Diễn ra trong một tuần từ 14 đến 20-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1), triển lãm của 14 họa sĩ và nhà điêu khắc – thành viên của Nhóm Hiện thực đến từ Hà Nội có thể gọi là một sự kiện nghệ thuật cuối năm 2018, khi thu hút được một lượng người xem đáng kể, được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và được các cơ quan truyền thông đại chúng quan tâm ghi nhận.
Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức, Vũ Ngọc Vĩnh đã mang đến triển lãm của nhóm 70 tác phẩm, trừ cụm tượng của Trần Thức còn lại là tranh với đề tài khá đa dạng, nhiều nhất là cảnh sắc, sinh hoạt của người dân tộc vùng núi phía Bắc được thể hiện giàu cảm xúc qua tranh vẽ những đứa trẻ các bản làng vùng cao của Nguyễn Đinh Duy Quyền hay loạt tranh Phía sau thung lũng của Lê Cù Thuần, họa sĩ sống và sáng tác ở Tuyên Quang.
“Đầu tàu” của Nhóm Hiện thực là Phạm Bình Chương, được biết đến nhiều với tác phẩm thủy chung đề tài Hà Nội và đã thành công cũng như thành danh với con đường đã chọn, dù Hà Nội đã vào tranh của rất nhiều họa sĩ, kể cả những bậc thầy đã thành cổ điển như Bùi Xuân Phái.
Tranh của Phạm Bình Chương là những câu chuyện kể bình dị về vùng đất mà anh đã sinh ra, lớn lên cùng với bao đổi thay đến chóng mặt những năm qua, thế nhưng chỉ cần một thân bàng đã rụng gần hết lá vào mùa đông (Bàng đông) hay những nhịp cầu sắt Long Biên đã hoen rỉ in dấu xuống vũng nước mưa (Lối về) đã đủ để những người xa Hà Nội bồi hồi.
Tương tự, đã có biết bao tranh vẽ Hội An nhưng bộ ba tác phẩm vẽ phố cổ bên sông Hoài của Phạm Minh Đức rất đáng chú ý. Phải chăng sắc vàng úa trong tranh là nỗi hoài nhớ, là niềm nuối tiếc về một thời quá vãng của đô thị cổ này khi mà Hội An đang đánh mất dần bản sắc của mình bởi cơn bão du lịch đang tràn qua.
Ở một cực khác, những phố đêm của Mai Duy Minh thấm đẫm sự cô đơn của những thân phận lạc loài chỉ muốn tìm về một chốn trú ẩn bình yên. Tranh của anh là nỗi ngậm ngùi trước vẻ tàn phai và sự biến thiên không cưỡng lại được của đời sống đô thị.
Mảng tranh của Lê Thế Anh có lẽ thu hút người xem nhiều nhất, đặc biệt là bộ ba tác phẩm Vùng Mê Thảo. Cái ấp mang tên Mê Thảo trong truyện Chùa Đàn đầy sức ám ảnh của Nguyễn Tuân là cảm hứng để Lê Thế Anh thể hiện ở ba nhân vật nữ trong không gian của ba bức tranh dân gian cổ thế kỷ 18, tương ứng với hình ảnh những chú ngựa trong tranh là tính cách khác nhau của ba cô gái.
Từ “chủ nghĩa hiện thực” (réalisme) trong hội họa xuất hiện lần đầu tiên ở Pháp vào năm 1826 trên tạp chí Mercure de France trong một bài viết của Jules François Felix Fleury-Husson (1821-1889), nhà văn cũng là nhà phê bình nghệ thuật người Pháp ký bút danh Champfleury, người đầu tiên ủng hộ họa sĩ Gustave Courbet (1819-1877), nhà tiên phong của chủ nghĩa hiện thực trong hội họa Pháp thế kỷ 19. Năm 1855, Courbet gửi 14 bức tranh của ông để dự Triển lãm Thế giới (Exposition Universelle) tổ chức ở Paris nhưng ba bức tranh quan trọng của ông, trong đó có tác phẩm hoành tráng Xưởng vẽ của họa sĩ, không được chọn vì lý do thiếu chỗ treo.
Thế là Courbet tự tổ chức triển lãm cho riêng mình, bày tới 40 bức trong gallery của riêng ông, được ông đặt tên là Pavillon du Réalisme (Gian phòng của chủ nghĩa hiện thực). Theo quan điểm của Courbet, “hội họa cơ bản là một nghệ thuật cụ thể và hội họa phải dùng để thể hiện những vật có thật và hiện đang tồn tại”. Chủ nghĩa hiện thực với ông là thế.
Tất nhiên sự mô tả những sự việc, đồ vật bình thường bằng ngôn ngữ hội họa không còn bám riết các họa sĩ theo khuynh hướng này hôm nay. Nên nhiều tác phẩm trong triển lãm của Nhóm Hiện thực gần với siêu thực hơn như Cô gái với chiếc lông ngỗng của Vũ Ngọc Vĩnh, tiệm cận với cực thực hay hiện thực nhiếp ảnh (photorealism) như tranh Trịnh Minh Tiến. Còn những tranh Cây đào ra hoa của Đoàn Văn Tới nhìn xa như tranh trừu tượng!
Đi xem triển lãm của Nhóm Hiện thực, họa sĩ kỳ cựu Nguyễn Thanh Bình cũng thừa nhận triển lãm có nhiều tranh tốt, song ông muốn “nói thêm một điểm với các họa sĩ vẽ tả thực”, đó là họ “hoàn toàn có thể căn cứ vào một bức ảnh để vẽ”, nhưng nên hiểu “các bức ảnh, đặc biệt là ảnh kỹ thuật số, là hiệu quả của cảm biến quang học, ghi nhận đối tượng bằng hiệu ứng quang học, rồi biến đổi nó thành điểm ảnh (pixel) mô phỏng hoạt động của thần kinh thị giác bằng thuật toán, nên máy móc”, trong khi “não người và thần kinh thị giác làm việc theo nguyên tắc khác, thị lực từng người cũng khác (kỹ thuật hiện đại cố gắng nâng cao độ phân giải của ảnh để tăng độ “nét”, tuy nhiên, sẽ còn rất lâu mới đạt đến cách nhìn và thấy của mắt người).
Do đó, họa sĩ không nên (hoặc không thể) căng mắt ra “soi” xem bức ảnh như thế nào để “chép” lại y xì, mà cần phải hiểu cái “không gian” của đối tượng trên từng milimet vuông, điều đó chẳng những đòi hỏi hình họa phải vững, mà còn phải hiểu rằng bức tranh phải khác bức ảnh, chứ không phải là một bức ảnh phóng to, công lực không chỉ là công phu tỉa tót, vì nhiều người sa vào chuyện cố gắng tỉa cho giống mà quên mất cái không gian và thần thái của đối tượng mới quan trọng”. Có lẽ đó là một góp ý “có nghề” nhất của một tác giả có thể gọi là trung thành với tranh hiện thực.