Trồng lúa làm ruộng là một ngành nông nghiệp chính của các nước Đông Nam Á. Tuy ngày nay, nông nghiệp lúa gạo không còn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng đây cũng là một ngành nghề có truyền thống lâu đời.
Do đó, nó gắn liền với những tín niệm, các vị thần dân gian, trong đó nữ thần lúa Phosop có nhiều biến thể khác nhau.
Nữ thần Phosop hoặc Phaisop là nữ thần lúa của người Thái Lan. Phosop là một vị thần liên quan đến văn hóa dân gian Thái Lan cổ xưa hơn là một vị nữ thần của một tôn giáo có phẩm trật, giáo lý chủ đạo. Nữ thần lúa này còn được gọi là Mae Khwan Khao (tiếng Thái: แม่ ขวัญข้าว; “Mẹ Lúa sự thịnh vượng”).
Bối cảnh
Những nghi lễ cúng dường (เฉลวchaleo) được thực hiện để xoa dịu nữ thần trong suốt các giai đoạn gieo cấy gặt hái khác nhau. Người dân tin rằng nữ thần Phosop luôn đảm bảo cho họ có đủ lúa gạo để ăn.
Ở Thái Lan ngày nay, sự tôn kính của người nông dân đối với nữ thần Phosop đã giảm dần trong thời gian gần đây, nhưng Nữ hoàng Sirikit đã ban một sự bảo trợ hoàng gia cho phong tục cổ xưa này của văn hóa dân gian Thái Lan vào tháng 8-2008.
Những lễ nghi truyền thống liên quan đến lúa gạo và các giai đoạn canh tác có một ý nghĩa truyền thống sâu sắc để đảm bảo rằng người nông dân sẽ có được vụ mùa tốt đẹp. Mỗi năm, tại Thái Lan, vào cuối Lễ tịch điền hoàng gia, mọi người tranh nhau thu nhặt các hạt giống từ những luống cày để cầu mong sự may mắn.
Biểu trưng
Hình tượng biểu trưng của nữ thần Phosop là của một người phụ nữ xinh đẹp mang đầy trang sức và vận một chiếc váy màu đỏ hoặc màu xanh lá cây.
Nữ thần được thể hiện cả ở tư thế ngồi lẫn đứng, cầm một bó lúa đã được thu hoạch bên trên vai phải, nhưng đôi khi bó lúa cũng nằm trên cánh tay.
Các hình tượng gần đây của nữ thần dựa vào hình tướng chư thiên nữ của Hindu giáo, nhưng nguồn gốc của nó thuộc về địa phương và từ xa xưa hơn.
Ở một số vùng, thôn nữ trẻ có thể hóa trang như chính nữ thần Phosop trong các lễ nghi và lễ hội thu hoạch lúa của địa phương.
Nữ thần lúa gạo ở các nước Đông Nam Á
Các nước láng giềng
Nữ thần lúa gạo được biết như là Nang Khosop ở Lào, cũng là một phần của văn hóa vùng nông thôn. Có nhiều dị bản khác nhau trong thần thoại Lào nói về nguồn gốc lúa gạo.
Một tư liệu ở Wat Si Saket kể: sau một ngàn năm đói kém, một người thanh niên đã bắt được một con cá vàng. Nhà vua của loài cá nghe thấy tiếng kêu la đau đớn và đã đến thỉnh cầu chàng trai thả con cá vàng ra để đổi lấy châu báu.
Kho báu đó chính là Nang Khosop, nàng thiếu nữ linh hồn của lúa gạo. Nang Khosop sống trên những cánh đồng lúa được con người nuôi dưỡng trong nhiều thế kỷ và thấm nhuần các học thuyết Phật giáo.
Nhưng một ngày nọ, một vị vua bất chính đã mang nạn đói kém đến một lần nữa trên vùng đất này bởi ông đã dùng lúa gạo tích trữ từ nhân dân mua vàng, voi và những món hàng xa xỉ khác cho chính mình.
Trong suốt những tháng ngày khó khăn đó của nạn đói, một cặp vợ chồng nô lệ già cả đến gặp một vị ẩn sĩ ở trong rừng. Thấy họ đói khổ, người ẩn sĩ khẩn cầu Nang Khosop ban thức ăn cho họ.
