Dự thảo đề án Quỹ hưu trí bổ sung do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11 năm nay, đang thu hút sự chú ý của dư luận, bởi vấn đề liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền. Theo như báo chí đưa tin, Quỹ hưu trí bổ sung hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện. Ngoài phần đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, các doanh nghiệp hoặc người lao động sẽ tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí bổ sung dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính được thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hằng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời, bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được Nhà nước chi trả.
Làm thủ tục hưu trí ở bảo hiểm xã hội
Theo cơ quan soạn thảo, mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động. Và nếu đóng góp trong 15 năm, số tiền mà người lao động được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung sau khi về hưu, bình quân có thể lên đến 5,56 triệu đồng/tháng (trong 15 năm).
Hiện nay, mức lương hưu bình quân của người lao động chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, không thể bảo đảm đời sống. Nếu có thêm khoản thu nhập từ quỹ hưu trí bổ sung thì có lẽ “các cụ” về hưu cũng đỡ chật vật lo toan miếng cơm manh áo.
Mặt khác, kinh nghiệm triển khai chế độ hưu trí bổ sung ở các nước trên thế giới cho thấy mô hình này không những nâng cao đời sống của người nghỉ hưu mà còn giúp doanh nghiệp thu hút, ổn định nguồn nhân lực, giữ chân người lao động có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm gắn bó lâu dài với mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng giảm áp lực đối với quỹ hưu trí cơ bản góp phần xây dựng hệ thống BHXH bền vững, nhất là trong điều kiện nước ta đang phải đối mặt với các vấn đề như già hóa dân số, thâm hụt quỹ lương hưu. Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Lao động quốc tế đã đưa ra khuyến cáo với Việt Nam rằng quá trình lão hóa dân sốở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai. “Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam” – ông Carlos Galian, chuyên gia của ILO tại Việt Nam khẳng định.
Chính vì những lý do nêu trên, theo cơ quan soạn thảo, đã đến lúc Việt Nam phải nghiên cứu, xây dựng quỹ hưu trí bổ sung.
Mục đích tốt đẹp của Quỹ hưu trí khiến ai cũng phải công nhận, nhưng liệu tính khả thi của dự án này đến đâu?
Các nhà soạn thảo cho biết hiện có nhiều người mong muốn được đóng thêm tiền BHXH để sau này được nhận lương hưu nhiều hơn nhưng không được vì theo Luật BHXH hiện hành, người lao động chỉ được đóng BHXH với mức cao nhất không quá 20 tháng lương tối thiểu chung (1.050.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1-5-2012). Nhưng thực tế không chỉ có trường hợp này.
Với những hộ gia đình có tổng thu nhập sau thuế khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng, họ không mặn mà với quỹ hưu trí bổ sung bởi đã tính toán đầu tư số tiền tích lũy được với nguyên tắc “không bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Và họ đang hài lòng với những gì mình có.
Đối với những gia đình có thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, họ sẽ “tái mặt” khi nghe mức đóng góp vào quỹ có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động. Vì vậy, họ cũng “bỏ phiếu chống” cho dự thảo quỹ hưu trí. Cuộc sống hôm nay họ còn chưa kham nổi thì làm gì có chuyện lo tính cho ngày mai.
Những người chưa có gia đình riêng, thu nhập tương đối có vẻ đúng là đối tượng mà quỹ hưu trí nhắm đến. Nhưng dù có thể tham gia, họ cũng không mấy quan tâm, vì e ngại không biết đồng tiền của mình chắt chiu đem giao cho người khác có được sinh sôi nảy nở không, hay lại đầy rủi ro, bất trắc.
Vì vậy, để xây dựng và triển khai mô hình quỹ hưu trí bổ sung thành công, rất cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước.
Trước hết, xin được khẳng định lại mục đích của quỹ là chăm lo thêm cho cuộc sống của người về hưu bên cạnh chế độ BHXH do Nhà nước chi trả. Đây là điều rất tốt đẹp, mang tính nhân văn và cần được ủng hộ. Chính vì vậy, việc ban hành một khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ này hoạt động là điều nên làm trước.
Ngoài ra, đây là quỹ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện nên Nhà nước cần đóng vai trò khuyến khích các doanh nghiệp cũng như người lao động tham gia thông qua các công cụ như thuế. Chẳng hạn Nhà nước nên miễn thuế thu nhập cá nhân cho những khoản thu nhập được trích ra để đóng quỹ (đối với người lao động) hay cho phép được tính vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế (đối với doanh nghiệp). Hiện nay, tỷ lệ đóng BHXH là 24% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 17%, người lao động đóng 7%. Nếu không được khuyến khích, sẽ rất ít doanh nghiệp có thể tham gia, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH lên đến hàng ngàn tỉ đồng, chưa trả được.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng không nên có ý định chuyển đổi mô hình quỹ này từ tự nguyện sang bắt buộc như trong dự thảo hiện nay vào sau năm 2020, vì như vậy sẽ phá hỏng ý định tốt đẹp ban đầu mà quỹ này nhắm đến là nguồn bổ sung thu nhập cho người về hưu. Nếu bắt buộc thì “quỹ chồng quỹ”, vì hiện nay người lao động đã phải đóng quỹ BHXH đến 7% mức tiền lương, tiền công tháng rồi.
Ngoài ra, theo thông lệ của nhiều nước trên thế giới, quỹ hưu trí sẽ được mang đầu tư trên thị trường tài chính, như vậy tất yếu sẽ có rủi ro. Điều này cũng nên được công bố rõ ràng, và phải đảm bảo tính minh bạch trong quá trình hoạt động để tạo lòng tin cho những người tham gia quỹ.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất là niềm tin của các đối tượng liên quan đến quỹ này. Phải tạo dựng được niềm tin cho thị trường thì quỹ này mới có thể hoạt động tốt, mang lại hiệu quả cho những “cổ đông” đóng góp. Về chuyện này, thị trường chứng khoán là một bài học nhãn tiền mà các cơ quan quản lý không thể bỏ qua.
Phương Quỳnh