Bọ cánh cứng ở sa mạc Namib dành cả buổi sáng lấy thân làm công cụ ngưng tụ sương mù, kiên trì đứng “chổng mông” cho tới khi tích được một giọt nước. Linh dương Ai Cập còn cao thủ hơn, khỏi cần uống nước suốt cả đời. Quái vật Gila lại chỉ ăn một bữa là đủ sống tới vài tháng. Riêng sóc đất Nam Phi còn biết cong cái đuôi bông lên mà xù ra làm ô che nắng toàn thân.
Có đến khoảng 1/3 diện tích đất liền của địa cầu là hoang mạc. Ban ngày, nhiệt độ trong những vùng đất này nóng tới cực hạn, có thể vượt quá 45oC, nhưng ban đêm lại lạnh đến thấu xương, lắm khi xuống hẳn âm mấy chục độ. Trên tất cả, hoang mạc là thiếu nước, lượng mưa trung bình chỉ dưới 250mm/năm. Trừ khi đã tiến hóa để thích nghi với môi trường khắc nghiệt này, động vật không cách nào sống sót nổi. Và trong những giải pháp thích nghi ấy, trội lên một vài cách đặc biệt bất ngờ.
Stenocara gracilipes
Stenocara gracilipes là loài bọ cánh cứng chủ yếu sinh trưởng trong sa mạc Namib thuộc miền nam Châu Phi, nơi nổi danh là khô hạn nhất thế giới (lượng mưa trung bình chỉ 14mm/năm). Tại những vị trí nóng nực nhất, Namib còn có lượng mưa chỉ 2mm/năm. Đổi lại, nơi này rất giàu có sương mù. Có đến khoảng 180 ngày/năm của Namib là bị sương mù phủ trắng.
Về mặt địa hình, Namib là một sa mạc ven biển. Luồng khí nóng trong đất liền khi tràn ra ngoài khơi liền đụng phải dòng hải lưu lạnh, gây ra hiện tượng nước bốc hơi, biến thành sương mù trùm phủ cả mặt biển lẫn toàn bề mặt sa mạc rộng tới 81.000km2. Hệ sinh thái đa dạng của Namib tồn tại chủ yếu là dựa vào lượng sương mù khổng lồ này. Stenocara gracilipes cũng vậy.
Trời vừa hừng đông cũng là lúc sương mù từ ngoài biển theo gió có vận tốc khoảng 30 km/g hướng vào đất liền. Cũng chính lúc này, nhà Stenocara gracilipes bận rộn trèo lên đỉnh các đụn cát lớn, xoay mình hướng đầu đón gió. Hạ thấp thủ cấp xuống và nâng hông lên sao cho hình thành một góc khoảng 45o so với mặt đất, đó chính là tư thế chuẩn nhất để chúng chuẩn bị cho việc “bắt” sương mù.
Cánh của Stenocara gracilipes đặc trưng bởi những nốt sần dày đặc. Chính bề mặt lộm cộm ấy là công cụ “bẫy” sương hoàn hảo. Khi gió mang sương mù thổi qua đụn cát, một số hạt sương sẽ va vào cặp cánh của Stenocara gracilipes và bị giữ lại. Những nốt sần ngăn chúng bị gió cuốn đi. “Tích tiểu thành đại”, sau một khoảng thời gian dài, đám sương mù tí hon cuối cùng cũng tụ đủ để hình thành một giọt nước với đường kính chừng 5mm. Nhờ độ dốc do tư thế “chổng mông” của Stenocara gracilipes, giọt nước này lăn xuống, “hạ cánh” vừa đúng vào cái miệng khát khô đang mong chờ.
Linh dương Ai Cập và Gà lôi đuôi dài
Nếu bọ cánh cứng ở sa mạc Namib tốn cả buổi sáng chỉ để hứng sương thì linh dương Ai Cập lại có một chiến thuật thích nghi hoàn toàn đối nghịch. Đó là khỏi cần uống nước. Mọi sinh vật sống trên trái đất đều cần phải uống thì mới sống được. Chúng ta có thể nhịn đói cả 3-4 tuần, nhưng chỉ nhịn khát tối đa là 3-4 ngày. Vậy mà linh dương Ai Cập, loài thú móng guốc sống ở các vùng khô hạn nhất của Bắc Phi, trong sa mạc Sahara nóng như thiêu như đốt (có lúc tới 50oC) lại cả đời không chạm đến một giọt nước vẫn sống khỏe. Khi nhiệt độ trong môi trường sống rơi vào cực hạn, chúng thậm chí còn khỏi đi tiểu luôn.
