Festival Huế 2014 (diễn ra từ 12 đến 20-4) vừa kết thúc. Thêm lần nữa, Huế được giới thiệu mình với thế giới về hình ảnh của một thành phố lễ hội. Tuy nhiên, để tìm được lợi thế khác biệt của Huế nhằm định hướng phát triển kinh tế – xã hội bền vững thì không đơn giản. Những người muốn làm ăn với Huế không thiếu nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về Huế và những tiềm năng khi làm ăn với Huế. Xét trên phương diện tiếp thị địa phương, Huế cần phải tự cải thiện hình ảnh để mọi người hiểu mình hơn. Lợi thế di sản văn hóa khác biệt của Huế là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải được nhiều người biết đến, nhất là doanh nhân trong cũng như ngoài nước, để có thể chuyển thành lợi thế khác biệt trong kinh tế, trở thành cơ hội kinh doanh cho mọi người.
Từ chè “Ni” đến “Quế”
Cuối năm 1985, đoàn của Công ty Cholimex (Công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn) chở lương thực thực phẩm ra Huế cứu trợ người dân sau cơn bão số 8. Buổi chiều, một anh tài xế trong đoàn đi vào chợ ăn chè rồi báo lại cho anh em biết rằng chè “Ni” ở Huế rất ngon, thế là các anh em khác lần lượt vào ăn thử và đều công nhận là chè “Ni” ngon. Đến tối, mọi người kể cho nhau nghe về loại chè mà mình đã ăn thì phát hiện ra rằng mỗi người ăn một loại chè “Ni” khác nhau. Thì ra, đó là do người Nam bộ không hiểu nghĩa tiếng “ni” (này) của Huế, vào quán chè chỉ vào loại chè muốn ăn và người bán chè hỏi lại “Anh ăn chè ni phải không?” thì tưởng rằng loại chè đó có tên gọi là chè “Ni”. Thế là mỗi người đã thưởng thức cái “ni” của Huế một cách khác nhau! Từ câu chuyện trên, có thể thấy khách đến với Huế mà không hiểu ngôn từ và văn hóa Huế là một sự thiệt thòi, nhưng chính người Huế cũng chịu thiệt. Trong kinh tế, phải làm sao cho khách hàng hiểu mình nhiều hơn, hiểu rõ đặc tính cụ thể từng loại, định lượng rõ ràng, chứ không thể để khách hàng hiểu theo kiểu chè “Ni” được. Từ cách nghĩ này, chúng ta phải tìm ra một hướng đi để chuyển hóa lợi thế văn hóa di sản khác biệt của Huế thành động lực phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dân Cà Mau, thường không phân biệt được người miền Trung, miền Bắc, mà cứ ai không nói tiếng Nam thì đều gọi là “Quế” (phát âm chữ “Huế” của dân Nam bộ) cả. Đó là vì từ thời khai hoang mở đất, trong tiềm thức của người dân Nam bộ, Huế là cái gì đó vừa “cao” (chốn kinh kỳ, nơi vua và quan lại ở) vừa “xa” (ra tận Huế!). Đó cũng là một loại di sản, di sản tư duy, di sản trong tiềm thức. Những di sản đó đã gắn bó con người với địa danh một cách vô hình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cách tư duy, cách nhận dạng vị trí, giá trị sống của mỗi người trong cộng đồng Việt Nam.
Vị trí của Huế và vai trò chính trị, văn hóa xã hội quan trọng của một kinh đô trong suốt triều Nguyễn đã để lại không chỉ là những di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể đồ sộ mà chúng ta đang gìn giữ, mà quan trọng hơn, đó là con người. Mà không chỉ là con người đang sinh sống tại Huế, mà phải tính cả những con người đã từng là cư dân xứ Huế, từng tiếp thu tinh hoa ở đây lúc còn đi học và trưởng thành, nay đã là những danh nhân, những nhà lãnh đạo của đất nước hay là cư dân, doanh nhân, trí thức rường cột của các tỉnh thành trên cả nước và trên khắp thế giới. Sức mạnh văn hóa của Huế phải được nhìn như thế. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm của một quốc gia, mà còn là nền tảng, gốc rễ của quốc gia đó. Vì thế, đó chính là sức mạnh tiềm tàng của Huế hôm nay, mà việc chưa phát huy được hết tiềm năng ấy là vì chúng ta chưa đặt con người Huế như cách lý giải ở trên vào di sản văn hóa Huế, cũng như chưa xem văn hóa là gốc rễ của kinh tế – xã hội.
Một mỏ vàng, mỏ dầu có trữ lượng lớn đến đâu, nếu cứ khai thác mãi sẽ có ngày cạn kiệt, nhưng “mỏ” trong văn hóa càng khai thác lại càng phong phú và không bao giờ cạn kiệt. Sức mạnh cũng như lợi thế khác biệt của Huế chính là di sản lịch sử, văn hóa Huế và cũng là di sản văn hóa Việt Nam mà Huế đang thừa hưởng.
Kinh nghiệm từ khu chế xuất Tân Thuận – TP. Hồ Chí Minh
Người dân TP. Hồ Chí Minh, nhất là người ở vùng Nhà Bè đều biết, nơi đây là vùng đất ngập mặn hoang hóa, chỉ có nông dân nghèo tha hương ở. Trong thời kỳ đầu mở cửa của nước ta (năm 1988), chúng tôi được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ phân công làm một đề án xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế – chính trị lúc bấy giờ, chúng tôi đã đề xuất xây dựng mô hình khu chế xuất, bởi vừa thu hút được vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài, vừa có thể bảo vệ được hệ thống sản xuất quốc doanh đang hoạt động kém hiệu quả. Đặc tính của khu chế xuất là nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài nên không ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu trong nước của các xí nghiệp quốc doanh và tất cả sản phẩm tạo ra đều phải bán ra nước ngoài, nên dù chất lượng có tốt và giá rẻ hơn thì hàng hóa sản xuất tại đây cũng không cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước! Họ chỉ thuê đất, cơ sở hạ tầng, nhân công của chúng ta để sản xuất ra hàng hóa.
