Nguyệt 15 tuổi rưỡi. Nàng đẹp lắm. Đẹp nhất vùng biển đảo này. Ở cái làng đảo Liễu Mai này, da bọn đàn ông ai cũng ngăm ngăm rám nắng. Đám con gái cũng thế. Mấy người được trắng trẻo như Nguyệt. Da nàng trắng như bờ cát. Thanh khiết và tinh khôi. Mỗi lần nàng đi ra từ cánh rừng phi lao thì tụi trai làng nhìn thấy từ xa đều trầm trồ chạy lại trêu ghẹo. Cha Nguyệt cũng đã dấm cho nàng mấy đám. Nhưng mới ướm lời thì nàng lắc đầu, chẳng ưng ai trong đám trai làng ấy cả.
Thực ra trong lòng Nguyệt đã có người khác. Đó là Lang. Nguyệt thích Lang từ những hội bơi chải. Lang vạm vỡ, rắn chắc mặn mòi, rám nắng. Lang bơi lặn, đánh cả giỏi nhất trong đám trai làng.
Mặt Lang chữ điền. Nguyệt bảo mặt ấy đáng tin. Mắt Lang sâu thẳm. Nguyệt thấy trong mắt Lang cái nhìn của người đi biển săn tìm đàn cá, cũng cái nhìn thấy trước sóng gió, giông tố phía khơi xa.
Lang thường rủ Nguyệt đi hái thanh mai trên sườn núi và ngắm sông chảy lững lờ. Thực ra, chả phải là sông đâu vì đây là hai dãy núi đứng đối nhau giữa biển, một dải nước chảy thông ở giữa, tại đó đóng kè gỗ, dựng làm cửa biển. Nhà dân dọc hai bên bờ. Dân làng gọi là cửa Mang. Kệ họ. Nguyệt và Lang vẫn thích gọi là sông Khăn Xanh. Lang bảo con sông duyên dáng như Nguyệt vậy. Sông uốn lượn giữa núi non. Sông quanh co mềm mại như cái thắt lưng xanh của Nguyệt.
Lang thường kể cho Nguyệt nghe câu chuyện đời trước có cô thôn nữ tên là Liễu ra sườn núi quấn khăn, gió biển mạnh quá làm nàng lỡ tay đánh rơi chiếc khăn xuống biển. Chàng Mai nhảy ùm xuống nước vớt lên. Liễu e thẹn bảo đã rơi rồi không nhận lại khăn nữa mà tặng cho Mai. Chàng trai làng biển quê mùa kia đâu hiểu được rằng đó là chiếc khăn mà Liễu cố ý tặng mình làm tin. Mai vẫn im lặng. Chẳng đánh tiếng gì. Một thời gian sau, cha Liễu gả con gái cho một đám giàu có trên đảo. Nàng cất bước theo chồng. Chàng Mai phẫn chí chèo thuyền vào bờ rồi bỏ đi biệt xứ.
- Xem thêm: Chàng họa sĩ vẽ hoa
Mai uất ức ném chiếc khăn đi. Khăn rơi xuống biển mà hóa thành dòng sông xanh ngắt như bây giờ. Thế rồi ít năm sau, Liễu không bệnh tật gì chỉ hao gầy đi mà chết. Người làng biết chuyện rất thương xót, lập một ngôi miếu nhỏ ở sườn núi nơi xưa kia đôi trẻ hay tình tự. Từ đấy, người ta mới gọi làng đảo này là Liễu Mai, ghép từ tên hai người.
Nghe xong, Nguyệt tháo chiếc thắt lưng của mình quàng vào tay Lang rồi bảo chàng đừng kể những chuyện buồn ấy nữa: “Chàng có như chàng Mai kia không?”.
Lang thấy con tim mình đập rộn ràng. Chàng hiểu ý tình của Nguyệt: “Ta hiểu nàng nói gì. Nàng yên tâm”. Không đời nào chàng lại khờ khạo như chàng thôn dân trong câu chuyện mà mình vừa kể. Lang bảo, nhất định sẽ lấy bằng được Nguyệt. Cả đời này không lấy Nguyệt sẽ chẳng lấy ai.