Nhưng nữ thần lúa gạo đã tức giận và từ chối. Sau đó, ẩn sĩ lo sợ cho tương lai của Phật pháp nên đã chém chết Nang Khosop và cắt nữ thần thành nhiều mảnh nhỏ.
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Kết quả là các mảnh từ thân thể của nữ thần đã trở thành các giống lúa gạo khác nhau như gạo đen, gạo trắng, gạo cứng (khâo chao) và gạo nếp.
Đôi vợ chồng già đã dạy con người cách canh tác các loại gạo có nhiều hạt nhỏ này và giáo lý Phật giáo hưng thịnh.
Một truyền thuyết khác của khu vực Vientiane lại cho rằng Phi Na, vị thần bảo hộ chăm sóc những cánh đồng lúa có nguồn gốc từ hộp sọ, miệng và răng của Nang Khosop.
Một số tác giả đã nghiên cứu cách Phật giáo đã tái giải thích nội dung ý nghĩa tiền Phật giáo qua thần thoại của vị nữ thần lúa gạo này.
Nữ thần lúa gạo của người Chăm (đây là một tộc người sống ở Campuchia và Việt Nam) là Po Ino Nogar/Po Yan Ino Nogar Taha hoặc Po Nagar có các thuộc tính và lễ nghi tương tự như nữ thần lúa gạo Thái Lan và Lào. Nữ thần Po Nagar là vị thần truyền thống tối cao Thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm.
Những điệu nhảy múa để làm yên lòng vị nữ thần lúa này cũng phổ biến trong các tộc người Khmu, nhóm Mon-Khmer sống chủ yếu ở miền Bắc Lào và Việt Nam.
Cộng đồng Khmer Nam bộ
Câu chuyện dân gian Cá thác lác đi xin lúa của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long kể rằng: “Ngày xưa, lúa tự sinh sôi và kết hạt ngoài đồng và cứ đến mùa lúa chín, chúng tự động bay về nhà. Mọi người, cứ sắp đến ngày lúa về, đều phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón lúa.
Có một phụ nữ lười biếng nọ đã không lo dọn dẹp gì cả nên lúa bay về cả đàn định đổ xuống lại quày quả trở ra đồng. Bà ta bộp chộp vớ lấy chổi đuổi theo, kêu réo lúa trở lại với lời lẽ không được thanh nhã, và khi thấy lúa không quay lại, bà ta lấy chổi vung tứ tung xua đuổi lúa.
Lúa hoảng sợ bay vào núi trốn trong một khe đá hẹp. Năm ấy, cả vùng mọi nhà đều đói khổ. Cá thác lác vì con người đã len lỏi vào sâu để nài nỉ thần lúa về. Cá vất vả đến nỗi thân hình cá phải dẹp lép và trầy trụa như ngày nay chúng ta thấy!
Và dù được cá trấn an đủ điều, thần hồn lúa chỉ dám về ngoài đồng ruộng, con người phải cúng lễ, phải gồng gánh vất vả lúa mới về nhà.
Cứ đến mùa lúa sắp chín, chủ nhà ra ruộng chọn lấy 18 bông lúa tốt nhất đem về nhà treo trang trọng trên xà nhà hay giàn bếp và đó là lúa giống dành để gieo mạ cho mùa tới. Lúa gặt về, đổ vào bồ và đậy kín.
Chủ nhà bày lễ vật để tạ ơn thần hồn lúa, gọi là lễ cúng sân lúa (pithi sel lơn). Lễ vật chính là cơm lúa mới gặt với trà, bánh, trầu cau, nhang đen và hát một bài lễ ca. Sau lễ, theo tục cổ, lúa trong bồ không được lấy ra để ăn trước lễ Tết Chôl Chchnăm Thmây”.
Người Khmer gọi thần Lúa là Niêng Prôlưng Srâu. Hình tượng của vị thần này là một cô gái (niêng: nàng) cỡi trên con cá, tay cầm bó lúa.
