Nếu có dịp chứng kiến tình trạng bệnh nhân suy thận bị quá tải ở các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, chúng ta hẳn sẽ có sự quan tâm đúng mức hơn đến sức khỏe của thận. Các bác sĩ Thận – Niệu đang cảnh báo rằng số bệnh nhân suy thận đang tăng nhanh trên khắp cả nước.
Thông tin tại hội thảo khoa học “Chiến lược điều trị suy thận mãn tính” được tổ chức vào tháng 7 vừa qua cho thấy, trên cả nước có hơn 8 triệu người đang bị suy thận mãn, trong đó có gần 80 ngàn người bị suy thận chuyển sang giai đoạn cuối cần phải lọc máu và hàng nghìn người khác cần ghép thận để kéo dài sự sống. Người bị suy thận mãn tính có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng 34% và có nguy cơ tử vong cao gấp năm lần so với người bình thường. Buổi trò chuyện với TS-BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân hy vọng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về suy thận.
Thưa bác sĩ, vì sao suy thận được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, cùng với các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và đột quỵ?
Trước hết, xin nói lại cho chính xác hơn, suy thận không phải là bệnh như chúng ta hay gọi mà là tình trạng tổn thương không phục hồi của thận do nguyên nhân từ bệnh của thận và nhiều bệnh khác. Tình trạng suy thận làm cơ quan này mất dần các chức năng quan trọng, gây rối loạn cả cơ thể. Suy thận cũng là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường diễn tiến âm thầm và tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao. Triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại khoảng 1/10 so với mức bình thường. Và thực tế là phần lớn bệnh nhân suy thận đến điều trị tại khoa Niệu, Bệnh viện Bình Dân đều ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về những rối loạn trong cơ thể khi thận không còn có khả năng thực hiện được các chức năng quan trọng của mình?
Một trong những chức năng quan trọng nhất của thận là lọc sạch máu. Thận bị suy yếu thì sẽ không thể đào thải các chất độc, cặn bã trong máu ra ngoài cơ thể được. Ngoài ra, bệnh nhân suy thận mãn tính còn gặp phải các ảnh hưởng nghiêm trọng như: rối loạn quá trình điều hòa nước dẫn đến phù nước ở phổi và các cơ quan khác, ứ đọng các phân tử natri, kali gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thường có các triệu chứng: viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, có các biểu hiện thần kinh (lú lẫn, đi lảo đảo, giật cơ tay chân, co giật toàn thân), dư nước không đáp ứng với thuốc lợi tiểu, nôn ói kéo dài, sụt cân hay khi có dấu hiệu của suy dinh dưỡng…
Đầu câu chuyện, bác sĩ nói rằng suy thận là do nguyên nhân từ bệnh của thận và nhiều bệnh khác. Đó là những bệnh gì?
Một thống kê mới đây cho thấy, suy thận có nguyên nhân từ các bệnh phổ biến hiện nay như: 40% do bệnh tiểu đường, 30% do bệnh tăng huyết áp, 10% do bệnh viêm cầu thận, ngoài ra còn do sỏi thận, lupus ban đỏ, thận bẩm sinh, suy tim và cũng có thể là hậu quả của việc dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận.
Hiện nay, tiểu đường và tăng huyết áp là hai căn bệnh thời đại đang được cảnh báo ở nước ta, nhất là người thành thị. Đây là hai căn bệnh được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Số người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp ngày càng tăng thì tỷ lệ suy thận càng cao.
Nguyên nhân suy thận do các bệnh ở thận có thể kể đến như: bệnh sỏi thận, bệnh cầu thận cấp, các bệnh ống thận kẽ cấp tính, các bệnh lý mạch máu tổn thương thận như: viêm đứt quanh động mạch, viêm mạch dị ứng, chấn thương thận, tắc mạch thận, u chèn ép, tắc đường bài niệu… Ngoài ra, nhiều loại thuốc sử dụng lâu dài cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận như thuốc kháng sinh (Aminosid, Cephalosporin, Cyclosporin A), thuốc giảm đau (Glafenan, Paracetamol…), thuốc lợi tiểu nhóm, thuốc điều trị ung thư…
Quá trình lão hóa hoặc việc mất đi một quả thận có phải là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy yếu và mất dần các chức năng của thận?
Quá trình lão hóa cũng làm suy yếu thận nhưng chỉ ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Trường hợp mất thận đột ngột đôi khi cũng gây tình trạng quá tải ở quả thận còn lại nhưng không nhiều. Hầu hết các trường hợp suy thận nặng thường là do nguyên nhân từ một hay nhiều bệnh.
Một số thông tin cho rằng ăn nhiều thịt sẽ làm thận hoạt động quá tải, có thể dẫn đến nguy cơ suy thận. Điều này có đúng hay không, thưa bác sĩ?
