Trong tình hình bội chi ngân sách khá cao, nợ công chồng chất đang là bận tâm lớn của Chính phủ, một lần nữa các biện pháp chống lãng phí lại được đặt ra và lần này đích nhắm đến là chống lãng phí trong mua sắm và sử dụng xe công.
Báo cáo vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, trong tổng giá trị tài sản Nhà nước tính đến 31-12-2014 là 999.692 tỉ đồng thì tài sản xe công chiếm hơn 20.600 tỉ đồng – tương đương gần 1 tỉ USD.
Lãng phí trong sử dụng
Hồi cuối năm ngoái, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không mua sắm xe công từ năm 2015, chỉ được mua xe chuyên dụng, ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe điều chuyển, ôtô bị hư hỏng và xe cơ quan đại diện ở nước ngoài đến hạn thay thế.
Vậy mà tính vào thời điểm này, số lượng xe công đã lên đến hơn 40.000 chiếc. Bộ Tài chính sẽ phải rà soát, báo cáo Chính phủ trước ngày 22-3-2016, theo đó xe nào được mua sắm vượt định mức, vi phạm tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi, điều chuyển hoặc bán đấu giá thu tiền cho ngân sách. Số xe vừa nói thuộc diện quản lý của cơ quan nhà nước, không bao gồm xe của các đơn vị vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước.
Với số lượng xe công khá lớn như trên, mỗi năm ngân sách ngoài việc chi cả chục ngàn tỉ đồng mua xe còn phải chi thêm một khoản tiền khổng lồ để vận hành, bình quân khoảng 320 triệu đồng/xe/năm bao gồm lương lái xe, bảo trì, sửa chữa xe, xăng dầu, phí bảo hiểm…, tính ra vào khoảng 12.800 tỉ đồng. Theo nhận định của các công ty kinh doanh vận tải hành khách, chi phí này là quá cao, là lạm dụng tiền nhà nước.
Thật ra từ rất lâu Chính phủ đã quy định rõ chức danh nào thì được sử dụng xe có giá bao nhiêu, nhưng quy định này không được nhiều cơ quan và địa phương tuân thủ, kỷ luật chi tiêu bị buông lỏng và tâm lý đua đòi khiến nhiều năm qua vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, sử dụng xe công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón người không đủ tiêu chuẩn… diễn ra phổ biến.
Để tránh lãng phí trong mua và sử dụng xe công, cuối tháng 10 vừa qua Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ký ban hành Quyết định 32 quy định chế độ quản lý, sử dụng ôtô công, theo đó mỗi cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn trang bị xe cũng chỉ được sử dụng tối đa một hoặc hai xe phục vụ công tác chung.
Nếu điều này được tuân thủ nghiêm túc, số xe công sẽ giảm khoảng 7.000 xe, mỗi năm ngân sách tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng chỉ riêng tiền mua xe thay thế, chưa kể các khoản chi lớn để những xe này vận hành.
Cũng theo quy chế mới, người ra quyết định mua sắm ôtô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Quy định mới cũng nêu rõ hơn mức khoán kinh phí, được xác định theo tháng, căn cứ trên giá bình quân của một số hãng taxi trên địa bàn.
Liệu điều này có thực hiện được không khi đây chỉ là quy định có tính khuyến khích chứ chưa bắt buộc, trong khi tâm lý hưởng thụ và đua đòi ngày càng phát triển.
Đánh giá tác động của chính sách mới, Bộ Tài chính cũng cho rằng, với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ôtô theo định mức từ 1-2 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ôtô phục vụ công tác chung.
Với quy định thống nhất định mức từ 1-2 xe/đơn vị, thuê dịch vụ xe ôtô và khoán kinh phí sử dụng xe ôtô theo giá thị trường sẽ là một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ôtô công tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô, thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính và chi phí sử dụng phương tiện đi lại.
Bộ Tài chính khẳng định quy định này phù hợp với chủ trương, định hướng của Nhà nước trong quản lý tài sản công (trong đó có xe ôtô công) là tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán. Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm đã được nhiều nước đang áp dụng, thế nhưng vẫn chưa phải là biện pháp triệt để nhất để chống lãng phí trong việc mua sắm xe công nói riêng và công sản nói chung.
Lãng phí trong mua sắm
Các quy định quản lý và sử dụng xe công được thực hiện nghiêm túc là một biện pháp chống lãng phí quan trọng. Nhưng việc lập kế hoạch mua sắm phù hợp với điều kiện tài chính cũng như cách mua lại có vai trò chống lãng phí hữu hiệu.
