Quê tôi ở xã Trần Hợi mà nhiều người ví von theo cách nói lái Nam Bộ là “trời hận”, cái xã trời hận này lại nằm trong huyện Trần Văn Thời cũng thường được ví von là huyện “trời thần”. Phải chăng vì vậy mà người dân quê tôi rất lì lợm trước bao nhiêu nghịch cảnh và thời thế đổi thay.
Tôi sinh ra trên vùng đất ngập mặn Cà Mau bên cạnh dòng sông Ông Ðốc. Trước mặt nhà là một con rạch tự nhiên có cái tên thật chân chất như người dân quê tôi: Rạch Ruộng, con rạch chảy ngoằn ngoèo qua một khu đất hoang trên đó mọc chen chúc những dừa nước và chà là, một loại cây có gai nhọn cứng thuộc giống cây của rừng ngập mặn. Dù rằng khoảng cách từ nhà ra sông Ông Ðốc chỉ khoảng 800 mét đường chim bay, nhưng nếu bơi xuồng theo con rạch ra sông cũng mất hai, ba mươi phút và phải xuyên qua một “Máng Cò” (vườn chim đa số là cò). Quê tôi quả thật là nơi “khỉ ho cò gáy” như ai đó thường nói.
Trong hơn bốn mươi năm qua kể từ khi tôi rời khỏi nơi đây, vùng đất này đã biết bao đổi thay, một sự đổi thay ngoằn ngoèo như dòng chảy của Rạch Ruộng, nhưng cũng có những cái chẳng thay đổi gì cả. Do hằng năm tôi ít nhất cũng về lại đây một đôi lần để thăm mẹ tôi và những người thân nên cái cảm nhận đó thật rõ nét và thật đáng nghiền ngẫm.
Thật ra Rạch Ruộng là một xóm lớn của vùng đất này, từ bờ sông Ông Ðốc vào đó khoảng một cây số, dân tha hương lập nghiệp ở vùng Hà Tiên, Rạch Giá, vùng Cần Thơ, Bến Tre đã đổ về đây khai hoang làm ruộng hằng trăm năm trước. Sau đó người dân đào kinh dẫn thủy nhập điền, lập làng lập ấp nên nông nghiệp khá phát triển, dân cư cũng khá đông đúc. Cái tên Rạch Ruộng chính là cái rạch để đi vào ruộng lúa bát ngát, thế thôi.
Cách nhà tôi khoảng năm mươi mét là con đập chặn ngang dòng chảy của rạch làm nhiệm vụ giữ nước ngọt cho ruộng và lúc cần thì con đập được mở để xả nước phèn ra sông lớn. Do đó nơi đây hình thành một xóm phố là điểm giao lưu mua bán giữa các vùng chung quanh. Ngay sau ngày đình chiến năm 1954, xóm phố Rạch Ruộng của tôi đã rất đông vui, buôn bán tấp nập, hàng ngày có cả mấy chuyến tàu theo đường sông chở hàng nào lúa, nào heo, gà, nào cá, tôm đi ra Cà Mau, và đưa về đủ loại hàng tiêu dùng, các loại vật tư cho nông nghiệp, cho xây dựng và cả báo chí cũng đã có. Tôi còn nhớ hồi đó trên báo Tiếng Chuông có mục Mười năm khói lửa nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đọc rất say mê. Tuy lúc bấy giờ tôi chỉ mới sáu bảy tuổi nhưng hình ảnh phồn vinh của xóm phố quê tôi hãy còn rõ từng nét một.
Từ năm 1959 cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Ðình Diệm lan đến làng quê tôi, chính quyền ngụy tại tỉnh Cà Mau không thể chấp nhận sự tồn tại của một xóm phố lớn nằm ẩn sau dòng sông Ông Ðốc, vốn là nơi tụ họp và tiếp tế cho cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây. Thế là chỉ trong một ngày, một tiểu đoàn quân với nhiều tàu chiến đã dọn sạch xóm phố lên một thị trấn gần đó (chi khu Rạch Ráng, nay là thị trấn thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ðiều oan ức hơn là “Máng Cò” bấy lâu nay sống hòa thuận với chúng tôi cũng bị vạ lây. Tệ hại hơn, “Máng Cò” không có được một lời báo trước, khu rừng cây Chà Là dù có gai nhọn nhưng không chống lại được ngọn lửa để bảo vệ cho đàn cò ốm yếu, chỉ trong một ngày đêm. Ðàn cò lớp bị giết lớp bị thương, lớp bị bắt làm thịt, lớp may mắn thoát chết đã cao bay xa chạy. “Máng Cò” xóm tôi bị xóa sổ luôn kể từ ngày ấy.
