Gọi là chuyện “đời xưa” vì đã xảy ra từ 80 năm trước ở kinh đô Huế. Bây giờ, thiên hạ thường chỉ săn tin “sốt nóng”, kể 2 chuyện đời xưa dưới đây cũng do quan hệ đến 2 mục luôn là “thời sự” cả trên các nghị trường và công luận. Đó là “quốc nạn” hối lộ-tham nhũng và “văn hoá từ chức”. Cả hai chuyện, “nhân vật” chính là quan Phủ Doãn Thừa Thiên ngày xưa.
Vì là chuyện xưa, nên trước hết xin chú giải rằng: Phủ Doãn là quan đứng đầu tỉnh được chọn làm kinh đô của một nước. Thời thuộc Pháp, Huế là kinh đô của Việt Nam, quan Phủ Doãn bị Khâm sứ Pháp chi phối, chẳng có quyền hành gì nhiều, nhưng danh tiếng thì sang trọng, nên triều đình thường phải chọn những người có học vị cao hoặc được quan lại đương thời kính nể, lại “ưu tiên” chọn người ngoại tỉnh do luật “Hồi tị” cấm bố trí người “đồng hương, đồng họ” nắm quyền nơi mình có các mối quan hệ thân thiết…
Vậy nên, Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) được cử giữ chức Phủ Doãn năm 1936 (trước đó, cụ Nguyễn Công Trứ, cùng quê Hà Tĩnh, cũng đã ngồi ghế này…). Ở đây, lại phải thêm 1 chú giải nữa vì nhiều bạn đọc hôm nay không rõ: Hoàng Giáp – còn gọi là “Đệ nhị giáp tiến sĩ” – là học vị cao nhất thời đó, do Triều Nguyễn không lấy “Đệ nhất giáp tiến sĩ” gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Những năm gần đây, nhiều tờ báo lớn đã viết về cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm với bài “Tứ tôn châm” cụ trình lên vua Thành Thái khi đỗ Hoàng Giáp năm 1907, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự. Bài “Tứ tôn châm” (Bốn lời răn) gồm 4 câu: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. Bài mới nhất bình về “Tứ tôn châm” là của nhà báo Nguyễn Uyển đăng trên “Người làm báo” ngày 30.7.2018, có câu: “Nhiều người coi đấy là phương châm “trị quốc”! Thiên hạ bảo đó là 16 chữ vàng tôn vinh tư chất đẹp của người Việt. Tư tưởng ấy, lời răn ấy càng có ý nghĩa biết bao khi cán bộ, đảng viên đang tích cực học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”.
Còn chuyện Cụ “nói tục” và từ chức khi làm Phủ Doãn thì chưa mấy người biết.
Chuyện 1:
Người kể lại câu chuyện này là ông Nguyễn Khắc Dương, con trai Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông Dương nay đã 94 tuổi, từng là Quyền Khoa Trưởng Khoa Văn-Triết Viện Đại học Đà Lạt (trước 1975). Ông là “thầy tu xuất”, nhưng rất thích hài hước và… nói tục nữa. Vì thế, ông kể chuyện xưa cho con cháu nghe bằng cách diễn kịch trong đêm trước ngày khai trương “Nhà Tưởng niệm Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm” tại quê nhà năm 2012.
Một mình ông đóng hai vai. Thoạt đầu, ông uốn người giả giọng “thỏ thẻ” của quan bà: “Hôm ni có chuyện chi ở công đường mà Thầy lại nóng nảy, mắng ai chó má rứa?…”. Khán giả chưa dứt tràng cười thì ông đã nghiêm mặt, gồng cứng người, cất giọng ồm ồm đầy bực tức của quan Phủ Doãn: “Tôi có mắng ai chó má mô. Tôi bảo cái tay mang đồ định đút lót mình rằng: ông xem tôi là hạng chó má hay răng mà tính chuyện hối lộ với tôi. Bị người ta nghĩ là mình có thể ăn của đút là đã nhục, nhục lắm bà ơi!”.
Quan Phủ Doãn dằn vặt “cực kỳ” như thế, mặc dù “đồ đút lót” chỉ là món quà nhỏ. “Diễn viên” Nguyễn Khắc Dương nhăn mặt đầy đau khổ, đưa tay đấm ngực trong tiếng cười reo thích thú của “khán giả” gồm mấy chục em út, con cháu cụ Hoàng Giáp và hai phóng viên Trung tâm Truyền hình Huế vừa ra quay phim “Hương Sơn – Ngàn Phố”…
Nói cho đầy đủ thì sau vài phút cười hả hê với tài đóng “kịch” của ông lão không chịu… già, một đứa cháu ngồi cuối phòng thốt lên: “Ôi chao! Cái thời phong kiến hủ bại mà còn thế! Chỉ bị người ta nghĩ mình có thể ăn của đút lót đã thấy nhục. Vậy mà nay các quan nhận hối lộ là “chuyện thường ngày ở huyện!” Và chính của hối lộ lại thường vào lối “cửa hậu”, nơi đã sẵn các “quan bà” nghênh đón!”.
