Thái dương hệ có hai hành tinh chứa chấp sự sống. Thứ nhất là trái đất với hơn 8 triệu sinh vật. Thứ hai là sao Hỏa, hành tinh duy nhất trong vũ trụ chỉ chứa được… robot. Sắp tới đây, loài này sẽ còn đông đúc hơn nữa…
Tàu thăm dò của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc cất cánh cho một chuyến đi kéo dài 6 tháng đến sao Hỏa. Ngày 30.7.2020, chiến dịch mới nhất của NASA sẽ tiếp bước. Nếu mọi sự diễn biến tốt, đến tháng 2.2021, sao Hỏa sẽ tiếp nhận trên hai quỹ đạo một tàu đổ bộ, hai xe tự hành và một máy bay trực thăng! Đây là một đoàn tàu lớn chưa từng có đáp xuống sao Hỏa của 3 cường quốc.
Những con tàu từ trái đất phải trải qua một chuyến đi đầy nguy hiểm suốt 60 ngày mới đến được sao Hỏa, với những thành công không nhiều lắm, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Chuyến bay đầu tiên vào năm 1960 đã thất bại hoàn toàn. 5 chuyến bay kế tiếp đã thất bại đến 4! Chuyến thứ 5 lại không liên lạc được !
Mãi đến năm 1965, tàu thăm dò Mariner của NASA mới thành công lần đầu tiên. Nhưng phải chờ đến năm 1971, khi Liên Xô phóng tàu Mars 2, nó mới có thể quay chung quanh quỹ đạo của mình được. Cùng năm đó, tàu Mars 3 mới đáp xuống đất được mà không vỡ tan tành, nhưng nó chỉ có thể truyền về trái đất được nửa tấm ảnh, rồi sau đó tắt ngúm trong chưa đầy 2 phút!
Sự việc dần dần khá hơn. Năm 1976, cặp đôi tàu thăm dò Vikings của NASA đáp xuống an toàn và gởi về được hình ảnh, dữ liệu. Năm 1997, tàu Sojourner, to bằng chiếc lò nướng bánh, trở thành chiếc xe tự hành đầu tiên có thể hoạt động trên bề mặt sao Hỏa được 3 tháng. Năm 2004, hai chiếc Spirit và Opportunity to bằng chiếc xe đánh golf “sống” trên sao Hỏa được mấy năm. Năm 2012, xe tự hành Curiosity to bằng chiếc xe con hạ cánh an toàn và vẫn tiếp tục đào bới mà không phải đổ thêm xăng dầu.
Cho đến giờ phút này, trên sao Hỏa đang có 4 xe tự hành đã chết, 9 tàu đổ bộ (trong đó chỉ còn chiếc NASA Insight đang hoạt động), vài cái nổ tan xác và 15 vệ tinh còn nằm trên quỹ đạo, trong đó 6 chiếc vẫn đang hoạt động. Đó là một nơi nhộn nhịp, nhưng vẫn còn thừa chỗ để “quậy”! Mặc dù sao Hỏa có kích thước bằng một phần của trái đất, nhưng vì không có biển nên toàn bộ diện tích của nó bằng phần đất của trái đất, bớt đi nửa nước Canada hay cả Mexico.
Mỗi chuyến bay lên sao Hỏa đều có mục đích khoa học và chính trị khác nhau. Với Sứ mệnh sao Hỏa của UAE, thành công có nghĩa là một quốc gia Ả Rập ở Tây Á, với đa số dân theo Hồi giáo, lần đầu tiên đặt chân lên hành tinh này. Đó cũng là đánh dấu 50 năm giành được độc lập từ Đế quốc Anh. Ngoài ra, vệ tinh Hope quay quanh sao Hỏa cũng sẽ dành ra ít nhất 2 năm nghiên cứu khí hậu của nó, một hệ thống phức tạp bao gồm hai cực băng, hơi nước và mây trong lớp khí quyển mỏng đa số là CO2.
Sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc còn có tham vọng lớn hơn, bao gồm một vệ tinh quay quanh, một tàu đổ bộ và một robot tự hành. Lấy tên Thiên Vấn (Hỏi Trời), tên một bài thơ của Khuất Nguyên (340-278 TCN) vào thời Chiến quốc, dưới thời của Sở Hoài Vương cách nay hơn 2.200 năm, con tàu nằm trên quỹ đạo được trang bị một camera có độ phân giải cao, rađa xuyên sâu trong lòng đất, thiết bị đo từ trường và máy phân tích hạt, mục tiêu là tìm kiếm thông tin trên mặt đất, trong lòng đất và trong không khí.
- Xem thêm: Mê cung như sao Hỏa trên trái đất
Chiếc xe tự hành còn chưa có tên – Trung Quốc đang mở chiến dịch toàn cầu tìm kiếm tên cho nó – sẽ quần thảo trong vùng có tên Utopia Planetia mà các nhà khoa học tin là bên dưới có một kho nước đá khổng lồ tương đương với Lake Superior ở Bắc Mỹ, diện tích 82.103km2, sâu 406m. Nó cũng mang theo camera, rađa và thiết bị đo thời tiết. Robot dự định sẽ hoạt động trong 90 ngày, nhưng robot trước nó lại làm tốt hơn dự tính bởi vì bão cát đã quét sạch bụi bám trên mặt những tấm pin mặt trời.
Rồi đến sứ mệnh mới nhất của NASA dự định phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida, Hoa Kỳ vào ngày 30.7.2020 lúc 7giờ 50’ sáng (khoảng thời gian phóng thích hợp, được gọi là cửa sổ phóng kéo dài đến giữa tháng 8.2020). Nấp trong ruột chiếc xe tự hành Perseverance là một chiếc trực thăng mini có tên Ingenuity. Nặng chỉ có 1,8kg (nhưng chỉ còn 700gr trên mặt sao Hỏa do hấp lực giảm), nó sẽ là chiếc máy bay đầu tiên cất cánh trên một hành tinh khác.
Perseverance khá giống với Curiosity, nhưng mang theo hàng loạt thiết bị mới gồm các loại camera và thiết bị lấy mẫu đá mang về trái đất trong chuyến đi kế tiếp dự kiến vào năm 2026. Cơ khí quỹ đạo có nghĩa là một cửa sổ phóng lý tưởng dành cho sao Hỏa mở ra mỗi lần là 26 tháng. Vì thế, rất nhiều con tàu không gian được phóng đi cùng lúc để tranh thủ tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất.
Trong lúc này, Nga cũng đang chuẩn bị phóng tàu không gian ExoMars vào năm 2022. Thoạt đầu, họ cũng dự định phóng đi trong năm 2020, nhưng do trục trặc dù và máy móc điện tử nên buộc phải hoãn lại. Sứ mệnh năm 2026 của họ bao gồm một vệ tinh quay quanh quỹ đạo sao Hỏa, một tàu đổ bộ có trang bị tên lửa nhỏ để mang mẫu vật trở về trái đất và một robot tự hành khác để chuyển tải mẫu vật. Sao Hỏa còn chưa có người đến thăm, nhưng lũ robot đã “dập dìu” ở đó rồi!