Là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga xem năng lượng là một trong những nền tảng chính của nền kinh tế nước mình. Tiền thu được từ sản xuất năng lượng đã chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần một nửa nguồn thu của chính phủ. Nga cũng sử dụng những kết nối năng lượng rộng lớn của mình để định hình chính sách đối ngoại, đặc biệt với châu Âu – khách hàng lớn nhất của Nga.
Tuy vậy, mong muốn giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga đã trở nên cấp bách hơn trong những tháng gần đây tại châu Âu, khi căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraina.
Ngày 10-4, Tổng thống Nga Putin dọa sẽ ngưng bán khí đốt cho Ukraina và châu Âu nếu Brussels không giúp Kiev trả nợ. Ukraina đang nợ Nga khoảng 2,2 tỉ USD tiền khí đốt nhưng ngân sách của Kiev gần như cạn kiệt. Nếu Nga thực hiện lời đe dọa ngưng bán khí đốt cho châu Âu thì liệu lần này có gây ra một cuộc “chiến tranh khí đốt” như đã xảy ra vào năm 2006 và 2009 khi công ty khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom bất ngờ tăng giá.
Đã qua rồi thời khó khăn
Nhớ lại hồi tháng 1-2009, cuộc sống của nhiều nước Đông Âu đã quay ngược trở lại hai thế kỷ trước đó, khi trong hai tuần lễ thời tiết đóng băng, người ta phải đi bới tuyết kiếm củi về đốt để sưởi.
Quyết định của Nga cắt nguồn khí đốt trong một vụ tranh chấp với Ukraina vào lúc ấy đã khiến EU không kịp trở tay. Các kỹ sư tại nhà máy hóa chất không có nguồn nhiên liệu dự phòng phải trầy trật chống chọi với nguy cơ nổ nhà máy. Còn các nhân viên sở thú ở Sofia phải viện đến những máy sưởi chạy điện để giữ cho động vật khỏi chết cóng.
Bị sốc trước tình cảnh bi đát của Đông Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc cải cách hạ tầng năng lượng triệt để nhằm đảm bảo rằng EU sẽ không bao giờ trở thành con tin của Nga trong vấn đề năng lượng.
Sau năm năm, tính dễ tổn thương của năng lượng châu Âu đang trở lại khi các nhà ngoại giao EU ngồi bàn thảo với nhau về các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt với Nga liên quan đến việc nước này sáp nhập Crimea.
Tuy vậy, các chuyên gia năng lượng nhận định rằng vũ khí khí đốt của Nga không còn mạnh như trước.
Mặc dù EU vẫn phải phụ thuộc vào hai công ty cung cấp dầu và khí đốt Nga là Gazprom và Rosneft, nhưng họ đã có sự chuẩn bị tốt hơn với khả năng nguồn cung bị cắt, đồng thời đang phát triển ổn định các loại năng lượng thay thế.
Dự án nổi bật nhất của châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, đường ống Nabucco dẫn khí từ biển Caspian cho thấy các cơ sở trữ khí đốt của EU giờ đây đã được cải tạo để dự trữ được lượng khí đốt nhiều hơn. Ngoài ra, sau một mùa đông không quá khắc nghiệt, phần lớn các nước châu Âu vẫn được cung cấp khí đốt đủ dùng từ 40 đến 90 ngày. Quan trọng hơn, châu Âu đã không còn quá bị phụ thuộc vào quyết định của Moscow cắt nguồn khí đốt qua Ukraina nữa.
Nếu như năm 2009, khoảng 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho EU chạy qua Ukraina thì nay tỷ lệ này còn chưa đến 50%, bởi đường ống Dòng chảy phương Bắc có thể đưa khí đốt Nga chảy thẳng tới Đức qua biển Baltic.
Ông Arno Behrens, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels, cho rằng khí đốt không còn là vũ khí địa chính trị sắc bén đối với Nga. EU đã cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những đường ống liên kết cho phép các nước Đông Âu có thể vận chuyển khí đốt từ Bắc xuống Nam, phá vỡ vòng vây của các đường ống cung cấp khí đốt thời kỳ Xô Viết vốn chạy từ Đông sang Tây.
Các đường ống liên kết Bắc – Nam được xây dựng nhằm giúp Trung Âu tiếp cận các nguồn khí đốt mới không phải từ Nga. Ở khu vực Baltic, các nước đang tìm cách nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) với các cảng vận chuyển của Ba Lan và Litva dự kiến được mở trong năm nay. Mặc dù LNG đắt hơn, khả năng đa dạng hóa các nguồn cung đã tạo ra đòn bẩy có tính quyết định trong các cuộc đàm phán hợp đồng với Gazprom. Ở phía Nam, một đường ống dẫn khí đốt dự kiến được khai trương vào năm 2019 sẽ dẫn khí đốt từ Azerbaijan tới Ý. Lưu lượng ở hành lang phía Nam này dự kiến gia tăng trong các năm sắp tới nhờ lượng khí đốt từ Đông Địa Trung Hải, Bắc Iraq và Biển Đen của Romania.
Đường ống dẫn khí phía nam châu Âu đang được xây dựng
Mỹ khó cung cấp sớm khí đốt cho châu Âu
Theo phân tích của giới chuyên gia năng lượng thì Nga thấy ván cờ ngưng cấp khí đốt cho châu Âu khá rủi ro.
