Sau khi bức Salvator Mundi được mua với giá không tưởng 450 triệu USD, các nhà sưu tập tỉ phú Mỹ và nhất là các ông hoàng Ả Rập giàu nứt đố đổ vách đang nhòm ngó nhiều tác phẩm hội họa khác được cho là “vô giá”, trong số đó nhiều bức hiện nằm trong sưu tập của các bảo tàng ở Mỹ. Giả dụ những tranh này có thể được đưa ra thị trường đấu giá thì muốn sở hữu chúng phải bỏ ra bao nhiêu tiền?
Tất nhiên không có tác phẩm mỹ thuật nào thực sự “vô giá” nếu như chủ nhân của nó muốn bán đi. Ông Evan Beard, chuyên viên về các dịch vụ nghệ thuật của Ngân hàng U.S. Trust, đã hỏi một vài nhà sưu tập cỡ lớn nhất thế giới cũng như những nhà buôn tranh có máu mặt nhất hiện nay đâu là những bức tranh họ muốn được sở hữu nhất. Từ các câu trả lời nhận được, Evan Beard đã đưa ra ba yếu tố cơ bản để định giá trị thị trường của một tác phẩm hội họa, đó là: ý nghĩa lịch sử, sự nổi tiếng và sức hấp dẫn đương đại của tác phẩm.
Yếu tố thứ nhất thực ra là ảnh hưởng, sức lan tỏa của tác phẩm. Nhà kinh tế học David Galenson của Đại học Chicago, người nghiên cứu nhiều năm thị trường nghệ thuật, cho rằng: “Những bức tranh đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với nghề nghiệp của các họa sĩ khác cũng như ảnh hưởng đến văn hóa nói chung sẽ được phong thánh và được bán với giá cao nhất”.
Yếu tố thứ hai – sự nổi tiếng – thì đơn giản hơn. Một số tác phẩm nổi tiếng không hẳn vì chúng có tác động đến lịch sử nghệ thuật; đơn cử như bức Thế giới của Christina của họa sĩ hiện thực người Mỹ Andrew Wyeth (1917-2009) hay bức Rạng đông của Maxfield Parrish (1870-1966), họa sĩ Mỹ theo chủ nghĩa lãng mạn. Cả hai đều được biết đến rộng rãi ở Mỹ so với nhiều tác phẩm quan trọng của hội họa thế kỷ XX, vượt xa mức ảnh hưởng thực sự của chúng (tất nhiên nhiều tác phẩm nổi tiếng cũng là tác phẩm hết sức quan trọng).
Với các nhà sưu tập, sở hữu một tác phẩm nổi tiếng sẽ mang lại cho họ một điều kiện thuận lợi trong kinh doanh. Còn yếu tố sau cùng là một chức năng mang tính thời thượng mà tác phẩm mang lại cho các nhà sưu tập được coi là hàng đầu thế giới. Nếu cuối thế kỷ XIX, các triệu phú muốn có trong sưu tập của mình tranh của các họa sĩ hiện thực kinh điển, thì đầu thế kỷ XX tranh của các bậc thầy cổ điển Hà Lan và Ý mới là đích nhắm đến của giới doanh nhân giàu có; sang thập niên 1980 các nhà tài phiệt Nhật Bản lại muốn sở hữu tranh thời kỳ Hậu Ấn tượng (điển hình là tranh của Van Gogh). Còn ngày nay, theo ông George Wachter – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sotheby’s khu vực châu Mỹ thì các nhà sưu tập “muốn một (tác phẩm) mang tính khiêu khích, tạo xúc cảm tức thì và mãnh liệt”.
Căn cứ vào các yếu tố nêu trên, Evan Beard đã đưa ra một danh sách các tác phẩm hội họa hiện nằm trong các bảo tàng tại Mỹ mà theo ông nếu chúng được đưa ra đấu giá một cách sai lầm (như chính quyền Xô Viết đã bán đi nhiều kiệt tác tại Bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg vào thập niên 1930) thì sẽ có mức giá cao chót vót.
1. Các cô nàng ở Avignon (1907) của Pablo Picasso, hiện thuộc Bảo tàng MoMA ở New York. Đây là tác phẩm quan trọng bậc nhất (được dẫn chứng thường xuyên nhất trong các sách mỹ thuật) được vẽ bởi họa sĩ quan trọng nhất của thế kỷ XX, hội đủ cả ba yếu tố nói trên – một kỳ tích văn hóa tót vời. Bức tranh này có giá trị tăng lũy thừa hơn bất kỳ tác phẩm nào và vào bất kỳ giai đoạn sáng tác nào của Picasso. Kỷ lục giá tranh Picasso gần đây nhất là bức Các cô nàng ở Alger (bản “O”): 179 triệu USD tại nhà Christie’s năm 2015; còn Các cô nàng ở Avignon phải có giá gấp nhiều lần: 1,2 tỉ USD.