Về thực chất, linh dương Ai Cập cũng như mọi sinh vật khác, nhất thiết phải cần đến nước. Khác chăng là chúng đã sáng tạo được một cách lấy nước hoàn toàn không “đụng hàng”. Đó là phương pháp hydrat hoá thức ăn, biến chúng thành nước ngay trong dạ dày. Món khoái khẩu của nhà linh dương Ai Cập không ngoài lá cây và cỏ. Trừ khi khô nỏ khô nỉ, trong thực vật luôn có nước. Bằng giải pháp hydrat hoá, loài linh dương này tỉ mẩn tách nước có trong lá và cỏ khi tiêu hóa, đem đi nuôi dưỡng cơ thể. Nhờ thế mà dù cả đời không đụng tới một giọt nước, chúng vẫn sống tốt.
Tương tự với gà lôi đuôi dài, loài lông vũ thường thấy ở các sa mạc thuộc Tây Nam Hoa Kỳ và Mexico. Song ngoại trừ thực vật, gà lôi đuôi dài còn khoái xơi côn trùng, động vật nhỏ, thậm chí cả động vật có độc (ví dụ như rắn đuôi chuông) nên càng dễ bề hấp thụ được nhiều nước qua thức ăn hơn.
Quái vật Gila
Cũng ở Tây Nam Hoa Kỳ và Mexico, người ta bắt gặp một “cao thủ sinh tồn” khác là quái vật Gila, một loài thằn lằn có thân hình ục ịch đến nỗi chẳng có dáng vẻ gì là một cư dân của sa mạc.
Quái vật Gila có tên khoa học là Heloderma suspectum. Chúng thuộc loài có độc, cơ thể con trưởng thành dài khoảng 60 cm. Gần như cả đời (tới 90% thời gian), loài thằn lằn béo ú này nằm yên một chỗ. Chỉ khi giông bão vừa qua hoặc đã sang tiết xuân êm ả, chúng mới miễn cưỡng bò ra khỏi hang đi tìm thức ăn. Mỗi năm, quái vật Gila chỉ cần ăn từ 5-10 bữa là được. Đổi lại mỗi bữa, chúng sẽ ních một lượng thức ăn khổng lồ, nặng bằng khoảng 1/3 trọng lượng cơ thể chúng.
Cân nặng của quái vật Gila rơi vào khoảng từ 350-700 g. Nó sẽ cần ăn từ chừng 116-233 g/lần, và lượng thức ăn này giúp chúng sống tiếp tối thiểu cũng được 1 tháng. Nhờ ăn tạp, đến xác thối cũng ngấu nghiến nên không quá khó để quái vật Gila nhồi nhét đầy dạ dày. Có điều vì chúng quá chậm chạp, thành ra rất dễ bị tổn hại bởi các động vật săn mồi khác mỗi lần “xuất quan”.
Bipes biporus
Nhân nói đến nhà thằn lằn, ở sa mạc bán đảo Baja California cũng có một loài sở hữu thói quen sinh tồn độc đáo bậc nhất thiên hạ – Bipes biporus. Chúng trọn đời cần mẫn đào hang kiếm mồi trong lòng đất, tuyệt đối không mạo hiểm thò mặt ra bên ngoài, trừ khi chốn trú ẩn bị ngập lụt.
Bipes biporus còn có tên gọi khác là thằn lằn giun năm ngón hoặc thằn lằn nốt ruồi Mexico. Chúng cực kỳ nhỏ bé, cơ thể thỉ rộng khoảng 6-7mm, nhưng lại rất dài, có thể từ 18-24 cm. Với cặp chi trước đầy móng sắc nhọn, loài thằn lằn màu hồng này thoăn thoắt đào hang. Nhờ cái lưỡi “đánh hơi” cực nhạy, chúng xác định chính xác vị trí của đám côn trùng trong lòng đất, nhoáng một cái đã đào hầm tới nơi và nuốt gọn.
Trong khi hầu hết các họ hàng thằn lằn của Bipes biporus trên mặt đất, bao gồm cả các loài cự đà to lớn, cũng không thoát khỏi số phận làm mồi cho kẻ khác, loài thằn lằn nhỏ xíu mà dài ngoằng này lại tuyệt đối an toàn. Lòng đất sâu tối vừa bảo vệ chúng khỏi những cặp mắt thèm thuồng vừa tặng cả kho thức ăn phong phú. Thế nên chúng chẳng cần bò lên trên mặt đất làm chi cho nguy hiểm, chỉ việc ung dung bên dưới bề mặt sa mạc khô hạn mà sống hết đời. Trời nóng, chúng đào sâu xuống dưới cho mát. Ngược lại trời lạnh, chúng “ngoi” lên cao hơn để sưởi.
