Bức tranh hội nhập nhiều chặng của nước ta sẽ đánh dấu 2014 như một năm đặc biệt, bởi đây là năm của những hiệp định thương mại tự do quan trọng được hoàn thành mà Việt Nam là một thành viên. Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Hàn Quốc được quan tâm đặc biệt. Các hiệp định này không chỉ đem lại những lợi ích kinh tế mà còn là những sự chia sẻ về các thang giá trị hay chuẩn mực, có tác động trực tiếp đến quá trình cải cách kế tiếp. Nếu ví von đó là những “sức ép từ tương lai” thì đây sẽ là một lò xo để vượt qua những “tồn kho” chính sách, thể chế, những cách hiểu lỗi thời đang đeo bám quá trình phát triển của đất nước.
Tồn kho thể chế
Trong những “tồn kho” của năm cũ 2013, từ hàng hóa, tín dụng đến các dự án treo, còn có vấn đề đáng quan ngại hơn, đó là tồn kho thể chế. Thể chế được hiểu một cách đơn giản là quy tắc trong một xã hội hay một cộng đồng, tồn tại theo hai dạng là chính thức (luật pháp, văn bản thành văn, quy định mang tính pháp lý) và không chính thức (bao gồm cách ứng xử, những trường hợp ưu tiên hoặc “truyền thống” được số đông trong xã hội chấp nhận, tuân theo).
Trong một nền kinh tế, thể chế cũng giống như luật chơi trong một trận bóng đá. Luật tốt, công bằng, sát với thực tế sẽ giúp cho trận đấu diễn ra hào hứng, các cầu thủ thi thố hết khả năng, khán giả được mãn nhãn bởi những pha bóng đẹp. Ngược lại, một luật chơi méo mó, bị thao túng bởi các nhóm phi thể thao bên ngoài sân cỏ hay xa rời thực tiễn, sẽ tạo ra những lực cản hữu hình và vô hình, khiến trận cầu bịảnh hưởng, không suôn sẻ theo những cách khác nhau.
Chẳng hạn như vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước được xem là chủ đạo trong nền kinh tế. Trong tất cả các cuộc tranh luận về tái cấu trúc và cải cách nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tầm ngắm với những vấn đề nan giải. Từ kỷ luật thị trường, thiếu tính công khai minh bạch, quy trình bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo lỏng lẻo cho đến sự nhập nhằng vấn đề sở hữu và trách nhiệm giải trình. Năm 2010, khi chương trình tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai, việc giảm, cổ phần hóa và thay đổi cơ chế quản trị trong từng tập đoàn đã được đưa ra mổ xẻ. Trái với các kỳ vọng mang tính đột phá, quá trình này vẫn đang diễn ra chậm chạp, chứng tỏ sức ỳ từ cơ chế cũ và các nhóm hưởng lợi từ cơ chế đó vẫn còn quá lớn.
Hay như các ý tưởng tái cơ cấu cấu trúc thương mại để giảm nhập siêu. Nhu cầu này được đặt ra từ nhiều năm nay, khi cán cân nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc chỉ tăng chứ không giảm. Những đề xuất lần lượt đưa ra đòi hỏi một giải pháp toàn diện, từ việc nâng cao năng lực sản xuất nội địa đến đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có khả năng sản xuất được, chuyển hướng thị trường nhập khẩu (đặc biệt là máy móc, công nghệ).
Nhưng vấn đề chính dường như không phải là các yếu tố kỹ thuật kinh tế, là điều mà giới học giả ví von như một “lời nguyền địa lý”, ám chỉ sức ép của việc sống dưới bóng của một nước lớn, về cả địa lý, dân số, văn hóa và cả “sức ồạt” về sản xuất số đông. Thay đổi một tập quán, một thói quen, hay một lối sống hoặc là cần một thế hệ, hoặc cần một chính sách đột phá mang tính tập trung cao độ. Mà trên hết là từ bỏ “sự dễ dãi” trong sản xuất lẫn tiêu dùng.
