Dự báo do hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố tuần qua cho thấy hai trung tâm tài chính của châu Á là Singapore và Hongkong sẽ thu hút được ngày càng nhiều tài sản trong và ngoài khu vực những năm tới, góp phần đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực giàu nhất thế giới vào năm 2019.
Theo hãng tin CNBC, tài sản tư nhân tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, được BCG dự báo sẽ vượt khu vực Bắc Mỹ vào năm 2019 và đạt mức 77,8 nghìn tỉ USD vào năm 2021.
BCG định nghĩa tài sản tư nhân là tài sản của các hộ gia đình như bảo hiểm nhân thọ, lương hưu và các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt.
Tài sản nước ngoài tại Singapore và Hongkong sẽ tăng với tốc độ hằng năm tương ứng là 8% và 7% cho tới năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 3% ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí là trung tâm quản lý tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới. Theo báo cáo, số tài sản nước ngoài gửi ở Thụy Sĩ trong năm 2016 là 2,4 nghìn tỉ USD, cao hơn mức 1,2 nghìn tỉ USD ở Singapore và 0,8 nghìn tỉ USD ở Hongkong – là hai địa chỉ yêu thích của các khách hàng trong khu vực cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Sự gia tăng tài sản nhanh chóng ở châu Á – Thái Bình Dương đã khiến các ngân hàng trong và ngoài khu vực mở rộng hoạt động quản lý tài sản tại đây. Trong số này phải kể đến những ngân hàng lớn như UBS Group hay DBS Group Holdings.
- T.K
Xem thêm:
- Ba Lan kiểm tra các khu chợ người châu Á
- Phải chăng có sự dịch chuyển quyền lực tại khu vực châu Á?
- Giới nhà giàu châu Á tăng nắm giữ tiền mặt