Suốt bề dày lịch sử, phụ nữ không có cơ hội để vươn xa như nam giới. Họ bị hất hủi trong ngôi nhà chung của nhân loại, và mọi cánh cửa chỉ mở ra cho nam giới.
Theo cách tốt nhất, tên của họ được nhớ đến chỉ bởi đức hạnh hoặc được gắn với tên tuổi của một người đàn ông nổi tiếng.
Nhưng trong suốt hàng ngàn năm bị kiềm chế, đã xuất hiện những người phụ nữ nổi bật với khả năng vượt trội và không chấp nhận việc bị đẩy ra ngoài lề.
Trong một thế giới, nơi mà chỉ có đàn ông mới được phép thành công, những phụ nữ này đã cắt tóc, mặc y phục đàn ông và hoàn thành mọi việc mà ngay cả nam giới cũng phải bái phục.
1. Rena Kanokogi: người phụ nữ chiến thắng trong cuộc thi Judo dành cho nam giới
Từ khi còn nhỏ, Rena Kanokogi (nhũ danh Glickman) đã muốn trở thành một bậc thầy Judo (nhu đạo). Lớn lên ở Brooklyn, cô dành hết thời gian cho võ thuật với quyết tâm trở thành người giỏi nhất trên thế giới. Chỉ có một vấn đề: Rena là một phụ nữ.
Trong những năm 1950, khi Rena muốn được thi đấu thì oái oăm thay, không có cuộc thi judo nào dành cho nữ và cũng không có ai ngang tài ngang sức với cô.
Nhưng Rena không dễ dàng bỏ qua mong muốn thi đấu của mình. Cô đăng ký tham gia giải vô địch Judo YMCA năm 1959 của thành phố New York, một cuộc thi dành riêng cho nam giới.
Sở dĩ nữ giới không được phép tham gia cuộc thi vì các giám khảo cho rằng cơ thể họ yếu ớt nên không thể ganh đua với đàn ông.
Rena, mặc dù vậy, không chỉ chứng tỏ sự bình đẳng khi thi đấu; cô còn chứng tỏ mình giỏi hơn. Cô đánh thắng tất cả các đối thủ và rời võ đài với huy chương vàng trên ngực.
Nhưng cuối cùng, cô bị buộc phải từ bỏ nó. Các trọng tài có ý nghi ngờ Rena là phụ nữ, và khi bị chất vấn cô đã nói với họ sự thật. Dù phải từ bỏ huy chương nhưng Rena vẫn không hối tiếc.
Cô tin tưởng rằng bằng việc công nhận sự thật, cô đã góp phần vào việc hợp thức hóa môn Judo cho phái nữ, và điều đó còn quan trọng hơn bất kỳ huy chương nào.
Cô trở thành huấn luyện viên cho đội Judo nữ của Mỹ tham gia Olympic Seoul 1988 và cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt đẳng cấp đai đen đệ thất đẳng. Rena Kanokogi qua đời vào năm 2009 ở tuổi 74.
2. James Barry: người nữ bác sĩ đầu tiên thực hiện thành công việc sinh mổ
Margaret Ann Bulky sinh ra ở Ireland vào năm 1789; vào thời đó, phụ nữ bị cấm hành nghề y khoa. Gia đình cô đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi người chú ruột thường xuyên giúp đỡ họ bị bệnh chết, Margaret cảm thấy gánh nặng gia đình rơi xuống vai mình. Margaret đã lấy tên chú cô, James Barry, để ghi danh vào trường y.
Việc phải giả dạng đàn ông suốt ngày khiến cô trở nên lập dị trong mắt mọi người. Cô luôn mặc áo khoác ngoài cho dù thời tiết nóng như thế nào, cố tình nói bằng một giọng trầm và nhét vải vào các đôi giày để nó cao thêm 8cm, nhưng Margaret đã học rất tốt đến mức các giáo sư của cô bỏ qua những sự nghi ngờ của họ.
Đến năm 22 tuổi, cô là một trợ lý phẫu thuật quân y, và năm 1857 cô trở thành tổng thanh tra phụ trách tất cả các bệnh viện quân đội. Cô là một trong những chuyên gia y tế thành công nhất vào thời đó.
Trong thực tế, cô là bác sĩ đầu tiên phẫu thuật thành công một ca sinh mổ, cứu sống cả mẹ và con (một nguồn khác cho rằng Margaret là người đầu tiên thực hiện điều đó ở châu Phi hay ở Anh.)
