Trầm tích văn hóa là quá trình văn hóa “chìm xuống” bên dưới những lớp trầm tích thời gian (và không gian), đôi khi để được vùi lấp hay chôn cất vĩnh viễn, nhưng đôi khi trở thành “hột giống chôn vùi xuống đất” để mọc lên thành nền nếp văn hóa mới, cập nhật với thời đại nhưng mang tính kế thừa.
Phát triển trên nền trầm tích văn hóa
An Giang không chỉ là đồng bằng phù sa với những lớp đất trầm tích, mà căn bản văn hóa An Giang cũng bắt đầu từ bên dưới những lớp trầm tích đó. Vì vậy, khám phá trầm tích văn hóa không chỉ là đam mê, là thú vui, là tò mò mà còn là xây dựng nền tảng định hình nên một nền văn hóa mới, nền văn hóa của chính mình, nền văn hóa đặc sắc An Giang. Trong ngôn ngữ thời đại người ta hay dùng chữ “different” nghĩa là khác biệt. Một sản phẩm không khác biệt không thể thu hút người mua. Một nền văn hóa không khác biệt không tạo nên những con người nổi bật. Một ngành du lịch không khác biệt không lôi kéo du khách. Vì thế, nghiên cứu văn hóa trầm tích lại là một nhu cầu cho phát triển.
Hầu hết những con người An Giang, trẻ cũng như già đã nghe qua những vở cải lương của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng. Và, một khi tâm hồn người nghe xốn xang thì những ca từ “có một không hai” đó lại dựng lên trước mắt một bối cảnh không gian Huệ Đức (Thoại Sơn), một vùng thâm u Núi Sập, với những con người, những cuộc sống và những nền nếp văn hóa gắn liền với ý tưởng của bài ca.
Nhưng trong cuộc sống xô bồ ngày nay nền cải lương An Giang gần như đã quên mất thứ văn hóa trầm tích đó, trở nên lúng túng trong việc xây dựng một nền cải lương mới. Trong khi sức sống của một Hà Triều – Hoa Phượng còn đó, ngay trong các thôn xóm nơi người ta vẫn nhớ, vẫn hát, vẫn sử dụng những ca từ, vẫn tạo cho mình những cảm xúc, và vẫn mong có những chiếc rễ cải lương nào đó bám được vào lớp đất màu mỡ đễ tiếp tục sinh ra những hoa trái “có một không hai”.
Chắc hẳn ngày nay không mấy ai, kể cả những người sống trong vùng Chắc Cà Đao (Châu Thành) còn biết ở đó đã có một Chòm Ca, nơi giao thoa của những con người cổ còn sót lại và những người Việt đầu tiên di cư đến đây khi mặt đất châu thổ vừa nổi lên. Giữa không gian đầm lầy đó chỉ có những con người quen với đời sống sông nước mới có thể định cư, và đó chắc hẳn không phải là tổ tiên của người Khmer hiện nay vốn chỉ có thể sinh sống ở các phnom nơi vùng bán sơn địa, bên dưới các núi. Không đào sâu vào văn hóa trầm tích đặc trưng này, nhiều nhà nghiên cứu đang mắc phải các lầm lẫn tai hại. Nhiều người còn đem giải thích vô tội vạ những địa danh thuần Việt (cổ) thành ra tiếng Campuchia để dẫn giải cho những nguồn gốc theo ý của họ (Xem Vàm Nao (sông) trên vi-wikipedia).
Tiến trình nhận diện văn hóa trầm tích
Nghiên cứu văn hóa trầm tích là một tiến trình nhận diện những nền nếp văn hóa đang “chìm xuống”, đó có thể là lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lối sống, cách cư xử, và cả những cảm xúc con người. Nét đẹp văn hóa của những hàng hoa phượng đỏ đang qua đi, đơn giản không phải vì thành phố cần phát triển mà căn bản là người ta không thấy giá trị nhân văn của những chiếc hoa rơi mỗi độ hè về.
Người ta tranh luận với nhau phải trồng những cây gì, nhưng người ta không biết những cánh hoa rơi đỏ thắm đó đã chứng kiến những học sinh ngoan hiền, luôn biết ơn những bậc thầy cô, và luôn nhớ về những lời giáo huấn. Vào một buổi trưa hè năm 1987, chúng tôi đã tìm tới những bóng cây phượng giữa một sân trường ở Núi Tượng, và rất ngạc nhiên, những cậu học trò đang chơi tại đó chạy đến khoanh tay chào, rồi tiếp tục chơi.
Hãy tạm coi văn hóa trầm tích là một lĩnh vực nghiên cứu những sản phẩm văn hóa đang trong quá trình trầm tích, những sản phẩm văn hóa cận đại đó có thể là văn học, nghệ thuật, nền nếp, trên hết là con người và cuộc sống, ngôn ngữ và suy tư, sinh nhai và kỹ năng sống, gia đình và cấu trúc xã hội. Ở Singapore, một thành phố thông minh điển hình, một thành phố công nghệ hàng đầu nơi tọa lạc hai đại học đứng vào hàng 12 và 13 thế giới.
