Lê Bá Đảng sinh ngày 26-7-1921 tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông mất ngày 7-3-2015 tại Paris (Pháp).
Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đặt tại số 15 Lê Lợi – Huế vào năm 2006. Sau 12 năm hoạt động, bây giờ Trung tâm trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn đối với du khách đến Huế.
Đến từ “Cõi người ta”
“Cõi người ta” là chủ đề của cuộc triển lãm ông Lê Bá Đảng đem về làng Bích La Đông, nơi chôn nhau cắt rốn của mình năm 2002.
Từ đó đến nay, tôi đến Trung tâm Lê Bá Đảng nhiều lần rồi. Hôm nay, trời Huế đẹp, tôi không thích vào bên trong, chỉ đi thơ thẩn trong khuôn viên.
Vắng khách, chỉ có một mình tôi và cô gái trẻ ngồi bán ticket. “Đổi mới nghệ thuật mỹ thuật và đưa nó gần với cuộc sống” là tâm ý trong các tác phẩm Lê Bá Đảng tặng cho Huế thông qua Trung tâm nghệ thuật mang tên ông ở số 15 Lê Lợi, Huế.
Với 30/394 tác phẩm tranh, điêu khắc được làm từ nhiều chất liệu, ông đã đưa đến cho người xem cái nhìn khác và mới về điêu khắc đương đại nước nhà.
Lâu lắm rồi công chúng mới có dịp được thưởng thức một thứ điêu khắc với diện mạo “Tây không có. Tàu không có. Chỉ có ở Việt Nam” – Lê Bá Đảng nói.
Hằng ngày, khá đông du khách nước ngoài (10 người/1 người Việt) đến xem các tác phẩm điêu khắc của ông.
Lê Bá Đảng thuộc thế hệ người Việt đời đầu sang Pháp học và làm Mỹ thuật đương đại (1939). Con đường đến với mỹ thuật của ông là một lựa chọn tình thế: “Tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ”.
Sau sáu năm học tại Trường Mỹ thuật Toulouse, ông thành họa sĩ. Tốt nghiệp, ông tìm đường tới Paris bởi đây là kinh đô nghệ thuật của nhân loại.
Lê Bá Đảng kể về thuở hàn vi của mình: “Tôi quanh quẩn giữa Paris như người đầu đường xó chợ vì thiếu thốn tất cả”.
Ông nói mình là một người bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu làm nô lệ một trường phái nào, không chịu bắt chước ai, không Đông, không Tây.
- Xem thêm: Không gian tưởng nhớ Lê Bá Đảng
Có lẽ vì thế mà tranh của ông mang một phong cách riêng. Tính kiên nhẫn, chăm chỉ, bền chí của đa phần người Quảng Trị (ông là anh họ của TBT Lê Duẩn) đã đưa Lê Bá Đảng tới thành công.
Từ những bức tranh phải nài nỉ để gửi bán, ông dần được các chủ gallery đặt hàng vì tranh ông vẽ không kịp để bán.
Tranh của ông được mua và bán đi bán lại vào các phòng tranh danh tiếng trên thế giới. Có thời điểm, người Mỹ kêu rằng tranh Lê Bá Đảng đã chiếm hết thị trường của họ những năm 1990.
Tranh của Lê Bá Đảng có mặt tại 33 phòng tranh ở Mỹ. Ông tạo ra một khái niệm trong hội họa, gọi là “Không gian Lê Bá Đảng” (Le Ba Dang Espace).
Ông được Viện Quốc tế Saint Louis nước Mỹ trao tặng giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo” năm 1989.
Đại học Cambrige nước Anh bầu chọn ông là nhân vật nổi tiếng toàn cầu năm 1992. Nước Pháp tặng ông Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp vào năm 1994.
Tính kiên nhẫn, chăm chỉ, bền chí đã đưa Lê Bá Đảng tới thành công. Với những cách tân trong điêu khắc, hội họa ông được xem là những người tiên phong của thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đương đại (cùng thời với Picasso).
“Ông đã thành ông với truyền thống điêu khắc hàng ngàn năm của nước ta, với những vấn đề thẩm mỹ của xã hội hiện đại đòi hỏi sự kiếm tìm và trỗi dậy” – đánh giá của Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.