Cô để lại một yêu cầu trong di chúc là được khâm liệm mà không thay đổi y phục cô mặc trước khi chết, không cần lau rửa cơ thể.
Ước muốn của cô, tuy nhiên, không được đáp ứng. Khi một nữ y tá thực hiện việc khâm liệm cho Margaret, cô ta phát hiện ra rằng một trong những người được hầu hết nam giới tôn trọng trong ngành y là một phụ nữ.
3. Khawlah Bint Al-Azwar: người phụ nữ lãnh đạo quân đội Hồi giáo chống lại đế chế Byzance
Khi những người Hồi giáo đầu tiên lãnh đạo quân đội chống lại đế chế Byzance vào thế kỷ 7, có một phụ nữ trẻ tên Khawlah bint al-Azwar cũng đi theo sau.
Anh trai cô, Dhiraar Ibn al-Azwar, là một chỉ huy trong quân đội. Khawlah đi cùng với một y tá để chắc chắn rằng sẽ có người sẵn sàng chữa thương của anh trai cô.
Khi anh trai Khawlah bị bắt trong cuộc bao vây thành phố Damascus, cô không cam chịu việc nhìn thấy anh mình phải chôn thân trong một nhà tù.
Cô mặc áo giáp, che mặt lại và thay thế vị trí anh mình để chiến đấu trên chiến trường cùng với những người đàn ông khác.
Khawlah đã chiến đấu dũng cảm đến mức tổng tư lệnh của quân Hồi giáo, Khalid Ibn Walid, muốn trực tiếp gặp cô để vinh danh như một anh hùng trong cuộc chiến. Toàn bộ quân đội đã bị sốc khi Khawlah để lộ mặt thật của cô.
Thay vì loại Khawlah ra khỏi quân đội, Khalid cho phép cô lãnh đạo một đội quân làm nhiệm vụ giải cứu anh trai cô.
- Xem thêm: Những chuyện khó tin về nụ hôn
Khawlah đã dẫn đầu một đoàn quân tấn công vào doanh trại Byzance, giải cứu anh trai và tất cả tù nhân chiến tranh đã bị quân Byzance bắt giữ.
Khawlah gia nhập quân đội kể từ đó. Cô là người phụ nữ duy nhất chiến đấu trong một đội quân toàn là đàn ông.
Khi bị quân Byzance bắt nhốt vào nhà tù dành cho phụ nữ. Khawlah đã trang bị cho các nữ tù nhân 10 cây cột và cọc lều, sau đó dẫn đầu đội quân nữ với trang bị thô sơ này phá ngục. Kết quả là 30 binh sĩ Byzance bị giết và Khawlah đã giải thoát cho tất cả các phụ nữ bị giam cầm.
4. Agnodice: nữ bác sĩ đầu tiên của Hy Lạp
Hy Lạp cổ đại là nơi khét tiếng về việc áp chế phụ nữ. Đó là nơi mà người phụ nữ được trông đợi sẽ giữ im lặng và tuân theo chồng của họ. Một nơi mà họ nói rằng: “Danh tiếng tốt nhất mà một người phụ nữ có thể có là không được ai nhắc đến”.
Vì vậy, một người phụ nữ thực hành y học ở Hy Lạp thì chắc chắn sẽ hứng chịu sự cay đắng nghiệt ngã. Nó gay gắt đến nỗi bất cứ người phụ nữ nào cố thử đặt chân vào ngành y sẽ bị kết án tử hình. Tuy vậy, theo nhà sử học La Mã Gaius Julius Hyginus, một phụ nữ tên là Agnodice vẫn dám làm điều đó.
Theo những câu chuyện được kể lại, Agnodice đã cải trang thành đàn ông, nghiên cứu y học và trở thành một trong những bác sĩ thành công nhất ở Athens.
Cô nhiệt tình giúp đỡ phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và được bệnh nhân của mình dành cho nhiều thiện cảm đến mức các đồng nghiệp nam cáo buộc là cô đã quyến rũ họ.
Các bác sĩ đồng nghiệp nghi ngờ Agnodice đã dụ dỗ bệnh nhân của cô bằng những cách bất hợp pháp, và họ đã đưa cô ra tòa vì tội lạm dụng tình dục bệnh nhân.
Trong phiên tòa, Agnodice đã làm họ ngỡ ngàng bằng cách tiết lộ rằng cô là một phụ nữ, mặc dù lời thú nhận này có thể dẫn cô đến cái chết.