Nhưng không bao lâu sau, một số gia đình trong đó có gia đình tôi lén trốn khỏi khu tập trung, trở về bám lấy ruộng vườn. Thế là xóm phố sầm uất thuở nào nay trở thành một làng quê lác đác vài ngôi nhà ẩn hiện sau các lũy tre thưa. Vài năm sau, một trận càn quét đã làm làng tôi thật sự tan tác, các anh tôi chạy vào rừng theo các ông cách mạng, tôi lúc ấy mới mười bảy tuổi được “quy hoạch” chạy thẳng lên Sài Gòn, mẹ tôi liều mình bám ruộng để có hạt gạo nuôi mấy đứa cháu – con của hai anh tôi. Vùng đất này từ đó đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không biết có thêm bao nhiêu lần bị càn quét nữa, thật ra chẳng ai buồn đếm.
Sau năm 1975, hòa bình được lập lại, người dân trở về xây nhà xây phố mong tạo dựng lại sự phồn vinh như xưa. Nhưng không may, xóm phố tuy có được khoảng mười mấy căn nhà chung quanh cái đập cũ, nhưng dân làng lại khổ vì việc vô hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp đình đốn, hàng hóa thì theo chế độ phân phối bao cấp, nên phố xá chẳng có bán buôn gì cả.
Vài năm sau tiếp theo, lại cái chuyện tách nhập xã. Trụ sở xã dời đi, các trạm y tế, văn phòng hợp tác xã dời theo và một phần do con rạch lâu nay trong chiến tranh ít người qua lại nên bị cạn đi, ghe thuyền ít ghé qua, xóm phố trở lại đìu hiu hơn trước. Có lần gặp lại mấy ông chính quyền ở xóm tôi đề nghị cho “xáng múc” đào con rạch thành con kinh rộng thẳng sông Ông Ðốc và biến bờ kinh thành con đường để xóm phố phát triển ra mặt tiền sông lớn, như vậy may ra phồn vinh trở lại. Về kinh phí tôi đã huy động đủ nhưng tiếc thay chuyện đào kinh làm đường không thực hiện được. Vì cái tánh “lung tung Nam bộ” tùy tiện tiền nong.
Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới mà tỉnh và huyện có những chương trình đầu tư mới, làm thay đổi cuộc sống người dân tại nhiều thị trấn thị tứ. Xóm tôi chỉ cách thị trấn hai cây số nên cũng hưởng được cái phúc lợi này. Giờ đây đã có điện và năm vừa rồi đã kéo được đường điện thoại. Mẹ tôi vô cùng vui sướng, có ti vi xem cải lương, muốn thăm đứa con đứa cháu nào chỉ “a lô” là tới. Phải chi có con đường xe chạy nữa là sướng biết mấy. Thật tội nghiệp cho bà, chiến tranh đã chấm dứt 30 năm rồi mà điều ao ước đó cũng chưa được trọn vẹn. Chẳng biết bà còn đủ sức để nhìn thấy con đường trước khi theo ông bà về cõi xa xăm không!
Lần thăm nhà cúng giỗ ba tôi gần đây, trong buổi ăn vui vầy với anh em bạn bè cũ, mọi người kể lại chuyện năm xưa, nào Việt cộng nào ngụy đánh nhau như thế nào trên vùng đất này, nào mẹ tôi gan dạ bám đất bám làng cho đến ngày giải phóng như thế nào… Vừa đúng mẹ tôi bưng đồ ăn thêm, bà nói “… mấy chục năm rồi còn cái gì Việt cộng với ngụy, chẳng phải bây giờ là thằng Tám, thằng Chín đó sao. Tụi bây đều là con anh chị sui của tao cả, may là tụi bây còn sống trở về làm nông dân như trước, nên còn ngồi đây uống rượu, đất nước thống nhất, mọi người đều được giải phóng khỏi phải cầm súng là phúc đức ông bà rồi”. Bây giờ làm sao có thêm con đường để xóm này thông thương được thì sẽ khá lên, nếu không thật có lỗi với những người nằm xuống ở xóm phố Rạch Ruộng quê tôi…
Xóm làng tôi nửa thế kỷ in đậm dấu vết chiến tranh. Tuy ba mươi năm sau ngày hòa bình lập lại đã có nhiều tiến bộ và phát triển về kinh tế, nhưng cái thói quen trong cách suy nghĩ vẫn còn như cũ. Cái khác nhau chăng chỉ là: Thằng Tám, thằng Chín ngày xưa giờ đây trở thành ông Tám ông Chín ngày nay với bầy con cháu lủ khủ phía sau, và máng cò ngày xưa không còn nữa nhưng cũng chẳng đủ ruộng để chia cho đàn cháu ông Chín ông Tám. Chẳng lẽ lại phải xây một khu chế xuất tại đây? Ðiều này chắc phải chờ con cháu ông Tám ông Chín lớn lên sẽ rõ.