Gần bờ sông có giếng nước rất trong gọi là giếng Ngọc. Giếng nằm sâu một bên là cánh rừng ngập mặn với bãi sú, cạnh một con đường đất đỏ mới đến giếng. Lòng giếng sạch. Giếng gần biển nhưng nước giếng vẫn ngọt và tràn trề, đầy ăm ắp. Cái mạch nước biển lờ lợ kia ngấm qua đất cát mà trở nên ngọt ngào. Nguyệt nghe cha bảo từ ngày xửa ngày xưa ra đảo này, các cụ nhà ta đã đào giếng ven sông để lấy nước ngọt.
Nước giếng trong văn vắt in rõ cả mây trời mùa hạ và trăng mùa thu. Nguyệt coi giếng như chiếc gương của mình. Mỗi khi sửa soạn đi gặp Lang nguyệt lại ra thành giếng, soi gương ngắm mình. Lang thích ngắm Nguyệt soi gương bên giếng Ngọc. Thế nên hôm nào Lang cũng ra đây trước để chờ. Bóng Nguyệt in xuống mặt nước giếng Ngọc làm Lang nhận ra từ xa xa. Gió làm cho mặt nước xao động. Bóng Nguyệt càng dập dềnh dưới đáy nước. Nguyệt đẹp thật. Nàng càng đẹp lại càng làm Lang sợ. Chàng sợ biết đâu một ngày mình lại không sở hữu được vẻ đẹp kia.
Con đường đất đỏ ra giếng Ngọc đã mòn gót chân của Nguyệt. Nàng ra đây hàng ngày. Có khi một ngày ra giếng đến dăm ba lần. Nguyệt thường ra giếng Ngọc gánh nước về đổ vào cái ang sành cho cả nhà dùng dần. Mỗi ngày, khi hoàng hôn xuống, nàng Nguyệt đến gánh nước thì từ lùm cây cạnh giếng lại có một chú khỉ nhảy ra túm lấy tay gầu của nàng.
Nguyệt sợ hãi lắm định la lên. Chưa kịp định thần thì khỉ ngửa mặt lên trời cười cho đến khi mặt trời khuất núi mới chịu buông tay ra để nàng gánh nước về. Mấy lần như vậy, Nguyệt biết con khỉ chẳng làm hại mình. Chắc nó cũng thích mình. Vì thế mà mỗi buổi sẩm tối nhọ mặt người chỉ có nàng ra gánh nước. Cả làng Liễu Mai sợ hãi toàn phải gánh nước ban ngày khi trời sáng. Sau này, khỉ già, chết, Nguyệt và dân làng mỗi khi đến gánh nước về tắm thì đều phải khấn vái xin trước rồi mới dám chao gầu xuống múc. Kẻ nào không vái mà gánh nước về uống thì ho sặc sụa. Kẻ nào tắm thì ghẻ lở khắp người. Dân làng đảo xầm xì đồn rằng giếng Ngọc có thần canh giữ.
Hôm nay, Lang hẹn Nguyệt ra giếng Ngọc. Vừa đi nàng vừa nghĩ ngợi mông lung. Chả hiểu chuyện gì nữa. Thường ngày, hai người vẫn gặp nhau ở đây có cần gì đâu phải hẹn trước. Nàng đến thì đã thấy Lang ngồi đó trước. Trăng thượng tuần đã lên cao như rơi tõm xuống đáy giếng. Mờ tỏ. Lấp ló. Xao động.
Hai người lặng im khá lâu. Chả ai nói gì. Nguyệt vẫn hồi hộp chờ đợi. Bất chợt Lang cất lời: “Giặc phương Bắc xâm lấn. Thuyền lương của chúng đang vào Hải Đông. Ta được tướng quân tuyển vào đội quân chiến đấu trên biển. Nón dấu và dáo mác tướng quân đã cấp rồi. Mai ta phải lên đường”.