Những bệnh nhân của Agnodice đã cứu sống cô. Khi quan tòa phán rằng Agnodice phải bị treo cổ, họ đã tràn vào tòa án, nhấn mạnh rằng Agnodice đã cách mạng hóa việc chăm sóc sức khoẻ phụ nữ.
Một phụ nữ nói với tòa án: “Ông hoàn toàn sai lầm khi kết án cô ấy vì đã chữa bệnh cho chúng tôi!”. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, quan tòa đã lắng nghe.
Agnodice được trắng án và được tiếp tục hành nghề y. Luật pháp ở Athens sau đó cũng đã thay đổi nhờ Agnodice, người phụ nữ được phép trở thành bác sĩ đầu tiên của Hy Lạp.
5. Charley “Chột mắt”: người phụ nữ đầu tiên được đi bầu tại Mỹ
Charley được sinh ra vào năm 1812 dưới cái tên Charlotte Parkhurst, nhưng khi lớn lên, cô đã đổi tên thành Charley, mặc quần hai ống và trở thành One-Eyed Charley (Charley Chột mắt): một trong những cái tên đáng sợ nhất ở miền Tây hoang dã.
Không giống như những người phụ nữ đã đề cập ở trên, Charley không chỉ cải trang vì yêu cầu công việc. Người ta tin rằng Charley tự xác định là một người đàn ông và quyết định sống như nam giới. Nhưng dù là nam hay nữ, Charley One-Eyed cũng đã ghi tên mình vào lịch sử.
Charley One-Eyed là một trong những chàng cao bồi khó nhằn nhất ở biên giới Mỹ. “Anh” đã mất đi mắt trái sau khi bị một con ngựa đá vào mặt, và điều này ít nhiều đã khiến anh cảm thấy cay đắng.
Charley làm công việc điều khiển xe ngựa chở hàng và nổi tiếng ở miền Tây hoang dã về tài bắn súng và sẵn sàng bóp cò khi cần thiết. Tên cướp Sugarfoot đã nếm mùi cay đắng khi cố tìm cách cướp xe hàng của One-Eyed Charley và nhận ngay một viên đạn vào bụng trước khi hắn kịp rút súng.
Không ai đặt câu hỏi về giới tính của Charley cho đến khi anh chết. Ngay cả với tư cách là đàn ông, Charley cũng có giọng nói ồm ồm không bình thường.
Đó không phải là chuyện màu mè mà vì thói quen nhai thuốc lá của Charley đã khiến anh bị ung thư vòm họng. Đó là lý do khiến mọi người bị sốc khi họ chôn cất Charley và nhận ra anh là một phụ nữ.
Tuy nhiên, đến lúc đó Charley đã làm được một điều xứng đáng ghi vào lịch sử. Năm 1867, anh đã đăng ký bỏ phiếu ở California và trở thành người phụ nữ đầu tiên được tham gia bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Mỹ.
6. Renee Bordereau: Người phụ nữ bị hoàng đế Napoléon treo thưởng cho cái đầu
Renee Bordereau đã bị mất 42 người thân trong cuộc cách mạng Pháp. Mặc dù cuộc cách mạng đã mang lại tự do, bình đẳng; nhưng mục tiêu của cách mạng Pháp đã không trực tiếp nhắm vào tầng lớp quý tộc.
Nhiều người trong nhà Bordereau, một gia đình nông dân, đã bị chết dưới bàn tay của giới quý tộc, kể cả cha Renee, người đã bị bắn chết trước mắt cô.
Khi phe bảo hoàng nổi dậy chống lại cuộc cách mạng tư sản năm 1793, Renee Bordereau lợi dụng cơ hội này để trả thù.
Cô cải trang và lấy tên anh trai Hyacinthe để tham gia vào cuộc chiến. Cô là một trong những chiến binh đáng sợ nhất trong quân đội hoàng gia.
Renee nổi tiếng vì khi chiến đấu cô giữ dây cương bằng miệng, để hai tay được tự do cầm kiếm và súng cùng một lúc. Điều đó làm cô có một trở nên đáng sợ. Mọi người đồn rằng trong trận chiến đầu tiên, cô đã giết 17 người đàn ông.
Người Pháp nghĩ rằng cô là người không thể giết được. Renee đã trải qua 200 trận chiến và nổi tiếng đến nỗi hoàng đế Napoléon đã treo thưởng 40.000 franc cho cái đầu của cô.
