Người ta thường dùng mặt nạ để che giấu hoặc ngược lại diễn tả nhiều tâm trạng, suy nghĩ trước thiên nhiên và người đối diện. Người ta cũng dùng chúng nhằm thực hiện một số vai trò, chức năng trong các vở kịch dân gian hoặc việc tế lễ, cầu cúng… Dường như dân tộc nào cũng có mặt nạ cho nhiều mục đích nhất định, thế nhưng có lẽ không đâu có số lượng mặt nạ phong phú và lạ mắt bằng những dân tộc thiểu số trên đảo quốc Papua New Guinea, hòn đảo lớn thứ hai thế giới nằm giữa Thái Bình Dương.
Tại đây, do khí hậu đa dạng, có chỗ nóng, chỗ lạnh và mát mẻ nên rừng già rất phát triển, kéo theo nhiều động vật và cả một nghìn dân tộc cư trú. Đa số họ dựa vào thiên nhiên để sống, bắt chước các loài vật nhằm khoe diễn các vẻ đẹp hoang dại, đồng thời cũng tự vệ và dọa nạt kẻ khác nếu không cùng dân tộc, nên có bao nhiêu cây cối, chim thú, bò sát họ đều đưa vào tín ngưỡng của mình, mà biểu hiện rõ nhất là trên những mặt nạ và đồ trang sức.
Tuy nhiên, có 3 loài vật hay được các bộ lạc dùng nhất để ngụy trang, ấy là lợn lòi, cá sấu và đà điểu đầu mào vì chúng rất khỏe, dữ tợn và khôn khéo. Các chiến binh, thợ săn tựu chung đều thích có sức mạnh nên họ luôn chọn những sinh vật to lớn, dữ dằn để làm hình mẫu, cộng với trí tưởng tượng phi thường về các hiện tượng siêu nhiên, thần thánh mà tạo riêng cho mình những mặt nạ độc đáo. Mỗi cái đều được tin là vật chứa đựng linh hồn hoặc thể hiện hồn phách tổ tiên cùng các thần linh trong rừng mà khi đội vào, con cháu sẽ hóa thành các đấng tổ tông hoặc các tumbuwan mặt nạ phỏng theo.
Nói tóm lại, mặt nạ là tượng trưng của thế giới linh hồn, thần thánh khác biệt so với thế giới con người được đặc tả qua việc vẽ mặt, vẽ mình rất thường thấy ở người Papua New Guinea. Thông qua mặt nạ, con người sẽ vượt qua được các giới hạn của bản thân, không lo sợ, không chùn bước để dấn thân vào một vùng đất không chỉ có họ. Thành thử, mặt nạ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh dân gian Papua New Guinea, giúp họ tưởng nhớ, liên hệ với tổ tiên và giao hòa cùng thiên nhiên, môi trường bằng một tình yêu và lòng kính cẩn sâu sắc.
Vì là vật thờ cúng, có tính chất thiêng liêng nên dù được sản xuất nhiều, cũng chỉ có nam giới Papua New Guinea mới được phép làm và đeo mặt nạ. Sau các chuyến đi săn hay chăn thả đâu đó, trai tráng luôn chặt gỗ về, cũng có thể là bóc vỏ cây cối, hái lá cọ, lá mía, lá mây hoặc đào sét để làm mặt nạ. Tùy vào chất liệu sẵn có, chúng sẽ được đẽo nặn, ráp nối theo những hình thù, kích cỡ khác nhau. Thông thường, chúng sẽ vừa mặt người, song đôi khi cũng thấy những cái phủ kín cả người như một cái khiên và được dùng nhằm che chắn trong khi cận chiến hoặc để trưng bày, thờ tự.
Một ví dụ như thế là mặt nạ semese của người Elema với chiều dài tới 6, 7 mét. Chúng thường có hình bầu dục và những cái mỏ như mỏ chim, mỏ quạ tượng trưng cho các thủy quái, ma quỷ trong rừng sâu, hoặc là một totem (vật tổ) của một bộ tộc nào đó. Mỗi mặt nạ cũng gắn bó, có những đặc điểm của rừng núi, sông biển nơi chúng xuất hiện. Nếu ở rừng thì gai góc, đính đầy dây rợ lòa xòa, nếu ở sông biển thì nhẵn nhụi hơn, mang nhiều vảy, vây thủy sản.
