Thông thường chúng ta đến với bảo tàng là để xem các vật phẩm trưng bày có ý nghĩa lịch sử, văn hoá và khoa học hoặc chúng ta đến vì những vật trưng bày đó kích thích sự tò mò của chúng ta.
Những bộ phận cơ thể con người trưng bày trong bảo tàng là thứ khêu gợi óc tò mò mà chúng ta không thể không đề cập đến. Chúng thuộc về những người nổi tiếng và những câu chuyện đằng sau chúng đôi khi vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta.
1. Răng và ngón tay của Galileo Galilei
Nhà thiên văn học nổi tiếng Galileo Galilei qua đời vào năm 1642. Đến năm 1737, xác ông được chuyển đến một ngôi mộ mới đối diện với mộ của Michelangelo ở Florence, Ý. Một số kẻ hâm mộ Galileo đã nắm lấy cơ hội để lấy cắp 3 ngón tay, một cái răng và một đốt xương sống từ xác ông.
Một ngón tay đã nằm lại tại Bảo tàng Lịch sử khoa học ở Florence, Ý.
Những ngón còn lại (ngón cái và ngón giữa) và một chiếc răng được lưu giữ trong một gia đình. Họ đã làm mất chúng trong thế kỷ 20, nhưng bằng cách nào đó chúng đã xuất hiện trở lại vào năm 2009. Vì không muốn các bộ phận cơ thể của Galileo lại bị mất lần nữa, Bảo tàng Lịch sử khoa học đã thương lượng mua lại các ngón tay và răng của Galileo và bây giờ chúng được trưng bày cùng với ngón tay thứ ba.
Bảo tàng cũng được đổi tên thành Bảo tàng Galileo. Họ có nhiều bộ phận cơ thể của Galileo hơn bất kỳ nơi nào khác. Trong khi đó, đốt sống của Galileo vẫn còn ở tại Trường Đại học Padua.
2. Bộ não của Albert Einstein
Một phần bộ não của Albert Einstein hiện đang nằm tại Bảo tàng Mutter ở Philadelphia. Einstein không bao giờ muốn bộ óc của mình được lưu giữ trong một bảo tàng. Ông muốn được hỏa táng sau khi chết, không để bất kỳ ai lợi dụng danh nghĩa của ông để thành lập giáo phái. Tuy nhiên, sau cái chết của Einstein vào ngày 18.4.1955, nhà nghiên cứu bệnh học Thomas Harvey đã lấy đi – hay đúng hơn, lấy trộm – bộ não và nhãn cầu của nhà vật lý nổi tiếng thế giới. Sau đó, gia đình Einstein cho phép Harvey được giữ lại bộ não với điều kiện là nó chỉ được sử dụng cho các mục đích khoa học.
Với sự trợ giúp từ phòng thí nghiệm của bác sĩ Marta Keller, Harvey đã cắt bộ não của Einstein thành 1.000 lát mõng, lồng chúng vào các phiến kính và gửi chúng tới nhiều nhà bệnh lý học. Tiến sĩ William Ehrich của bệnh viện đa khoa Philadelphia đã nhận được 46 phiến kính này.
Sau khi Ehrich qua đời, vợ ông đã chuyển chúng cho tiến sĩ Allen Steinberg và ông này đã đưa chúng cho tiến sĩ Lucy Rorke-Adams. Rorke-Adams sau đó đã tặng những phiến kính này cho viện bảo tàng Mutter. Gần 350 phiến kính cũng nằm tại Bảo tàng Y tế và sức khỏe quốc gia ở tiểu bang Maryland.
Bộ não của Einstein chỉ là một trong nhiều bộ phận cơ thể được lưu giữ tại Bảo tàng Mutter.
Tại đây cũng đang lưu giữ lá gan bị dính liền với nhau của hai anh em Chang và Eng Bunker (cặp song sinh người Thái Lan), xác của một phụ nữ Philadelphia được gọi là Soap Lady (vì thi thể của bà ta giống như sáp) và ruột già của một người bệnh dài 2,7m với 18kg… phân. Do vậy, chúng ta đừng thắc mắc khi khách tham quan thường được khuyên rằng không nên ăn gì trước khi đến thăm bảo tàng.
3. Cái đầu của Jeremy Bentham
Jeremy Bentham là một triết gia lập dị sống từ năm 1748 đến năm 1832. Khi dùng từ “lập dị”, người ta muốn nói rằng ông ấy gọi con mèo của ông là Đức cha hoặc Quý ngài John Langbourne. Bentham cũng yêu cầu thi thể của mình được bảo quản sau khi chết để ông có thể tham dự các bữa tiệc của bạn bè.
