Ngay cả khi đã cùng hướng đến những mục tiêu chung trong quá trình làm việc, nhân viên và các nhà lãnh đạo cũng có thể có những quan điểm, cách nhìn một số vấn đề, nhất là các vấn đề về cách vận hành doanh nghiệp, khác nhau. Hiểu được những khác biệt này là điều hết sức cần thiết để tạo ra một doanh nghiệp khỏe mạnh – một doanh nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển nhờ những nhà lãnh đạo giỏi và một đội ngũ nhân viên trung thành. Dưới đây là lời khuyên của một số chuyên gia giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tìm hiểu và thu hẹp khoảng cách trong suy nghĩ với nhân viên.
“Những giám đốc điều hành (CEO) hiểu được nhiệm vụ của họ là xây dựng một tổ chức vững mạnh, thống nhất với một mục đích rõ ràng là những người thường xuyên dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe nhân viên”, đó là quan điểm của Shannon Mullen, nhà sáng lập của Mullen Marketing Search, một công ty có trụ sởở New York City (Mỹ).
Theo một báo cáo mới đây của CEO.com, trên thực tế có những khác biệt rất lớn trong quan điểm và cách suy nghĩ của sếp và nhân viên. Cụ thể, 84% các CEO ngày nay nghĩ rằng họ không bao giờ khiển trách nhân viên trong khi có 10% nhân viên cho biết thường xuyên nghe chuyện này và 32% nhân viên cho biết điều đó thỉnh thoảng xảy ra.
Dù cho sếp truyền thông và giao tiếp với nhân viên như thế nào thì hơn 50% nhân viên cũng cho biết họ mong muốn nhận được thông tin từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên hơn. Khảo sát của CEO.com cho thấy khoảng 74% nhân viên cho biết muốn nhận được các tin tức cập nhật và quan trọng từ các CEO ít nhất một lần mỗi tháng.
- Xem thêm: Trao đổi với nhân viên
Mặt khác, 28% nhân viên cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của họ có phát đi một thông điệp đến toàn thể công ty mỗi tháng. Trong khi đó, kết quả khảo sát từ các CEO lại như sau: 31% cho biết có truyền thông đến toàn thể công ty hằng tháng và 38% cho biết có làm điều tương tự hằng quý.
Sự khác biệt trong nhận thức của nhân viên và sếp về mức độ thường xuyên của việc truyền thông ở nơi làm việc trong ví dụ trên là một bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp cần phải đưa việc giao tiếp thường xuyên với nhân viên thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình.
Động viên nhân viên bằng tầm nhìn
Để nhân viên có cảm hứng và động lực làm việc tốt thì đe dọa hay khen ngợi một cách sáo rỗng đều không phải là thượng sách. Theo các chuyên gia, yếu tố tạo ra động lực lớn nhất cho nhân viên chính là khả năng của CEO trong việc truyền cho nhân viên tầm nhìn của doanh nghiệp trong mọi chỉ đạo và tương tác với họ. Các CEO có thể động viên nhân viên một cách hiệu quả bằng ba chiến lược sau.
- Tạo ra một tuyên bố mục đích cho doanh nghiệp. Từ tầm nhìn, sứ mệnh và tuyên bố giá trị, nhà lãnh đạo có thể phát triển câu tuyên bố mục đích. Sau đó, truyền thông tuyên bố này đến toàn thể nhân viên sao cho họ cảm thấy yêu mến, tự hào về tổ chức mà mình đang làm việc, về tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với thế giới xung quanh.
- Chú trọng xây dựng nhãn hiệu từ bên trong. Nên làm điều này theo hai chiều, từ các nhà lãnh đạo cao nhất đến các nhân viên thấp nhất và ngược lại. Liên hệ tuyên bố mục đích của công ty với tuyên bố mục đích của từng nhân viên và phòng ban, từ đó chỉ ra cho nhân viên thấy rõ những hành vi nào của họ sẽ giúp công ty đạt được mục đích.
- Sử dụng mạng intranet (mạng internet nội bộ) cho việc truyền thông. Nên xây dựng một kênh giao tiếp hai chiều trên mạng này. Nghĩa là một mặt truyền thông những tin tức từ CEO đến toàn thể nhân viên và công ty, mặt khác xây dựng các diễn đàn trực tuyến để nhân viên có thể trao đổi, tranh luận và đặt ra các câu hỏi trực tiếp cho các sếp.
Chia sẻ những câu chuyện với nhân viên
Một cách để điều hành doanh nghiệp tốt hơn là nghĩ đến các q uy trình làm việc hiện tại như những câu chuyện. “Thông qua những câu chuyện, các sếp có thể định hình và phản ánh các giá trị của tổ chức. Một CEO cần phải biết và kể được những câu chuyện này để động viên nhân viên và tạo cho họ một ý nghĩa, mục đích trong công việc”, Andrew Hurteau, một chuyên gia huấn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền thông của Butterfield Speaks, một công ty đào tạo truyền thông có trụ sở ở San Franciso (Mỹ), giải thích.
Ngoài ra, để xây dựng một doanh nghiệp thành công, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tìm hiểu những mong muốn, kỳ vọng của nhân viên từ bản thân và nghiệm lại xem mình đã kể đúng những câu chuyện mà họ cần nghe và muốn nghe hay chưa. Các nhà lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp cần phải làm nhân viên hiểu một cách toàn diện về các mục tiêu và hoài bão của công ty để có thể kéo họ đi cùng một hướng.