Không như nhiều nơi khác, dùng xong mặt nạ sẽ bỏ đi hoặc gác lại một nơi khuất bóng, mỗi mặt nạ ở đây luôn được mang bên mình người chủ hoặc treo trước cửa hoặc bày trong nhà bao nhiêu cũng được vì chúng luôn được dùng liên tục trong các nghi lễ quanh năm, mà nghi lễ nào cũng liên quan tới mặt nạ. Do vậy, nam giới bên cạnh việc dựng nhà, cũng dựng luôn gần đó một số căn chòi để thờ tổ tiên cùng mặt nạ.
Họ tạm chia mặt nạ trong nhà làm 2 phạm trù: cái để thờ cúng và cái để biểu diễn trong các điệu múa, chiến đấu hay sinh hoạt khác. Thế nhưng ngay cả mặt nạ thờ cúng cũng gắn liền với các điệu múa nghi thức hay lễ vũ. Cứ đến dịp lễ, mừng mùa vụ, đón khách quý hay liên hoan vì chuyện gì, người ta lại múa và đeo mặt nạ để cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho mình, du khách và xóm làng. Với đa số khách nước ngoài, lần đầu tiên khi thấy mặt nạ của họ đều không tránh khỏi sự bàng hoàng, lo lắng bởi những hình thù có vẻ rất dữ dằn, hoang dã, và nhất là khi người đội đã hoàn toàn nhập vào điệu múa hầu đồng, họ đều trở thành hình tượng của các thần linh hoặc những sinh vật khá đáng sợ.
Thế nhưng, khi đã quen với những hình ảnh như vậy, ai nấy đều cảm thấy thú vị, hiếu kỳ, muốn được khám phá nhiều hơn các sinh hoạt với mặt nạ vì sự mới lạ, dị thường của chúng lẫn cách thể hiện táo bạo những suy nghĩ về thần linh và tự nhiên của thổ dân. Nhằm tăng phần dữ dội hoặc vẻ đẹp kỳ thú, ngoài đội, đeo những mặt nạ linh hồn, chim thú, các vũ công còn xăm, vẽ trên trán, má, cằm nhiều hình dạng tô tem.
- Xem thêm: Mặt nạ giấy bồi Raghurajpur
Người thờ chim sẽ xăm trên đó hình các con chim, người thờ cá lại xăm con cá… Một buổi lễ với mặt nạ vì thế rất đông đúc, thu hút vì nền văn hóa và tập quán lâu đời. Đến đây, bạn có thể gặp hàng chục, hàng trăm kiểu mặt nạ do hàng trăm bộ tộc mang tới góp vui. Dù nhiều, đa dạng song đại thể thường thấy mấy phạm trù mặt nạ sau: Mặt nạ tổ tiên là mặt nạ chứa đựng linh hồn người đã khuất, được dùng để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ trong những ngày giỗ tết của người dân. Chúng cũng được thờ trong nhà cùng ban thờ gia tiên nhằm phù hộ con cháu mạnh khỏe, bình an.
Mặt nạ Mwai là mặt nạ của anh em, dòng họ có tính chất tán dương tuổi trẻ, thường thấy trong các điệu múa của lễ trưởng thành, chuyển đổi từ nam nhi sang thanh niên. Mặt nạ Savi là mặt nạ để chống lại ma quỷ, do cũng có hình dáng của chúng với mắt lồi, lưỡi dài, răng nhọn và vì đặc điểm dữ tợn có thể trừ tà, đánh đuổi kẻ thù.
Đối với người Papua New Guinea, Savi là những sinh vật huyền bí có rất nhiều pháp lực. Chúng có thể là tiểu tiên, có thể là quỷ, cũng có thể là linh thú. Mặt nạ để nhảy múa cũng là mặt nạ thần linh, song được dùng để đánh thức uy lực, gọi một vị thần thức dậy, chứng kiến hoặc giúp đỡ người dân, và được múa trong những tiếng trống rộn ràng của trống đuôi cá và trong các dịp thu hái, đánh bắt, săn bắn hay chinh chiến khải hoàn. Do mọi người vừa đội vừa múa, chúng được gọi là mặt nạ vũ.