Sóc đất Nam Phi
So với các chiến thuật thích nghi muôn hình vạn trạng để sống sót trong sa mạc thì phương pháp của nhà sóc đất Nam Phi có lẽ là đáng yêu nhất. Chúng có cái tên này vì chủ yếu sinh trưởng ở Nam Phi, tại những vùng khô nóng nhất. Như mọi loài sóc đều có cái đuôi bông dễ thương, sóc đất Nam Phi cũng sở hữu một cái đuôi tương tự.
Khác một điều là cái đuôi này có bông và dài, đến nỗi khi chúng cong đuôi lên và xù lông ra, nó đủ để làm cái lọng che kín toàn bộ cơ thể. Nhờ cái ô tự thân này, sóc đất Nam Phi thoải mái đương đầu với làn nắng gay gắt, chăm chỉ lượm lặt thức ăn suốt cả ngày. Tính ra thì có đến khoảng 70% thời gian ban ngày của loài sóc này là kiếm ăn ngoài trời. Trong khi hầu hết các loài sóc đều có thói quen tích trữ, cất giấu đồ ăn để xài dần, sóc đất Nam Phi lại nhặt được gì là nhai nuốt luôn. Thế nên quanh năm suốt tháng, chúng không được nghỉ ngơi ngày nào cả. Nếu không có cái đuôi xòe rộng như tán dù, loài động vật này khó mà đối phó nổi với cái nắng Nam Phi oi nồng.
Ngoài ra, sóc đất Nam Phi cũng còn có thêm một chiến thuật thích nghi nữa là khỏi cần uống nước. Nhờ ăn tạp, tiêu hóa được cả rau, củ, quả lẫn côn trùng, chúng không gặp khó khăn gì trong việc thu nạp đủ lượng nước cần dùng.
Cầy Meerkat
Trong thế giới tự nhiên, có lẽ không có điệu bộ đồng nhất nào lại ấn tượng hơn là biển hiện đồng loạt của nhà cầy Meerkat, một loài động vật có vú nhỏ có mặt tại hầu hết các sa mạc của Lục địa Đen. Cầy Meerkat sống theo nhóm từ 20-30 con nhưng cũng có đôi bầy đặc biệt đông, lên tới chừng 50 cá thể. Mỗi khi bị đánh động, cả bầy sẽ đồng loạt đứng thẳng lưng và cùng nhìn về một hướng. Song hành vi giống hệt nhau như sao chép này không phải là chiến thuật sinh tồn của nhà cầy Meerkat mà là cặp mắt đen láy cơ.
Giống như sóc đất Nam Phi, cầy Meerkat cũng là loài kiếm ăn vào ban ngày. Nhưng thay vì lấy đuôi làm lọng, chúng lại lấy các mảng màu đen phủ kín cặp mắt. Những mảng màu đen này có tác dụng hệt như tấm kính mát tự nhiên. Nó tránh cho nhà cầy Meerkat khỏi bị chói mắt giữa cái nắng gay gắt. Cũng nhờ không bị chói nắng, chúng dễ dàng quan sát tứ phía, nhanh chóng phát hiện nguy hiểm để co giò tẩu thoát.
Chuột Acomys
Nếu tìm trong thiên nhiên hoang dã, bạn sẽ thấy một chiến thuật sinh tồn khá liều lĩnh là từ bỏ một phần của cơ thể. “Nhân vật” nổi bật nhất dĩ nhiên là thằn lằn. Chúng thường đứt đuôi để thoát thân. Ngoài ra, còn có chuột sóc Gliridae của châu Phi và châu Á. Loài động vật có vú bé xíu, đáng yêu muốn xỉu này có thói quen “dâng đuôi” khi ngủ. Chúng dùng hai chi trước ôm lấy cái đuôi của mình mà giơ lên. Nếu có kẻ săn mồi nào đó tập kích, nhắm vào cái đuôi ấy mà “bứt”, Gliridae sẽ mất đuôi nhưng sống sót. Qua dăm bữa nửa tháng, cái đuôi mới lại mọc ra.
Riêng nhà chuột Acomys, một loài khá quen thuộc trong các sa mạc châu Phi, thì không chỉ “thí” đuôi mà “thí” luôn cả da. Chúng điển hình bởi lớp da cực kỳ dễ rách, chỉ bị kéo một chút là tuột ra như thể chúng ta cởi áo vậy. Hễ bị tấn công là loài chuột bé nhỏ này lại chơi trò lột da liền. Nhìn thì hệt như màn thoát thân tự sát nhưng chuột Acomys nom rõ yếu đuối không hề bỏ mạng. Trải qua thời gian và sự tiến hóa, chúng đã thành công trang bị cho mình một khả năng tái tạo da cực nhanh. Không chỉ da mà toàn bộ lông, sụn, tuyến mồ hôi bị xé mất cũng sớm được phục hồi nguyên trạng.