Chân trời vẫn mênh mông
Lê Bá Đảng đã thử nghiệm tác phẩm của mình trên nhiều chất liệu khác nhau và chủ đề cũng đa dạng phong phú rất nhiều.
Nếu điêu khắc truyền thống thiên về những chủ đề lịch sử, chứa đựng ý nghĩa lớn lao, thì ông với cảm quan Á + Âu lại đi sâu khai thác những chủ đề gần gũi với đời sống thường nhật.
Ông đem đến cho công chúng những cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Không quá cầu kỳ hình thức, không mang nặng tư tưởng truyền đạt nhưng các tác phẩm vẫn mang lại cho người xem những chiêm nghiệm về nhân sinh quan.
Chuỗi tác phẩm làm từ chất liệu nhôm với những hình người nhảy múa là hiện thân của những thân phận “văn phòng” bị bó buộc trong những không gian bức bách.
Các tác phẩm đã diễn tả được nỗi sợ hãi của con người trong xã hội hiện đại “máy lạnh + máy tính”.
Hình ảnh những gã đàn ông gai góc bên cạnh người đàn bà dịu dàng trong tác phẩm điêu khắc đá của ông mang lại cho người thưởng thức cảm giác yêu thương, sum họp gia đình.
“Những gì thể hiện trong tác phẩm đều rất gần gũi với tôi. Gợi tôi nhớ đến những kỷ niệm thời thơ ấu nơi làng quê yên bình và cuộc sống gia đình hạnh phúc êm đềm” – F. Jeannet du khách đến từ Pháp cho biết.
Hình thức đơn giản nhất là loạt tác phẩm làm từ chất liệu nhôm với gam vàng nhạt nhẹ nhàng. Ông đã đi vào khám phá vẻ đẹp giản dị của những con người quay cuồng trong xã hội đương đại.
“Tôi rất thích những tác phẩm này, bởi nó thật đơn giản, khi xem không có cảm giác nặng nề về tư tưởng” – cảm nhận của Henry – du khách đến từ Hà Lan khi đứng trước các tác phẩm.
Được biết Lê Bá Đảng thường lên ý tưởng cho những tác phẩm của mình trước. Sau khi có ý tưởng ông miệt mài bắt tay vào làm và chỉ mất hai đến ba ngày để hoàn thành.
Năm 1910, Julio Gonzales, họa sĩ trường phái “lập thể” chọn con đường sử dụng sắt để thể hiện ý tưởng của mình lần đầu tiên.
Tại khu vườn Trung tâm triển lãm trưng bày nhiều tác phẩm bằng sắt nhôm cắt, uốn, hàn. Các tác phẩm pha trộn giữa hiện thực và lập thể, rất ấn tượng.
Ông có ý tưởng phá vỡ sự lệ thuộc vào khối lượng, để chấp nhận không gian bên ngoài hòa quyện với bên trong như một vật liệu mới.
Nếu ngắm kỹ các tác phẩm của ông người xem sẽ bị hút mắt vào những sáng tạo vừa giản dị vừa bác học, vừa ngẫu hứng vừa lý trí nơi những đường cắt và những mối nối thiên tài.
Đưa vào không gian ba chiều khi ông nghiên cứu về giá trị của khoảng không như trong tác phẩm.
Trong khoảng không ông tạo ra những hình nhân khỏe khoắn và năng động. Ta dễ liên tưởng với Picasso trong việc dàn dựng các tác phẩm trừu tượng mà không làm mất đi những hình tượng.
- Xem thêm: Nghệ thuật giữa rừng ở Đại Lải
Những hình tượng người phụ nữ ngồi, tựa đầu, người đứng, thân thể dài,… là những khối điêu khắc thoạt nhìn tưởng như những khối hình trừu tượng, nhưng ngắm kỹ người xem đều nhận ra hình tượng nhân vật mà tác giả sáng tạo.
Hướng tác phẩm của mình tới những kích thước vừa phải, tác giả mong muốn những tác phẩm của mình sẽ phù hợp với không gian sống của người Việt chăng?
Các tác phẩm điêu khắc được tạo ra bất chấp bố cục, hình khối, chất liệu. Nhưng nó đem đến cho công chúng chiêm ngưỡng một không gian ấm cúng, nhu hòa. Cảm ơn ông đã đem sự ấm áp đến cho Huế, miền “ủ ê” mưa nhiều hơn nắng.