Tuy nhiên, tất cả những mặt nạ nào đã và đang được một người dùng để múa đều được gọi là mặt nạ vũ. Mặt nạ thuyền là một loại mặt nạ đặc biệt vì có hình thức như một cái khiên và là mặt nạ thuyền vì có lẽ người xưa đã dùng những mảnh ca nô, thuyền độc mộc hay cả cái thuyền để làm tấm chắn trước những đợt tấn công ào ạt bằng tên đạn.
Những chiến binh mới dùng mặt nạ này, vì họ tin rằng tổ tiên mình cũng là các chiến binh vĩ đại đang trú ngụ trong những cái khiên để bảo vệ họ. Cũng là khiên, nhưng nhỏ hơn, đa dạng và linh hoạt là những mặt nạ tại vùng Upper Sepik. Trên đó sơn vẽ rất nhiều màu sắc, họa tiết sặc sỡ, song ngẫu hứng nên không cái nào giống hệt cái nào và được dùng để thờ hay trưng bày nhằm chống lại các thế lực thù địch từ các làng xung quanh, với ý nghĩa như một vỏ bọc thần thánh, dù chưa chắc đã từng đem đi giao đấu.
Tương tự như vậy, ở nhiều nơi người ta cũng làm những mặt nạ hình lưỡi câu để bảo vệ thực phẩm và treo thức ăn bên trên như trên một cái giá cho an toàn và ngày càng đầy ắp. Vị thần sống trong đó sẽ giúp thức ăn lâu hỏng, cũng như người đeo nó săn bắn, gặt hái được nhiều hơn.
Một kiểu mặt nạ nữa có tính chất hộ vệ, dọa nạt rất hữu hiệu là mặt nạ bùn, đất phơi khô ở thung lũng Asaro. Do làm bằng sét nên chúng chỉ có màu trắng xám, song cực kỳ đa dạng tùy theo tay người nặn và còn cắm, xiên rất nhiều xương xẩu, răng thú, lông chim, que quẽ, rơm rạ… Người đội cũng hay trát bùn, đeo vuốt sắc, từ xa trông rất đáng sợ.
Theo dân gian, vào thế kỷ 18 ở đây bắt đầu có mặt nạ này, khi mà những chiến binh Komunive bị kẻ thù truy đuổi, không còn cách trốn thoát nào khác đành phải ngụp xuống đầm lầy lẩn trốn. Khi quân địch thấy họ, thấy ai cũng trắng toát, đầu bù tóc rối, trên vai lởm chởm que quẽ, hài cốt thì vô cùng hoảng sợ, ngỡ gặp phải ma, liền bỏ chạy.
Từ đó, người Komunive vẫn giữ gìn truyền thống trát bùn và còn làm ra loại mặt nạ giả ma giả quỷ, méo mó- nhăn nheo, thoạt nhìn đã thấy gớm ghiếc, với đôi mắt tròng trọc, lưỡi dài thè lè và nhiều răng nanh tua tủa. Những cái răng này họ chắp từ nhiều răng lợn mà ra. Chưa hết, họ còn đeo những vuốt tre trên các ngón tay, dài vài chục centimét, khiến ai nấy không dám tới gần.
Có thể nói dù hiền hay dữ, mặt nạ đều tăng thêm phần huyền bí và sinh động cho đời sống dân gian rất yêu và gần gũi sinh thái của Papua New Guinea. Chúng cho thấy thiên nhiên nơi đây thật hùng vĩ, tráng lệ, cùng những điều đã biết, còn có rất nhiều điều mới lạ, cần tìm hiểu. Trong quá trình chinh phục rừng sâu, người dân bản địa cũng đã mở ra nhiều tấm màn bí ẩn về hình thái rừng già, về hình thù của các con vật, và họ cũng khám phá được ở chính mình nhiều khả năng thiên bẩm, trong đó có việc lắp ghép và tưởng tượng rất tài tình. Vì vẻ đẹp độc đáo, nhiều mặt nạ của Papua New Guinea đã được in lên tem, tiền và nhiều tặng phẩm du lịch. Cũng có rất nhiều bảo tàng trưng bày, giới thiệu chúng trên khắp thế giới.