Nó cũng cho thấy nếu các học giả Trung Quốc thông qua nhiều kênh cố gắng lồng “đường lưỡi bò” hay tên gọi “Nam Trung Hoa” vào các sản phẩm khoa học để “chính đáng hóa” những yêu sách lãnh thổ – lãnh hải, thì nhiệm vụ từ phía Việt Nam bằng bài viết, bằng lập luận, bằng những thông số phải “phi chính đáng hóa” lại những thông tin sai lệch này. Hiện diện của sức mạnh trong văn cảnh này là góp phần xây dựng lại kiến thức chung về vấn đề tranh cãi hay phủ định lại những áp đặt đi ngược lại các chuẩn mực khoa học.
Dòng chữ: “Nam thiên nhất trụ” (Một trụ đá ở góc trời Nam)
Xuất phát từ sự khác biệt về quan niệm có thể dẫn đến sự chấp nhận cùng một lúc nhiều mô thức khác nhau về cảm nhận, cách diễn dịch, thậm chí hành vi ứng xử của các nước tham gia và những nước quan sát bên ngoài. Với những dữ kiện lịch sử mơ hồ và không được kiểm chứng chắc chắn, nhưng lại có liên quan bằng cách này hay cách khác tới Biển Đông, Trung Quốc đang “kiến tạo” lại lịch sử cho có lợi cho họ. Hay nói cách khác họ cố gắng xây dựng ra những cột mốc lịch sử không có thật nhằm bảo vệ các lợi ích của mình. Một mặt, Bắc Kinh tuyên truyền mạnh mẽ nhằm định hướng dư luận ngay ở trong nước về một Nam Hải “của Trung Quốc” bằng những dữ liệu lịch sử sai lệch đó, mặt khác đưa những “bằng chứng” đã được tô vẽ ra nước ngoài thông qua kênh học giả nhằm định hướng dư luận.