Trong khi đó, các đồng đội của cô nhận ra rằng người bạn chiến đấu gan lì nhất của họ là một phụ nữ. Nhưng họ vẫn giữ cô lại, và một trong những người lính đó chỉ vào cô và nói: “Thấy người lính đó có tay áo khác màu với áo khoác của anh ấy không? Đó là một cô gái dũng cảm và chiến đấu như sư tử”.
7. Kathrine Switzer: Người phụ nữ đầu tiên tham gia cuộc thi Marathon ở Boston
Vào những năm 1960, khi Katherine Switzer theo học tại Đại học Syracuse thì không có đội điền kinh (chạy việt dã) nào của nữ ở đó; nhưng cô quyết tâm thi chạy bằng mọi giá.
Cô gia nhập nhóm điền kinh duy nhất của trường, đội chạy việt dã nam và nói với huấn luyện viên của cô rằng cô muốn tham gia cuộc chạy Boston Marathon.
Vào thời điểm đó, phụ nữ bị cấm tham gia vào cuộc thi vì cho rằng thể trạng của họ không phù hợp để chạy đường dài, nhưng Switzer đã rất quyết tâm.
Huấn luyện viên không nghĩ rằng cô có thể làm điều đó. Để khuyên cô từ bỏ ý định, huấn luyện viên thách Switzer chạy đủ 42km trong lúc huấn luyện và Switzer, chỉ để chứng minh, đã chạy đến… 50km.
Để qua mặt các giám khảo, Switzer đã đăng ký cuộc thi Boston Marathon năm 1967 dưới cái tên KV Switzer.
Cô xuất hiện trong một chiếc áo khoác rộng thùng thình, hy vọng sẽ tránh được sự chú ý, nhưng việc ngụy trang của cô không có hiệu quả. Switzer cương quyết tô son trong khi cô chạy, làm cho mọi người thấy rõ đây không phải là đàn ông.
Switzer đã có một khởi đầu tuyệt vời, nhưng trong khi đang chạy, một thành viên ban tổ chức giận dữ khi thấy có một phụ nữ đang trên đường chạy marathon.
Ông ta xông vào đường đua để ngăn cản cô và hét lên: “Cút khỏi cuộc đua của tôi và đưa cho tôi số của cô!”.
Sự cố này làm đường đua náo loạn vì những người bạn của Switzer chạy ra để giúp đỡ cô. Với sự náo loạn này, Switzer không còn cơ hội chiến thắng. Nhưng với sự bướng bỉnh tuyệt đối, cô vẫn tiếp tục chạy đến vạch đích.
Switzer đã thua trong cuộc đua marathon đầu tiên của mình, nhưng sau đó cô đã tham gia cuộc thi chạy Marathon Boston thêm 7 lần nữa.
Cô cũng tham gia rất nhiều cuộc chạy marathon khác và giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc thi Marathon New York City vào năm 1974. Tại cuộc đua này, Switzer không chỉ giành vị trí đầu tiên mà cô còn về đích 27 phút trước khi người thứ hai vượt qua vạch đích.
8. Saint Marina: Bí mật về vị tu sĩ thánh thiện là một phụ nữ
Khi mẹ của Saint Marina qua đời, cha cô quyết định từ bỏ mọi thứ và trở thành một tu sĩ. Marina, không có nơi nào khác để đi, đã theo ông vào tu viện, cải trang thành nam giới và đổi tên thành “Marinos”.
Theo thời gian, Marinos trở thành một tu sĩ có uy tín trong tu viện. Tuy nhiên công sức gầy dựng bao năm đã bị phá vỡ khi con gái một chủ quán trọ địa phương mang thai và khẳng định rằng cha Marinos là thủ phạm.
Hiển nhiên là Marina không thể làm người đàn bà đó thụ thai, nhưng cô không lên tiếng thanh minh. Nếu cô làm thế, đứa bé sẽ phải chịu đựng một cuộc sống bất hạnh vì sự hất hủi của người mẹ. Và để đảm bảo đứa trẻ có cha mẹ, Marina giả vờ là cha và nhận nuôi nó.
Cô bị đuổi ra khỏi tu viện và chịu cảnh sống lang thang, phải cầu xin mọi người giúp đỡ để tồn tại. Tuy nhiên, cô đã cố gắng hết sức để chăm sóc đứa trẻ, làm việc với lòng sùng kính đến nỗi các tu sĩ đã nhận lại cô.
