Sử dụng mớ quả siêu dính dấp, Pisonia – loài thực vật được mệnh danh là “cây bắt chim” treo những con mồi xấu số lủng lẳng trên cành hoặc dán chặt chúng xuống đất. Thi thể của chúng thối rữa. Tại vị trí xác chim mục nát, biến thành phân bón, rễ cây Pisonia nổi lên nốt sần như rễ họ đậu.
Chúng âm thầm hút dưỡng chất từ con mồi bẫy được, chuyển lên đầu ngọn, lại tiếp tục ươm nụ, trổ những chồi hoa xinh đẹp, cuối cùng sản sinh ra những chùm quả chết chóc, tái diễn hành động săn bắt còn thông minh hơn cả các loài động vật ăn thịt trong thế giới tự nhiên.
Nếu chỉ nhìn từ xa, “cây bắt chim” Pisonia, một thực vật có hoa thuộc họ Nyctaginaceae, cũng xanh tươi và bình dị như bao loài thực vật bình thường khác. Trên những phiến lá to rộng, chúng còn khoe những chùm hoa màu hồng nhạt nhỏ xinh đẹp dịu dàng. Song khi đến gần, bạn sẽ ớn lạnh hết cả sống lưng bởi từ trên thân cây đến dưới mặt đất xung quanh đều la liệt xác chim. Tất cả chúng đều bị quấn chặt bởi mớ quả Pisonia siêu dính và nặng, đến nỗi không cách nào cất cánh nổi, buộc lòng phải giã từ cuộc sống theo cách kinh khủng nhất trần đời.
Lấy côn trùng làm mồi dẫn dụ
Trên thế giới, Pisonia chủ yếu sinh trưởng tại các bờ biển nhiệt đới của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chúng được gọi theo tên của bác sĩ và nhà tự nhiên học người Hà Lan Willem Piso (1611-1678). Về cơ bản, thực vật này thuộc loài thân gỗ nhỏ, cao khoảng 6m hoặc hơn đôi chút. Chúng có mớ lá nhẵn, cành khá giòn và thân không mấy cứng cáp. Hè sang, những chùm nụ hoa Pisonia bắt đầu xuất hiện, mọc chi chít trên những nách lá đầu ngọn. Lá Pisonia to bản, có thể dài từ 22 – 40cm và rộng 15cm. Chúng cũng có loại không toàn một sắc xanh mà loang lổ những vệt màu kem.
Ngày trôi qua, chùm nụ Pisonia lớn dần, bung cánh nhỏ màu hồng nhạt, lan tỏa hương thơm ngát. Chính vì có lá đẹp và hoa thơm mà loài cây này còn thường được trồng để làm cảnh tại các quốc gia như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam… Như nhiều loại thực vật cần nhờ cậy động vật phát tán hạt giống, Pisonia cũng trang bị cho mình một chiến lược đặc biệt. Đó là tạo ra mớ quả dính và có móc nhỏ để bám chặt vào lông chim, thú, nhờ chúng mang tới nơi xa. Khi quả chín cũng là lúc Pisonia sản xuất ra chất nhựa dính dấp. Cũng chính tại lúc này, nó khởi động chiến lược bẫy chim thần sầu. Đầu tiên, đám quả siêu dính sẽ giữ chân đám côn trùng vô tình đậu trúng. Chỉ bằng sức của “con sâu cái kiến”, những côn trùng nhỏ bé không cách nào rút chân ra khỏi quả Pisonia, bắt buộc phải trở thành “mồi nhử” để Pisonia dụ dỗ đám chim háu đói.
Vừa no bụng lại vừa tiện bề phát tán
Trước những con mồi đứng im bất động, lũ chim chóc ăn côn trùng sẽ không cách nào thoát khỏi… động lòng. Chúng lập tức lao xuống mà tóm lấy, không biết rằng đó cũng chính là miếng ăn cuối cùng trong đời. Bằng mớ nhựa siêu dính, quả Pisonia bám chặt vào lông chim. Nhờ tồn tại theo hình thức chùm, chúng nhanh chóng quấn cả mớ vào cơ thể kẻ xấu số, nhiều đến nỗi con chim không sao thoát ra nổi. Nếu quá nhỏ nhẹ, chúng còn bị treo lủng lẳng ngay trên cành cây. Còn nếu đủ cân ký, chúng rớt bịch xuống đất. Càng vùng vẫy, quả Pisonia càng bám chặt. Con chim khốn khổ dần đuối sức, nằm bẹp chờ chết. Chúng có thể mất mạng vì đói khát, cũng có thể kết thúc cuộc đời bằng nỗi kinh hoàng lớn nhất: bị động vật săn mồi phát giác, xông tới xé xác.
