Mới đây, Quốc vương Salman của Arab Saudi đã ra lệnh kiểm tra lại các thủ tục trong cuộc hành hương Hajj thường niên, sau vụ giẫm đạp kinh hoàng ở ngoại ô thánh địa Mecca khiến 717 người chết và hơn 900 người khác bị thương ngày 24-9 vừa qua.
Ông nhấn mạnh: “Bất kể kết quả của cuộc điều tra như thế nào, nỗ lực cải thiện các phương pháp và cơ chế của mùa hành hương Hajj sẽ phải tiếp tục. Chúng tôi đã chỉ thị cho các cơ quan liên hệ tái thẩm định chính sách hiện hành và chia sẻ trách nhiệm”.
Những đoạn video tại hiện trường ở Mina, cách thánh địa Mecca 5km về hướng đông, chiếu cảnh những xác chết nằm la liệt trên mặt đất bên cạnh những người bị thương và tiếng la khóc đã gây xúc động cho người xem.
Các tín đồ đến viếng địa điểm này để ném đá vào những chiếc cột tượng trưng cho quỷ Satan trong nghi thức cuối cùng trước khi bắt đầu lễ Eid al-Adha.
Vụ giẫm đạp diễn ra bên ngoài địa điểm tôn giáo Mina. Hơn 160.000 lều trại đã được dựng lên gần đó để làm nơi tá túc cho những tín đồ hành hương.
Đây là tai nạn gây nhiều thương vong thứ nhì đối với những người hành hương trong tháng này, tiếp theo sau vụ sập một cần cẩu làm 109 người thiệt mạng hôm 11-9 cũng tại thánh địa Mecca.
Các giới chức Arab Saudi cho biết, hơn 2,5 triệu tín đồ Hồi giáo đã thực hiện chuyến hành hương về thánh địa Mecca trong năm nay, trong số đó có hơn 1,8 triệu tín đồ Hồi giáo nước ngoài, đại diện cho 183 quốc tịch khác nhau, đến Vương quốc Saudi. Đây là một con số cao kỷ lục.
Ứng phó với cuộc tụ tập đông đảo nhất thế giới hằng năm là một cơn ác mộng về mặt an ninh cho Arab Saudi. Vương quốc giàu tài nguyên dầu hỏa này đã đầu tư hàng tỉ đôla trong nhiều năm qua để tránh các vụ giẫm đạp chết người, vẫn diễn ra trong các lễ hội Hajj trong quá khứ. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ.
Huyền thoại một thánh tích
Lễ hành hương Hajj là một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo, đồng thời là một trong năm nghi lễ thiêng liêng được gọi là trụ cột của đạo Hồi.
Năm trụ cột đó là: (1) SHAHADAH: sự tuyên xưng không có Chúa trời nào khác ngoài Allah, (2) SALAT: cầu nguyện năm lần một ngày, (3) ZAKAT: sự bố thí, (4) SAWM: nhịn ăn vào ban ngày trong tháng chay Ramadan và (5) HAJJ: hành hương ít nhất một lần trong đời tới thánh địa Mecca.
Lễ Hajj là sự minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như lòng quy phục của họ trước Thánh Allah. Một số người coi lễ Hajj là bổn phận tôn giáo cần phải hoàn thành, vì thế họ bất chấp nguy hiểm để thực hiện nghi lễ này. Nhiều người đã dành dụm tiền trong hàng chục năm chỉ để được một lần tham gia lễ hành hương.
Một lý do khác khiến hàng triệu người Hồi giáo đổ về thánh địa Mecca mỗi năm là bởi họ tin tưởng tham gia vào lễ hành hương Hajj sẽ giúp linh hồn được tái sinh. Kinh Koran cho rằng vào Ngày phán xét, Thượng đế sẽ cân nhắc giữa điều ác và những việc thiện mà một người từng làm để quyết định đưa họ tới thiên đàng hay địa ngục. Lễ Hajj được xem như cơ hội để các tín đồ tẩy rửa những tội lỗi trong quá khứ.
Cuộc hành hương diễn ra trong năm ngày, từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12 của tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng trong lịch Hồi giáo.
Theo cuốn Lịch sử Hồi giáo của Karen Armstrong, hình thức hành hương hiện tại do nhà tiên tri Mohammed đặt ra từ thế kỷ thứ VII.
Tuy nhiên, theo kinh Koran, nghi thức này bắt nguồn từ thời đại của Abraham – nhà tiên tri theo quan niệm của Hồi giáo, vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Đạo Hồi cho rằng Abraham được lệnh của Thượng đế, phải bỏ lại vợ là Hagar và con trai Ishmael tại sa mạc ở Mecca cổ đại. Để tìm nước uống, Hagar phải chạy bảy lần giữa hai ngọn đồi Safa và Marwah nhưng không thấy. Trở về chỗ Ishmael đang chờ, bà thấy con trai dí chân trên mặt đất và nước bắn lên từ dưới chân con.
Về sau, Abraham xây dựng tại đây một tòa nhà có hình khối gọi là Kaaba, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới và là địa điểm thiêng liêng nhất trong đạo Hồi, được coi là “nhà của Thượng đế”.
Khi những người hành hương đến cách Mecca khoảng 10km, họ mặc lễ phục vào và thực hiện nghi lễ tẩy trần. Thời gian này họ không được làm một số việc như: cắt móng tay, cạo bất kỳ phần nào của cơ thể, quan hệ tình dục, làm hư hại cây cối, sát sinh, kết hôn hay mang theo vũ khí. Nam phải để đầu trần, nữ phải để hở mặt và tay.
