Hai mươi năm trước, khi từ quê nhà Maroc vượt Địa Trung Hải đến nước Ý, chàng trai Mustapha 22 tuổi mang theo bao nhiêu hy vọng về một cuộc sống tương lai ở vùng đất hứa, thế nhưng dù có mơ mộng cỡ nào đi nữa anh cũng không tưởng tượng nổi có ngày mình được sống ngay trong một… bảo tàng mỹ thuật! Mustapha là một trong 200 cư dân đang sống trong một nhà máy làm xúc xích cũ đã bỏ hoang ở ngoại ô của Roma, nơi đã trở thành một không gian nghệ thuật mới được nhiều người biết đến ở thủ đô nước Ý.
Vào năm 2009, một nhóm người Ý vô gia cư cùng với những di dân đến từ Maroc, Sudan, Eritrea, Peru và Ukraina và một số gia đình cư dân nghèo khó ở địa phương thuộc khu ngoại ô Tor Sapienza, phía đông Roma đã tìm thấy một chốn dung thân – đó là một nhà máy sản xuất xúc xích đã hoang phế từ lâu. Phần lớn trong số những kẻ không nhà ấy không hề biết nhau từ trước nhưng họ đã cùng nhau bắt tay dọn dẹp, làm sạch chỗ ngụ cư mới, biến nó thành những mái ấm cho mình và gia đình. Hai năm sau, nhà nhân loại học cũng là họa sĩ người Ý Giorgio De Finis khi tình cờ đi ngang qua nơi ấy đã hết sức bất ngờ trước một cộng đồng đa sắc tộc đến từ nhiều vùng đất trên thế giới nhưng lại sống thật hòa hợp bên nhau. Chính cái tinh thần “thế giới đại đồng” của một chốn cùng đinh đã thúc đẩy De Finis hợp tác với cư dân ở đó tiến hành một dự án nghệ thuật mà ông gọi là “đô thị bên trong đô thị” và sự hợp tác ngoạn mục đó đã tự phát trở thành một bảo tàng mỹ thuật độc đáo.
Với tên gọi tiếng Ý là Museo dell’ Altro e dell’ Altrove di Metropoliz (viết tắt MAAM, có nghĩa là “Bảo tàng của người khác và nơi nào khác ở thủ đô”), MAAM hiện đang trưng bày nhiều tranh tường, tác phẩm hội họa và tác phẩm sắp đặt của hơn 300 nghệ sĩ tạo hình đến từ khắp nơi trên thế giới. Có người rất nổi tiếng như nghệ sĩ thị giác người Ý Michelangelo Pistoletto hay họa sĩ Brazil chuyên vẽ tranh tường Eduardo Kobra lừng danh (DNSGCT đã có bài giới thiệu) nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ đến từ các khu vực lân cận của MAAM. Với Warios, họa sĩ vẽ graffiti ở Roma thì MAAM “là nơi thật tốt để vẽ; là một cơ hội tuyệt vời đối với chúng tôi. Ở Roma, vẽ graffiti bị cấm còn ở đây chúng tôi không cần xin phép ai cả. Chúng tôi đến đây vẽ, chơi đùa và thích thú được tương tác với cư dân của bảo tàng”. Warios đã cùng với bạn gái của anh trang trí những bức tường của MAAM. Tất nhiên bảo tàng mỹ thuật lạ lùng này không có ngân sách và tất cả các nghệ sĩ đến với MAAM đều tự nguyện và hiến tặng tác phẩm của mình. Nói như người chủ xướng dự án Giorgio De Finis: “MAAM thể hiện một quan niệm rất dân chủ, ở đó các nghệ sĩ khác biệt về tuổi tác, phong cách và trình độ nghệ thuật đã cùng nhau triển lãm tác phẩm”.