Hình tượng nữ thần lúa này vẫn còn thấy trên bích họa ở một số ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, và ngày nay hình tượng của nữ thần Hồn Lúa có những biến đổi theo hướng thần tiên hóa.
Indonesia
Vị nữ thần lúa gạo tương tự được thấy ở Indonesia là Dewi Sri, còn được gọi là Nyi Pohaci. Đây cũng là thần lúa gạo của Java, Sundan và Bali, và là vị nữ thần của nông nghiệp và sự màu mỡ. Các miếu thờ Dewi Sri là đặc trưng phổ biến trên các cánh đồng lúa của địa phương này.
Dewi Sri hoặc Shridevi (Dewi theo nghĩa đen có nghĩa là nữ thần), Nyai Pohaci Sanghyang Asri (Tiếng Sudan) là thời kỳ Java, Sudan, Bali tiền Hindu và tiền Hồi giáo; vị nữ thần lúa và khả năng sinh sản/sự màu mỡ, vẫn được tôn thờ rộng rãi trên các đảo Bali và Java.
Mặc dù thần thoại về nữ thần có nguồn gốc bản địa từ đảo Java, song sau khi được Hindu giáo ở Java chấp nhận vào đầu thế kỷ 1, nữ thần có liên hệ với vị nữ thần Lakshmi vì cả hai đều thể hiện sự giàu sang và thịnh vượng cho gia đình.
Các thuộc tính và truyền thuyết
Dewi Sri được tin là đấng thống quản nơi thế giới âm ty và mặt trăng. Do đó, Dewi Sri chứa đựng toàn bộ công năng của vị nữ thần Mẹ – người có quyền năng về sinh đẻ và cuộc sống: đây là nữ thần quản lý lúa gạo – lương thực chủ yếu của người Indonesia; do đó thần mang lại cuộc sống và sự giàu có hay thịnh vượng; đặc biệt việc dư thừa lúa gạo đã đem lại sự giàu có cho các vương quốc ở Java như Mataram, Majapahit và Pajajaran; và ngược lại, mang đến sự nghèo đói, hạn hán, đói kém, bệnh tật (ở một mức độ nhất định) và chết chóc. Nữ thần thường được kết hợp với con rắn đồng ruộng (ular sawah).
Thần thoại
Hầu hết những truyện kể về Dewi Sri có liên quan đến nguồn gốc thần thoại của cây lúa, thực phẩm chủ yếu của vùng đất này.
Một phần trong thần thoại Sudan kể câu chuyện về Dewi Sri và nguồn gốc của lúa gạo đã được chép trong Wawacan Sulanjana như sau: Thuở nọ ở cõi trời, Batara Guru (trong Hindu của người Java cổ đại là thần Shiva), vị thần tối cao chỉ huy tất cả các vị thần và nữ thần đóng góp công sức để xây dựng cung điện mới.
Bất cứ ai làm mếch lòng thần đều được coi là kẻ lười biếng, sẽ bị mất đi tay và chân. Khi nghe lệnh của Guru Batara, một trong các vị thần, Antaboga (Ananta Boga), một vị thần rắn/Nâga, rất băn khoăn.
Thần Antaboga không có tay hay chân và thần không chắc chắn làm sao mà mình có thể làm được công việc đó. Anta trong hình dáng của một con rắn và anh ta không thể làm được việc gì.
Thần đã tìm lời khuyên từ Batara Narada, người em trai của Batara Guru. Nhưng thật không may Narada cũng bối rối bởi khiếm khuyết của Anta. Anta trở nên vô cùng lúng túng và bật khóc.
Khi thần khóc, 3 giọt nước mắt rơi xuống đất. Kỳ diệu thay, sau khi chạm mặt đất những giọt nước mắt đã trở thành 3 quả trứng sáng đẹp trông như đá quý hay ngọc trai.
Batara Narada khuyên anh ta dâng những “viên đá quý” đó cho Batara Guru với hy vọng rằng món quà sẽ làm vừa lòng vị thần tối cao và thần sẽ đưa ra một hình phạt công bằng cho sự khiếm khuyết của Anta.