Thứ nhất là vũ khí cắt khí đốt không còn hiệu nghiệm như trước, bởi lần này châu Âu đã vào mùa xuân nên có đến chín tháng trước mắt để chuẩn bị. Mùa đông vừa qua lại khá ấm áp nên trữ lượng khí đốt tồn kho còn nhiều. Trên thực tế, châu Âu chỉ mua của Nga 20% nhu cầu và rút kinh nghiệm hai lần khủng hoảng trước, Tây Âu tăng nhập khẩu từ Bắc Âu, Algeria. Theo chuyên gia Litlit Gevorgyan, do kinh tế Nga hiện nay đang khập khễnh, Moscow rất cần nguồn ngoại tệ nên cần bán khí đốt cho châu Âu.
Thứ hai, Kiev nay tỏ ra không quá lo sợ Nga ngưng cung cấp khí đốt vì Washington và Brussels hứa cung cấp từ đường trung chuyển khác qua Belarus. Vào lúc Nga tiếp tục tăng giá khí đốt bán cho Ukraina, một số người nhìn vào khí đốt của Mỹ như là một cách giảm bớt sự lệ thuộc về năng lượng của châu Âu vào Nga.
Khí đốt của Mỹ được dẫn đến một nhà máy tại tiểu bang miền Đông là Maryland có thể giúp giải quyết vấn đề. Nhưng hiện nay thì vẫn còn phải chờ. Một khu vực mới của nhà máy giúp cơ sở này hóa lỏng khí đốt và chở ra nước ngoài chưa sẵn sàng cho đến cuối năm 2017. Những nhà máy khác được xây dựng cũng mất thời gian tương tự. Và khi nhà máy mới hoạt động, nơi này sẽ xuất khẩu tất cả khí đốt sang Ấn Độ và Nhật Bản.
Chuyên gia về năng lượng Paul Bledsoe thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho biết Mỹ sẽ không phải là nguồn khí đốt mới đầu tiên của châu Âu: “Nơi đầu tiên là những ống dẫn ở phía nam từ Trung Á, từ Bắc Phi và từ chính những nguồn của các nước châu Âu. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là mở rộng các nguồn khí đốt sẵn có trên toàn cầu, chính yếu là toàn cầu hóa thị trường khí đốt”.
Tuy vậy vẫn có những hoài nghi về khả năng Mỹ cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trước hết, “cuộc cách mạng khí đá phiến” ở Mỹ đang có vấn đề khó khăn. Đà đi lên mạnh mẽ của ngành sản xuất khí đốt tự nhiên của Mỹ trong những năm qua nhờ công nghệ “fracking” – dùng thủy lực để đẩy khí đốt tự nhiên ra khỏi các tầng đá phiến nằm sâu dưới lòng đất – đã giảm sút và các công ty năng lượng lớn nhất thế giới như Shell và BP cũng bắt đầu rời xa lĩnh vực này bởi hiệu quả kinh tế thấp của nó.
Được biết sản xuất khí đá phiến chiếm gần 40% sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ, nhưng từ hai năm nay quy mô sản xuất đã suy giảm mạnh do trữ lượng cạn dần tại một số mỏ lớn. Mà ngay cả khi Mỹ có đủ sức thay thế Nga trong việc cung cấp khí đốt cho EU thì người ta cũng phải đầu tư nhiều tiền để phát triển hạ tầng khiến giá thành cao hơn khí đốt của Nga vốn được cung cấp bằng hệ thống đường ống qua Ukraina.
Một trạm bơm khí đốt của Nga
Nga hướng về thị trường Trung Quốc
Trong khi những đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga bị nước này coi thường thì Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov nói Nga có thể tìm nơi khác để bán khí đốt và việc này sẽ làm châu Âu tổn hại thêm.
Dù Moscow biết rằng châu Âu không có nhiều lựa chọn khi tìm nguồn cung năng lượng thay thế trong ngắn hạn, song Nga cũng không thể chắc chắn rằng vị thế của khí đốt Nga ở châu Âu vẫn còn được như cũ trong dài hạn. Điều này buộc Nga phải tìm kiếm khách hàng mới hoặc đối mặt với sự sụp đổ tài chính và kinh tế. Đây là lý do mà Nga đã tìm đến một trong những khách hàng khổng lồở phía đông là Trung Quốc.
Trong lịch sử, Nga vận chuyển rất ít dầu và khí tự nhiên về phía đông. Trung Quốc đã chủ yếu dựa vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông và châu Phi qua đường biển. Lý do chính cho việc chưa kết nối này là do việc sản xuất năng lượng của Nga chủ yếu ở phía tây, trong khi dân số Trung Quốc chủ yếu tập trung ở phía đông khiến khoảng cách vận chuyển giữa nơi sản xuất và người tiêu dùng lên tới hàng nghìn cây số. Tuy vậy trong 10 năm qua xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã bắt đầu tăng dần, từ 4% lên tới gần 20%.
Thế nhưng Moscow và Bắc Kinh vẫn chưa đi đến một thỏa thuận về khí đốt tự nhiên theo đó Nga sẽ xuất khẩu 38-68 tỉ m³ khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm trong thời hạn 30 năm tới. Trong số này, 38 tỉ m³ sẽ được vận chuyển qua tuyến đường ống dự kiến xây dựng mang tên “Sức mạnh Siberia” dài 2.800km nối các mỏ khí ở Siberia với vùng duyên hải Thái Bình Dương và xuống Trung Quốc. Điểm khó khăn chính trong thỏa thuận này là vấn đề giá cả còn cao so với các nguồn khí nhập từ các nơi khác với mức chênh lệch khoảng 50 USD/m³.
Hiện nay Moscow đang muốn đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt vì quan hệ của nước này với phương Tây đang trở nên căng thẳng như thời chiến tranh lạnh và Nga e ngại châu Âu đang có kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu.
Đình Nam tổng hợp