Thật khó hình dung một nơi từng là lò mổ – một không gian của sự sát sinh nay được chuyển đổi thành nơi cư trú của nhiều người đang khởi đầu cuộc sống mới của họ và đem lại cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Một phòng lớn từng được dùng để lột da heo nay là nơi trưng bày một bức tranh lớn vẽ những con heo bị treo cổ. Một số phòng được các nghệ sĩ thiết kế thành phòng chơi đùa cho trẻ em, con của khoảng 60 gia đình cư dân của MAAM. Nhiều đứa trẻ trong số 80 em ở MAAM đã được sinh ra tại đây, cùng thời với những bức tranh tường và các tác phẩm sắp đặt ở khắp nơi. Cư dân của MAAM đã cùng các nghệ sĩ tổ chức các khu vực trưng bày, triển lãm tác phẩm cũng như mở một cafeteria phục vụ công chúng đến thưởng lãm nghệ thuật. Gắn bó với họ từ ngày đầu thực hiện dự án, Giorgio De Finis còn nỗ lực xây dựng một quan hệ tích cực giữa MAAM với các cộng đồng dân cư gần đó, bởi vài năm trước đã có các cuộc phản kháng chống dân nhập cư ở Tor Sapienza.
Lo âu trước những bất ổn có thể xảy ra do tình trạng người nhập cư bất hợp pháp đến Ý ngày càng nhiều, không chỉ người dân tỏ thái độ chống dân nhập cư mà chính quyền ở Roma đã trục xuất nhiều gia đình di dân cũng như người vô gia cư khỏi những nơi họ đến sống bất hợp pháp. Cư dân của MAAM cũng sợ rằng một ngày nào đó họ rồi sẽ phải rời bỏ khu nhà này, chính vì thế họ đã mở rộng cửa đón những người khách đến với mình vào những ngày cuối tuần. Theo Giorgio De Finis, có thể những người Ý yêu thích nghệ thuật sẽ là lý do để MAAM cùng với cư dân ở đó tồn tại dài lâu: “Nếu họ đuổi 200 người, bao gồm 80 đứa trẻ ra ngủ ngoài đường, điều đó sẽ không được coi là một vấn đề gì hệ trọng và bạn sẽ đọc được hai dòng tin vẻn vẹn trên báo, rằng “công việc làm đẹp khu ngoại ô đã bắt đầu”, thế nhưng nếu những chủ nhà hiện nay ở MAAM hủy hoại 500 tác phẩm nghệ thuật có giá thị trường đáng kể thì họ sẽ được coi chẳng khác gì bọn ISIS hay Taliban, những kẻ đã phá hủy các tượng Đức Phật ở Afghanistan”.
Rất có thể nhận định của họa sĩ Giorgio De Finis là chính xác, bởi đã không hề có ý định trục xuất nào của nhà chức trách ở Roma đối với MAAM trong suốt bảy năm qua, khoảng thời gian mà nhà máy làm xúc xích bỏ hoang được biến thành bảo tàng mỹ thuật. Tuy nhiên ông Salini Impregilo, chủ nhân thực thụ của nhà máy cũ đã kiện ra tòa những cư dân đang sống tại đây, tố cáo họ đã hủy hoại tài sản của ông. Vụ kiện đang chờ tòa xét xử song Giorgio De Finis hy vọng chính phủ Ý sẽ nhận ra tầm quan trọng và tính biểu tượng của MAAM. Cho tới lúc có phán quyết cuối cùng của tòa án, người chủ xướng dự án nghệ thuật đặc biệt ở Roma nói rằng, hoạt động nghệ thuật ở MAAM sẽ vẫn tiếp diễn như là “một hình thức phản kháng của nghệ thuật để bảo vệ chốn này, và thật là bất hạnh nếu nó bị phá nát bởi xe ủi và có thể một khu mua sắm sẽ mọc lên”. Cùng với các nghệ sĩ, cư dân của MAAM như Mustapha luôn chào đón khách tham quan cũng như du khách đến từ khắp nơi với hy vọng, có thể là mong manh, họ sẽ giúp giữ được mái ấm của những di dân cùng đinh. “Chúng tôi làm việc mỗi ngày để nơi này phát triển, chúng tôi muốn cư dân sống tại đây phải sống tốt hơn”, anh nói.