Tồn tại trong không gian và chảy trong dòng thời gian, con người quen ưa âm thanh và ánh sáng, sợ cái lặng lẽ bóng tối.
Con người ồn ào trôi chảy như viên bi long lanh sắc màu lăn tròn trên mặt kính chẳng để lại một vết xước, giọt sương lá khoai, nước đổ đầu vịt… mà không có chiều sâu thức tỉnh nội tâm.
Thích ngồi trong sáng thì hãnh tiến chân lý quyền lực, bắt kẻ khác tôn thờ ánh sáng mình tạo ra. Và ngược lại… Mãi ngồi trong đêm mà ngóng ngày, thấy sao được lòng đêm. Hoặc là an phận, hoặc mộng mơ rầu rĩ… chờ người mang ánh sáng đổi đời mà không thấy ánh sáng tự ngã trong đêm.
Mãi chạy theo thiên hạ mà không có một điểm dừng để đánh mất chính mình. Mãi nghe những lời có cánh sáng trưng mà không ý thức chính những điều quan trọng nhất lại không nghe thấy, không nhìn thấy ở miền khuất lấp. Bước qua ánh sáng, ta thấy sự thật đẹp giản dị.
Đêm mãi thơ thẩn
Như một tất yếu trong kiểu tư duy nhị nguyên phân cực, người ta thường ca ngợi khẳng nhận ánh sáng trong sự lên án phủ nhận bóng tối, vẽ nụ cười của ngày mà tẩy xóa giọt nước mắt trong đêm… vô tình bóp méo sự thật đẹp giản dị một cách cực đoan giả tạo.
Lên án Đêm trường Trung cổ như một biểu tượng của thời kỳ ngu dốt đầy mông muội tăm tối, đặt lời nói của những thế lực tôn giáo lên trên trải nghiệm cá nhân và hoạt động lý trí… và làm chúng ta dần quen với cái nhìn sai lệch từ những huyền thoại bị bóp méo, lan truyền.
Những huyền thoại mới đầy ánh sáng được tạo ra nhiều khi còn tệ hơn những huyền thoại tự nó có thật vốn lặng lẽ trong đêm.
Không có những thành tựu của cái gọi là Đêm trường Trung cổ làm tiền đề khó mà có thời kỳ Phục hưng phát triển mạnh mẽ phồn thịnh dẫn đến Khai sáng sau này.
Không quay lưng hoàn toàn với tiếng Latinh, nhưng việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong ý thức sáng tạo ở cuối đêm trường ấy chính là nền tảng quan trọng cho Phục hưng.
Hệ ngôn ngữ Tuscan làm nên tiếng Italy hiện đại từ viên đá Thần khúc của Dante đặt móng đã làm nên một phong cách văn học mới lan sang Pháp, Anh… để từ Phục hưng bước sang văn học Ánh sáng. Hoa ánh sáng nở trong đêm, như mặt trời mặt trăng đều lên từ biển cuối tận chân trời.
Con người vốn có mới nới cũ, quen thói làm cách mạng trong dòng chảy cuốn phăng tất cả, thích lưu dấu ồn ào bằng ánh sáng cho mọi người thấy mà quy kết tẩy xóa mọi cái bóng tối lặng lẽ. Sáng trưng. Hiệu ứng nhà kính.
Quả đất nóng dần. Con người đang đốt hủy mình trong dòng sáng rạn nứt niềm tin. Liệu quỳnh thơm có còn lặng nở trong đêm.
Chính vì vậy mà tác giả của tiểu luận Căn phòng riêng đặt nền móng cho phê bình nữ quyền luận, Virginia Woolf đã có một cách nói ngược đầy nghịch lý mà làm nên tên tuổi tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại: Tương lai là bóng tối, đó là điều tốt đẹp nhất mà tương lai có thể trở thành, tôi nghĩ vậy.
Và nhà phê bình nổi tiếng đương đại Rebecca Soinit đã nhận xét: “Phát ngôn kỳ khôi đó xác quyết rằng cái không được biết đến không cần trở thành cái có thể biết bằng tiên đoán sai lầm hoặc các dự án của những tuyên truyền mang tính ý thức hệ hay mang tính chính trị quyết liệt; mà đó là việc sẵn lòng tán tụng bóng tối – như cái Tôi nghĩ vậy biểu lộ – không chắc chắn thậm chí cả đến chính xác quyết của mình”.
