Hiếm có nhà thiết kế thời trang nào vừa có cả cái đầu lạnh và trái tim nóng như Nguyễn Công Trí để có thể cân bằng giữa hai vai trò doanh nhân và nghệ sĩ, bay bổng nhưng chừng mực và tỉnh táo, náo động mà vẫn điềm tĩnh.
Những bộ sưu tập được trình diễn ở trong, ngoài nước của anh như là chùm câu chuyện kể đầy thi vị và xúc động về những vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của miền Trung, của Đồng bằng sông Cửu Long, của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh…, thể hiện sức sáng tạo bền bỉ không dễ tìm thấy ở các nhà thiết kế Việt Nam.
Bộ sưu tập No. 9 của anh vừa trình làng tại Tokyo Fashion Week 2016 mang tên Lúa tiếp tục chứng tỏ sức sáng tạo mạnh mẽ, được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao.
Theo đuổi dòng thời trang cao cấp, hiện anh đang sở hữu ba thương hiệu KINconcept, Công Trí và Nguyễn Công Trí.
Bằng tầm nhìn và kỹ thuật xử lý chất liệu cũng như khả năng tạo mẫu, anh trình làng những sản phẩm vừa đón đầu xu hướng mới của thời trang thế giới, vừa phù hợp với thẩm mỹ và vóc dáng của người Việt.
Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước ngày càng nóng bỏng. Làm thế nào anh có thể duy trì sức sáng tạo cho ba thương hiệu của mình với ba hướng đi khác biệt?
Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn nên nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng hàng trăm năm đã và đang đổ bộ vào thị trường này.
Bên cạnh đó, sự thay đổi thẩm mỹ của người tiêu dùng, những đòi hỏi đa dạng và khắt khe hơn đã khiến cho ngành thời trang khởi sắc, tính cạnh tranh rất mạnh.
Các nhà thời trang trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, mà cạnh tranh với cả đồng nghiệp nước ngoài.
Các thương hiệu của tôi vẫn duy trì được sự phát triển ổn định khách hàng thấy được ở đó sự khác biệt. Nhiều người thích thương hiệu nào đó của nước ngoài nhưng vẫn chọn thiết kế của tôi.
Thương hiệu Nguyễn Công Trí là dòng thời trang trình diễn, mỗi năm cho ra đời một bộ sưu tập mang đậm chất biểu diễn, cho phép tôi thỏa sức bay bổng với những thiết kế mới.
Thương hiệu Công Trí là những trang phục ứng dụng, đời thường, dành cho phái đẹp đi chơi, dự tiệc, ngoại giao. Chúng tôi nhận thiết kế riêng và may đo riêng theo mong muốn của từng khách hàng.
Thương hiệu KINconcept dành cho thanh thiếu niên với những bộ trang phục mặc hằng ngày, đáp ứng khả năng mua sắm của giới trẻ nhờ giá cả phải chăng.
Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã hình thành ba dòng thời trang với sắc màu khác biệt như thế. Sự khác biệt ấy giúp tôi đi xa hơn, sâu hơn và rộng hơn trên con đường sáng tạo.
Đã trình diễn nhiều, được đi biểu diễn ở nhiều nước nên những trải nghiệm đã giúp thiết kế của tôi bay bổng hơn. Tôi được thỏa sức sáng tạo, cháy hết mình với đam mê.
Để đưa được dòng thời trang của mình đi vào đời thường, anh có phải đối diện với những thử thách giữa sáng tạo và tài chính?
Đến một thời điểm già dặn hơn, tôi sẽ suy nghĩ về những bộ trang phục mang tính thương mại hơn, đáp ứng cả cho những người có nhu cầu cao cấp lẫn người tiêu dùng trung lưu.
Thử thách giữa sáng tạo mẫu mã và ngân sách rất nhiều, rất khắc nghiệt. Một nghệ sĩ đi kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn một doanh nhân chuyên nghiệp, mà khó nhất là cân bằng được giữa việc kiếm tiền và bản năng nghệ sĩ. Tôi cũng mắc sai lầm khi bắt đầu thương mại hóa thương hiệu của mình.
Cách đây hơn chục năm, tôi bịảnh hưởng bởi sự bay bổng nên hàng làm ra đẹp mà bán được rất ít. Người tiêu dùng thích ngắm chứ không chọn mua đã khiến tôi hơi hụt hẫng.
Sau đó tôi phải cân chỉnh lại cách sản xuất thời trang để đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Nói thật là suốt quá trình khởi nghiệp, khi chưa xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp, tôi cứ bị giằng co giữa hai vấn đề đó. May mắn là tôi đã bắt kịp được theo dòng chảy.