Ờ! Có khi đó chỉ là “góc nhìn” tiêu cực; chứ thời đại mới này, chắc cũng không thiếu quan chức thấy nhục nhã khi bị cấp dưới hay các doanh nhân hối lộ. Có thể vì đây là chuyện “riêng tư” nên ít thấy báo nào đăng?…
Chuyện 2:
Về thời điểm Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm ngồi ghế Phủ Doãn, do trải qua bao cuộc “bể dâu”, mãi sau này mới biết được chính xác. Năm 1997, trong cuốn sách “Cụ Hoàng Hương Sơn” chỉ viết Cụ giữ chức Phủ Doãn “khoảng từ năm 1935-1939”. Cả cuốn “Souverains et Notabilités d’ Indochine” (Édition du Gouvernement Général de l’Indochine, 1943 – tạm dịch là “Vua chúa và danh sĩ xứ Đông Dương” do Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1943), cũng chỉ ghi “Đại thần Nguyễn Khắc Niêm… Từ 1933 đến 1941, Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa và Phủ doãn (tỉnh trưởng) Thừa Thiên và Chủ tịch Hội đồng Cải lương hương tục ở Huế…”.
Mãi đến năm 2012, được biết phía sau trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có tấm bia cổ ghi tên các vị từng giữ chức Phủ Doãn, con cháu Cụ đã nhờ nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh vào xem và thấy tương ứng với hai dòng chữ “Bảo Đại thập niên” và “Bảo Đại thập nhị niên” là tên “Nguyễn Khắc Niêm đại nhân”. Như vậy, chính xác hơn cả “giấy trắng mực đen”, bia đá rành rành khẳng định Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm ngồi ghế Phủ Doãn hai lần: năm 1936 và năm 1938.
Sao lại có sự cách quãng như thế? Từ trước, con cháu Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm cũng đã “thắc mắc” khi nghe kể Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm hai lần ngồi ghế Phủ Doãn. Nay thì đã rõ: Năm 1937, chính là thời điểm xảy ra chuyện Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm từ chức.
Chuyện này, đã in trong sách “Cụ Hoàng Hương Sơn”, nhưng sách chỉ dành cho con cháu và người thân, lại chỉ là mấy dòng chữ nhỏ trong mục chú thích bài của bác Lê Văn Yên, nên ít người để ý.
Bác Lê Văn Yên (1916-2006) là con trai họa sĩ Lê Văn Miến, thầy dạy Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế – về sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Miến là bạn đồng liêu với HGNKN, khi cụ làm Tế tửu Quốc Tử giám, còn Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm làm Tư nghiệp (tương tự như là Viện trưởng và Viện phó Đại học Quốc gia ngày nay) nên mới biết câu chuyện sau đây:
“Khoảng thời gian 1936–1937, cụ làm Phủ Doãn Thừa Thiên, chức quan đầu tỉnh ở kinh đô triều Nguyễn, có viên tri huyện huyện Phú Vang là TTK xài hoang tiêu lạm hết tiền thuế của dân nộp, bày mưu đốt xe ở Đập Đá, rồi nói xe chở tiền thuế bị cháy; mưu bị lộ, Cụ chẳng như ai kết tội riêng cho thuộc hạ, mà tự nhận lấy lỗi của mình bất minh, tự ý xin thôi quan, không chịu làm Phủ Doãn nữa. Người đương thời ai ai cũng lấy làm cảm phục”.
Người già kể chuyện xưa chỉ vắn tắt vậy thôi; nhưng giỏi tưởng tượng thì đây có thể là đề tài một vở kịch còn hấp dẫn, gay cấn hơn nhiều màn diễn của vị nguyên Khoa trưởng Đại học Đà Lạt tại quê nhà năm 2012.
Như thế, Cụ từ chức năm 1937, nhưng đến năm 1938, “người ta” lại tín nhiệm đưa Cụ trở lại ghế Phủ Doãn. Câu chuyện chỉ có mấy dòng vậy thôi. Có điều chợt nghĩ: Không biết thời nay, đã có bao nhiêu quan to chịu từ chức, khi cấp dưới tham nhũng?!