Từng là một giáo viên, tôi cảm thấy rất buồn khi đọc được bài viết “Đầu vào ngành sư phạm thấp, nên chuyển hết các trường cao đẳng sư phạm địa phương thành trường nghề” của tiến sĩ Vũ Thị Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kèm theo đó là dự báo đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp.
Theo bài báo, đầu vào Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) năm nay chỉ lấy chín điểm cho ba môn là quá thấp, trong khi mục tiêu của trường CĐSP là đào tạo sinh viên trở thành giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Yêu cầu của chương trình đào tạo phải đạt được các tiêu chí về phẩm chất, nhân cách và năng lực chuẩn nghề nghiệp giáo viên của từng bậc.
Việc chọn sinh viên qua điểm thi của ba môn học chỉ là yêu cầu trình độ căn bản đầu vào cho tiêu chí “năng lực” và với chuẩn quá thấp như vậy, sinh viên phải tập trung vào phần kiến thức, không có nhiều thời gian để rèn luyện hai tiêu chí còn lại là phẩm chất và nhân cách, cũng như học tập kỹ năng truyền đạt kiến thức môn học của từng bậc giáo dục mà mình đảm nhận. Từ cách nhìn này, việc hạ điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm thực sự là một hiểm họa cho ngành giáo dục.
Trong bài báo ấy, bà Hương cho rằng: “Nghề giáo vốn là nghề không được hấp dẫn trong mắt thanh niên, không đòi hỏi sự năng động so với các nghề khác như kinh tế, du lịch… Thanh niên vốn thích hoạt động “động” nhiều hơn là “tĩnh”, nên chắc chắn sẽ không thích nghề giáo bằng các nghề khác. Bản thân nghề giáo thời gian qua cũng bị bóp méo đi rất nhiều khiến cho thanh niên sợ không dám lựa chọn.
Còn lý do chủ quan là vì số lượng trường CĐSP các tỉnh hiện nay quá nhiều. Tỉnh nào cũng có, đào tạo tràn lan, nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng”. Nhưng thiết nghĩ, lý do không hẳn là thế, với bối cảnh nước ta hiện nay, vấn đề cốt lõi là mặt bằng thu nhập, “thóc đến đâu bồ câu đến đó”, “có thực mới vực được đạo”. Hãy nhìn vào những ngành thí sinh phải chọi với tỷ lệ cao thì biết, toàn là các ngành ra trường đi làm có thu nhập cao, nên hấp dẫn thí sinh.
Một số người cho rằng việc điểm chuẩn đầu vào của bậc cao đẳng thấp vì các trường tuyển không được sinh viên, do theo nghị quyết 29 của Bộ Chính trị yêu cầu từ năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học. Nếu vậy, trường CĐSP sẽ đào tạo ai và điều này có ảnh hưởng đến sự chọn lựa vào CĐSP không? Về việc tỉnh nào cũng có trường CĐSP, đào tạo tràn lan thì các tỉnh phải tự cân đối, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo, nếu thật sự dư thừa thì chuyển các trường đó thành trường nghề là hợp lý.
Tuy nhiên, điều này là không dễ. Để xây dựng một trường nghề, đảm bảo học sinh ra trường phải có việc làm đúng ngành học và có thu nhập đảm bảo cuộc sống, ngoài cái vỏ đã có (trường CĐSP) trường nghề cần phải: (1) Chọn ra nghề gì xã hội đang có yêu cầu, theo kịp với trình độ phát triển kinh tế trong tương lai – yếu tố cơ bản của một trường nghề phát triển bền vững; (2) Đội ngũ giáo viên ở đâu, đào tạo như thế nào để đáp ứng đồng bộ với yêu cầu trên; (3) Cơ sở vật chất thực hành gắn với ngành đào tạo, cần khoản đầu tư vốn khá lớn; (4) Chuẩn bị cho học viên thực hành trong môi trường kinh tế hiện có, cần sự tham gia ngay từ đầu của các doanh nghiệp. Chỉ riêng bốn yếu tố trên đã là bài toán khó cho việc chuyển trường CĐSP thành trường nghề, cần phải có những chính sách cụ thể và đồng bộ.
Về việc đến năm 2020 có 70.000 sinh viên cao đẳng ra trường không có việc làm, đây chỉ là một dự đoán. Con số đáng lo ấy có thành hiện thực hay không thì phải chờ ba năm nữa, bởi cho đến nay chúng ta cũng không có giải pháp nào cho vấn đề này.