Thời trang ứng dụng phải chăng đòi hỏi một cách tiếp cận khác?
Phải đi vào cuộc sống, thói quen, thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng, không thể bay bổng mãi, mà phải có điểm dừng. Nếu không sáng tạo thì còn gì là thời trang.
Tôi cố gắng liên tục cho ra đời những kiểu dáng mới có khả năng đi vào đời thường. KINconcept đã được giới trẻ đón nhận bởi phong cách trẻ trung, hiện đại, dễ mặc.
Bây giờ, với anh khó khăn nào là lớn nhất?
Đến hôm nay, khó khăn của tôi không phải là kinh doanh thế nào, đường lối ra sao, mà là cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng để có thể thích nghi theo những thay đổi mỗi ngày.
Bộ sưu tập No. 9 mang tên Lúa của anh đã được đánh giá cao trong Tuần lễ thời trang Tokyo. Mang lúa vào lụa, anh muốn kể cho bạn bè thế giới câu chuyện gì thông qua ngôn ngữ thời trang?
Ở cuộc biểu diễn mang tầm quốc tế, phải làm thế nào để người xem hiểu được những gì mình thể hiện trong bộ sưu tập. Lúa được sự đón nhận nồng nhiệt vì lần đầu tiên một nhà thiết kế Việt Nam mang đến bộ sưu tập mới lạ trong cách trình diễn, cấu tứ và chất liệu.
Lúa bắt đầu từ hình ảnh những người phụ nữ nông thôn Việt Nam tảo tần, mạnh mẽ. Khi ngắm những người phụ nữ Nam bộ trong tà áo bà ba trên cánh đồng, tôi bỗng thấy yêu da diết chiếc áo bà ba.
Người ta nói nhiều đến Việt Nam qua tà áo dài, nhưng ít người thăng hoa với chiếc áo bà ba, một trang phục rất quen thuộc, phổ biến trong đời sống hằng ngày của người phụ nữ.
Tôi sử dụng 100% chất liệu Việt Nam và vải lãnh Mỹ A quốc bảo đã thăng hoa trong bộ sưu tập này. Loại lãnh Mỹ A nay chỉ còn một cơ sở sản xuất hoàn toàn thủ công là gia đình bác Tám Lăng. Qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi đã tiếp cận được loại vải này.
Khi bước vào bộ sưu tập của tôi, nó vừa mang tinh thần truyền thống vì hoàn toàn được làm bằng tay, vừa mang hơi hướng hiện đại, qua đó người xem cảm nhận được một luồng gió mới mẻ.
Chúng tôi hoàn thành 41 bộ trong tám tháng. Những bông lúa đa phần được làm bằng tay, đính với các nguyên phụ liệu khác nhau để tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ đầy màu sắc.
Cảm xúc của anh khi chứng kiến sự hâm mộ của giới thời trang Nhật Bản?
Ra biển lớn, cùng tham gia với đồng nghiệp các nước, tôi thấy bộ sưu tập của mình được thăng hoa rất nhiều. Trên sàn diễn Tokyo, những đứa con tinh thần của tôi như lung linh hơn. Đến giờ tôi vẫn không quên cảm xúc đó, thấy mình không uổng công và càng thêm quý trọng toàn bộ ê-kíp đã nỗ lực thực hiện bộ sưu tập Lúa nhiều ngày đêm.
Khán giả Nhật rất khó tính, đòi hỏi giá trị thẩm mỹ rất khắt khe, cách ăn mặc không hề hời hợt. Họ tỏ ra rất thích thú khi biết việc cho ra một thước lụa công phu thế nào, quá trình thực hiện bộ sưu tập vất vả ra sao.
Năm này qua năm khác, các bộ thời trang Chờ đợi một cơn mưa, Sài Gòn – Điều bí ẩn, Lúa… được anh tung ra dường như mang một ý tưởng, một thông điệp chung?
Đối với tôi, mỗi bộ sưu tập đều ẩn chứa những gì thân thương nhất của quê hương. Vẻ đẹp mộc mạc của làng quê luôn khiến tôi cảm hứng, thăng hoa. Tôi không dựa vào những cảm hứng xa xôi, cũng không theo trường phái nào của phương Tây. Vẻ đẹp Việt Nam là cảm hứng xuyên suốt trong các ý tưởng bộ sưu tập của mình.
Vào thăm Facebook của anh, có thể thấy ở đó một con người khiêm nhường, luôn học hỏi. Đó có phải là sức mạnh ngầm giúp cho anh nuôi dưỡng sức sáng tạo?