Họ không được ăn nhưng được phép uống nước. Nam giới được khuyến khích bước nhanh ở ba vòng khởi đầu và bước đi bình thường ở bốn vòng sau. Sau đó họ sẽ cầu nguyện và uống nước từ giếng Zamzam.
Tiếp theo, họ chạy hoặc đi bộ bảy lần qua đoạn đường nối đồi Safa với Marwah, nằm gần Kaaba.
Hắc thạch – đá thiêng tại thánh địa Mecca
Kaaba là một cấu trúc hình chữ nhật xây bằng đá granite, cao 15,2m, rộng 10,7m, dài 12,2m, được phủ lụa đen kiswa thêu chỉ vàng bên ngoài. Phía đông nam của tòa nhà là cánh cửa bằng vàng ròng. Bên trong, sàn nhà lát cẩm thạch và đá vôi, có ba cột trụ.
Phiến đá thánh Hắc thạch nằm ở góc đông nam của tòa nhà, cao hơn mặt đất 1,5m. Theo đạo Hồi, nhà tiên tri Mohammed đã đặt tảng đá vào bức tường của Kaaba năm 605.
Tảng đá có màu đen sẫm, dài khoảng 0,6m và có bề mặt đen bóng. Theo quan niệm của đạo Hồi, tảng đá vốn màu trắng nhưng đã chuyển sang màu đen vì hấp thu tội lỗi của nhân loại.
Người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammed từng hôn lên phiến đá, do đó họ khát khao ít nhất một lần trong đời được hành hương đến Kaaba và hôn lên Hắc thạch.
Khi đến đây, người hành hương phải đi bộ bảy vòng ngược chiều đồng hồ quanh Kaaba, bắt đầu bằng việc hôn hay chạm tay vào Hắc thạch, ở góc phía đông của Kaaba. Nghi thức này gọi là Tawaf. Nếu không thể hôn hoặc chạm được Hắc thạch vì lượng người quá đông, họ có thể chỉ đơn giản là đưa tay lên cao, hướng về phía phiến đá trong mỗi lượt đi.
Người Hồi giáo cũng tin rằng Hắc thạch là một phần của đá trời. Có nhiều truyền thuyết về nó như khi Adam bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, ông cảm thấy vô cùng mặc cảm vì tội lỗi. Hắc thạch được trao cho Adam để giúp rửa sạch tội lỗi và cho phép ông trở lại thiên đàng. Một số khác cho rằng, tảng đá được lấy từ ngọn núi gần đó bởi tổng lãnh thiên thần Gabriel.
Vì không được phép nghiên cứu trực tiếp tảng đá nên các nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán về yếu tố cấu thành của nó. Theo họ, đó là một tảng đá bazan, mã não, thậm chí là đá vỏ chai từ vũ trụ.
Một giả thuyết cho rằng hòn đá chính là thiên thạch được người Arab tiền Hồi giáo thờ phụng. Anthony Hampton và các nhà địa chất học ở Đại học Oxford – Anh đã lấy mẫu cát gần nơi tảng đá để xét nghiệm và tìm ra một lượng iridium là kim loại thường thấy trong thiên thạch rơi xuống trái đất, nhiều hơn mức bình thường so với lượng iridium trung bình trong vỏ trái đất.
Một nghiên cứu khác do Robert S. Dietz và John McHone ở Đại học Illinois tiến hành năm 1975 lại kết luận Hắc thạch không phải là đá thiên thạch hay ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên gì.
Một nhà địa chất vô danh người Arab từng thực hiện nghi lễ Hajj đã kiểm tra hòn đá, phát hiện thấy có dải sáng khuếch tán cho thấy nó thực chất là đá mã não.
Tuy nhiên, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thống nhất về vật liệu hòn đá và Hắc thạch vẫn là hòn đá thiêng nổi tiếng nhất thế giới, tiếp tục là trung tâm của những cuộc hành hương về thánh địa Mecca.
* * *
Vào mùa hành hương Hajj hằng năm, hàng triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về thánh địa Mecca tại Arab Saudi để cầu nguyện và tham dự các nghi lễ tập thể.
Sự phát triển của ngành hàng không giúp các tín đồ đạo Hồi trên toàn cầu tới Mecca một cách thuận tiện hơn và kết quả là các lễ Hajj ngày càng trở nên đông khủng khiếp.
Các nhà chức trách thành phố đã cố gắng đưa ra các biện pháp để quản lý đám đông và cung cấp thực phẩm, lều trại cũng như các dịch vụ khẩn cấp cho hàng triệu người. Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn được các thảm họa.
Suốt 30 năm qua Mecca đã chứng kiến hơn 10 vụ thảm họa, gần nhất là vào ngày 12-1-2006, một vụ giẫm đạp đã cướp đi sinh mạng của 356 người và khiến gần 300 người khác bị thương. Vụ việc xảy ra khi những người hành hương chen nhau hoàn tất phần quan trọng cuối cùng của lễ Hajj.
Thảm họa nặng nề nhất là vào ngày 2-7-1990 khi 1.426 người hành hương thiệt mạng trong vụ giẫm đạp, nhiều người trong số họ là công dân Malaysia, Indonesia và Pakistan.