- Xem thêm: Mặt nạ giấy bồi Raghurajpur
Với 3 quả trứng trong miệng, Anta đi đến cung điện của Batara Guru. Trên đường đi, thần gặp một con đại bàng sà xuống để hỏi một câu hỏi. Nhưng Anta giữ im lặng và không thể trả lời vì thần đang giữ quả trứng trong miệng.
Tuy nhiên, con chim nghĩ rằng Anta kiêu ngạo và nó trở nên tức giận, do đó bắt đầu tấn công Anta. Kết quả là một quả trứng rơi xuống đất vỡ tan vỡ.
Anta nhanh chóng trốn trong bụi rậm nhưng con chim lại ở bên ngoài canh chừng thần. Cuộc tấn công thứ hai khiến Anta chỉ còn lại một quả trứng để dâng cho Batara Guru.
Hai quả trứng bị rơi vỡ xuống đất và trở thành đôi heo rừng Kalabuat và Budug Basu. Sau đó Kalabuat và Budug Basu được bò Sapi Gumarang nuôi nấng.
Cuối cùng, anh ta cũng đến được cung điện và dâng giọt nước mắt của mình trong hình dạng của một quả trứng sáng bóng cho Batara Guru.
Sự dâng tặng được thần hoan hỉ chấp nhận và Batara Guru yêu cầu thần làm tổ cho quả trứng cho đến khi nó nở ra. Kỳ diệu, quả trứng nở thành một bé gái rất xinh đẹp. Thần trao bé gái cho Batara Guru và người vợ.
Nyai Pohaci (đôi khi đọc là “Pwah Aci”) Sanghyang Asri là tên của cô gái và cô lớn lên và trở thành một nàng công chúa xinh đẹp. Mỗi vị thần khi trông thấy cô đã bị thu hút, thậm chí ngay cả người cha nuôi, Batara Guru bắt đầu cảm thấy mê mẩn.
Nhìn thấy dục vọng của Batara Guru đối với con gái nuôi của mình, tất cả các vị thần trở nên rất lo lắng. Họ lo sợ rằng hành động đáng xấu hổ này có thể phá hủy sự cân bằng nơi cõi trời, nên cuối cùng họ âm mưu chia tách Nyi Pohaci và Batara Guru.
Để giữ sự bình yên nơi cõi trời và để bảo vệ sự trong trắng của Nyi Pohaci, tất cả các vị thần đã lên kế hoạch cho cái chết của cô. Cô bị đầu độc cho đến chết và thân thể bị chôn vùi đâu đó trên cõi đất xa xôi.
Tuy nhiên, vì sự trong sáng và bản chất thần thánh của Sri Pohaci, nơi chôn cất cô xuất hiện một dấu hiệu thần kỳ: ngay lúc đó, từ thân thể cô đã mọc lên một số loại cây có ích cho con người mãi về sau này.
Từ đầu cô mọc lên cây dừa; từ mũi, môi, và tai cô mọc lên các loại cây gia vị và rau khác nhau, từ tóc cô mọc lên cỏ và nhiều loại cây hoa, từ ngực cô mọc lên nhiều loại cây ăn trái, từ tay và bàn tay cô mọc lên cây gỗ tếch và nhiều loại cây gỗ khác, từ bộ phận sinh dục của cô đã lớn lên cây Kawung (Aren hay Enau: đường cọ), từ bắp đùi của cô phát triển thành nhiều loại cây tre khác nhau, từ chân cô mọc lên các loại cây có củ, và cuối cùng từ rốn cô đã hình thành nên một cây rất hữu ích được gọi là padi (lúa).
Một số dị bản cho rằng lúa gạo trắng mọc từ mắt phải, trong khi lúa gạo đỏ mọc từ mắt trái. Tất cả các loại cây có ích đó, rất cần thiết cho nhu cầu của con người và sinh vật, được coi là đến từ phần còn lại của cơ thể Dewi Sri.
Từ thời điểm đó, người dân đảo Java sùng kính và tôn làm “nữ thần lúa” rộng lượng và giàu năng lực phồn sinh. Ở vương quốc Sudan cổ đại, thần được coi là nữ thần cao nhất và vị thần quan trọng nhất đối với xã hội nông nghiệp.