Huế với cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương
Bài toán đặt ra là làm cách nào để có một khu chế xuất và mời chào các xí nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam? Câu trả lời là, phải thuyết phục họ rằng nếu chuyển xí nghiệp từ nước họ đến Việt Nam thì sản phẩm sản xuất ra tại Việt Nam có giá thành rẻ hơn so với giá thành sản xuất tại nước họ hay một nước nào khác. Nghĩa là lợi ích của nhà đầu tư phải được bảo đảm và đó là điều kiện tiên quyết cho mọi chính sách thu hút đầu tư. Như vậy, chúng ta không chỉ đề ra một chính sách cụ thể để đảm bảo cho nhà đầu tư, mà còn phải cùng với nhà đầu tư tính toán và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quản lý, chọn địa điểm, cung cấp nhân công v.v… để khi sản phẩm được sản xuất ra tại địa phương chúng ta có được một giá thành cạnh tranh nhất so với mọi nơi khác. Đây mới là nội dung chủ yếu cần phải có để làm công việc tiếp thị, thu hút đầu tư của địa phương.
Lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư luôn được ưu tiên, nhưng lợi ích này chỉ giới hạn trong dòng đời của một đề án. Lợi ích của địa phương luôn sau một nhịp so với lợi ích khách hàng, nhà đầu tư, nhưng lợi ích đó không bị giới hạn bởi dòng đời của đề án, càng không bị giới hạn bởi diện tích hay ranh giới lãnh thổ. Điều này đã được đúc kết hàng trăm năm qua, những nước biết tận dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách khôn ngoan đều thoát được sự nghèo khó và tìm ra cơ hội phát triển. Điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải có chính sách bảo vệ môi trường và một chính sách kinh tế – xã hội đúng đắn để xây dựng cho mình một nền công nghiệp hiện đại tiếp theo đó.
Để có được chủ trương, chính sách mới, trước hết cần phải có một tư duy mới, đó là Huế không chỉ là của người Huế, mà là của tất cả mọi người dù mới đến Huế một lần hay sẽ đến trong tương lai. Nghĩa là chủ trương chính sách ấy biến Huế trở thành cơ hội làm ăn, là nơi đất lành chim đậu cho mọi người. Đây chính là tư duy, là cơ hội của thời kỳ hội nhập.
Chuyện “bán phở – giữ xe” và vấn đề liên kết vùng
Đối với Huế, chính sách phát triển công nghiệp phải trên cơ sở liên kết với các tỉnh thành chung quanh. Trong điều kiện hiện nay, lượng khách hàng còn giới hạn, chúng ta chỉ mở rộng thu hút thêm khách hàng bằng gia tăng chất lượng về mọi mặt. Ví dụ, nhà bên cạnh chúng ta đang bán phở, quán đang đông khách, xe của khách đến ăn phải để cảở vỉa hè. Nếu chỉ vì thấy quán phở làm ăn phát đạt mà chúng ta cũng mở tiệm phở, số khách ăn ắt phải chia ra. Nên chăng có thể mở dịch vụ giữ xe cho người ăn phở, xe đắt tiền còn được giữ trong nhà, như vậy khách ăn phở càng yên tâm hơn khi đến quán. Từ đó người ăn phở sẽ kéo đến nhiều hơn, khi đó chúng ta có thể bàn với chủ quán phở việc hợp tác mở rộng quán phở lên gấp đôi, như vậy cả hai nhà cùng thắng!
Qua hình tượng của quán phở, chúng ta mở rộng vấn đề sang chuyện liên kết giữa các địa phương. Trong mối quan hệ với các địa phương, Huế và Đà Nẵng có sự tương tác quan trọng nhất, nhưng do giao thông chưa được thuận lợi nên Huế chưa chia sẻ được thế mạnh của Đà Nẵng. Những năm qua, lãnh đạo Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực xây dựng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tạo được hành lang phát triển nối Huế với Đà Nẵng, hướng kết nối đó là đúng nhưng hiệu quả còn thấp, chưa tạo được sự đột phá. Điều này đặt ra câu hỏi về sự kết nối giữa hai địa phương, cần có một sự phối hợp đồng bộ từ cả hai thành phố. Với rất nhiều ngành nghề Đà Nẵng đã có thế mạnh, Huế hãy làm dịch vụ “giữ xe” cho họ. Nhưng có những ngành nhưẩm thực, thủ công mỹ nghệ, y… và đặc biệt là tổ chức lễ hội văn hóa du lịch, Huế phải là “người bán phở” và khuyến khích Đà Nẵng, Đông Hà, Đồng Hới… làm “người giữ xe” cho mình. Chẳng hạn, Festival Huế sẽ là lễ hội không chỉ diễn ra ở Huế mà còn chia sẻ tinh thần đến các vùng miền, tỉnh thành liên quan…
Trong điều kiện hiện nay, di sản văn hóa Huế được xem là lợi thế khác biệt của Huế. Trung ương đã giao cho thành phố Huế tổ chức nhiều lễ hội mang tầm quốc gia hằng năm và đây chính là một nguồn tài nguyên to lớn của Huế. Do đó, lễ hội của Huế tới đây phải được chuẩn bịở quy mô và tầm mức quốc gia, là loại lễ hội mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước xem là dịp gặp gỡ tìm cơ hội làm ăn với nhau. Với tầm nhìn và ý tưởng đó, sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế – xã hội thành phố Huế một cách bền vững trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Phan Chánh Dưỡng