Trải qua thời gian, xác chim chóc bị giết vì quả cây Pisonia dần mục rữa. Những hạt giống mắc trên thân thể nó cũng nảy mầm, nhưng phát triển rất chậm chạp, thường sớm chết yểu. Song điều này không quan trọng bởi một Pisonia không cần có thêm con cháu chen chân tranh giành đất sống với nó ngay dưới gốc cây. Cái đáng giá hơn cả từ xác của những con chim này là chúng sẽ bị phân hủy thành phân bón, thứ cực kỳ cần thiết cho cây Pisonia tiếp tục sinh trưởng trên nền đất ven biển vốn đã nghèo nàn chất dinh dưỡng. Tại mỗi vị trí có xác chim chết, người ta lại thấy rễ Pisonia nổi lên một nốt sần giống như rễ cây đỗ. Các nhà thực vật học tin chắc rằng loài cây này đã tiến hóa để lựa chọn giết chim mà xơi hơn là nhờ chúng phát tán hạt giống giúp.
Nhưng cũng đừng vội lo về vụ mở rộng địa bàn của nhà Pisonia! Không phải mọi con chim đáp xuống cành cây đều kết thúc cuộc đời bằng 2 cách chết hãi hùng trên. Một số đủ mạnh mẽ để thoát khỏi cây tử thần và bay mất dạng. Tất nhiên, những quả Pisonia do chúng mang đi sẽ rơi xuống, nảy mầm, đâm lá ở nơi khác. Sớm thôi, cây con sẽ phát triển thành cây lớn. Dù không được cha mẹ chỉ bảo, chúng vẫn biết làm sao để bẫy chim mà ăn, tái diễn vòng tuần hoàn giết chóc vô tận.
Biết chết vẫn đâm đầu vào
Theo ước tính của các nhà bảo vệ môi trường thì mỗi năm, Pisonia tàn sát cả hàng trăm ngàn con chim biển. Quái quỷ một nỗi là chim chóc, đặc biệt là chim biển, cứ bị hút vào cây Pisonia y hệt mạt sắt không thể thoát khỏi thanh nam châm. Bất chấp nguy cơ mất mạng, chúng liều lĩnh xông tới, đánh đổi tất cả cho bữa ăn ngon ngọt tiềm ẩn nguy cơ chết chóc trên các chùm quả Pisonia chín. Nhưng cũng phải thông cảm cho đám lông vũ bởi Pisonia biết khôn ngoan trổ bông và chín trái đúng vào dịp chim biển di cư hàng năm. Chúng cần cây cối để làm tổ, đẻ trứng, mà rừng Pisonia lại phơi phới vẫy gọi bằng tán lá xanh rậm rạp và vô vàn côn trùng ngon lành nằm yên chờ… bị xơi. Thật khó để những kẻ đói khát, vô gia cư thoát khỏi mê lực của “ngôi nhà cao sang” với bữa ăn sẵn sàng, đầy ắp món ngon khó cưỡng. Thế nên dù biết nguy hiểm, chúng vẫn mù quáng đâm đầu vào. Các nhà sinh vật thường ví Pisonia giống như ma phiến đối với chim biển. Chúng thi nhau lượn lờ quanh rừng cây, có do dự, đề phòng, nhưng cuối cùng vẫn đánh liều lao vào.
Thương đám lông vũ khổ sở bị quả Pisonia dính cứng, “không cất nổi mình mà bay”, các tổ chức hoạt động bảo tồn chim hoang dã cắt cử một đội ngũ nhân viên chuyên giải cứu chim khi mùa Pisonia chín về. Ấy vậy nhưng vừa thoát khỏi tay tử thần, lũ chim dại khờ lại đâm đầu vào “ma phiến” Pisonia tiếp. Với miếng mồi thơm ngon bất động, Pisonia tha thiết gọi mời, mê hoặc. Và đám “con nghiện” lại lần nữa lao vào để rồi kết thúc cuộc đời bằng khoảng thời gian cuối cùng kinh hoàng, đau đớn nhất.
Nhưng cũng như ma túy nếu biết tận dụng sẽ trở thành thuốc chữa bệnh, Pisonia cũng cung cấp cơ hội cho những loài lông vũ khôn ngoan. Rất nhiều loài chim, ví dụ như Anous minutus, chim điên chân đỏ (Sula sula)… đã nhờ có Pisonia mà có nơi làm tổ, đẻ trứng và nuôi dưỡng chim con. Không chỉ thế, cây Pisonia còn là “sân chơi” của nhà chim nhàn trắng (Gygis alba) ưa đùa với lửa. Thay vì tha rác làm tổ, loài chim này lại đi đẻ trứng luôn vào hõm cành Pisonia bị gãy mục. Nhưng kỳ lạ là dù chơ vơ giữa trời như thế, trứng chim nhàn trắng vẫn nở thành con. Tất nhiên, đó là trong trường hợp chúng không bị các loài bò sát xơi tái, chứ xét ra thì kiểu đặt trứng như vậy cũng chẳng khác nào mời động vật khác đến mà ăn.