Tất cả đều nằm trong nếp sống, thói quen thôi. Nếu xem phim, đọc truyện là hai thú vui riêng thì học hỏi là kết quả của một nền giáo dục đã ăn sâu vào nếp sống của tôi.
Khi trưởng thành, phải thường xuyên cân bằng giữa sáng tạo và thương mại, nếp sống là phần quan trọng giúp tôi duy trì sức sáng tạo.
Tôi thích đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Mỗi câu chuyện của chị như đưa tôi trở về nhà, tâm hồn trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng giúp tôi cân bằng cuộc sống, vượt qua mọi lo toan bộn bề của thế giới showbiz.
Ngày còn nhỏ chắc anh đã ham thích hội họa?
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, cuộc sống tuổi thơ của tôi rất nhiều âm thanh, màu sắc. Nhà tôi ngay sát bên chợ, phía sau có dòng sông Hàn nên mỗi ngày tôi được thấy những thứ rất màu sắc, rất rực rỡ, rất đời thường.
Khi xem phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi cảm nhận được không khí y như ngày xưa ở nhà nội. Đường đến trường giữa trưa nắng hay màu hoa phượng vẫn còn đọng trong suy nghĩ của tôi.
Thời thơấu, dù việc học chiếm khá nhiều thời gian nhưng tôi vẫn dành nhiều đam mê cho hội họa. Thời gian được học với những người thầy Nga đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của tôi rất nhiều.
Những đề bài thầy cho như vẽ về ước mơ của mình, vẽ thành phố của mình, vẽ lại những cảm xúc của mình khi xem bộ phim hoạt hình… đã khiến tôi rất thích vì tha hồ tưởng tượng.
Đến năm thứ nhất đại học, tôi thấy mình như học lại những điều đã học từ lớp 4. Nhìn lại tuổi thơ, tôi thấy một bức tranh rất đẹp, cho tôi nhiều cảm xúc, dù cuộc sống cực khổ. Nơi đó, mảnh đất đó đã nuôi dưỡng tôi để tôi lớn lên như ngày hôm nay.
Gia đình có tác động đến khả năng hội họa của anh không? Anh bắt đầu đi vào thời trang từ năm nào?
Nhà tôi có bảy anh chị em. Mẹ là giáo viên tiểu học, ba làm ở ngành đường sắt. Gia đình công nhân viên chức tạm đủ sống, anh em tự dạy bảo nhau, học chung sách vở của nhau.
Các anh chị tôi người làm nha sĩ, người kỹ sư, chỉ có tôi thích bay bổng vẽ vời. Mẹ thấy có năng khiếu nên cho tôi học vẽ ngay từ lớp 1.
Đi thi vẽ đoạt giải chỉ mong được thưởng sách vở, được thêm màu vẽ… Đến năm lớp 9, thấy chị Minh Hạnh vực dậy ngành thời trang, tôi thích những bộ trang phục đẹp và theo đuổi từ đó.
Và con đường đưa anh trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp hẳn cũng có điểm tựa nào đó?
Sau khi đậu vào khoa Mỹ thuật công nghiệp của Đại học Kiến trúc, như bao sinh viên khác, tôi cũng vừa đi học, vừa đi làm thêm, cũng theo đám bạn bán thiệp ở Nhà thờ Đức Bà, vẽ hình lên mặt cho các cổ động viên mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng, rồi trang trí mấy quán karaoke…
Năm thứ ba đại học, tôi đoạt giải ý tưởng trong cuộc thi Collection Grand Prix, chính thức bước vào ngành thời trang, trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Từ đó tôi đào sâu hơn chuyên môn, tự học trên một chặng đường dài.
Đã tự lập từ bé, gầy dựng sự nghiệp từ những ngày tháng sinh viên, gom góp từng chút để khởi nghiệp, tôi đã làm việc hết mình nhưng tính nghệ sĩ còn nhiều, so với doanh nhân khác mình chẳng thấm gì, vừa làm vừa hưởng thụ thôi.
Một người đầy cảm xúc như anh có khó sống không?
Tôi chẳng có gì quá buồn, quá vui, cái gì cũng có thể nếm trải. Học sống còn khó hơn nhiều so với học nghề.
Trước sóng gió trong những ngày đầu khởi nghiệp, tôi cũng bị nao núng, thất vọng, cũng có lúc “vui quá hóa dại”…
Đến hôm nay, không còn trẻ, cũng chưa già, nhưng nhìn lại những gì trải qua, tôi thấy mình an nhiên tự tại, hài lòng với chính bản thân.
Tôi luôn cố gắng tự cân bằng ước muốn để không bị lệ thuộc bất cứ điều gì. Nhiều người cứ nghĩ mình giỏi, sẽ không có ai giỏi hơn, cứ cố giỏi hơn nhưng như vậy càng làm mất cân bằng cuộc sống, rút cục chẳng giải quyết được gì.
