Dự kiến trong thời gian tới, với tác động từ những diễn biến thương mại toàn cầu lẫn trong nước, sản lượng hàng hóa trao đổi sẽ tiếp tục tăng trưởng và mang lại một số cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Đó là nội dung buổi tọa đàm “Vận tải container đường biển đến 2025 và những ảnh hưởng đến Việt Nam” vừa diễn ra nhân dịp Lars Jensen – chuyên gia hàng đầu thế giới về vận tải đường biển ra mắt sách tại Việt Nam.
Đến 2025, vận tải đường biển sẽ thay đổi một cách cơ bản so với hiện nay
Diễn giả Vũ Đặng Dương – trưởng nhóm dự án dịch cuốn sách Vận tải container đường biển đến năm 2025 cho biết: “Tình trạng khó khăn của nhiều hãng tàu lớn nhỏ đã dẫn đến một làn sóng mua lại và sáp nhập rất sôi động. Việc các hãng tàu củng cố hình thức liên minh cũng là cách để các hãng đương đầu với những bất định trong tương lai gần. Trong thời gian tới, làn sóng M&A vẫn tiếp tục nhưng đã vào giai đoạn cuối và sẽ không còn nhiều thương vụ lớn xảy ra. Hình thức liên minh sẽ được các hãng tàu tiếp tục sử dụng. Các hãng tàu sẽ tăng cường sử dụng công nghệ để tiết giảm chi phí khai thác và giảm nhân sự, theo xu hướng chung trong thời gian vừa qua là cắt giảm chi phí”.
Mặt khác, theo nhận định của tác giả Lars Jensen, đến năm 2025 ngành vận tải đường biển sẽ thay đổi một cách cơ bản so với cách đang vận hành hiện nay. Ông Vũ Đặng Dương chia sẻ thêm: “Những thay đổi đó chắc chắn sẽ tác động đến phát triển vận tải biển Việt Nam và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp đang khai thác cảng container tại các vùng kinh tế trọng điểm và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Hàng hải Liên kết Việt Nam cho rằng, trong năm 2019 và những năm tiếp theo vận tải container đường biển tiếp tục phát triển và rất cạnh tranh giữa các hãng tàu lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, các hãng tàu sẽ phải đóng tàu kích cỡ lớn để chở nhiều hàng hóa hơn, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh nhau. Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, đồng thời đầu tư vào Trung Quốc sẽ chuyển dịch sang Việt Nam hoặc các nước lân cận. Lúc đó, Việt Nam cần nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu đi các nước. Do đó, tiềm năng vận chuyển container đường biển từ Việt Nam đi Mỹ và các nước cũng như chiều ngược lại sẽ rất lớn.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng cho thấy xu hướng phát triển ngành vận tải container đường biển vào năm 2025. Trong tương lai, các hãng tàu sẽ phối hợp để thử nghiệm những giải pháp trên nền tảng số hóa, dựa trên các nhu cầu và hoạt động thực tiễn của thị trường chứ không dựa trên những giải pháp khả thi trên giấy. Đồng thời các hãng tàu sẽ có đội ngũ nhân sự tập trung chủ yếu ở cấp quản lý, đơn giản vì nhiều vị trí hiện tại trong bộ phận văn phòng sẽ được tự động hóa.
Những điểm yếu của vận tải biển Việt Nam còn đó
Bên cạnh xu thế mới, các chuyên gia tại buổi tọa đàm cũng chia sẻ lo ngại về các vấn đề còn tồn tại trong ngành vận tải biển Việt Nam. Sự thiếu liên kết giữa các hãng tàu Việt đến nay hầu như chưa được cải thiện. Mặc dù gần đây đã ghi nhận được một số sự hợp tác giữa Hải An Group và Tân Cảng Shipping, giữa Vinalines và Biển Đông nhưng so với những hoạt động M&A rất mạnh giữa các hãng tàu Trung Quốc, Nhật Bản hay sự liên kết giữa các hãng tàu Hàn Quốc, sự liên kết giữa các hãng Việt Nam còn khá lỏng lẻo.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, các hãng tàu Việt Nam cũng cần đẩy mạnh liên doanh liên kết với các công ty hàng hải quốc tế với phương châm đôi bên cùng có lợi để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Và đây phải là quan hệ phối hợp chứ không phụ thuộc. Tuy nhiên diễn giả Vũ Đặng Dương cho rằng với lĩnh vực vận tải biển có tính chuyên môn cao và có các tập đoàn nước ngoài rất mạnh thì việc hợp tác với nước ngoài để khai thác tiềm năng trong nước nên được khuyến khích hơn nữa thay vì câu nệ vào tư duy “ít bị phụ thuộc”. Theo ông, nhiều bài học về thành công trong lĩnh vực vận tải container đường biển đến từ sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, điển hình là trường hợp cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép.
Song song đó, để tăng sức cạnh tranh, điều quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo giỏi, bởi nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng trong tình hình nhiều biến động sắp tới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần năng động hơn trong tiếp cận thị trường, thường xuyên đa dạng hóa dịch vụ như nối dài các tuyến hành trình bằng cách ghé thêm các cảng, sẵn sàng tiếp cận thị trường mới, cảng mới để tạo sự đột phá về sản phẩm.