Vậy là khởi từ một hình ảnh – bóng tối mà nhà phê bình viết nên tiểu luận: Bóng tối của Woolf: ôm chứa cái bất khả giải. “Hầu hết mọi người sợ bóng tối. Trẻ con sợ đêm đen của bóng tối, trong khi người lớn sợ hơn hết thảy là cái không biết, không nhìn thấy, cái khó hiểu của bóng tối.
Nhưng chính cái đêm tối mà người ta không thể phân biệt và định nghĩa dễ dàng đó cũng chính là cái đêm mà tình yêu được sinh thành, mọi vật tan hòa, đổi khác, mê đắm, kích động, thụ thai, bị ám, giải thoát, tái sinh”.
Và đúng như Đoàn Huyền đã dịch và giới thiệu. “Bóng tối là hình ảnh đại diện, cũng bao chứa cả những khả thể mơ hồ khác, như cái không biết, cái đa nghĩa, cái không chắc chắn…
Nó liên quan đến năng lực sáng tạo, đến tồn tại tự do, nó là môi trường, là điều kiện cho sự khởi sinh tác phẩm nghệ thuật.
Nó dẫn đường cho sự ra đời của những hình thức nổi loạn như phê bình phản – phê bình, những cuộc giải phóng, những cuộc cách mạng chống lại nền độc tài của cái đếm được“… Những tác phẩm của Woolf là xác tín – mơ hồ của cái phương Đông gọi là khả giải – bất khả giải chi gian…
Ý nghĩa biểu tượng của bóng đêm với tính hai mặt đa trị đã được ghi nhận trong Từ điển biểu tượng Văn hóa Thế giới. Đối với người Hy Lạp, Đêm (Nyx) – con gái của Hỗn mang và là mẹ của Trời (Ouranox) và Đất (Gaia), sinh ra giấc ngủ và sự chết, những giấc mơ và những mối lo âu, tình âu yếm và sự lừa dối.
Lang thang vô biên vượt thời gian là cảm hứng làm nên Tụng ca dâng Đêm của Novalis. Bóng tối trong đêm là không – thời gian vừa phơi bày hồn nhiên vừa bí ẩn gợi mở.
Nó vừa xóa nhòa mọi ranh giới, lập trình và ràng buộc cá tính, vừa thể hiện tâm thế trữ tình của người nghệ sỹ trong vô thức sáng tạo và thanh tẩy trí tuệ.
Nó dẫn dắt bản năng nguyên sơ lang thang trí tưởng tượng mộng du, biến sự trầm tưởng thành đóa hoa tình yêu và nghệ thuật nở trong hoan lạc giữa bóng đêm ẩn nhẫn cúi đầu. Ấy là sáng tạo tự thân của độ không lối viết…
Lòng đêm ôm chứa
Trong dòng ý thức văn hóa phương Đông, đêm là không – thời gian của cô đơn và nỗi buồn, giăng đầy trang văn, từ những cô phụ cô phu khắc khoải, những sĩ phu ưu thời mẫn thế mất ngủ, cho đến những tráng sĩ không gặp thời, lặng lẽ mài gươm mòn ánh nguyệt… Con đom đóm chỉ đẹp hồn nhiên trong màn đêm với những đường bay không bao giờ lặp lại.
Ấy chính là thành thật tự ngã và giàu ý nghĩa nhân văn, biết thương thân mình mà thương cả tha nhân. Đếm không hết nỗi niềm lòng đêm trong ca dao.
Từ trải nghiệm lắng sâu huyết thống Thức khuya mới biết đêm dài – Có con mới biết công lao sinh thành, cho đến lộn trái lòng đêm phơi màu nhớ, thao thiết thương người dưng của những kẻ Đêm nằm lưng chẳng bén giường với ngọn cô đăng, ánh sáng nằm trong mắt. Đèn thương nhớ ai – Mà đèn không tắt – Mắt thương nhớ ai – Mắt ngủ không yên…
Trong ánh sáng và âm thanh, người ta thỏa mãn nhất thời những nhu cầu thị giác và thính giác, thậm chí con người dễ trở nên vô cảm trong sự chiếu sáng quá mức.
Trong bóng tối và lặng im, người ta mới có cơ hội tận hưởng những hân hoan cũng như nhạy cảm tự nghe ra những phù du phận người xanh rêu mà tỉnh thức, biết sám hối chưa bao giờ là quá muộn.
Đêm thức dậy những trống trải cô đơn và ý thức bản thân. Sau những trận cười thâu đêm… bướm chán ong chường… là cái giật mình thanh lọc. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương mình xót xa.
Đằng sau sự dữ dội đến bất cần của Hồ Xuân Hương là sự mềm yếu nữ tính đối diện với chính mình. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn – Trơ cái hồng nhan với nước non trong ý thức Tự tình khẳng nhận mãi nõn nường hương xuân.