Đúng với nguyện vọng của Bentham, cơ thể của ông được bảo quản sau khi ông mất và hiện vẫn còn trưng bày tại Bảo tàng của Đại học London. Tuy nhiên, cái đầu thật của ông đã bị cắt ra khỏi cơ thể và thay thế một cái đầu được làm bằng sáp. Bentham có thể là người lập dị nhưng không đến mức yêu cầu tách đầu ông ra khỏi cơ thể. Cái đầu thật của ông đã bị cắt ra sau khi việc ướp xác xảy ra sai sót.
Bentham yêu cầu đầu của ông phải được ướp bằng phương pháp mà người Maori ở New Zealand sử dụng. Tuy nhiên, bạn ông, tiến sĩ Southwood Smith – người chịu trách nhiệm ướp xác – không nắm vững phương pháp ướp xác này và kết quả là cái đầu nhìn thật kinh khủng. Vì vậy, nó đã được cắt bỏ.
Cái đầu của Bentham sau đó được trưng bày trong bảo tàng, nhưng nó bị cất vào kho từ những năm 1990, sau khi bị các sinh viên từ một trường đại học đối nghịch tìm cách đánh cắp.
4. Dương vật “khổng lồ” của Grigori Rasputin
Grigori Rasputin là một người chữa bệnh bằng đức tin và là người cố vấn cho hoàng gia Romanov, vương triều cuối cùng trong lịch sử nước Nga, trước khi bị ám sát năm 1916. Ông là người có tính nết kỳ quặc, và điều duy nhất đặc biệt hơn tính cách Grigori là dương vật dài 33cm của ông. Hiện nay nó được trưng bày tại Bảo tàng Erotica ở St. Petersburg, Nga.
Theo lời con gái ông, Marie, 33cm là chiều dài “của quý” của cha cô khi nó ở trạng thái mềm. Khi được kích thích thì nó còn dài hơn nhiều. Để chúng ta tiện so sánh, chiều dài dương vật trung bình là 9,2cm khi mềm và 13,1cm khi cương cứng.
Làm thế nào mà dương vật bị lấy đi sau cái chết của Grigori vẫn còn là một bí ẩn. Theo một báo cáo thì những sát thủ đã cắt nó ra và một người hầu gái đến làm vệ sinh phòng vào hôm sau rất ấn tượng với thứ mà cô thấy đến mức cô đã lấy nó đi. Một báo cáo khác nói rằng một tình nhân cũ của Grigori đã lấy dương vật để làm kỷ niệm trong quá trình khám nghiệm tử thi.
Sau này, Marie đã tìm lại được dương vật của cha mình, nhưng nó lại biến mất khi cô qua đời vào năm 1977. Nó xuất hiện lần nữa khi một người tên là Michael Augustine cố tìm cách bán nó cho một nhà bán đấu giá. Tuy nhiên, dương vật đó cuối cùng chỉ là một con hải sâm phơi khô.
Dương vật thực sự nằm trong tay một nhà sưu tập Pháp. Ông ta đã bán nó cho một bác sĩ người Nga vào năm 2004. Vị bác sĩ này đã tặng nó cho viện bảo tàng, nơi nó được trưng bày cùng với những vật phẩm tình dục khác. Tuy nhiên, vẫn có những người nghi ngờ rằng dương vật ở viện bảo tàng không thuộc về Rasputin hoặc nó không thể thuộc về con người. Mặc dù vậy, điều đó không làm thay đổi thực tế là có một dương vật dài 33cm trong một viện bảo tàng Nga.
5. Cái đầu của Antonio Scarpa
Antonio Scarpa là nhà giải phẫu học và thần kinh học người Ý đã mất ngày 31.10.1832. Trước khi mất, ông làm việc tại Trường Đại học Pavia, nơi ông có nhiều kẻ thù hơn là bạn bè. Ông là một người kiêu ngạo, và mang tai tiếng vì hay lan truyền những tin đồn về người khác. Ông cũng là một người chỉ ban phát các cơ hội làm việc tại trường đại học cho bạn bè và các đứa con ngoài giá thú của mình.
Việc khám nghiệm tử thi của Scarpa được thực hiện bởi Carlo Beolchin, một cựu trợ lý của Scarpa, và ông ta đã cắt bỏ đầu, ngón tay cái, ngón trỏ và đường tiết niệu của Scarpa. Không ai biết chính xác lý do tại sao Beolchin lại loại bỏ các bộ phận ấy của Scarpa.
