Phong trào khởi nghiệp (startup) lục lọi vắt óc tìm nghề gì sống được, mở đủ loại trường đào tạo, từ nghề cao quý đến nghề lạ lẫm (các cụ xưa nghe hiểu… chết liền, những PR, Marketing, Digital…), nào là nghĩ ra đủ thứ món ăn, ngày nay có bao nhiêu món, đố ai thống kê được. Thế nhưng có một nghề đảm bảo sống khỏe như vậy mà ít người thực hiện quá.
Cái gì mà không phải học? Chửi giáo dục chán, bây giờ quay ra hóng… loại dữ nhất, như Fulbright chẳng hạn. Chứ các kiểu trường quốc tế thì cũng nhiều rồi (chẳng biết họ dạy cái gì, mà những đứa nhỏ xíu đi học một tháng đóng học phí có trường lên đến 50 triệu đồng).
Nay hóng Fulbright nhưng còn khá hoang mang. Mình có tiền đóng học phí cũng tốt thôi (giá nào dân Việt cũng có kẻ không ngán) nhưng ngại nhất là nghe những nghề họ đào tạo. Chẳng thấy… “hot”, chẳng đo được mức độ vơ vét bù lại, biết bao giờ mới hòa vốn, có lãi, như xưa nghe nói vào học… công an, du lịch, ngoại thương, ngân hàng?
Mà còn phải lo cái cách mạng… gì nghe nói “bốn chấm” (4.0), rằng sẽ “quét bay” những người làm ngân hàng, cái nghề xưa mê ly chen chân, nghe đã thấy mùi tiền. Ừ, đành rằng dạy bài bản, văn minh là quá tốt rồi, nhưng ở xứ ta chẳng mấy ai thích bài bản cả.
- Xem thêm: Tự làm ôsin
Bài bản đồng nghĩa với khổ và nhức đầu (không tin, cứ hỏi bất cứ cô cậu sinh viên nào ngay trong nhà mình coi, đứa nào cũng muốn “đi tắt đón đầu, sao xin được việc nhiều tiền mà không phải học”).
Thế nên cứ trường dạy ôsin là đảm bảo “ăn”. Là vì các bà nhà giàu, trung lưu, hoặc chưa giàu như vợ chồng một con làm nghề kỹ sư bác sĩ, làm thuê cho công ty nước ngoài chẳng hạn, “đi cày mờ mắt” đảm bảo sẽ vồ lấy “sản phẩm” ngay.
Nghe họ nói đây (giờ các công ty phải điều tra công phu để hiểu suy nghĩ bên trong của khách hàng, tốn khối tiền), giờ chỉ cần nghe các bà tâm sự thôi.
Loại trừ ngay lời kêu ca kiểu ôsin ăn cắp (tiền bạc của cải) hoặc ôsin ăn cướp (cướp mất… ông chủ). Cũng loại bỏ luôn lời kêu ca ôsin lười, lãng phí điện nước, bật điện sáng choang nước chảy ồ ồ.
Chủ đi vắng là nhảy lên sofa ngồi xem phim bộ Hàn Quốc. Cũng không kể luôn loại chủ đi vắng là lôi son phấn mỹ phẩm của chủ ra tô trát, lấy váy đầm của chủ “biểu diễn thời trang” trước gương… Chuyện ấy xưa rồi.
Bây giờ có cả ôsin người ngoại quốc đến cạnh tranh, nên lương cao lắm, phá giá luôn. Ở Thảo Điền (quận 2) đầy các cô người Philippines, làm theo giờ, nên sáng sáng họ vẫn ra bãi dụng cụ ngoài bờ sông tập, trông chẳng có gì là… đi ở. Lại còn nói tiếng Anh. Cao giá lắm. Nên các cô ôsin người Việt so sánh tỵ nạnh thấy mình thiệt thòi, mình khổ sở hầu hạ tối ngày mà lương lại thấp hơn.
Rồi khi mướn ôsin, các bà phải tìm hiểu, chồng con ra sao. Vì nhiều cô chồng chết, hoặc ly hôn thì… khỏe. Chứ loại có chồng con ở quê thì thôi rồi (lý do chính đáng, ai chẳng có gia đình), cứ xin phép về luôn.
Khi thì điện dưới quê lên con ốm, khi thì đám giỗ, đủ lý do. Có cô còn “chế độ” đi chơi với bồ hờ, người ta có vợ con, đánh ghen om sòm nhà cửa, điện thoại nhắn tin tối ngày. Tết nhất (những ngày người ta cần mình nhất) thì y như rằng sẽ về mất tăm, có ở lại thì tiền công tăng chót vót.
Rồi thoắt cái thôi việc, nhìn căn hộ thì phải lau chùi ít chứ qua biệt thự nhà lầu là tính ngay ra… đáp số. Kén cá chọn canh. Gây khó dễ, làm mình mẩy với những nhà gay go, có cha mẹ già ốm đau hay có em bé.
- Xem thêm: Muôn mặt nghề ôsin
Thôi rồi, bây giờ không còn những người ăn ở trung tín như kiểu quản gia, lão bộc xưa. Có những người theo hầu cả gia tộc, nuôi cậu ấm từ bé, lớn lên vẫn trung thành. Thậm chí qua các biến động chính trị, chủ nhà lên voi xuống chó vẫn trung thành bảo vệ.
Trời ạ, đừng mơ. Giờ con cái anh chị em ruột thịt chẳng có vậy nữa là người làm. Chắc tại mấy cái phim Tàu kể về các gia tộc, họ… bịa ra cả? Thế nên, cần nhiều người hơn nữa mở trường dạy ôsin chuyên nghiệp, vừa rành kỹ năng phục vụ vừa tử tế. Còn khó và cần hơn cả tiến sĩ ấy chứ. Mở trường đi thôi…