Hầu hết các thần thoại Dewi Sri đều đề cập cả Dewi Sri (cũng được gọi là Dewi Asri, Nyi Pohaci,…) và người anh trai Sedana (còn được gọi là Sedhana, Sadhana, Sadono,…), hoặc ngự ở Vương quốc Medang Kamulan (tương ứng với lịch sử Vương quốc Medang) hoặc ngự ở cõi trời (liên quan đến các vị thần như Batara Guru) hoặc cả hai.
Trong tất cả các dị bản mà Sedana cùng xuất hiện với Dewi Sri, đều có kết thúc chia lìa nhau như chết, phiêu bạt, hay từ chối kết hôn.
Một số dị bản tạo ra mối tương quan giữa Sri và Con rắn lớn của ruộng lúa (ular sawah) và Sadhana với sự nuốt chửng ruộng lúa (sriti).
Các con rắn Naga, đặc biệt là rắn hổ mang chúa là một biểu tượng phổ biến cho sự màu mỡ/khả năng sinh sản khắp các nước châu Á, trái ngược với việc coi rắn là biểu tượng cho sự cám dỗ, tội lỗi hoặc tội ác như trong tín lý của Kitô giáo – Do Thái giáo.
Mô tả
Dewi Sri luôn được miêu tả như một người thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, mảnh khảnh, không đẫy đà như những người phụ nữ, với nét mặt được thần tượng hóa theo phong cách riêng với địa phương, về cơ bản là một người phụ nữ có nữ tính và khả năng sinh sản.
Trong kiểu thức mô tả của người Java, Dewi Sri thường mặc trang phục màu xanh lá cây, trắng hoặc vàng kim với những món đồ trang sức vương giả, tương tự như nữ thần Hindu, và cầm cây lúa với đầy những hạt thóc mập chắc trong tay thần như một trì vật (lak#ana).
- Xem thêm: Văn hóa trầm tích ở An Giang
Văn hóa Java phản ánh thẩm mỹ của nghệ thuật múa rối bóng wayang khiến nữ thần được thể hiện với một khuôn mặt trắng, đôi mắt mảnh nhìn xuống, biểu thị sự trầm tĩnh.
Có nhiều sự tiếp nhận đan xen giữa những phẩm chất, và thẩm mỹ cũng như sự hòa trộn giữa vị thần Dewi Sri và nhân vật của rối bóng wayang là Sinta trong dị bản tiếng Java của Ramayana và sự tương đồng giữa Rama với Sedhana. Các loro blonyo (hai “cái đai bệ tượng”) bức tượng cũng có một số trùng khớp với Dewi Sri và Sedhana.
Người dân Bali có một số lễ nghi tôn kính Dewi Sri bằng cách làm nên một hình nộm như biểu trưng cho nữ thần. Hình nộm làm bằng janur (lá dừa non), lá thốt nốt, hoặc từ những chiếc bánh làm từ bột gạo.
Nghi lễ và phong tục
Ngày nay, Dewi Sri vẫn được người Java, Bali và Sudan ở Indonesia tôn kính đặc biệt, dẫu có rất nhiều điểm dị biệt hoặc biến thể của truyền thuyết về nữ thần trên khắp Indonesia.
Dù phần lớn người Indonesia theo Hồi giáo Sunni hay tín ngưỡng Hindu Bali chịu ảnh hưởng quan niệm vật linh bản địa, đáng chú ý là Sunda Wiwitan và Kejawen, vẫn còn rất mạnh mẽ, được tôn thờ song song cùng với Hồi giáo, Phật giáo, Hindu giáo và Kitô giáo mà không xung đột; lại được chăm sóc bởi các triều đại vua chúa, đặc biệt là ở Cirebon, Ubud, Surakarta và Yogyakarta, cũng là những điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Lễ nghi thu hoạch của người Java được gọi là Sekaten hoặc Grebeg Mulud cũng tương ứng với Maulid Nabi, sự ra đời của nhà tiên tri Muhammad.