Một thí dụ khác xoay quanh vai trò của Nhà nước. Song song với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, những vấn đề phát triển từ một phương thức quản lý xã hội còn mang tính truyền thống sang hiện đại là hai nhân tố quan trọng. Sau một thời gian dài nước ta sống trong cơ chế quan liêu bao cấp, sinh hoạt thị trường với quy luật cung cầu đã đặt lại nhiều vấn đề về quản lý mà một trong số đó là phân chia quyền và nghĩa vụ. Nếu Nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch nắm vai trò chủ đạo về mọi mặt, với nghĩa vụ cuối cùng là đảm bảo sự thịnh vượng và an ninh cho cả cộng đồng, thì Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có xu hướng chia sẻ vai trò này với những tác nhân khác.
Trước sự hình thành những “tập đoàn lợi ích” khác nhau, thậm chí nhiều khi đối lập thì việc mở rộng quyền tham gia – chịu trách nhiệm trong các thành phần kinh tế, các lực lượng xã hội khác nhau chính là một cách để “dung hòa lợi ích”, gắn kết các nhóm lợi ích lại với nhau bằng những định chế mang tính chế tài của luật pháp và sự giám sát của công luận. Vì thế, mô hình Nhà nước mạnh, trên ý nghĩa đủ khả năng đối phó trước những rủi ro, đảm bảo an ninh chung cho cả cộng đồng đang là con đường cần tiến đến.
Rõ ràng, nếu những tồn kho này tiếp tục tồn tại, chúng sẽ là những trì níu cho phát triển, làm méo mó thị trường, biến trận cầu đầy hứa hẹn thành nhàm chán, cũng như triệt tiêu động lực của những cầu thủ tài năng với tinh thần xả thân. Nguy hiểm hơn, sự tồn tại của những thể chế đã lỗi thời ấy sẽ dung dưỡng những con người lỗi thời với tư duy bảo thủ, chăm chăm vào lợi ích trước mắt và sẽ bị xâu xé bởi những nhóm đặc lợi – đặc quyền. Vì vậy, trọng tâm 2014 phải là giải quyết rốt ráo các vấn đề này, dẫu có là những quyết sách vĩ mô hay chỉ là các rào cản thuế má, giấy tờ mang tính chất “hành là chính” ở cấp cơ sở.
Điểm tựa cho những xung lực mới
Lịch sử kinh tế Việt Nam chỉ ra hai cách để tạo xung lực: từ những yếu tố nội sinh và những yếu tố ngoại sinh. Đổi mới 1986 dựa vào nội sinh, trong đó quan trọng nhất là dân chủ hóa kinh tế. Nhà nước tạo điều kiện cho người dân làm ăn, sản xuất và tham gia vào nền kinh tế, một cách ví von là giải phóng các nguồn lực. Tuy nhiên, sự bùng nổấy bị phụ thuộc vào yếu tố ngoại sinh, qua việc Việt Nam không còn bạn trên thế giới và nguồn tài trợ phù hợp, mà một kinh tế sử gia gọi là “hiện tượng cắt sữa” từ các viện trợ nước ngoài. Những giai đoạn tiếp theo, yếu tố tác động chủ đạo là yếu tố ngoại sinh khi hội nhập kinh tế thúc đẩy hội nhập sâu rộng trong các lĩnh vực khác. Nói đơn giản hơn, muốn làm ăn thì cần có vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật, chất xám, mạng lưới, vì vậy đã thúc đẩy chúng ta vươn ra thị trường bên ngoài và tìm đến các đối tác lớn như ASEAN, Mỹ, rồi đặt chân vào các tổ chức khu vực và toàn cầu như WTO, APEC.
Trong những khúc quanh của cải cách, sức ỳ của các nhóm lợi ích tạo ra một thách thức khó giải quyết. Con người tạo ra thể chế nhưng muốn thay đổi nó lại không dễ vì chạm vào những đặc quyền của các nhóm lợi ích, thậm chí điều này còn vượt quá khả năng của một cá nhân hay một nhóm cá nhân lãnh đạo.
