Carnevale là lễ hội hóa trang nổi tiếng nhất của thành phố Venice, nước Ý. Vào dịp lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc mặt nạ độc đáo và rất nhiều trang phục cầu kỳ, được thiết kế bởi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của người dân Italy.
Ngoài ra, Lễ hội hóa trang Carnevale còn có những cuộc diễu hành bằng thuyền Gondola trên kênh đào của thành phố cổ kính này cũng là điều vô cùng thú vị mà bạn không nên bỏ qua.
Lễ hội hóa trang Carnevale lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1296. Sau một thời gian dài bị gián đoạn, lễ hội đã khôi phục vào năm 1979 và được tổ chức đều đặn hàng năm cho đến nay. Mỗi năm lễ hội mang một chủ đề khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích tôn vinh văn hóa và tạo nên ngày hội vui vẻ cho người dân đầu năm mới. Trong suốt thời gian hai tuần, quảng trường St. Mark, các rạp hát, đường phố và tòa nhà công sở trở thành sàn diễn của các diễn viên, người làm xiếc, vũ công, nhạc sĩ… khiến người ta có cảm giác như đang sống trong thế kỷ XVII.
Sự kỳ diệu của lễ hội mang lại cho Lễ hội hóa trang Carnevale một bầu không khí mê hoặc. Những người đeo mặt nạ lấp đầy đường phố với những tiếng cười cùng một số sự kiện được tổ chức quanh thành phố. Lễ hội thường tổ chức vào những ngày quan trọng như thứ Ba và thứ Năm cuối cùng trong tháng. Chúng được gọi là giovedì grasso và martedì grasso, theo nghĩa đen là “thứ Năm béo” và “thứ Ba béo” đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay, một dịp lễ tôn giáo trang trọng trong lịch phụng vụ của nhiều hệ phái Kitô giáo bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và bao gồm một khoảng thời gian khoảng sáu tuần trước lễ Phục sinh.
Những chiếc mặt nạ đóng vai trò rất quan trọng tại Venice Carnival, từ những chiếc mặt nạ “Medico Della Peste” mũi khoằm đến loại mặt nạ các bác sĩ dùng trong những trận dịch bệnh. Mỗi năm, một hội đồng giám khảo quốc tế được lập ra để chọn trao giải cho chiếc mặt nạ đẹp nhất.
Người dân Ý hào hứng khi được dùng chiếc mặt nạ để che đi thân phận thật và thoát khỏi quan niệm phân tầng giai cấp nghiêm ngặt lúc bấy giờ. Dưới thời Vua Francis II của đế quốc La Mã Thần Thánh (trị vì từ 1792-1806), lễ hội là hoạt động bị cấm và chỉ chính thức trở lại vào năm 1979.
Trong nhiều thế kỷ trước, những người làm mặt nạ giữ một địa vị cao quý trong xã hội, họ có một nghiệp đoàn riêng và được điều chỉnh bằng một bộ luật khác với mọi người. Trong khi đó, nhà cầm quyền cũng quy định thời gian nhất định trong năm mà người dân được phép đeo mặt nạ vì trước đó có quá nhiều người lợi dụng mặt nạ để che giấu danh tính và làm mọi điều họ muốn. Đây là một trong những lễ hội hóa trang lâu đời nhất thế giới, thu hút hàng nghìn du khách đến với Venice.
Mặt nạ hóa trang thường được làm bằng da hoặc bằng giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống. Ngày nay, mặt nạ còn được làm từ thạch cao, vàng lá và được vẽ bằng tay, thêm các chi tiết trang trí bằng lông chim, đá quí. Lavra là loại mặt nạ phổ biến và đặc trưng nhất của Venice, làm bằng sáp và thạch cao trắng như hình hồn ma, họa tiết đơn giản, nhưng có các chi tiết trang trí trên mũ cầu kỳ.
Giới qúy tộc thượng lưu đã đổ về Lễ hội hóa trang Carnevale trước cả tuần, có đợt lên tới 30 nghìn người vào thời đó. Người ta đặt làm những bộ trang phục cầu kỳ, những chiếc mặt nạ tinh xảo từ cả một năm trước để đến với lễ hội hóa trang. Vào dịp lễ hội hóa trang, các cung điện, vườn hoa đều mở cửa, khắp nơi người ta chơi nhạc và khiêu vũ. Những ban nhạc ngoài trời, những nhóm hề lưu động, trong ngõ nhỏ, trên quảng trường, luồn theo mọi con kênh trên những chiếc thuyền gỗ gondole, cả Venice sống trong âm nhạc và màu sắc.