Ông bạn vừa ngồi xuống ghế đã bực dọc… xổ ra. “Chắc hôm nay lại có chuyện gì với cô cậu quý tử ở nhà”, tôi thầm nghĩ. Ông ấy nói: “Tưởng làm di chúc đơn giản mà cũng lôi thôi lắm động tác giấy tờ quá.
Thế mà người phương Tây có khi họ làm di chúc từ lúc bốn mươi tuổi, chẳng đợi đến già sắp chết mới làm như mình”. Bà xã tôi cười: “Thế nên mới có các chuyện phim gia đình người thân giết nhau để nhanh hưởng gia tài đó”.
Ông bạn cảnh báo: “Đừng tưởng ở nước ta không giết nhau vì tiền, chẳng cần đến chuyện di chúc đâu. Là vì chưa tiến tới cái nhu cầu văn minh là thừa hưởng theo luật pháp. Ta bất cần luật, cứ có tiền là làm thôi.
Tiền ít cũng có thể giết người! Người ta nói xã hội đơn cực chỉ biết có tiền nên mới ra như vậy đó”. Bà xã tôi tiếp luôn: “Chẳng cần viết di chúc làm gì, đập đầu vào cái nền hành chính rắc rối.
Cứ biến khỏi cõi đời xong, có chút tài sản thì “các anh các chị” liệu thu xếp với nhau. Tôi cũng chẳng cần mồ mả thăm nom cho vướng bận các anh các chị. Cứ đốt ra tro rải xuống biển.
- Xem thêm: Chém gió để… ngon miệng
Các anh chị nào nhớ thì làm giỗ tại nhà, chỉ có tấm hình, vậy cho nhẹ nhàng. Chứ như mồ mả cha mẹ mình ở quê, con cái bây giờ ở bên Mỹ chẳng hạn, sức đâu mà về thăm luôn.
Giỏi lắm thì nhờ vả bà con xa ngày giỗ tết thắp giùm nén nhang, thỉnh thoảng gửi tiền về. Rồi mồ mả quan trọng lắm, lo lắng sợ rễ cây đâm xuyên qua đem đến tai họa, lo giải tỏa “ôm mộ dọn nhà” chạy có khi mấy lần chưa yên. Nên mình thôi, biến cho nhanh, chẳng phiền ai…”.
Nhưng ông bạn phản biện ngay: “Nghĩ như bác, lỡ con cái không biết thu xếp chia nhau, lại tranh giành đấu đá, đứa hiền lành chịu thiệt, anh nghe “con rắn độc” (thời nay lấy phải toàn rắn độc không), bày mưu kế lấy hết của các em thì sao”. Bà xã tôi cười: “Thì đó là chuyện của người sống, chứ tôi chết rồi là xong, sao tôi lo tiếp được…”.
Không biết những buổi cà phê chém gió, đám bạn trẻ chém cái gì, tôi thật sự tò mò. Chém gì mà có thể ngồi từ sáng đến thông trưa, ăn sáng rồi ăn trưa luôn, chiều mới về có khi. Giống như đi trốn ai ở nhà không muốn về.
Thời nay làm gì có kỷ luật cá nhân. Nên mới thành lối sống, cán bộ mới ăn nhậu ngay trong giờ làm việc. Anh cứ ra Hà Nội, mấy cái nhà hàng phía sau Lăng Bác mà coi. Cán bộ, sĩ quan, quân hàm quân hiệu đủ cả, phừng phừng ăn uống, ngồi như “quảng trường”.
Thì ở đâu chẳng có, việc gì ra Bắc cho xa. Sài Gòn có những buổi chiều, cả một con phố được “ướp” thơm lừng bò lá lốt, anh đi qua, không ăn mà quần áo cũng được ướp cả đấy thôi có gì lạ…
Thôi nói chuyện khác đi, chuyện ăn nhậu nói mãi rồi. Cứ ăn đi, Việt Nam là nước trong top của ung thư thì nhân – quả lãnh lấy. Bệnh từ miệng vào. Cái gì cũng ăn, bẩn thỉu thiu ôi bằm lên ướp gia vị hóa chất thơm lừng, cái miệng không chịu trách nhiệm.
Chuyện của ông bạn sang trọng nghe lạ tai hơn. Phải có học mới có được nỗi buồn này. “Mình từ xưa trót mê văn hóa Pháp, Đức mất rồi. Nay bày ra cái trò EU, đồng tiền chung, văn hóa bản sắc riêng yếu hẳn đi.
Cái Bảo tàng Louvre sang trọng linh thiêng là thế mà nay phải tạm đóng cửa để chấn chỉnh nạn trộm cắp, thì thấy tình trạng xuống cấp cỡ nào. Này tôi hỏi anh chị, lý do thật để mở rộng Hà Nội là gì? Thì anh biết lý thuyết rồi đấy, để phát triển tương xứng hiện đại hóa gì gì đó…
- Xem thêm: “Ăn nhau” ở cái gì?
Nhưng mà thiên hạ đồn, có một lý do ai cũng nghĩ mà không nói công khai, chính là đám buôn đất có quyền lực mạnh nên mua sẵn đón gió rồi, không công nhận đó là đất thủ đô thì sao tăng giá lên được. Chứ mở rộng rồi kinh tế văn hóa có lên gì đâu… còn nghe kêu là “nông thôn hóa thành thị” đó thôi”.
Trời, cứ nghe chuyện thì thấy con người suy thoái trầm trọng quá, càng già càng suy thoái (Đúng rồi còn gì, khi nào nằm liệt, khiêng lên đặt xuống là lúc đỉnh điểm suy thoái). Một ông bạn già giàu có, học thức lại càng phức tạp. Có mà trời giải tỏa được những bức xúc này.
Cho nên vai trò của cà phê chém gió, của tiệm ăn có tính… cứu nguy, đừng có đem ung thư ra dọa. So với sự cần thiết và sức mạnh của chém gió, ung thư chỉ là cái đinh!