Vai trò của người bà ở Việt Nam rất khác với vai trò của người bà trong các xã hội phương Tây. Ở đây tôi thấy người bà thường đảm nhận trách nhiệm chăm sóc không chỉ cho chồng con mà còn chăm sóc cả các cháu. Công việc chăm sóc dường như không có điểm dừng. Người bà ở phương Tây hầu hết rất vui vẻ thoải mái khi không phải trông cháu. Con cái của họ sống riêng và chỉ đưa cháu về thăm ông bà chứ không nhờ trông hộ. Thỉnh thoảng người bà cũng giúp trông cháu, nhưng trách nhiệm nuôi cháu chính vẫn thuộc về thế hệ trẻ.
Tôi thấy có những lý do người bà nên nghỉ ngơi khi đã về già chứ không nên nhận nuôi các cháu giúp bố mẹ chúng.
Thứ nhất, bà thường nuôi cháu theo kinh nghiệm mà không cập nhật những phương pháp mới đã được khoa học chứng minh. Những triệu chứng bệnh tật, những hành vi quấy khóc, ngay cả những ý tưởng mới như cách trò chuyện với bé bằng cách ra dấu,… đều có thể được tìm thấy dễ dàng trên internet. Người mẹ trẻ có thể đọc được những điều này nhưng bà lại không biết. Kinh nghiệm truyền miệng có nhiều cái hay, nhưng không phải tất cả đều đúng. Thật tiếc là những nghiên cứu có kiểm nghiệm lại không được ứng dụng, thay vào đó lại là một số kinh nghiệm lạc hậu cứ truyền từ đời này sang đời khác. Ví dụ, tôi nghe nói người bà vẫn thường yêu cầu người mẹ trẻ nút tai bằng bông để đỡ ù tai, nhưng thật ra điều này chỉ khiến người mẹ không nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ. Một người bạn Việt Nam cho tôi biết việc nút tai sau khi sinh có thể giúp ngăn ngừa gió lùa vào tai gây lạnh. Nhưng ngay cả ở những nước châu Âu, người phụ nữ sau khi sinh cũng không làm điều này dù thời tiết ở các nước đấy khắc nghiệt hơn Việt Nam nhiều.
Thứ hai, những đứa trẻ sẽ cần được nuôi dạy bởi một thế hệ cha mẹ có đầu óc tiến bộ và cởi mở hơn. Có rất nhiều thay đổi đã diễn ra trong xã hội suốt 40 năm qua như bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc, tự do tôn giáo, quyền quyết định giới tính cá nhân… Nhưng những người bà sẽ không dễ gì chấp nhận những thay đổi này. Chỉ có thế hệ cha mẹ trẻ mới tích cực đón nhận những sự tiến bộ và dạy con sống cởi mở hơn. Nhờ thế, những đứa trẻ khi trưởng thành sẽ trở thành những con người nhân văn hơn và có khả năng hòa nhập với thế giới tốt hơn.
Thứ ba, tôi nghĩ là những người bà xứng đáng được nghỉ ngơi khi đã về hưu. Nhân viên, giáo viên đều đến lúc nghỉ hưu. Người bà, vốn đã chăm sóc chồng con gần như suốt cuộc đời, cũng đến lúc cần được nghỉ. Nuôi dạy thế hệ tương lai là một công việc quan trọng nhưng đấy nên là trách nhiệm của những đứa con. Tôi nghĩ những người bà xứng đáng được tận hưởng thời gian rảnh rỗi cho những hoạt động mà họ không có thời gian để thực hiện khi còn trẻ. Hãy để cho những người bà có cuộc sống của riêng họ. Họ xứng đáng với điều này sau bao nhiêu năm vất vả.
Những người bà phương Tây cuối cùng cũng tìm thấy sự yên tĩnh trong ngôi nhà của họ khi con cái chuyển ra ở riêng. Một cuộc sống mới và khác hẳn mở ra trước mắt họ. Họ có những thú vui mới và hoạt động nhiều hơn trong các mối giao tiếp xã hội, hoặc họ có thể dành thời gian đọc sách. Tổ ấm của họ sẽ được làm mới lại bởi bây giờ hai vợ chồng có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Người chồng không còn vắng nhà suốt ngày và người vợ cũng không đầu tắt mặt tối vì chăm sóc con cái nữa. Họ sẽ có cuộc sống mới của mình. Tôi nghĩ người bà của Việt Nam cũng nên tận hưởng một cuộc sống như vậy vì đây là điều tốt cho họ, cho gia đình và cho cả con cháu của họ.
Renate Haeusler – Lê Tâm dịch