Một số người nói rằng Beolchin đã giữ gìn những bộ phận cơ thể này cho các thế hệ tương lai. Nhưng xét đến sự nhẫn tâm của Scarpa, ta cũng không loại trừ việc Beolchin muốn loại bỏ chúng khỏi người chủ cũ. Những kẻ thù địch với Scarpa, vì không thể nhúng tay vào thi thể của Scarpa, đã tìm cách loại bỏ đề nghị xây dựng một bức tượng bằng cẩm thạch để vinh danh Scarpa.
Ngoại trừ cái đầu, các phần bị cắt ra của Scarpa được lưu giữ tại một viện bảo tàng Ý. Đầu của nhà giải phẫu học ban đầu bị cất giấu, nhưng cuối cùng nó cũng xuất hiện trở lại khi nó được trưng bày tại bảo tàng truyền thống của đại học Pavia. Bảo tàng hiện đang sở hữu các bộ phận khác của Scarpa nhưng đã quyết định không trưng bày mà giữ chúng trong kho.
6. Bộ óc của Charles Babbage
Charles Babbage (26.12.1791 – 18.10.1871) là người phát minh ra máy tính hiện đại và được coi là “cha đẻ của máy tính”. Ngày nay, một nửa bộ não của ông nằm ở Bảo tàng Khoa học ở London, trong khi nửa còn lại nằm ở Bảo tàng Hunterian bên trong Trường Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở London. Không giống như Einstein, Babbage lai có mong ước bộ não của mình được lấy ra khỏi hộp sọ.
Trước khi chết vào năm 1871, Charles đã viết một lá thư cho người con trai tên là Henry, trong đó đề cập đến ý muốn về bộ não của ông. Charles nói rõ rằng không hề bận tâm đến việc bộ não của ông bị lấy đi và bảo quản sau khi ông chết với điều kiện là nó được dùng để thúc đẩy sự nghiệp khoa học.
Trong thư, Charles nói với Henry rằng ông muốn bộ não của mình “được xử lý theo bất kỳ cách nào (mà Henry nghĩ) là có lợi nhất cho sự tiến bộ của tri thức con người và lợi ích của nhân loại”.
7. Dương vật của Napoléon Bonaparte
Thất bại của Napoléon Bonaparte trong trận Waterloo là khởi đầu cho sự kết thúc của ông. Thứ nhất, ông đã mất ngôi vị ở Pháp. Thứ hai, ông bị người Anh bắt và bị lưu đày ở đảo St. Helena, nơi ông chết vì những nguyên nhân bí ẩn vào năm 1821. Thứ ba, ông bị mất dương vật trong cuộc khám nghiệm để xác định cái chết của ông.
Tiến sĩ Francesco Autommarchi, người đã thực hiện cuộc khám nghiệm, đã cắt lấy dương vật của Napoléon (nó chỉ dài 3,8cm) trước sự hiện diện của 17 người. Autommarchi đã trao nó cho linh mục Abbe Anges Paul Vignali, người đã thực hiện những nghi thức lễ tang cuối cùng cho Napoléon.
Một nhà sưu tập sách đã mua dương vật này vào năm 1924, trước khi nó được bán cho một người nào đó ở Philadelphia. Năm 1927, dương vật được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Pháp ở New York.
Một nhà báo của tạp chí Time đã nhìn thấy dương vật tại viện bảo tàng đã gọi nó là “một sợi dây giày bằng da hoẵng bị đối xử bạc đãi”. Dương vật sau đó được bán đấu giá cho John J. Lattimer vào năm 1977 và vẫn ở lại với gia đình Lattimer kể từ khi đó.
8. Cái sọ của tù trưởng Mkwana
Tù trưởng Mkwavinyika Munyigumba Mwamuyinga (còn gọi là tù trưởng Mkwawa) được người dân tưởng nhớ vì đã chống lại nước Đức xâm lược và chiếm đóng các vùng đất của bộ lạc Hehe ở Tanzania. Năm 1891, ông lãnh đạo bộ lạc Hehe nổi dậy chống lại thực dân Đức và thậm chí đã giết chết một sĩ quan cao cấp của Đức trong trận chiến. Quân Đức cuối cùng đã chiếm được các ngôi làng và pháo đài của Hehe. Nhưng họ vẫn không thể bắt được thủ lĩnh Mkwawa, vì sau đó ông đã dùng chiến thuật đánh du kích để chống lại quân Đức.