Lúc này cần những xung lực mới để tạo cú hích. Trong tập luyện thể thao, để phá những kỷ lục đã có, người ta phải đưa kỷ lục đó về làm mốc, đưa vận động viên vào trạng thái áp lực và khó khăn hơn gấp nhiều lần, để cơ thể thích nghi và thách thức các giới hạn. Quá trình thích nghi đó dẫn đến hai hệ quả: một là không chịu nổi áp lực và từ bỏ trong thất bại, hai là diễn ra quá trình bình thường hóa áp lực bằng cách tạo thích nghi. Khi một cá nhân, tổ chức hay cộng đồng không đủ khả năng tự tạo áp lực để cải cách thì việc đẩy nó ra bên ngoài với áp lực môi trường cao hơn là rất quan trọng và cần thiết. Trong môi trường mới đó, sẽ có nhóm thay đổi để tồn tại, nhóm khác không thay đổi nhưng vẫn trụ lại (níu kéo) để tiếp tục theo đuổi lợi ích.
Về lý thuyết, những nhóm níu kéo phản tiến hóa. Nhưng chúng sẽ xuất hiện dưới nhiều chiêu bài “hợp tiến hóa” khác nhau để chính đáng hóa cho sự tồn tại của mình. Vì vậy, giới tinh hoa lãnh đạo cần xây dựng những chính sách để đưa nhóm này vào cơ chế thay đổi bắt buộc có lộ trình. Nếu thay đổi tức thời, có thể tạo ra cú sốc mạnh mẽ cũng như dẫn đến những hệ quả. Lộ trình dài hơi đều đặn sẽ giảm bớt sốc cho xã hội nhưng sẽ bị trì kéo bởi lợi ích nhóm và làm chậm quá trình. Những nhà cải cách phải xây dựng được hai chân trụ: trụ thứ nhất là vạch rõ lộ trình cải cách và tạo áp lực để cả hai nhóm thích nghi hay không thích nghi biết được mình sẽ đi đâu, trụ thứ hai là tạo ra khung chính sách khuyến khích những nhóm có khả năng thích nghi và chế tài những nhóm cố trì níu.
Người ta không thể ngày một ngày hai mà xây nên những kỳ quan thế giới. Nhưng cũng không thể nói rằng vì vượt sức người quá mà không làm. Chính sách nhìn xa trông rộng cần được thực thi hóa bằng những bước cụ thể dựa trên tính minh bạch của quá trình và khả năng nâng cao năng lực thực hiện. Ở Việt Nam, luật đã có, nhưng hướng dẫn thực thi và áp dụng luật trong thực tiễn thì chưa có. Vì vậy, các biện pháp cụ thể hóa bằng chính sách, văn bản sẽ chỉ ra lộ trình cho các cá nhân, tổ chức đi đâu về đâu và chung tay với họ để thực hiện quá trình một cách ít tốn kém nhất.
Đã qua rồi thời điểm đặt câu hỏi có nên cải cách hay không, vấn đề bây giờ là lựa chọn thời điểm cải cách như thế nào. Bởi cải cách càng chậm thì cái giá phải trả càng cao và khả năng thương thuyết với các nhóm lợi ích để tạo ra một hợp đồng xã hội mới càng khó. Biết nắm bắt thời cơ giúp chúng ta giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm nguồn lực và tận dụng các nguồn hỗ trợ một cách hiệu quả. Năm 2014 nên được và phải được xem là thời cơ để cải cách!
Những sức ép từ tương lai buộc chúng ta phải tư duy và hành động. Quan trọng hơn, không ai có thể giữ lại một thứ đã lỗi thời nếu tự bản thân mình không muốn. Dù cho đó có là thể chế, hay con người.
Nguyễn Chính Tâm