Truyền thống của người Java, nhất là những người theo Kejawen, đặc biệt có một khám thờ nhỏ tên là Pasrean (nơi ở của Sri) trong ngôi nhà của họ dành riêng cho Dewi Sri, được trang trí bức tượng bán thân, tượng thần hoặc những hình ảnh khác riêng lẻ; hoặc với Sedana và có thể là cử hành một nghi lễ hoặc ani–ani hay ketam: một con dao nhỏ dùng để thu hoạch cọ, hoặc arit: con dao nhỏ thu hoạch lúa có dạng hình liềm.
Khám thờ này thường được trang trí bằng những mảng chạm khắc phức tạp hình rắn (đôi khi là rắn thần: naga). Các tín đồ cúng dường thức ăn và cầu nguyện đến Dewi Sri để nữ thần ban cho gia đình sức khỏe và sự thịnh vượng.
Các tác phẩm điêu khắc đôi nam nữ truyền thống của Loro Blonyo được coi là hiện thân của Sri và Sedana hoặc Kamarati và Kamajaya, biểu tượng của sự hạnh phúc và hòa hợp gia đình.
Trong người dân vùng nông thôn Java, truyền thống dân gian nếu có một con rắn bò vào nhà, nó sẽ không bị đuổi đi. Thay vào đó, những người trong nhà sẽ dâng cúng cho nó. Con rắn là một điềm tốt của một vụ mùa thành công.
Ngoài ra, một lễ nghi cát tường keris sẽ được những người chữa bệnh dân gian, thầy mo tiên tri hoặc pháp sư sử dụng trong một lễ nghi trấn yểm để ban phúc lành và bảo vệ cho dân làng, làng mạc, đền thờ và lúa giống để trồng trọt.
Người Java và Sudan có một lễ nghi truyền thống gọi là Mapag Sri trước khi thu hoạch lúa. Mapag Sri nghĩa đen có nghĩa là “Đón Sri”, hoặc chính xác là “gọi hoặc mời Sri”.
Lễ nghi có nghĩa là để cầu khẩn linh hồn của Sri đến ngôi làng của họ và cũng như là để tạ ơn cho một vụ mùa thu hoạch sắp tới thành công.
Người dân Sudan, đặc biệt là những người theo Sunda Wiwitan (tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Sudan, tôn kính quyền năng tự nhiên và linh hồn của tổ tiên), có lễ hội độc đáo riêng cho nữ thần, như lễ hội thu hoạch lúa hàng năm Seren Taun, truyền thống này có niên đại từ thời kỳ Vương quốc Sudan cổ đại.
Trong lễ nghi ban hạt lúa giống trước khi gieo trồng hay trong buổi lễ thu hoạch, người Sudan và cả người Baduy, hát những bài hát như Pangemat và Angin–angin để kêu gọi và mời mọc nữ thần xuống cõi đất, ban phúc lành cho hạt giống, cho nông dân, và ngaruwat hoặc tolak bala; để tránh rủi ro và ngăn chặn những bất hạnh xảy ra cho mọi người.
Người Bali quy định những ngôi đền đặc biệt trên các cánh đồng lúa dành riêng cho Dewi Sri. Hình nộm của nữ thần lúa thường được bện cẩn thận bằng lá janur (lá dừa non), lá lontar/thốt nốt hoặc lá pandan/lá dứa, hoặc gạo nếp nhuộm màu được gọi là “Cili”.
Trong tín niệm Hindu hiện tại của Bali, Dewi Sri tương ứng với một hợp nhất của các nữ thần Hindu Lakshmi, Devi và Shri. Nữ thần cũng nối kết với lúa gạo, khả năng sinh sản, thu hoạch thành công, và sự thịnh vượng và hài hòa trong gia đình.
Như vậy, các nữ thần lúa gạo phổ biến ở các nước châu Á như Mae Po Sop, nữ thần lúa gạo của người Thái Lan, Niêng Prôlưng Srâu của Khmer hay Po Ino Nogar – Bà mẹ Xứ sở của người Chăm.
Riêng ở người Việt, nữ thần Lúa hầu như biệt tâm biệt tích. Việc bảo hộ cho nông trang, cho cây lúa được giao trọn cho ông Thần Nông, một vị thần mà bản quán của ông là vấn đề đến nay vòn tranh cãi.