Năm 1898, tù trưởng Mkwawa tự bắn vào đầu sau khi ông bị quân đội Đức bao vây. Nhưng người Đức đã không để cho ông “thoát khỏi” dễ dàng như vậy. Họ đã lấy hộp sọ của ông và gửi nó tới Berlin.
Trong Thế chiến thứ nhất, người Hehe đã chiến đấu bên cạnh người Anh để chống lại quân đội Đức. Như chúng ta biết, nước Anh đã chiến thắng. Để khen thưởng những nỗ lực của người Hehe, chính phủ Anh đã đưa ra một điều khoản trong hiệp ước Versailles năm 1919, yêu cầu Đức phải trả lại cái đầu của Mkwawa cho Hehe.
Tuy nhiên, người Đức đã không tìm được hộp sọ Mkwana nên không thể trả lại cho bộ lạc Hehe. Sau Thế chiến thứ hai, ngài Edward Twining, thống đốc Tanganyika, đã tiếp tục công việc truy tìm hộp sọ của Mkwana. Ông đã lần theo dấu vết đến bảo tàng Bremen ở Đức. Ở đó, ông tìm thấy 2.000 hộp sọ, trong số đó có 84 hộp sọ đến từ Tanzania.
Chỉ có một hộp sọ là có một lỗ đạn bắn vào đầu; vì vậy, Twining nhận định rằng nó chính là hộp sọ của tù trưởng Mkwawa. Hộp sọ hiện được trưng bày tại nhà bảo tàng tưởng niệm Mkwawa ở Kalenga, Tanzania.
9. Bộ óc và bộ phận sinh dục của Sarah Baartman
Sarah Baartman sinh ra ở Đông Cape, Nam Phi, vào năm 1789. Cô bị một căn bệnh gọi là Steatopygia, gây ra sự dư thừa chất béo ở mông cô. Điều này làm cho mông cô to hơn bình thường nhiều lần và nó thường gây ra sự tò mò cho mọi người.
Tháng 10 năm 1810, cô đã ký vào một số giấy tờ – mặc dù bị mù chữ – cho phép bác sĩ phẫu thuật William Dunlop và Hendrik Cesars, chủ ngôi nhà mà cô đang giúp việc, đưa cô đến Anh để triển lãm.
Ở Anh, Baartman đã được trưng bày dưới cái tên “Hottentot Venus” (Vệ nữ ở Hottentot). Trong các màn trình diễn của mình, cô thường đeo hạt, lông vũ, quần áo bó sát tiệp với màu da và hút thuốc bằng tẩu. Cô đến Paris vào năm 1814 và chết tại đây vào một năm sau đó.
Sau cái chết của Baartman, nhà tự nhiên Georges Cuvier đã tiến hành giải phẫu tử thi. Bộ não, bộ xương và bộ phận sinh dục của Baartman được trưng bày tại Bảo tàng Man, Paris cho đến năm 1974. Sau yêu cầu của Tổng thống Nelson Mandela vào giữa những năm 1990, thi thể của Baartman cuối cùng đã về lại Nam Phi vào tháng 3.2002. Cô được chôn cất tại Hankey.
10. Cái sọ của Mata Hari
Mata Hari là một trong những gián điệp hàng đầu của thế kỷ 20, mặc dù việc cô đã làm gián điệp cho ai cho đến giờ vẫn là một chủ đề tranh cãi gay gắt. Các quốc gia mà cô phục vụ có thể là Pháp hoặc Đức, hoặc cả hai. Tuy nhiên, người Pháp đã hành hình Mata Hari vào ngày 15.10.1917 vì tội làm gián điệp cho Đức trong Thế chiến thứ nhất.
Một số người tin rằng Pháp chỉ sử dụng Mata Hari như là “vật tế thần” để giải thích những tổn thất của họ trong chiến tranh. Mata Hari là một gái mại dâm chuyên nghiệp nhưng có mối quan hệ sâu rộng với các quan chức hàng đầu của Đức. Điều này làm cho cô trở thành một vật tế thần hoàn hảo trong mắt người Pháp.
Thi thể của Mata Hari sau khi bị hành quyết đã được đưa đến một trường y ở Paris để các sinh viên thực hành về giải phẫu. Đầu của cô được cắt ra tại trường và được lưu giữ tại bảo tàng phẫu thuật, nhưng sau đó nó đã bị mất tích một cách bí ẩn.