2. Đêm đầy sao (1889) của họa sĩ Hà Lan Vincent van Gogh, cũng thuộc Bảo tàng MoMA. Giống như bức Mona Lisa hiện trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris, tác phẩm này được người xem hâm mộ bậc nhất và luôn được họ chụp selfie để chứng tỏ đã tận mắt nhìn thấy nó. Trong khi những tranh vẽ hoa hướng dương và những tranh tự họa của Van Gogh có tác động trực tiếp hơn đến lịch sử mỹ thuật hiện đại, bức Đêm đầy sao trở thành hình ảnh có tính chất biểu tượng nhất của một họa sĩ – huyền thoại bậc nhất thời đại chúng ta. Một tỉ phú châu Á từng nói với ông Evan Beard rằng ông ta sẵn sàng từ bỏ đế chế kinh doanh toàn cầu của mình để được sở hữu tác phẩm này. Đêm đầy sao được định giá 1 tỉ USD.
3. Niềm vui cuộc sống (1906) của họa sĩ Pháp Henri Matisse, thuộc sở hữu của bộ sưu tập cũng là Bảo tàng Barnes Foundation (Philadelphia, bang Pennsylvania). Dù không nổi tiếng bằng các tác phẩm khác của Matisse như Điệu múa I (1909 – Bảo tàng MoMA) hay Thiếu phụ đội nón (1905 – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco) nhưng Niềm vui cuộc sống có ảnh hưởng hơn rất nhiều. Nó chính là tuyên ngôn của trào lưu Dã thú mà Matisse là đại diện tiêu biểu và đã tác động mạnh mẽ đến tư duy sáng tạo của Picasso để rồi hướng ông đến với khuynh hướng Lập thể. Nếu đưa ra sàn đấu giá, tác phẩm này phải đạt mức 700 triệu USD.
4. Chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte (1884) của họa sĩ Pháp Georges Seurat, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Chicago. Đây là một tác phẩm đồ sộ được vẽ với một sứ mệnh lớn lao: đặt nghệ thuật hiện đại trên nền tảng khoa học. Màu sắc mà Seurat thể hiện trong tranh tựa như những lý thuyết về thời gian và không gian của nhà bác học Einstein. Seurat đã giới thiệu thuyết tương đối bằng cách chứng minh mối liên hệ giữa các màu sắc, thay vì bản thân màu sắc, có thể tạo nên ấn tượng thị giác. Trụ cột này của Bảo tàng Mỹ thuật Chicago có thể đạt mức giá 650 triệu USD nếu đưa lên sàn, và những người đặt giá đến từ châu Á, Trung Đông sẽ hăng hái nhất.
5,6. Những người tắm khổ lớn (1900 đến 1906) và Những kẻ đánh bài (1892) đều của họa sĩ Pháp Paul Cézanne, bức trước thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia, bức sau thuộc Barnes Foundation. Cả hai tranh khổ lớn này đều quan trọng như nhau, song Những người tắm khổ lớn là một trong vài tác phẩm có ảnh hưởng nhất của Cézanne, có vai trò đặt nền tảng cho các trào lưu Dã thú và Lập thể cũng như với hầu hết các khuynh hướng hội họa khác của thế kỷ XX; còn Những kẻ đánh bài tự thân nó đã nổi tiếng: một nguyên mẫu sớm của sự xa cách và không thân thiện trong xã hội hiện đại. Một họa bản cỡ nhỏ hơn của Những người đánh bài đã bán được với giá 250 triệu USD cho hoàng tộc Qatar. Còn hai bức này phải có giá mỗi bức 500 triệu USD nếu đem đấu giá.
7. Số 1, 1950 (Sương mù oải hương) của họa sĩ Mỹ Jackson Pollock, hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia ở Washington, D.C. Văn hóa châu Âu chưa bao giờ phủ mờ tính cách Mỹ mãnh liệt của Pollock, một đại diện tiêu biểu của khuynh hướng Biểu hiện Trừu tượng Mỹ. Phong cách tạo hình của ông phả năng lượng mới vào nghệ thuật hiện đại thời Hậu Thế chiến II từ Paris sang New York. Sương mù oải hương được các nhà sưu tập tìm cách sở hữu nhiều nhất trong số tranh Pollock. Tranh ông đã đạt mức giá 200 triệu USD nên tác phẩm kinh điển này sẽ đạt mức giá 450 triệu USD khi lên sàn.
Ngoài ra, các tác phẩm khác như Xưởng vẽ đỏ (1911, Bảo tàng MoMA) của Matisse được định giá 400 triệu USD, còn Thiếu phụ cầm chiếc cân (1664, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia) của họa sĩ Hà Lan cổ điển Johannes Vermeer, Nàng Ginevra de’ Benci (khoảng 1474-1478, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia) của Leonardo da Vinci và Khai quật (1950, Bảo tàng Mỹ thuật Chicago) của họa sĩ Mỹ Willem de Kooning đều được định giá 350 triệu USD nếu đem đấu giá.