Khi đứa trẻ lớn lên và cũng trở thành tu sĩ, cả hai sống trong tu viện cùng nhau cho đến khi Marina qua đời. Chỉ đến khi tắm rửa và khâm liệm cho Marina, các tu sĩ mới phát hiện ra cô là phụ nữ và rõ ràng vô tội với mọi lời cáo buộc .
9. Trotula của xứ Salerno: Nữ bác sĩ phụ khoa đầu tiên trên thế giới
Trotula của xứ Salerno được xem là bác sĩ phụ khoa đầu tiên trên thế giới. Quay trở lại thế kỷ 11, cô là một bác sĩ có uy tín tại Ý, là chủ tịch y khoa tại Đại học Salerno.
Ở đó, cô xuất bản một loạt sách về chăm sóc sức khỏe, với hàng loạt ý tưởng giúp thay đổi cơ bản việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong nhiều thế kỷ.
Cô không bị buộc phải ăn mặc như đàn ông. Ở Ý vào thời đó đã chấp nhận một số ít bác sĩ nữ, và Trotula có thể làm việc mà không cần phải che giấu giới tính của mình.
Tuy nhiên, xuất bản sách lại là một chuyện khác. Các bác sĩ nam không thể chấp nhận việc phải đọc các luận thuyết về y học được viết ra bởi một phụ nữ; vì vậy, một số sách phải xuất bản dưới tên của một người đàn ông.
Trotula đã có vô số ý tưởng đột phá trong vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ, với những ý tưởng mới về hỗ trợ bệnh nhân trong vấn đề kinh nguyệt, thụ thai, mang thai và sinh con.
Cô chỉ định dùng thuốc giảm đau trong khi sinh mặc dù chúng bị cấm vào thời đó và là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng nam giới có thể phải chịu trách nhiệm trong vấn đề vô sinh.
Trong thời đại của mình, cô đã giành được sự tôn trọng và đối xử ngang bằng như các bác sĩ nam. Nhưng khi thời gian trôi qua, mọi người bắt đầu nghi ngờ Trotula không có khả năng làm những việc mà cô đã làm.
Trong thời kỳ Phục hưng, những cuốn sách y học của cô đã được tái bản dưới tên của một người đàn ông thay vì của chính mình. Ngay cả khi Trotula không giả vờ là một người đàn ông, những người khác lại giả làm cô ấy.
10. Jeanne Baret: Người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh thế giới
Không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu. Câu chuyện của Jeanne Baret, người phụ nữ ăn mặc như đàn ông để đi du lịch khắp thế giới, là một khoảnh khắc tuyệt vời trong lịch sử, nhưng nó kết thúc bằng một bi kịch.
Jeanne Baret đã tham gia vào cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới của Louis Antoine de Bougainville với tư cách là một nhà thực vật học năm 1766.
Bạn trai của cô, Philibert Commerson, cũng đã đăng ký chuyến đi từ trước và không muốn tách khỏi Baret nên thuyết phục cô ăn mặc như một thanh niên và đăng ký với vai trò là trợ lý cho Commerson.
Hai người đi thuyền vòng quanh thế giới với nhau, lần đầu tiên khám phá được vô số loài cây lạ và làm cho Baret trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Toàn bộ các chi thực vật mà họ phát hiện còn được đặt theo tên cô – Baretia.
Tuy nhiên, đoàn làm phim dần dần nhận ra rằng Baret là một phụ nữ. Theo tài liệu chính thức lưu hành trong nhiều năm qua ghi rằng những người bản xứ Tahiti nhận ra giới tính của Baret và nói lại với thủy thủ đoàn.
Nhưng gần đây hơn, các nhà sử học đã tìm thấy một tài liệu khác, được ghi lại trong 3 quyển tạp chí khác nhau dành cho nam giới, và sự thật đáng sợ hơn nhiều.
Khi con tàu của họ thả neo gần Papua New Guinea, 3 thành viên trong thủy thủ đoàn phát hiện ra Baret là phụ nữ đã đánh đập và cưỡng hiếp cô một cách tàn bạo.
Theo luật pháp những người này đáng ra phải bị treo cổ. Nhưng thủy thủ đoàn bao che lẫn nhau, để họ tự do trong khi Baret bị bỏ lại với thân thể đầy thương tích và một bào thai đang lớn dần trong bụng.
Baret đã làm nên lịch sử như người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Nhưng với tư cách là một người phụ nữ, cô đã phải trả một cái giá khủng khiếp cho điều này.