Giải thoát khỏi áp lực của chính mình là bớt ham muốn, bớt sân si, cứ làm tốt nhất trong khả năng, sống có niềm vui.
Nhiều người thành đạt rồi cũng phải đi tìm cuộc sống vui, thuyền lớn sóng lớn là chuyện bình thường, làm sao tìm được niềm vui mỗi ngày là điều quý nhất.
Với tôi, áp lực công việc thì vẫn phải đối đầu, hằng ngày làm việc nghiêm túc, giữ sự tự do cân bằng với sở thích, không nặng, không buông bên nào.
Anh làm thế nào để truyền lửa đam mê sáng tạo cho hơn 100 nhân viên của mình?
Người làm sếp vừa phải quản lý, lãnh đạo, vừa là một chuyên gia tâm lý để dẫn dắt đội ngũ nhân viên, cứng quá không được, mềm quá không xong. Khó nhất là truyền lửa, truyền đam mê đến mọi người.
Mỗi người có một lối sống, một phong cách làm việc, việc đốt lên một đốm lửa nhỏ để thổi bùng lên đam mê của cả tập thể là việc không dễ chút nào. Lĩnh vực của chúng tôi liên quan đến nghệ thuật, vì vậy nhất thiết các nhân viên phải được truyền lòng đam mê.
Thiết kế một cái áo đòi hỏi người đính kết, người may phải cùng “cháy” với mình. Vì vậy, hằng ngày tôi như một hoạt náo viên, đốt lên ngọn lửa, kích thích mọi người hợp lực thổi bùng lên, dù đôi lúc bản thân tôi cũng mệt mỏi, lo âu, nhưng làm riết cũng thành quen.
Theo anh, người dẫn đầu cần có phẩm chất gì quý báu nhất?
Có rất nhiều phẩm chất cấu thành một lãnh đạo giỏi, nhưng với tôi, quan trọng nhất là sự rộng lượng. Lãnh đạo hàng trăm con người thì phải có những quy định trong công việc, nhưng trên mọi quy định, tấm lòng, tâm hồn là quan trọng nhất.
Thất bại nào với anh là lớn nhất?
Mọi chuyện đối với tôi nhẹ nhàng lắm. Mất một khoản tiền lớn, tạm biệt một cuộc tình, những chuyện đó không làm tôi nao núng.
Câu hỏi trên tôi chưa trả lời được vì chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay mới biết mọi người có nhìn nhận mình là người tử tế hay không? Tôi đã đi được nửa đời tử tế rồi, còn nửa đời sau chưa biết được.
Đã ngồi ghế nóng ở nhiều cuộc thi thiết kế và cuộc thi sắc đẹp quốc tế, anh đánh giá thế nào về các nhà thiết kế trẻ?
Những bạn trẻ có điều kiện học hỏi tốt hơn thế hệ chúng tôi. Nhịp điệu sống và nhận thức của người tiêu dùng cũng cao hơn nhiều, điều đó rất thuận lợi để những người trẻ phát triển sự nghiệp.
Qua các cuộc thi, tôi thấy rất nhiều tài năng có thể trở thành nổi tiếng nếu có môi trường đào tạo tốt. Tôi không hề xấu hổ khi học được những điều hay từ những bạn trẻ.
Khi làm giám khảo hay đi chấm thi, đi dạy, tôi luôn tâm niệm phải học được điều gì đó mới tham gia, không đặt quan trọng đến tiền cát-sê.
Đeo đuổi, hướng dẫn các bạn mấy tháng trời, tôi học được sức trẻ, học được cách suy nghĩ hiện đại từ những người trẻ. Khi tuyển nhân viên, tôi chỉ chọn ai giỏi hơn mình một điểm nào đó, không tuyển chỉ để sai khiến.
Anh quan niệm thế nào là sống giàu?
Tôi thích giàu vốn sống, giàu tình bạn, tình người. Còn chuyện quy đổi ra tiền bạc thì ai chẳng muốn, nhưng nếu để đánh đổi mà không có được thứ mình muốn thì thôi, đủ ăn là được rồi.
Với anh, điều gì là quý nhất?
Thời gian!
Ngày cuối tuần thế nào là đúng ý anh nhất?
Tối thứ Bảy được ở nhà xem một bộ phim hay, gặp được nhân vật mình thích, thỏa mãn được suy nghĩ của mình, có nhiều thứ để học thêm được là “đã” nhất.
Theo anh, làm thế nào để có được sức sáng tạo bền lâu?
Phải biết sống và nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn đẹp.