Thân này đâu đã chịu già tom. Trượt dài trên dốc tha hóa, ăn trong say, uống trong say, chửi trong say, giết người trong say… của nỗi cô độc bị cự tuyệt giao tiếp ở tính cách lưỡng hóa vật – người là đêm trăng, sau khi uống rượu với Tự Lãng, Chí tự dẫm lên bóng mình, nhận ra bóng mình, đứng lại, nhìn nó và ngả nghiêng cười.
Cái cười của thằng say, cô độc giáp mặt, ý thức về bản năng trỗi dậy. Cho nên không về lều ngủ mà ngứa ngáy, bứt rứt và muốn tắm.
Đêm kích động, gọi tình đam mê. Cho nên say mèm mà vẫn đi xuống bờ sông, vẫn tò mò nhìn những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình.
Đêm đẫm chất thơ nguyên sơ cho con người dưới đáy dám liều lĩnh khát vọng mơ tưởng và hành động tự nhiên. Cuộc giao tình với Thị Nở là đỉnh điểm của đêm thức tỉnh ý thức về bản thân.
Ấy là đêm mà tình yêu được sinh thành, mọi vật đổi khác, chuyển hóa tan hòa, đầy mê đắm kích động cứ như bị ám… mà Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình… mà Thị Nở tênh hênh hồn nhiên tựa mình vào gốc chuối nằm chờ để thằng say điên biết ngạc nhiên, say sưa, run run, rón rén, lẳng lặng lại gần ngồi xuống bên sườn Thị và lao vào một cách rất Chí Phèo.
Ngủ với nhau gần đến sáng, Chí thức giấc buồn nôn, Thị trở mình với bát cháo hành… Ấy là đêm thanh tẩy, tỉnh thức, sinh thành.
Viết về ánh sáng và ca ngợi ánh sáng chỉ là tôn tạo hiện thực theo chủ quan một chiều. Trong khi bóng đêm lại là một hiện thực tự nó.
Không có bóng tối thì không có ánh sáng và ngược lại. Sáng tạo đồng thuận hạnh phúc vừa tượng vừa cụ thể trong sự đồng nhất hai mặt đó.
Hiện thực vốn đa chiều, đứt gãy, phân mảnh… trong dòng chảy lịch sử – xã hội ở lằn ranh sáng – tối, đen – trắng, chân – giả, phơi bày – che dấu, ngoại vi – trung tâm… làm nên lịch sử tâm hồn từng cá thể và nhân loại.
Chính vì vậy, hiện thực trong văn học không thời nào giống thời nào. Như Nam Cao, trang văn của Lỗ Tấn đầy những bóng đêm, nghĩa địa, đầy những nhân vật què quặt, chết hoặc tâm thần… nhưng không đưa người đọc vào hố thẳm tuyệt vọng.
Trong dòng chảy văn học hiện đại, tính dân chủ và ý thức cách tân phá vỡ màn sương toàn trị, nhằm tăng chiều sâu vô thức, khám phá cõi nội tâm, tìm lại ký ức xanh qua trí tưởng tượng… nhiều nhà văn đã sử dụng bóng đêm như một hình tượng, một tín hiệu thẩm mỹ chứa đựng nhiều thông điệp.
Ta có thể tìm thấy những dòng độc thoại nội tâm từ trong thế giới vô thức đầy những vết thương vì chiến tranh, mất mát, rạn nứt niềm tin của một ông già… mà không đắm chìm tuyệt vọng ở tác phẩm Người trong bóng tối của Paul Auster.
Cho đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh – một tác phẩm viết về chiến tranh – biểu tượng bóng đêm xuất hiện dày đặc liên kết không – thời gian ba thì ám ảnh trong hiện hữu tạo nên tiếng nói đa thanh.
Dụng ý nghệ thuật sử dụng bóng tối như là sự tỉnh thức trong hành trình trỗi dậy của ký ức còn có thể tìm thấy trong tác phẩm Người khổng lồ ngủ quên đạt giải Nobel 2017 của K.Ishiguro.
Thật có lý khi cuốn Ca tụng bóng tối của J.Tanizaki được nhiều người tìm đọc. “Tôi sẽ giữ lại ít ra trong văn chương cái thế giới của bóng tối mà chúng ta đang đánh mất”.
Cầm đèn đứng trong đêm
Vậy bóng đêm trong bản năng nguyên sơ làm tỉnh thức, sinh thành, tình yêu và nghệ thuật. Chẳng những cho nhà văn mà cả người đọc.