Nguyệt đứng lặng, không biết nói gì. Nàng khóc. Lang động viên: “Nàng đừng sợ. Ta đi rồi sẽ về. Nàng đợi ta nhé! Vắng ta, nhớ ra giếng này cho đỡ nhớ. Nhớ gánh nước giếng này về tắm cho đẹp da, đẹp tóc”. Nguyệt thì thầm: “Chàng nhớ mang theo cái thắt lưng xanh”. Lang khẽ gật đầu.
Từ ngày Lang ra trận, đêm nào Nguyệt cũng ra giếng Ngọc nói chuyện với mặt nước. Nàng lạy thần giếng cho người yêu nàng sớm quay trở về. Một năm. Hai năm trôi qua. Lang vẫn bặt tin. Có ông anh họ của nàng trở về bảo trận hải chiến đó ta thắng lớn. Đốt hết được thuyền lương của giặc. Nhưng cũng có thuyền của ta bị đắm. Có thuyền cháy. Có lính ta tử trận. Chắc là Lang trong số đó nên mới chưa quay về.
- Xem thêm: Prada và Sự thật
Nguyệt ra giếng khóc nhiều hơn là ra gánh nước. Cô gái làng đảo đợi chờ mòn mỏi đêm đêm ra đây vịn vào thành giếng nhớ thương khóc cạn nước mắt. Nước giếng mặn hơn đến nỗi cá dưới đáy giếng cũng phải nhao lên thở. Mấy con cá mắt trắng bạch rồi lại vàng vọt cả ra. Nàng tự hỏi chẳng biết mắt cá dưới giếng Ngọc hay mắt nàng nữa. Mắt nàng đã không còn nhìn được nữa.
Bỗng một ngày nọ vào cuối xuân, Lang về. Lang nhìn Nguyệt lòng xót xa tột độ. Da nàng vẫn trắng. Nàng bỏ khăn vấn ra, tóc nàng tuôn xuống như suối, dài đến thắt lưng. Chàng dắt tay Nguyệt dò dẫm đi ra giếng Ngọc. Họ ngồi bên nhau cả ngày và nhiều ngày sau vẫn thế. Lang kể cho Nguyệt nghe những ngày tháng chiến đấu với quân giặc trên biển. Lang bị thương nặng bám vào mảng gỗ trôi dạt trên biển tưởng kiệt sức. May sao, chàng gặp vợ chồng lão ngư tốt bụng. Họ vớt chàng lên thuyền mang lên bờ chạy chữa. Nhiều tháng sau chàng khỏe lại. Chàng nhận họ là nghĩa phụ, nghĩa mẫu. Rồi chàng cũng phải từ biệt cha mẹ nuôi để về với làng đảo Liễu Mai quê hương mình.
Nguyệt kể chuyện về những tháng ngày xa cách đợi chờ cho Lang nghe. Ngày nào nhớ chàng, Nguyệt cũng ra giếng Ngọc. Nàng đang kể thì bỗng nhiên một dòng nước mát lạnh từ đáy giếng phun lên mặt. Khăn vấn đầu và cả tóc Nguyệt đều ướt. Cả Nguyệt và Lang sợ hãi không hiểu chuyện ma quái gì. Lang cõng Nguyệt chạy nhanh về nhà. Kỳ lạ hơn vài tháng sau mắt Nguyệt bỗng sáng dần lại. Nguyệt bắt đầu dò dẫm tự đi được. Lang mừng lắm. Chàng nhờ cha mẹ họ hàng dẫn lễ trầu cau sang nhà Nguyệt. Đám cưới của họ rộn ràng cả làng đảo. Cả làng đi ăn cưới đến mấy ngày. Họ mang cá, tôm, gà lợn đến góp đám cưới. Dân làng chưa bao giờ thấy một đám cưới nào to như thế. Trai làng thì uống rượu thâu đêm suốt sáng. Vui mừng nhưng vẫn có chút ganh tỵ với Lang.