Thực tế cho thấy, tình trạng mua sắm công sản của chúng ta – trong đó có mua sắm xe công lẫn xe của khối quốc doanh – vẫn diễn ra một cách tùy tiện cùng với tâm lý đua đòi, khoa trương đã phát sinh tệ nạn xa hoa lãng phí và tham nhũng. Chẳng hạn trong việc mua sắm ôtô, liệu có mấy ai nghĩ đến khoản chi tiêu ấy có phù hợp với khả năng trang trải của nền kinh tế hay không? Chính phủ đã nhiều lần phê phán, dư luận thì lên án gay gắt nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy, người ta có thể vận dụng đủ cách để biện minh. Phép nước chưa nghiêm hay chúng ta thiếu những biện pháp hợp lý nhằm hạn chế tiêu cực trong việc mua sắm công sản?
Công sản là tài sản được mua bằng đồng tiền ngân sách hoặc bằng tiền có nguồn gốc từ vốn nhà nước. Ở nhiều quốc gia, việc mua sắm tài sản cho toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính gọi là Cơ quan mãi dịch (Central Procurement Agency). Đây là nơi tập trung nhu cầu mua sắm được trả bằng các khoản chi tiêu mà ngân sách đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị.
Vào khoảng tháng 10 các cơ quan nhà nước tập trung nhu cầu mua sắm công sản, trang thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm… cho năm sau gởi về Cơ quan mãi dịch với yêu cầu từng chủng loại và trong phạm vi kinh phí cho phép. Nơi đây sẽ lên kế hoạch mua theo hai phương thức:
Đối với các loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc có nhu cầu đặc biệt phải mua ở nước ngoài, cơ quan này sẽ thăm dò thị trường bên ngoài, yêu cầu các nhà cung cấp báo giá và tổ chức chọn thầu để tìm một hoặc vài nhà cung cấp thỏa mãn được nhu cầu mua sắm các loại công sản. Cơ quan mãi dịch mua xong sẽ chuyển giao cho các đơn vị đặt mua theo đúng yêu cầu, tính năng, thời hạn và được thanh toán bằng phương thức nhận lại tiền – bằng chuyển khoản – từ ngân sách đã được phân bổ cho đơn vị mua.
Đối với hàng trong nước sản xuất được thì cơ quan này áp dụng chế độ đấu thầu công khai với những quy định và thủ tục nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự toa rập làm giá của các nhà thầu cung cấp.
Cả hai phương thức này, hàng mua về được giao cho các đơn vị có nhu cầu và được thanh toán từ đồng tiền ngân sách chuyển qua. Tất nhiên đối với các nhu cầu mua sắm nhỏ và đột xuất, các cơ quan và đơn vị cũng có thể tự lo lấy nhưng bị chi phối bởi những quy định về số tiền, số lần mua trong năm.
Không nên sợ độc quyền trong trường hợp này, bởi một cơ quan độc quyền mua sẽ khiến nhà cung cấp không thể làm giá (vì không có nhiều khách hàng tranh mua), nhờ vậy cơ quan này có ưu thế thông tin, có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, chế độ chọn thầu được thực hiện nghiêm túc và mua với số lượng nhiều, tất nhiên giá cả sẽ thấp hơn là mỗi đơn vị, địa phương tự ý mua sắm. Mặt khác, việc thanh toán được thực hiện dưới hình thức đồng tiền ngân sách chu chuyển trong một vòng khép kín qua tài khoản sẽ không còn tình trạng rơi vãi dọc đường hoặc tư túi, nhất là khi tất cả đã thể hiện trong những chứng từ mua bán cụ thể, giả thu hoặc giả chi đều rất dễ bại lộ.
Hơn mười năm trước, nhiều chuyên gia đã góp ý với Bộ Tài chính cũng như Chính phủ về phương thức mua sắm này nhưng không hiểu tại sao vấn đề lại trôi vào quên lãng. Gần đây Bộ Tài chính mới nghĩ đến và đề xuất áp dụng.
Theo Bộ Tài chính, việc mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ và các loại công sản nhưở một số nước thì dự kiến chúng ta sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỉ đồng mỗi năm, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15% trên tổng giá trị mua sắm. Bởi vì khi mua sắm với số lượng lớn, giá mua sẽ giảm.
Theo cơ quan này, thực hiện mua sắm tập trung sẽ hạn chế được việc hàng chục nghìn đơn vị cùng tiến hành các thủ tục về đấu thầu mua sắm những loại tài sản như nhau và giúp thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm.
Theo phương án tại Quyết định 32 thì từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung gồm hai đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đó là chưa kể phương thức này sẽ tránh được tệ nạn “đi đêm”, trung gian cò mồi, nâng giá để chia chác các khoản chênh lệch rất phổ biến lâu nay.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)