinh ra và lớn lên ở một nơi trong suốt cuộc đời; nhưng mỗi một phụ nữ đều được sinh ra ở những nơi khác nhau.
Điều đó có nghĩa là ngay cả những người hang động cũng đã có mối quan hệ một chiều. Những người vợ của họ đã chuyển từ nơi sinh sống cũ đến ngôi nhà mới khi bắt đầu xây dựng một gia đình. Điều quan trọng hơn là rất có khả năng những người phụ nữ này đã không tìm đến một cách tự nguyện. Nhiều khả năng họ có thể đã bị bắt cóc từ gia đình họ trong các bộ tộc khác và bị bắt lên giường của những kẻ đã bắt cóc họ.