Đúng là để có thể bài tiết được các hợp chất nitơ từ thịt, thận cần hoạt động nhiều hơn người bình thường. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt dẫn đến nguy cơ suy thận theo tôi là trường hợp vô cùng hiếm hoi.
Đã có những bằng chứng cho thấy người bị suy thận mà ăn thịt hoặc lao lực là thấy ngay hậu quả. Nhưng với người có thận khỏe thì việc ăn thịt và lao động gắng sức gần như không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến thận cả.
Trong các phương pháp điều trị suy thận đang được áp dụng hiện nay thì phương pháp nào mang lại hiệu quả tốt nhất?
Như tôi đã nói, tình trạng suy giảm chức năng của thận là không thể phục hồi nên ở giai đoạn suy thận từ nhẹ đến trung bình, chúng ta cần nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân gây suy thận cấp có thể điều trị được, chẳng hạn như các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận… kể trên. Suy thận mãn giai đoạn cuối là tình trạng suy giảm gần như hoàn toàn chức năng của thận, nếu không dùng phương pháp điều trị tích cực sẽ đưa đến tử vong. Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vẫn có thể sống bằng các phương pháp lọc máu bằng máy (hay gọi là “chạy thận”) hoặc ghép thận.
Ghép thận là cách điều trị tốt nhất giúp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có cuộc sống tương đối bình thường nhưng tỷ lệ người được ghép thận hiện nay không nhiều. Thận dùng để ghép được chọn từ những người có quan hệ họ hàng với người nhận thận như: cha mẹ, anh chị em ruột, chú bác cô cậu dì, ông bà nội ngoại. Ngoài ra, có thể lấy thận từ những người không huyết thống tình nguyện hiến tặng. Nhiều người thường lo lắng rằng với một quả thận thì liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Thực tế thì rất nhiều người có thể sống bình thường, lâu dài với một quả thận. Như một đặc điểm thích nghi của cơ thể, thận còn lại sẽ tự động tăng kích thước để bù trừ cho quả thận đã hiến tặng. Phụ nữ còn một thận vẫn có thể sinh con.
Cuộc sống của người được ghép thận có bị ảnh hưởng về sau?
Bệnh nhân suy thận sau khi ghép thận sẽ có thể thích nghi trong vòng vài tháng. Thận mới sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng như thận còn lại và bệnh nhân có thể lao động sinh hoạt bình thường. Hầu hết các trường hợp có đời sống tình dục bình thường và phụ nữ có thể sinh con.
Tuy nhiên, trên thực tế số người được ghép thận không nhiều vì chi phí cao và không có người cho thận. Vì vậy, đa số bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu phức tạp với chi phí cao.
Chúng ta có thể phòng tránh suy thận mãn để không phải tốn nhiều chi phí và tránh chịu đựng những triệu chứng của suy thận hay không?
Có thể chứ, một cách rất đơn giản nhưng không nhiều người thực hiện đó là đi khám tổng quát và xét nghiệm máu mỗi năm từ một đến hai lần, đo huyết áp, xét nghiệm đạm, hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu đồng thời xét nghiệm nồng độ các chất urê, creatinin trong máu. Cần chú ý rằng không phải bệnh viện nào cũng đo chỉ số urê, creatinin khi xét nghiệm máu. Vì vậy, chúng ta cần chủ động yêu cầu hoặc chọn những nơi có đo về chỉ số này.
Việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh nguyên nhân cũng sẽ làm tiến trình suy thận, giảm nhu cầu lọc máu tại các bệnh viện. Đặc biệt chú ý là các bệnh nhân bị tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Liệu có thể phòng suy thận bằng cách uống nhiều nước và hạn chế rượu bia như thông tin trên các phương tiện truyền thông?
Như tôi đã nói suy thận không phải là bệnh mà là một tình trạng suy yếu do căn nguyên từ nhiều bệnh khác. Cách phòng tình trạng suy thận mãn chỉ có thể là điều trị các bệnh căn nguyên. Vì vậy, cách nói trên không hẳn sai nhưng chưa chính xác. Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia có lẽ là cách phòng tránh rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường… để sức khỏe thận không bị ảnh hưởng.
Xin bác sĩ cho những lời khuyên nhằm phòng ngừa suy giảm chức năng thận.
Điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, đừng để bệnh kéo dài gây suy giảm chức năng thận. Nên ăn các thức ăn ít muối, ăn nhiều cá, trái cây, rau quả tươi. Uống đủ nước: khoảng 2-3 lít/ngày tùy mức vận động cơ thể, tùy theo thời tiết, năng vận động, tập thể dục, không sử dùng thuốc bừa bãi, nhất là các loại thuốc giảm đau, kháng sinh khi chưa có ý kiến chỉ định của thầy thuốc.
Cảm ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích trên.