Khởi đầu từ năm 2015, chương trình nghệ thuật Art in the Forest (AIF) được tổ chức thường niên tại khu resort Flamingo Đại Lải (xã Ngọc Thanh, huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc); sau bốn năm AIF đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật, tập hợp được nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa cùng một số loại hình nghệ thuật đương đại (video art, sắp đặt) của các nghệ sĩ trong – ngoài nước. Đến với khu nghỉ dưỡng này vào mùa xuân, trong không khí thanh sạch của một vùng trung du tươi đẹp, thật thú vị khi được thưởng ngoạn các công trình điêu khắc hoành tráng giữa thiên nhiên cùng nhiều tác phẩm hội họa được trưng bày trong các container làm phòng tranh dã chiến.
Tọa lạc giữa một bên là hồ Đại Lải một bên là rừng thông bạt ngàn, Flamingo Đại Lải Resort không chỉ là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp năm sao mà đối với giới mỹ thuật đây còn là một không gian nghệ thuật quy mô lớn, được tổ chức, thực hiện hết sức chuyên nghiệp với sự đầu tư tâm huyết và công phu của Flamingo Group. Để có thể xem hết khoảng 50 tác phẩm điêu khắc qua bốn mùa AIF, phải ngồi xe điện của khu nghỉ dưỡng bởi chúng được đặt rải rác trong một diện tích rộng đến 123 hécta, từ cổng chính đến tòa nhà trung tâm của resort Flamingo – được gọi là “tòa nhà xanh nhất hành tinh” với hơn 75.000 cây xanh cùng hàng nghìn đóa hồng phủ quanh – rồi trải dài trên các con đường nội khu dẫn đến các cụm biệt thự, các hồ nước, sân golf… Có thể khẳng định không nơi nào tại Việt Nam, các công trình điêu khắc có quy mô như thế và cũng được tôn vinh như thế.
Chính điêu khắc ngoài trời được chọn làm bước khởi đầu cho AIF 2015: từ 31-10 đến 8-11-2015, 18 tác phẩm của 15 nghệ sĩ điêu khắc đương đại như Khổng Đỗ Tuyền, Lập Phương, Thái Nhật Minh, Phạm Bảo Sơn, Trần Văn An, Nguyễn Hồng Dương… đã ra đời tại Flamingo Đại Lải Resort. Bên cạnh đó là triển lãm tranh có tên “Sự xâm lấn” của họa sĩ Vũ Hồng Nguyên cũng là người chịu trách nhiệm tổng quát về chương trình nghệ thuật AIF.
Tiếp nối thành công của lần tổ chức đầu tiên, AIF lần thứ hai diễn ra vào những ngày cuối tháng 10-2016 với các tác phẩm điêu khắc của Khổng Đỗ Tuyền, Đàm Đăng Lại, Lê Lạng Lương, Nguyễn Ngọc Lâm và đặc biệt có sự góp mặt của nhà điêu khắc người Nhật Mukai Katsumi với cụm tác phẩm bằng gỗ Rừng tia nắng nặng đến hơn 26 tấn, mà theo triết lý sáng tác của ông thì “sự cộng sinh giữa con người với thiên nhiên là một trong những điều quan trọng nhất đối với chúng ta” và “thông qua việc sáng tác điêu khắc ở rất nhiều nơi trên thế giới, tôi trở nên quan tâm và bị tác động bởi sự khác nhau trong các cách thức sử dụng, ứng xử với gỗ. Tôi có cảm xúc mạnh mẽ trước các kết cấu bằng gỗ do người xưa làm, thật tài trí và tinh xảo”. Bên cạnh đó là phòng tranh “Hình bóng thiên đường” với 14 tác phẩm của hai họa sĩ Phạm Tuấn Tú và Trịnh Minh Tiến.
AIF 2017 diễn ra từ ngày 28-10 đến 6-11 với sự góp mặt của ba nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Vũ Bình Minh và các tên tuổi quốc tế Mukai Katsumi, Carlos Albert Andrés (Tây Ban Nha), Lee Jae Hyo (Hàn Quốc) và Yeo Chee Kiong (Singapore), những người đã lưu trú sáng tác tại đây từ tháng 9-2017. Và cũng lần đầu tiên AIF tổ chức trại sáng tác hội họa với sự tham gia của các họa sĩ Nguyễn Quân, Nguyễn Xuân Tiệp, Mạc Hoàng Thượng, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Sơn, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Xuân Long, Phạm Tuấn Tú, Trịnh Minh Tiến và Tuấn Mami; mỗi tác giả tự tổ chức không gian trưng bày tác phẩm trong chính studio của mình ở giữa rừng thông.
Năm 2018, AIF diễn ra vào tháng cuối năm với một tinh thần và diện mạo mới khi mà hầu hết các nghệ sĩ tham dự đều thuộc lứa tuổi 8X, 9X như Trần Thược, Hoàng Mai Thiệp (điêu khắc) và Tạ Duy, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hoàng Minh, Nguyễn Xuân Lục, Triệu Minh Hải, Hoàng Duy Vàng (hội họa). Ngoài ra, còn có một khách mời là nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ. Giống như AIF mùa trước, các nghệ sĩ đều có studio riêng để trưng bày các tác phẩm của mình và họ được ban tổ chức tạo điều kiện tối đa, hoàn toàn chủ động lựa chọn chất liệu để sáng tác. Tranh, tượng của AIF lần thứ tư được triển lãm từ ngày 1-12-2018 cho đến cuối tháng 5-2019.
Có thể nói, gần như một bảo tàng nghệ thuật đã từng bước được hình thành tại Flamingo Đại Lải Resort sau bốn kỳ AIF, nhất là với các tác phẩm điêu khắc kích thước rất lớn đặt giữa thiên nhiên, thỏa mãn thị giác của người xem đối với loại hình nghệ thuật này. Ở nhiều địa phương cũng từng có các trại sáng tác điêu khắc trong nước – quốc tế được tổ chức khá rầm rộ, tác phẩm được trưng bày ngoài trời cho công chúng thưởng lãm nhưng chỉ sau một thời gian nhiều bức tượng đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí bị hủy hoại bởi những kẻ thiếu ý thức. Có không ít các khu resort rộng lớn, các khu đô thị mới cao cấp trên cả nước nhưng việc đầu tư cho nghệ thuật chưa được coi trọng. Thế nên chương trình AIF của Flamingo Đại Lải Resort xứng đáng được coi là một hình mẫu về mặt nuôi dưỡng và trân trọng nghệ thuật của một đơn vị kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng.