Tục thờ cá voi/cá Ông là tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của cư dân ven biển nước ta, từ Thanh Hóa vào đến tận Kiên Giang.
Dọc theo bờ biển, ở các cửa sông, bên cạnh những làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế trang trọng, những lễ hội hết sức sống động từ bao đời nay.
Trong dân gian, cá voi thường được gọi bằng các tên khác nhau một cách cung kính như: ông Nam Hải, ông Chuông, ông Khơi, ông Lớn, ông Cậu, ông Lược, ông Sanh…
Đó chính là thái độ trọng vọng của ngư dân đối với cá voi khi sống cũng như khi chết, bắt nguồn từ quan niệm rằng loài cá này là vị thần độ mạng.
Khi lên ngôi, vua Gia Long đã sắc phong cho cá voi tước hiệu “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần” (Ông thần của những loài thủy tộc kỳ lân vĩ đại ở biển Nam Hải), ban ruộng đất cho các làng xã để thờ tự vị thần của biển khơi này.
Truyện cổ Chăm lưu truyền câu chuyện về vị thần Pô Riyak (thần Sóng biển), chuyện kể như sau: Ngày xưa, có chàng Eh Wa xuất thân từ nông dân nghèo, bị bọn cường hào ác bá áp bức, quyết tâm ra đi tìm thầy học đạo.
Sau bao năm tháng học tập dù chưa xong, nhưng do nỗi nhớ quê nhà, chàng xin thầy cho về để giúp đỡ mọi người. Thầy không cho song chàng vẫn kết bè vượt sóng về cố hương.
Bị lời nguyền rủa của thầy, đến gần đất liền Eh Wa bị phong ba bão tố, vỡ bè, chàng bị cá mập nuốt sống. Vong hồn Eh Wa nhập vào cá voi để cứu độ ngư dân khi bị nạn.
Eh Wa chết vì sóng nên được người Chăm truyền tụng là Pô Riyak (Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trượng Tốn, Truyện cổ dân gian Chăm, 2000). Như vậy thần Pô Riyak và cá voi là một, được người Chăm thờ thần, ngư dân Việt thờ cá làm thần bảo hộ.
Truyền thuyết về Pô Riyak còn lưu lại trong văn bản Chăm: “Pô Riyak (thần Sóng biển hay vua Đại dương) là một trong những truyền thuyết rất phổ biến trong văn chương tín ngưỡng của người Chăm. Vị thần này luôn hiện diện trong lễ tục Chăm (Katê, Puis, Payak, Rija…).
Ngoài câu truyện truyền khẩu này, Pô Riyak cũng là nhân vật rất quen thuộc trong nhiều tác phẩm như Ariya Pô Riyak hay các bài phúng ca (Kadha Adaoh) trong các lễ tục Chăm.
Một số sách nghiên cứu về Chăm như Etudes Indiennes et Indochinoises, Deux légendes chames (1931) được P. Mus ghi lại, thì Pô Riyak tên thật là Ja Aih Wa, sinh ngày thứ Ba, mồng 4, tháng 4, năm Tý.
Theo tác phẩm Ariya Pô Riyak ngài là người Chăm Awal (Bani), gốc làng Pacem (Phan Rí), sang học pháp thuật ở Serambi Makah (Mã Lai). Khi nghe tin quê hương mình bị cảnh loạn lạc (…), ngài quay về cứu dân, cứu nước. Sư phụ của ngài khuyên là chưa nên quay về, vì thiên thần chưa cho phép (…).
Nửa đêm, ngài quay xuống thuyền làm lễ tạ lỗi, rồi nhổ neo trở về Panduranga. Khi thuyền ngài về đến gần hải phận Champa, trời nổi mây mưa bão tố và cá thần mang tên là Inâ patrang hay Inâ Katrang đánh vỡ thuyền.
Bị chìm đắm vào lòng đại dương, ngài được cá “Ông” (Ikan Limân) đưa về bờ đất liền ở Gram Pari, Phan Rí. Người Chăm và cả người Việt thấy vậy liền lập đền thờ phụng ngài ở đây.
Các bài phúng điếu Pô Riyak trong các lễ Katê, Puis, Payak, Rija thì cho rằng thuyền ngài bị đắm, ngài ngồi trên lưng cá “Ông” trở vào đất liền, từ chối ghé vào Pajai (Phan Rí) ngay cả bờ Cà Ná, nơi người Chăm tìm cách đâm chém và liệng đá vào cá Ông chở ngài lên bờ.