Một ngày nọ, Lang cùng đám bạn thuyền ra khơi đánh cá. Cả bọn trúng lớn. Đàn cá rất đông. Họ say sưa đánh mấy ngày mới về. Vừa về đến ngõ, Lang quăng vội mẻ lưới ra góc sân định khoe với vợ. Nhưng gọi mãi chẳng thấy Nguyệt thưa. Cửa nhà mở toang hoang. Đồ đạc tung tóe lộn xộn mỗi nơi mỗi chiếc. Lang chạy khắp nhà người quen. Chàng tìm khắp cả đảo lên vẫn không thấy vợ mình. Lang tìm đến kiệt sức và tuyệt vọng. Bất chợt chàng nghĩ đến giếng Ngọc. Mà nàng ra giếng để làm gì cơ chứ. Trước khi đi biển, Lang đã gánh nước đầy ang cho vợ rồi mà. Thôi chỉ còn chỗ đó. Lang lê bước chân mỏi mệt ra giếng Ngọc. Chàng nhận ra mái tóc dài của Nguyệt nổi lềnh bềnh trên mặt giếng. Quần áo nàng rách nát. Mặt mũi chân tay trầy xước. Tang thương quá. Lang đau đớn. Lang hoang mang không hiểu cơ sự gì. Ai đã giết nàng.
Cả làng đến đưa tang Nguyệt. Mộ nàng ở bãi đất gần giếng Ngọc. Cụ Minh già nhất làng này cũng chống gậy đi đưa. Cụ đến bên Lang an ủi và kể, mấy ngày trước, biết tin đám trai làng rủ nhau đi biển, bọn hải phỉ đã đổ xô lên cướp bóc tàn phá tan hoang. Làng ta giờ chẳng còn gì đáng giá. Chúng hỏi con gái làng này ai đẹp nhất. Có người chỉ về nhà Nguyệt. Vậy là chúng lôi Nguyệt ra bãi biển thay nhau hãm hiếp đến chết. Chúng quẳng xác Nguyệt xuống giếng Ngọc rồi ôm hết của cải, thóc gạo lên thuyền bỏ đi.
- Xem thêm: Dõi mắt theo sông
Nguyệt đã mồ yên mả đẹp. Lang ngồi bên mộ Nguyệt khóc không ra nước mắt. Mấy ngày sau, dân làng Liễu Mai không thấy Lang đâu nữa. Bà con đổ xô đi tìm. Họ bảo Lang đi mãi không thấy về. Có người đồn là Lang trầm mình dưới biển hay nhảy xuống giếng Ngọc. Có người thì lại quả quyết rằng nhìn thấy thuyền của Lang lênh đênh mãi khơi xa. Người đàn ông trên thuyền hát, giọng nghe xót xa lắm: “Ra đi tóc chấm ngang vai/ Tắm nước giếng Ngọc tóc dài ngang lưng/ Ra đi bảo vệ quê hương/ Trở về đôi mắt người thương không còn”. Chả biết ai đúng ai sai chỉ có điều không ai thấy Lang về làng nữa.
Nhiều năm sau, bên mộ của Nguyệt ở gần giếng Ngọc có một đống mối đùn lên rất to. Người làng bảo chắc là mộ Lang đó. Người đi biển vào đắp lại hai ngôi mộ, tu sửa giếng Ngọc và dựng lên gần đó một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Nguyệt Cô. Họ còn đặt vào miếu thờ một đoạn gỗ tram son màu vàng tạc hình thực khí của đàn ông. Cụ Minh trong làng bảo cụ nhìn thấy bọn hải phỉ làm việc hương khói phụng thờ đó chứ không phải ngư dân đâu. Chắc là chúng muốn chuộc tội.
Đám thanh niên bặm trợn đi đánh cá ngang qua đây trở về đều cùng mơ thấy mình đang làm tình với một thiếu nữ da trắng tóc lượn sóng, tuôn dài như suối. Họ đều kể cho nhau và thấy kinh ngạc. Vậy là mỗi lần ra khơi họ đều đến bên hai đống đất kia thắp hương khấn vái. Những chuyến đi ấy đều biển êm cá nhiều tránh mọi cơn giông lốc.
Từ đấy, người dân Liễu Mai gọi giếng Ngọc là giếng nước mắt. Và cũng không ai dám ra đây gánh nước về tắm rửa, ăn uống, pha trà nữa. Nước giếng cũng không còn trong nữa mà hơi lờ đờ đục. Sông Khăn Xanh thì vẫn lững lờ trôi về phía biển.