Sau khi dứt lễ, chú rể quay xuống nhìn mẹ, anh bước đến ôm vai mẹ, nói nhỏ lời cảm ơn mẹ công lao khó nhọc nuôi anh nên người, dựng vợ gả chồng, đường đi phía trước còn dài và không hứa hẹn suôn sẻ, nhưng anh cố gắng có trách nhiệm với gia đình nhỏ và mai kia cha mẹ về già… Những người chứng kiến cảm động lắm. Con trai biết nghĩ đến mẹ trong ngày hợp hôn quả là hiếm thấy!
Gia đình chị này hai vợ chồng là công chức nhà nước. Từ thời bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, tháng, chồng đưa vợ tiền kiếm được. Vật giá leo thang, chị phải giật gấu vá vai lắm mới đủ lo cho con trai và con gái đều có tấm bằng thạc sĩ; tất nhiên, vai trò của chị lo hết đại học, thạc sĩ do con cái tự lo, nhưng vẫn có sự hỗ trợ nhiều từ mẹ. Con trai biết bố vô tư, phần cũng do mẹ quán xuyến hết nên bố thành bị động. Và, ngày đám cưới, cậu chính thức ngỏ lời cảm ơn mẹ.
Chuyện đơn giản vậy mà có người suy nghĩ. Cậu con xuất phát từ tấm lòng thương mẹ, qua đó ngầm ý với vợ rằng cậu muốn sau này vợ cũng tôn trọng và yêu quý mẹ. Người lại nói, vậy là áp lực cho cô con dâu. Chồng kính trọng mẹ, con dâu phải biết điều với mẹ thì gia đình mới hạnh phúc.
Có thể thấy, “lứa” gia đình hai con bây giờ đang vào giai đoạn dựng vợ gả chồng cho con. Bởi ít con nên quý con là chuyện bình thường. Tâm lý mẹ thương con trai. Lo từ trong bụng đến khi trưởng thành, bao nhiêu gian khó. Từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành. Ai xót con bằng mẹ? Con lớn lên, đưa đi, đón về, chính khóa, học thêm… ngày mưa cũng như nắng. Năm thi, con học về, mẹ sắp sẵn ly nước cam, tô cơm. Thức con dậy học bài, pha ly cà phê chống buồn ngủ, nhắc con đi rửa mặt cho tỉnh… Do đó, không tránh khỏi tâm lý mẹ “ích kỷ” khi con trai đi lấy vợ. Không biết con dâu thế nào, có biết cư xử tốt với chồng hay không? Thiếu gì con dâu vài năm đầu thì được nhưng mấy năm sau lại sanh tâm? Ôi trăm thứ lo…
Một bà mẹ khác, con dâu sinh, bà ở quê vào chăm cháu khi con dâu đi làm, thay ca cho chị sui đã lo cho cháu bốn tháng. Là con độc nhất nhưng anh con trai rất thương và lo lắng cho mẹ, ngoài giờ đi làm, anh chở mẹ đi ăn, mua sắm… Vậy mà bà mẹ này vẫn có chút “lợn cơn” trong suy nghĩ vì chưa hài lòng con dâu lắm. Một chuyện rất nhỏ nhặt, con dâu đi làm về, cô xuống bếp lấy cơm mẹ đã nấu sẵn, bới một tô rồi cứ thế ăn, mẹ ngồi ngay đó mà không mời câu nào. Vậy thôi mà bà thấy tủi, “Nó làm như mình là kẻ ăn người ở trong nhà, không phải mẹ”.
Tùy theo tính người, có người mồm miệng đỡ tay chân, có người ít nói, ít muốn biểu lộ cảm xúc hay sự thân thiện. Người mồm miệng, trong trường hợp này sẽ “giả lả” vài câu: “Con đói quá, con ăn trước rồi còn trông em bé cho mẹ ăn”, cũng có thể là câu cửa miệng theo kiểu mời lơi: “Con mời mẹ ăn cơm”. Như vậy, bà mẹ ắt sẽ hài lòng hơn. Con dâu ít nói, thật thà nghĩ bụng, mẹ chồng cũng như mẹ ruột, đói bụng thì ăn trước, rồi lo cho em bé, chút nữa chồng về ăn cùng với mẹ. Chuyện rất nhỏ mà làm bà mẹ buồn lòng, bà mong ngày tháng qua mau, em bé cứng cáp để bà về quê. Biết là sẽ nhớ cháu, nhưng bà không hợp với con dâu, sợ tình cảm sứt mẻ…
Bà mẹ có con gái nghe vậy giật mình, ừ nhỉ, mình đã dạy con gái chi tiết vậy chưa? Chuyện nhỏ nhưng dễ sinh mâu thuẫn, gặp anh con trai yêu quý, kính trọng mẹ ruột dễ gây ra mối bất hòa mẹ chồng – nàng dâu.
Mới thấy, việc giáo dục con cái của bà mẹ có cả con trai và con gái nặng lắm. Dạy con trai thì biết thương mẹ, con gái thì biết cư xử tốt với mẹ chồng như mình mong muốn ở con dâu. Chuyện không dễ chút nào!