Nhưng những người Sing và qua đó những du khách biết mình đang ở đâu, đến từ đâu, lớn lên như thế nào nhờ vào việc duy trì những vùng lõi văn hóa ngay giữa trung tâm sầm uất nhất của thành phố cũng như trên những bến cảng. Các sinh viên mà nay là những tài năng giỏi nhất thế giới tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vẫn có thể đọc những vần thơ, thuộc lòng những bài hát ru của mẹ.
Trở lại An Giang, ở Vàm Nao, nơi nhiều tác giả vô tình hay cố ý chú giải rằng “nao” là sợ hãi, bởi dòng sông nước chảy quá mạnh. Nhưng không, ngày xưa đó chỉ là một con rạch hiền hòa chảy giữa một đầm lầy cây cỏ um tùm, và có nơi người ta bắc cầu cây nối qua lại giữa phần đất Chợ Mới và Phú Tân ngày nay. Rất khó để tìm lại những dấu tích giữa xưa và nay. Rất khó để biết rằng Vàm Nao ngày nay chính là Vạn Chiêng ngày xưa. Và rất khó để hình dung một vùng sông nước nơi những lưu dân người Việt đầu tiên tìm đến tụ cư quanh cồn lớn, lúc bấy giờ gọi là Cù lao Giêng.
Cù lao là cồn được đưa vào tiếng Việt rất sớm bởi chính các nhà truyền giáo tạo nên chữ Quốc Ngữ, còn Giêng là lớn, là số một, là tháng thứ nhất. Vạn là nơi các bạn thuyền tụ lại, thường ở cửa một con rạch đổ ra sông lớn, âm ngữ Nam bộ là Zàm (Vàm), còn Nao lại là phần thanh âm trong tiếng Hán tạo nên chữ Chiêng, tức tiếng kêu của chiêng.
Góc nhìn tiếp cận văn hóa trầm tích
Những góc nhìn tiếp cận văn hóa luôn là vấn đề. Tìm kiếm phương thức tiếp cận là cách mở đường khám phá và nhìn nhận nền văn hóa một cách chân thực, khách quan và tich cực hơn. Rõ ràng, chúng ta không thể đồng hóa một nền văn hóa cổ sống động như Văn hóa Óc Eo chẳng hạn thành một thứ văn hóa khảo cổ vốn chỉ là một trong những cách tiếp cận mà hiệu quả nhiều hay ít còn tùy vào bản chất của nền văn hóa đó.
Nơi những nền văn hóa để lại nhiều di tích kiến trúc, tiếp cận khảo cổ tỏ ra ưu thế nhưng nơi các nền văn hóa trầm tích, khảo cổ trong nhiều trường hợp chỉ đóng vai trò bổ trợ. Văn hóa Óc Eo thiên về văn hóa trầm tích, nơi mà không gian sinh hoạt bị chìm xuống bên dưới lớp bụi thời gian mà họa hằn lắm mới có một ít di chỉ tồn tại. Các di chỉ khảo cổ không nói gì về hệ thống sông đào cổ chằng chịt kéo dài hàng trăm cây số, nhưng đó mới là thực chất một nền văn minh sông nước cách đây trên dưới 2.000 năm.
Trong nghiên cứu các nền văn hóa cổ, tín ngưỡng hay tục thờ mang bản chất của những thứ trầm tích văn hóa, nó có thể được đánh dấu trên những di chỉ khảo cổ, nhưng bản chất của nó là trầm tích và chính sự trầm tích làm cho nó có khả năng mọc lại, khả năng biến thể, và khả năng lưu truyền qua các đời sau. Không phải ngẫu nhiên mà tục thờ Bà Chúa Xứ nổi lên mạnh mẽ ở miền Nam nước ta, yếu tố tâm linh của nó đã bắt nguồn từ văn hóa trầm tích mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy xuyên qua những nghiên cứu đa phương pháp.
Sự bao quát của góc nhìn trầm tích cho chúng ta thấy tín ngưỡng Óc Eo khá đồng nhất với tín ngưỡng cùng thời tại Đông Nam Á theo dòng Mê Kông cũng như với lưu vực sông Bramaputra và lưu vực sông Hằng. Nói cách khác, đây là tín ngưỡng của sông (yoni) và núi (linga), là tín ngưỡng của Đất chứ không phải của Biển, của quá trình Ấn Độ hóa bởi các thương gia như nhiều kết luận nghiên cứu trước đây.
Khám phá, giữ gìn, trân trọng những dấu tích của nền trầm tích văn hóa là một lĩnh vực đang bị coi nhẹ, thậm chí quên bẳng, bỏ sót, nhưng đó lại là cầu nối giữa thế giới của những con người hiện đại với nguồn gốc. Trở lại với Đồng bằng sông Cửu Long, nơi môi trường trầm tích văn hóa kéo dài từ hơn 300 năm nay người ta có thể nhận ra ở đó cả một kho tàng những giá trị, từ những kỹ năng sống trên vùng đất mới đến sự phát triển phương ngữ bởi những người Việt đầu tiên di cư đến đây từ vùng Ngũ Quảng.