Tiếp nhận cũng là sáng tạo, mở rộng cái khác trong những diễn ngôn, thấu hiểu văn chương và con người trong bối cảnh lịch sử văn hóa.
Nhà văn và người dạy văn đều là kẻ cầm đèn đứng trong đêm (Tagore). Có vậy văn chương vừa tường minh vừa đầy những bí ẩn giúp con người khát khao khám phá.
Tiếp cận và thưởng thức tác phẩm là niềm hạnh phúc trí tuệ được đoán dần ra chứ không thể nào chiếm lĩnh, bởi nó vô cùng. Dạy và học văn trong sự trao sẵn “đầy ánh sáng” chỉ là lạc quan tếu, hời hợt và dễ sinh nhàm chán.
Chẳng hạn, giảng văn trong nhà trường, đối với những tác phẩm mang khuynh hướng lãng mạn như Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Hai đứa trẻ của Thạch Lam… người ta thường khai thác nghệ thuật tương phản ánh sáng và bóng tối nhằm phê phán bóng tối như là cái ác, cái xấu, tù hãm… ca ngợi và khẳng nhận sự chiến thắng của ánh sáng như là thiên lương, khát vọng…
Đó là điều đơn giản dễ nhận ra và phù hợp đặc trưng thủ pháp văn học lãng mạn… Nhưng chính vì vậy lại dễ cực đoan trong cảm nhận, đơn giản hóa tư tưởng nghệ thuật ở tác giả, ngăn trở những khả năng diễn giải khác ở độc giả trong ngữ cảnh lịch sử – văn hóa toàn vẹn hơn; làm mất đi tính đa diện mơ hồ đầy những khuất lấp giữa những lằn ranh, khó nhận ra ánh sáng và bóng tối không phải là đối lập, loại bỏ nhau mà chỉ là hai mặt luôn tồn tại trong nhau, bổ sung và chuyển hóa nhau ở sự tương tác, tương giao, tương sinh, tương thành trong cuộc sống.
Lãng mạn là đẹp, nhà văn lãng mạn là lữ khách ưu sầu trên hành trình tìm kiếm cái đẹp. Đẹp chưa chắc là giản dị, nhưng giản dị chắc chắn là đẹp. Đẹp ở sự thật mà không trưng diện sẵn trong ánh sáng nên mới khó tìm thấy.
Triết mỹ về cái Đẹp của tác giả Vang bóng một thời được lặng lẽ tìm thấy trong bóng tối lại hàm chứa thông điệp của một sự kháng cự, một khước từ sau những trải nghiệm về cái tráo trở đớn hèn của ánh sáng công lý quyền lực, giàu sang qua ba cái đầu vốn xuất phát điểm khác nhau cùng chụm lại trong đêm ẩm thấp.
Nghịch lý thay, cái đẹp giản dị ấy lại nằm trong bóng tối, nhận ra từ bóng tối đầy những khuất lấp ám ảnh. Chữ – qua người cho chữ và xin chữ đều là kẻ tài hoa và liên tài mà cô độc lạc lõng – được lọc qua màn đêm mà sáng chữ trong một cảnh tượng xưa nay chưa từng có nên mới lạ và quý ở cái thật tự nó.
Tương tự như vậy, quen lấy cái tương phản giữa sáng – tối, giàu – nghèo, ngủ mê như kẻ điên vô thức – tỉnh táo khát khao nhận thức… áp đặt vào Hai đứa trẻ của Thạch Lam là sự nhào nặn chủ quan nuôi dưỡng ước vọng mơ hồ vô tình làm con người tự đánh mất bản ngã.
Chưa học hay học xong Hai đứa trẻ, ai cũng được định hướng sẵn trong sự thỏa thuận diễn giải giữa hai cực ấy: Sống trong bóng tối – xua đi màn đêm khổ đau – khát khao tìm ra ánh sáng.
Những kiếp người nghèo khó, những thân phận bé mọn nhạt nhòa mòn mỏi trong đêm phố huyện nghèo như chị em Liên, chị Tí hàng nước, bác Siêu gánh phở, gia đình bác xẩm, những đứa trẻ nhặt rác và cả bà cụ Thi điên… đang mong đợi một điều gì tươi sáng hơn cho cuộc sống của mình.
Liên và An là tiêu điểm trong cảnh đợi tàu từ Hà Nội xa xôi mang về một thế giới đầy ánh sáng và âm thanh cho phố huyện nghèo tăm tối tù đọng… gợi lên những khát vọng tươi sáng.
