Bệnh thận là một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bình thường, máu chảy vào thận thông qua các động mạch thận, trong đó có vô số các mạch máu li ti và tập trung tại các búi nhỏ gọi là cầu thận.
Cầu thận lọc máu để tạo thành nước tiểu. Các chất được lọc qua cầu thận gồm nước, các chất điện giải như natri, kali, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như urê, acid uric, một số thuốc…
Chất đạm (protein) hoặc các chất có trọng khối phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu, bình thường trong nước tiểu không có đạm.
- Xem thêm: Suy thận nguy hiểm hơn chúng ta tưởng
Ở người bệnh đái tháo đường, đường huyết tăng cao kéo dài sinh ra nhiều chất oxy hóa làm các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương.
Đồng thời, lượng đường trong máu cao khiến thận phải hoạt động quá mức, sau một thời gian các lỗ lọc trở nên to hơn làm “rò rỉ” đạm vào nước tiểu, điều này ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Nếu không được điều trị kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng (suy thận) khiến người bệnh buộc phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Thậm chí suy thận giai đoạn cuối còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thận do đái tháo đường
Trong giai đoạn đầu của bệnh, hầu như không xuất hiện triệu chứng gì để nhận biết, một số ít bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, huyết áp tăng hoặc bàn chân sưng nhẹ.
Nhưng phần lớn trường hợp chỉ phát hiện sau khi xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin) hoặc siêu âm bụng thấy thận to.
Ở giai đoạn muộn, bệnh thận do đái tháo đường xuất hiện một số triệu chứng như:
- Bị phù, có thể là phù toàn thân, từ mí mắt xuống bàn chân, da trắng nhợt nhạt.
- Huyết áp tăng cao (huyết áp cao vừa là triệu chứng vừa là yếu tố thúc đẩy bệnh thận đái tháo đường tiến triển nặng).
- Nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường, có máu trong nước tiểu.
- Tiểu đêm nhiều lần.
- Trong hơi thở có mùi ammoniac, trong miệng có vị kim loại.
- Ngứa, người mệt mỏi, da xanh xao.
- Hay bị tụt đường huyết, buồn nôn, chán ăn.
Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, người bệnh rất dễ bị suy thận.
Cách phòng ngừa biến chứng suy thận do đái tháo đường
Chuyển biến của bệnh từ khi có triệu chứng rõ rệt đến suy thận giai đoạn cuối thường chỉ khoảng 5-10 năm.
Vì vậy, việc phát hiện và phòng ngừa sớm bệnh thận đái tháo đường rất quan trọng. Bệnh nhân đái tháo đường nên làm theo các lời khuyên dưới đây để phòng ngừa biến chứng suy thận.
- Xem thêm: Bệnh viêm cầu thận
Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp
- Giữ đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép (dưới 7mmol/L khi đói và dưới 10mmol/L sau ăn 2 giờ).
- Giữ huyết áp ổn định ≤ 120/80mmHg.
- Cần uống thuốc đầy đủ, tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ và tái khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học
- Hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột (cơm, bún, miến, khoai tây…) và nhiều đường (bánh kẹo ngọt, nước ép trái cây…).
- Tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt.
- Ăn nhạt, cắt giảm các loại thức ăn chứa nhiều muối như đồ chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích…), các loại củ quả muối (dưa muối, kim chi…).
Duy trì lối sống lành mạnh
- Tránh thừa cân, béo phì.
- Hạn chế chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên hoặc tham gia các bộ môn thể thao vừa sức như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga.