Ai nấy cũng đều rùng mình khi nghe đến ISIS hay còn gọi Nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhưng xin bạn đừng quên ISIS không phải là đại diện của Hồi giáo.
Trên tất cả, Hồi giáo không phải là tôn giáo của sự cực đoan. Nó đơn giản là tín ngưỡng của người nghèo và những giáo sĩ khất thực, dành cả đời lang thang kiếm tìm cái gọi là Chân lý.
Nếu bạn không tin, hãy cùng phiêu lưu trong thế giới thi ca Sufi, cái gói ghém toàn bộ giá trị nhân văn đích thực của người Hồi giáo trong suốt chiều dài lịch sử.
1. Một đạo Hồi phi bạo lực
Có lẽ bạn cũng nên biết vì sao ISIS lại điên cuồng thổi bay các đền thờ Hồi giáo của người theo phái Sufi, một trong ba phái chính của Hồi giáo.
Khởi nguồn của đạo Hồi là chủ nghĩa khổ hạnh. Nếu muốn trở thành một tín đồ Hồi giáo, bạn sẽ phải kinh qua chín bước sau: hối lỗi, chịu đựng đau đớn, nhớ ơn các vị thánh, tôn kính đấng tối cao, khẩn cầu sự cứu rỗi, tình nguyện chấp nhận cái nghèo, xa lánh thế tục, từ bỏ ham muốn, nguyện tin yêu Đức Allah trọn đời.
Tương tự với lý tưởng của đạo Phật, người theo đạo Hồi từ chối bạo lực. Họ không xấu hổ mà tự hào về sự nghèo đói của mình.
ISIS gắn liền với đạo Hồi nhưng đó không phải là đạo Hồi nguyên thủy. Bản chất thiện lương, bất bạo động, không tham luyến quyền lực của Hồi giáo Sufi là cản trở lớn nhất cho mục tiêu xây dựng Nhà nước Hồi giáo của họ. Đó là lý do ISIS thổi bay các nhà thờ, gieo rắc nỗi sợ hãi khắp nơi, cho cả người Sufi lẫn phương Tây.
Cho đến nay, vô số đền thờ và chốn hành hương của người Sufi đã bị hủy hoại. Tuy nhiên, bất chấp sự đàn áp, người Sufi cũng như thơ ca Sufi vẫn sáng ngời chủ nghĩa bác ái.
2. Lang thang khất thực hành đạo
Phương Tây chưa bao giờ chịu hiểu về bản chất thật sự của Hồi giáo. Những năm đầu thế kỷ 19, khi các đế quốc thi nhau chiếm lĩnh thuộc địa, các nhà ngoại giao, truyền giáo của châu Âu cũng tràn vào châu Phi và châu Á.
Trong mắt họ, các giáo sĩ của Hồi giáo chẳng khác nào kẻ ăn mày bẩn thỉu. Nhà ngoại giao Anh John Malcolm thậm chí còn mỉa mai phái thần bí Sufi của Hồi giáo “chỉ là ước mơ của những kẻ dốt nát và ngu học bậc nhất”.
Tự hào về sự tân tiến, văn minh, đam mê cướp bóc, làm giàu, phương Tây ngày ấy tuyệt đối không thể hiểu nổi tại sao một tín đồ của Hồi giáo Sufi lại hài lòng với việc vứt bỏ tất cả mọi thứ, lang thang cầu thực suốt đời. Ngay cả trong thế giới cởi mở ngày nay, họ cũng vẫn bối rối mỗi lúc đối mặt với triết lý phương Đông kỳ bí.
Tín ngưỡng Hồi giáo Sufi tin rằng, chỉ khi từ bỏ mọi thứ, lang thang khất thực, người khát cầu chân lý mới tìm được Chân lý.
Bề ngoài của một giáo sĩ Hồi giáo chính xác giống như một kẻ ăn mày. Họ thường mặc áo choàng được chắp vá từ nhiều mảnh vải với nhiều màu sắc khác nhau.
Bên trong chiếc áo choàng luôn phủ đầy bụi ấy, các giáo sĩ luôn mặc áo màu trắng, biểu tượng của sự tinh khiết.
Mỗi khi gõ cửa nhà nào đó, họ sẽ nói: “Ap li-ay lar la-ay dar darves say”, nghĩa là “Gắn liền với chiếc áo choàng Chân lý là bước chân lang thang mệt mỏi trên ngưỡng cửa”.
Nếu được mời vào nhà, giáo sĩ này sẽ cho gia chủ biết về vận mệnh của họ, giảng giải về tình yêu thương, lẽ sống… Đổi lại, chủ nhà sẽ mời họ ăn uống.
Phương Tây khi mới tiếp xúc người Hồi giáo cực kỳ khinh ghét những giáo sĩ này. Họ không biết rằng các giáo sĩ ăn xin ấy hoàn toàn có khả năng kêu gọi và lãnh đạo quần chúng chống lại ách thực dân.
Chỉ đến khi Muhammad Ahmad bin Abd Allah, một giáo sĩ Sufi của người Sudan đứng lên huy động một lực lượng lớn đánh gục thiếu tướng Gordon của Anh, châu Âu mới sáng mắt.
Không phải các giáo sĩ Hồi giáo không có khả năng làm chính trị. Họ chỉ đơn giản là từ bỏ tham luyến trần tục để rảnh rang trên con đường đến với thánh thần.
Ngày nay, phương Tây liên tục bị đe dọa bởi ISIS. Họ lại lần nữa lơ đi bản chất hiền lương của người Sufi mà “vơ đũa cả nắm”, lơ luôn sự thật rằng chính sự tàn ác của họ trong quá khứ mới là “phụ mẫu” thân sinh của nhánh Hồi giáo Chính trị mà ISIS hiện đang là đại diện.
3. Thơ ca là cầu nối con người với thánh thần
Dám bỏ cả đời để tìm kiếm Chân ý, kiểu người như thế này liệu có khiến bạn liên tưởng đến ai không? Tôi thì nhớ đến các nhà văn, nhà thơ.
Dù không phải tất cả nhưng khá nhiều giáo sĩ lang thang khất thực hành đạo của Hồi giáo Sufi cũng là du ca, thi nhân. Trên con đường kiếm tìm Chân lý, họ để lại những vần thơ mà dân gian Sufi sẽ đời đời truyền miệng.
Nếu từng đọc thơ Hồi giáo Sufi, bạn sẽ nhận ra ngay truyền thống trữ tình đặc trưng của nó: “Hãy lắng nghe này, cậu bé ơi, câu chuyện về một tửu quán lắm người lui tới/ Rồi cháu lại đi trên con đường của riêng mình/ Dẫu có là kẻ cướp trên xa lộ đến với thánh thần/ Cũng sẽ quay lại nơi này khi anh ta một lần nhìn thấy ánh sáng”, Jamali Dihlavi, một tác giả Sufi thời Trung cổ viết. Cuộc sống là quá trình đánh mất và tìm lại bản thân.
Người Sufi có thói quen hành hương. Đền thờ là trung tâm đời sống tinh thần của họ. Cái độc đáo của Hồi giáo Sufi là đón nhận bất cứ ai.
Dù theo tôn giáo nào hay vô thần, bạn đều được phép thăm viếng và tham dự các nghi lễ tôn giáo được tổ chức trong các đền thờ Sufi.
Cũng tại các lễ hội được tổ chức quanh mộ các vị thánh hoặc nhà thờ, người ta ngâm thơ của các thi sĩ Sufi cho nhau nghe.
Trong thực tế, biểu hiện bên ngoài rõ ràng nhất của Hồi giáo Sufi chính là nghi lễ hành hương. Họ sẽ không tiếc thời gian hay công sức đi bộ đến mộ của các vị thánh của người Sufi tại Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh để bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ.
Từ Morocco đến Pakistan, trong vùng nông thôn lẫn thành thị, hàng trăm người sẽ tụ tập trong một đền thờ, kính cẩn lắng nghe thơ Sufi và lặng lẽ rơi nước mắt. Họ tin rằng thơ ca chính là cầu nối giữa con người và Đức Allah.
“Mỗi người có một con đường, một tín ngưỡng và một nơi thờ phượng/ Riêng tôi, tôi khấn nguyện với chiếc mũ đội nghiêng”.
4. Tội ác của thực dân
Trước khi bị giày xéo bởi gót giày của thực dân Tây Âu, thi ca Sufi chủ yếu bày tỏ tình yêu thương, cuộc sống, chân lý, lòng mộ đạo. Người Sufi cũng chưa bị chia rẽ, sống lương thiện, tin yêu nhau.
Chính sự áp bức của đế quốc là nguyên nhân gây ra vết nứt trong khối đoàn kết hoàn hảo ấy. Hồi giáo Chính trị ra đời, tách khỏi cái nôi Hồi giáo Sufi, sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt mục đích.
Phương Tây kiêu ngạo với sứ mệnh tự phong mang tên “khai hóa”. Thế nhưng cái họ làm lại là dè bỉu văn hóa của người Sufi và giết chóc. Các giáo sĩ lang thang, cột trụ tinh thần của Hồi giáo Sufi trở thành những nạn nhân đầu tiên.
“Tổng thiệt mạng và bị thương của Anh và Ai Cập: 50 người thiệt mạng, 342 người bị thương. Các giáo sĩ Hồi giáo: 11.000 người thiệt mạng, 16.000 người bị thương”, nhà thơ Anh Henry Surtees thừa nhận trong tập thơ tưởng niệm các nạn nhân của Chiến dịch Sudan (1881-1899) The March to Khartoum and the Fall of Omdurman.
Lính Đế quốc Anh đua nhau cướp giật các vật dụng của các giáo sĩ Hồi giáo, xem chúng như chiến lợi phẩm.
Họ không bao giờ biết những vật dụng ấy mang ý nghĩa tâm linh thế nào, càng không bao giờ biết những người mà họ miệt thị là “đám ăn mày bẩn thỉu” ấy gần với “chữ yêu thiêng liêng” biết bao.
Trái ngược với ISIS đang gây nỗi kinh hoàng và sự bất an khắp phương Tây, phái Sufi thế tục vẫn giữ nguyên truyền thống bác ái. “Giễu cợt thật/ Sao tôi sẽ được phần thưởng là đến Thiên đường/ Nếu nó chẳng là rượu vang đỏ với mùi thơm của xạ hương?/ Nghi ngờ lắm chứ/ Tôi biết sự thật, nhưng liệu điều đó có chắc chắn là sự thật/ Giấc mơ thiên đường giúp tôi đừng khiếp hãi/ Và hy vọng/ Điều tốt đẹp nhất về Thiên Đường, tất cả những gì tôi quan tâm ấy, đó là Thánh Thần sẽ thu nạp chúng ta vào ánh sáng” (Mirza Ghalib).
Mirza Ghalib là nhà thơ Sufi vĩ đại nhất của Ấn Độ nhưng ông cũng nghèo nàn như bất cứ giáo sĩ khất thực nào. Trước sự xâm lược và khinh bạc của Anh, Ghalib chọn vượt thoát vào thơ.
Dù Ghalib đã qua đời vào năm 1869, thơ của ông sẽ mãi bất tử, được đọc muôn đời trong các nghi lễ của người Sufi từ Pakistan đến Ai Cập và dù Taliban, ISIS và cả phương Tây sẽ vẫn gây đau thương trên mảnh đất của những tâm hồn hiền lương Sufi, thơ ca Sufi cũng vẫn tiếp tục phát triển, thể hiện bản chất nhẫn nhịn và lòng khát cầu ái thiện.