Giảng văn như vậy thì như câu văn mở đầu được nhiều người nhắc đến. Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru… Câu văn thông báo mà mang tâm trạng ấy, không khéo đẹp mộng mơ đến đáng thương mà cũng dễ thỏa hiệp ru người ta mãi ngủ trong sự tự ru mình.
Dường như cách đây 5 mùa thi “ba chung”, câu 1 kiểm tra kiến thức đọc hiểu có hỏi, đại ý, ở phố huyện nghèo tăm tối, Liên mơ gì về Hà Nội… và điều ấy có ý nghĩa gì.
Thí sinh như đã được học kiến thức chuẩn, chỉ cần nêu ra Liên mơ về một Hà Nội nhiều đèn, một vùng sáng rực và lấp lánh… những buổi đi chơi bờ hồ được uống những nước, ăn những que kem mát lạnh xanh đỏ… và ý nghĩa trực tiếp ở việc thầy Liên mất việc, từ đó mà hoài vọng khát khao ánh sáng đổi thay… là được trọn ý đủ điểm.
Thật buồn khi sự hời hợt, thiếu thấu đáo trong nhận thức về tư tưởng nghệ thuật của Thạch Lam, nếu trong đêm tối ấy trở mình đặt ra những câu hỏi: Liên cứ mãi mộng mơ, muốn thay đổi trong hoài vọng quay về… có nhận ra nỗi khắc nghiệt của Hà Nội đầy ánh sáng kia đã đẩy bật gia đình mình ra, mơ về một Hà Nội xa xăm rực sáng có phải chỉ là giấc mơ đáng thương của kẻ hèn mọn – ngoại vi về trung tâm ánh sáng đầy tráo trở, lắm cám dỗ, liệu con người có còn khả năng thức tỉnh kháng cự, có còn ý thức về giá trị tự thân hay sung sướng thỏa hiệp trong sự tự nộp mình.
Đáng thương hại thay, mất sức kháng cự để tự nộp mình trong sự mơ về mà vẫn không được dung nạp, thì chỉ là khát vọng niềm vui tự huyễn. Nằm chờ. Và biết ơn ai cho ánh sáng. Có thể, còn nhỏ tuổi, Liên chưa nghĩ tới, nhận ra… Nhưng đằng sau, còn có tác giả và độc giả.
Vậy là phố huyện nghèo chiều về đêm xuống trở thành không – thời gian đáng ruồng bỏ, con người đánh mất chính mình trong thực tại, vô vọng mai này… khi mãi mơ về một thế giới ánh sáng rực rỡ huyên náo đầy những ngụy trá nhốn nháo – không thể cứu được mình.
Trong Hai đứa trẻ, có một người được cho là không bình thường: cụ Thi “điên”. Buồn cười thay, chẳng có dấu hiệu gì để kết luận cụ Thi điên. Hiền hậu và tỉnh táo trong tiếng cười, trong những câu hỏi A, cô bé làm gì thế?, trong hơi uống cạn cút rượu đầy, trong bước chân lảo đảo bước về phía Làng khuất vắng trong đêm.
Vậy Cụ không thuộc không gian ánh sáng trung tâm vốn dĩ đã bị thực dân hóa, không thuộc về không gian phố huyện nghèo dần mòn mỏi của những kẻ an phận hoặc mộng mơ về ánh sáng phồn hoa,
Cụ là người duy nhất thuộc về Làng – một ngoại vi kháng cự thực dân hóa. Cụ cười giòn giã tự tách ra đám người lệ thuộc, tự bước về phía làng khuất sau bóng tối.
Và trong thẳm sâu ta nhận ra, những vẻ đẹp lãng mạn đầy ánh sáng lại đầy những ngụy trá, che giấu những tổn thương đau đớn của kẻ bé mọn nhược tiểu.
Và cái ngoại vi bên rìa trong khuất lấp đầy những thảm kịch bi đát lại lặng lẽ ôm chứa ý thức kháng cự, ít nhất còn có khả năng cứu vớt mà di dưỡng tinh thần.
Muốn thoát ra rối nhiễu mù mờ phải từ chính trong bóng tối ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về… bàn chân rất nhẹ bước ra. Ánh sáng tự mình tìm thấy trong đêm tối là sự thật giản dị của cái Đẹp tự tạo dựng niềm tin.
Phần tối chưa tìm thấy là năng lượng những gì trong vũ trụ bao la ẩn chứa những bí ẩn thách thức trí tuệ, vẫy gọi tim lành. Bạn thả những gì trong đêm khép mắt… đêm vẫn là đêm…