Chính vì thế ngài phải dừng chân ở Craok Dil, tức Sơn Hải ở phía bắc Cà Ná, nơi người Chăm và người Việt lập đền thờ Ngài và phúng điếu hằng năm” (Báo Thị Hoa, Giới thiệu tác phẩm Ariya Pô Riyak, 2005).
Bài tụng ca của thần Pô Riyak trong lễ cúng, cũng có đoạn nói về Pô Riyak gắn với cá Ông: ”Khen cho thần Pô Rijak thật tài, lập làng người Việt trấn giữ tại vịnh/ Ngài đến đàn cá dưới biển hộ tống ngài/ Ngài đến từ đầu hôm, rủ nhau chém tưởng đàn cá/ Ngài đến lúc nửa đêm, rủ nhau chém tưởng đàn cá / Hạ buồm cho ghe đi, vọng tiếng cười trong sóng biển (…) (Sakaya, Lễ hội của người Chăm, 2004).
Từ câu chuyện này cho thấy thần Pô Riyak gắn liền với cá Ông và từ đó sinh ra việc thờ cúng thần Sóng biển và cá Ông trong một số làng ven biển của người Chăm và Việt ở Ninh Thuận.
Trong thần thoại Chăm, cá voi vốn là hóa thân của vị thần Cha Aih Va. Vì nôn nóng trở về sứ sở sau thời gian rèn luyện phép thuật, Cha Aih Va đã cãi lời thầy tự ý biến thành cá voi, ra sông lớn mà đi và sau đó bị trừng phạt.
Cha Aih Va đổi tên và tự xưng là Po Riyak (thần Sóng biển), cũng có lúc hóa thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền (Nguyễn Văn Kim, Về tục thờ cúng cá voi (cá Ông) ở vùng ven biển Bến Tre, 1985).
Cũng theo thần thoại này (Bài ca Patan Gahlau), có một thời gian dài, vua cá voi sống ở Lào và người ta đã lập những ngôi đền ở đây để thờ phụng thần hộ mệnh.
Thái Văn Kiểm trong một bài nghiên cứu cũng cho rằng: “Từ thuở xa xưa, người Chăm tôn xưng cá voi là vua của sóng cả…
Từ thuở xa xưa, người Chăm tôn thờ tất cả những gì có vẻ kỳ lạ trong mắt của họ. Chính khúc gỗ có hình dáng con đại bàng mà những người Bồ Đào Nha đầu tiên trả giá bằng vàng là đối tượng của một truyền thuyết giải thích nguồn gốc nhà trời của dân Chăm.
Nghĩa là người Chăm là con cháu của một cuộc kết duyên của chim ưng gỗ (tiếng Chăm là Pantangahlau) và vua sóng cả tức là cá voi.
Bởi vậy, cá voi luôn luôn bảo hộ những người đi biển bị đắm tàu và cứu giúp họ” (Thái Văn Kiểm, Le culte de baleine, 1972).
Hình ảnh cá voi và vai trò thiêng liêng của nó còn có mặt trong các bài tụng ca của dân tộc Chăm: ba người con trai của vua Đại Bàng Rừng Xanh và vua Cá Voi đã liên minh với nhau để cùng nhau cai quản lãnh thổ của họ. Khi vua Cá Voi di chuyển, tất cả các loài cá theo hộ vệ. Không may cho những ai ném đá hoặc đánh bắt…
Vua Cá Voi nổi trên mặt nước như một cái phao…Khi các cơn bão hoành hành, vua Cá Voi tìm đến những cửa sông… (Antoine Cabaton, Nouvelles recherches sur le Cham, 1901).
- Xem thêm: Văn hóa trầm tích ở An Giang
Trong huyền thoại ở Nhật Bản có những câu chuyện về các vị thần giạt vào từ biển. Đó là truyền thuyết về con cá voi thần kỳ, chở đến cho người miền núi Nam Việt Nam một hài nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi bị đau khổ. Trong khi đó ở Campuchia lại không tìm thấy dấu vết gì về sự thờ cúng này.
Theo truyền thuyết của dân chài, thì tục thờ cá ông bắt nguồn từ chuyện một chàng sĩ tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và hóa thành cá voi, suốt bốn mùa bơi trên biển để cứu người bị nạn.
Một truyền thuyết khác kể về việc Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) trong quãng đời bôn tẩu của mình, được cá Ông cứu sống trong một trận thuyền sắp bị đắm, lúc đang bị quân Tây Sơn rượt đuổi trên biển, khá giống truyền thuyết ở Vàm Láng (xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).
Ngư dân ở làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) còn lưu truyền câu chuyện liên quan đến cá Ông. Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt đuổi, bỏ chạy ra khơi thì hết nước ngọt.
Lúc đó ở gần đảo Nẹ, phía trong là làng Diêm Phố có một con cá voi xám khổng lồ trồi lên áp sát mạn thuyền phun dòng nước ngọt đầy thuyền cho chúa Nguyễn. Sau đó trên đường đi, một lần nữa gặp bão lại được cá Ông vớt đưa thuyền cập bờ.
Về sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ ơn cứu mạng đã phong cá Voi là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, các vua đời sau đều ban mỹ tự cho thần (Hoàng Minh Tường, Tục thờ cá Ông ở làng Diêm Phố – Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, 2015).
Dạng truyền thuyết này cũng khá phổ biến ở các tỉnh Nam bộ như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre như Cần Giờ, Gò Công Đông, Bình Đại, Ba Tri, Vũng Luông, Phú Quốc… những nơi đã từng lưu dấu chân của Nguyễn Ánh hoặc như truyền thuyết ở Bình Thuận kể rằng, vua Gia Long trong một lần ngự thuyền rồng ở Huế, chẳng may thuyền gặp phong ba, trôi giạt vào đến tận Bình Thuận. Vua được cá Ông cứu thuyền đưa vào bờ, nhưng cá thì kiệt sức mà chết.
Truyền thuyết ở làng Khoan Hậu, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu (Phú Yên) do ngư dân kể lại: Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại phải chạy ra Côn Lôn, sóng to gió lớn sắp lật thuyền. Giữa lúc cái chết đang cận kề, Nguyễn Ánh van vái trời đất, liền xuất hiện một con cá voi cặp vào mạn thuyền đưa vào bờ, nhờ vậy mà ông thoát chết.
Tại xã An Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) cũng có câu chuyện tương tự, tuy có khác về tình tiết. Ngư dân cho rằng, khi Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi đến An Hải, ông được một ngư dân đưa lên thuyền chạy trốn.
Trên đường ra khơi bị gió bão, thuyền sắp chìm nên ngài khấn vái, được một con cá voi ghé lưng vào mạn thuyền đưa ra Côn Lôn. Ngư dân vạn chài Long Thủy cũng có câu chuyện tương tự như An Hải (Lê Thế Vịnh, Phong tục thờ cúng cá Ông, 2015).
Ở thôn Quảng Hội (xã vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại có truyền thuyết liên quan đến Quan Công và ông Nam Hải. Một con phượng hoàng đẻ ra hai trứng, một trứng rớt xuống biển Đông hóa thành ông Nam Hải (cá voi) và trứng kia rơi trên đất liền, được một vị hòa thượng ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh, vị này sau bị dẹp sau ót do chui ra từ trong chuông (?).
Theo truyền thuyết của dân chài, thì tục thờ cá ông bắt nguồn từ chuyện một chàng sĩ tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và hóa thành cá voi, suốt bốn mùa bơi trên biển để cứu người bị nạn. Đặc biệt, có nơi miếu thờ cá Ông bắt đầu từ một thai ngư bị sẩy theo nước đầm giạt vào đồng làng.
Còn sự tích nhà Phật thì kể rằng: một hôm Phật Bà Quan Âm tuần du trên biển Đông, thấy dân lành đói khổ, thường xuyên phải ra biển kiếm ăn trong điều kiện mưa gió bão bùng, tính mạng lúc bị đe dọa…
Động lòng thương, Phật Bà đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình, quăng xuống biển, biến thành vô vàn con cá voi.
Cùng với bộ xương voi và “phép thâu đường” (phép rút ngắn đường đi) đã được Phật Bà ban cho, cá voi làm nhiệm vụ cứu người giữa bão tố. Sở dĩ có tên cá voi vì nó to lớn như voi.
Cho nên ngư dân Bình Thuận mỗi lần gặp nạn trên biển đều nhớ đến 12 câu nguyện (Thập nhị đại nguyên) để cầu cứu Quan Âm giúp đỡ (Lê Hữu Lễ, Tín ngưỡng và cổ tục tôn thờ thần linh biển cả tại Bình Thuận, 1970).
Ở Cần Thạnh (Cần Giờ, TP. Hồ chí Minh) cũng còn một truyền thuyết về ngày 16-8 Âm lịch, xác cá Ông trôi giạt vào ba nơi.
Vì sao lãng nhiệm vụ, để cho một chiếc ghe chìm làm chết người trong một cơn bão, nên cá Ông bị Long Vương Thủy Tề trừng phạt, cho cá đao chém chết làm ba khúc, xác tấp vào Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Điền) và Cần Thạnh (Cần Giờ), mỗi làng được thỉnh một bộ phận thi thể cá Ông về thờ.
Làng Thắng Tam được phần đầu. Điều này cũng phù hợp với những ghi chép trong tài liệu của người Pháp khi viết về Vũng Tàu: “Cạnh đình Thắng Tam trên con đường đi ra mũi Ti ouan (bãi Sau) có lăng thờ cá voi, xây cất giản dị.
Nơi đó đựng bộ xương đầu cá voi khổng lồ giạt vào bãi Ti ouan năm 1868. Một nhân vật huyền thoại của biển dã không hoàn thành nhiệm vụ để đắm một con thuyền chết 60 người và không cứu giúp họ.
Để trị tội bất cẩn này, vua Thủy tề chém làm ba khúc, xác giạt vào bờ. Các làng Thắng Tam, Phước Tỉnh và Cần Giờ chia nhau xương xác cá Ông.
Ngôi làng này được các ngư ông Việt Nam tới thăm và cúng viếng để cầu xin cho các thuyền đi biển giúp họ tránh được sóng gió” (Monographie de la province de Baria et la Cap Saint Jacques).
Tài liệu trên cũng cho biết: “Cạnh đình làng Thắng Tam trên con đường đi ra mũi Ti ouan (Bãi Sau) có lăng thờ cá voi, xây cất giản dị. Nơi đó đựng bộ xương đầu cá voi khổng lồ giạt vào bãi Ti ouan năm 1868.
Một nhân vật huyền thoại của biển đã không hoàn thành nhiệm vụ để đắm một con thuyền chết 60 người và không cứu giúp họ. Để trị tội bất cẩn này, vua Thủy Tề chém làm ba khúc, xác giạt vào bờ.
Các làng Thắng Tam, Phước Tỉnh và Cần Giờ chia nhau xương xác cá Ông. Ngôi làng này được các ngư ông Việt Nam tới thăm và cúng viếng để cầu xin cho các thuyền đi biển giúp họ tránh được sóng gió”.
Sơn Nam trong Truyện xưa tích cũ kể rằng: “Người dân chài ở vùng Côn Lôn cho rằng mỗi lần cá voi đi đâu thì ở phía trước có cặp cá đao rất lớn, kế đó là một cặp cá mực rất to, nhưng là để kiếm mồi cho cá voi.
Cá đao phải dùng “gươm” của mình để lùa các loài cá nhỏ vào cái miệng khổng lồ của chủ tướng, còn cá mực thì phun chất mực đen trong nước biển khiến cho các loại cá nhỏ không thấy đường mà đi, phải chạy vào miệng chủ tướng.
Khi miệng đã đầy cá, cá Ông bèn ngậm lại, ăn một cách ngon lành, lại còn xịt nước lên cao thành vòi để cảm ơn những kẻ tùy tùng đã giúp cho mình ngon miệng.
Còn ở một số vùng khác thì cho rằng cá Ông đi đâu, tiền đội thường có cá mực dẫn đường, lại phụn chất mực để đánh dấu cho chủ tướng biết đường mà đi, còn hai bên sườn thì có cá đao đi hộ vệ”.
Những truyền thuyết về cá Ông cho thấy đây là một dạng thức tín ngưỡng rất phổ biến của cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, chủ yếu từ khu vực đèo Ngang (Quảng Bình) trở vào Nam, thể hiện mối liên hệ mật thiết với văn hóa biển của người Chăm.
Ở những tọa độ không gian và thời gian nó tích hợp thêm những yếu tố của Phật giáo, Nho giáo để làm nên một sắc thái đa dạng của tập tục này.
Đặc biệt các vị vua triều Nguyễn, mà người khởi đầu là Gia Long đã sử dụng các truyền thuyết này như một cách dùng thần quyền để củng cố vương quyền với chân mệnh đế vương của mình.
Nhưng ở chiều ngược lại, tâm thức của người dân lại diễn ra hết sức mạnh mẽ với sự biết ơn thành kính về một vị thần bảo hộ nơi biển khơi.