Những người trẻ sinh từ giữa thập niên 1990 đến cuối những năm 2000 được định nghĩa là thế hệ Z và họ đang bước vào thị trường lao động với tốc độ nhanh. Chỉ trong vài năm nữa, thế hệ này sẽ chiếm một tỷ lệ lớn trong nguồn nhân lực và mang đến nhiều tài năng trẻ cho các nhà tuyển dụng.
Nhưng có một điểm nổi bật cần lưu ý là đối với thế hệ Z, khoảng thời gian có thể tập trung chú ý của họ rất ngắn, còn ngắn hơn cả thế hệ trước đó – thế hệ thiên niên kỷ (8X và nửa đầu 9X), đồng thời họ cũng mong đợi rất nhiều từ các nhà tuyển dụng. Với sự xuất hiện của thế hệ Z, môi trường làm việc một lần nữa sẽ trải qua sự thay đổi lớn.
Thích môi trường làm việc dựa vào công nghệ
Thế hệ Z là những “cư dân số chính hiệu” và họ sẽ tận dụng công nghệ cũng như các hình thức phối hợp để phát triển công việc của họ. Các thương hiệu công nghệ đình đám như Google, Amazon và Apple là những nhà tuyển dụng mà họ khao khát nhất. Nếu một doanh nghiệp không phải là startup công nghệ thì vẫn cần chuẩn bị một môi trường làm việc được trang bị tốt và hỗ trợ nhanh chóng bởi công nghệ.
Theo một kết quả nghiên cứu của Tập đoàn CommScope, 60% những người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Z cho biết họ sẽ không sử dụng một trang web hoặc “app” nếu như nó quá chậm. Thế hệ này cũng mong muốn được tiếp cận thông tin hay tiếp cận người khác một cách nhanh chóng và thích làm việc trong các nhóm xuyên chức năng. Họ thích sử dụng những giải pháp phần mềm như Slack, hệ thống quản lý file như Dropbox hoặc bất cứ giải pháp mới nào khác để tối ưu hóa truyền thông.
- Xem thêm: Thấu hiểu thế hệ Z trong kỷ nguyên 4.0
Thích được phản hồi và có cơ hội phát triển nhanh
Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn nguồn nhân lực Robert Half, ưu tiên hàng đầu của thế hệ Z khi cân nhắc chọn nhà tuyển dụng tiềm năng chính là “cơ hội phát triển” và đây là một công cụ quan trọng để nhà tuyển dụng giữ được người tài thuộc thế hệ này. Thế hệ Z rất khao khát học hỏi, háo hức mở rộng kỹ năng bằng những cơ hội chính thức và không chính thức cũng như thông qua những phản hồi liên tục và thường xuyên.
Vì vậy, cách đánh giá năng lực được tổ chức định kỳ hằng năm không còn phù hợp với thế hệ này. Các doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch phát triển cụ thể khi hợp tác với những tài năng thuộc thế hệ Z. Tạo một lịch trình, xác định những cơ hội học hỏi (chính thức) và hình thành những cơ chế phản hồi (không chính thức) để từ đó tạo ra sự đối thoại liên tục về phát triển năng lực. Và bất cứ khi nào có thể, hãy mang lại cho họ sự hỗ trợ và cố vấn phù hợp.
Quan tâm đến thương hiệu nhà tuyển dụng
Nếu muốn thu hút những ứng viên chất lượng cao, ấn tượng đầu tiên đối với một tổ chức là rất quan trọng. Thế hệ Z mong đợi sự đa dạng, một môi trường làm việc thể hiện sự tôn trọng và đối xử công bằng. Họ thích các nhà tuyển dụng giỏi hợp tác, trung thực và “không vô cảm” với cộng đồng của họ. Hãy đối xử với ứng viên như khách hàng – quy trình truyền thông cần thông suốt và đúng lúc. Còn nữa, mục tuyển dụng và nghề nghiệp trên trang web của công ty cần phải hữu ích và hấp dẫn, phản ảnh được những giá trị của tổ chức, quy trình ứng tuyển cần đơn giản và minh bạch.
- Xem thêm: Để nhân tài tìm đến doanh nghiệp
Mang lại những phúc lợi khích lệ một lối sống cân bằng
Theo một nghiên cứu của Deloitte, thế hệ Z đánh giá cao những nhà tuyển dụng tạo điều kiện để họ thụ hưởng lối sống cân bằng. Mong mỏi của họ về lối sống khỏe toàn diện – cả về mặt xã hội, tinh thần và thể chất – còn lớn hơn cả thế hệ thiên niên kỷ. Chẳng hạn, họ muốn có thể gặp bác sĩ vào buổi chiều mà không cảm thấy “có tội” hay biểu hiện một tinh thần làm việc tồi. Với thế hệ này, nhà tuyển dụng cần phải điều nghiên để mang lại lịch làm việc linh hoạt, khả năng được làm việc ở nhà khi có thể và những chương trình phúc lợi tiến bộ, hỗ trợ lối sống khỏe toàn diện.
Nhà tuyển dụng giỏi lắng nghe sẽ thành công
Thế hệ Z lớn lên với óc tò mò, họ muốn là một phần của giải pháp và tạo ra sự khác biệt. Hãy yêu cầu họ đưa ra quan điểm và ý tưởng thông qua khảo sát và đối thoại. Những thông tin thu thập được từ sự tương tác sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Đóng góp của họ có thể giúp cải thiện một dòng sản phẩm, làm cho một quy trình trở nên hiệu quả hơn hoặc thay đổi văn hóa của tổ chức. Và quan trọng nhất, khi một tổ chức đánh giá cao sự ham học hỏi thì sẽ tạo được một vòng phản hồi tích cực – khuyến khích chia sẻ ý tưởng và củng cố những gì mà nhân viên lắng nghe và đón nhận.
Trong thập niên tới, các nhà tuyển dụng biết cách dùng những bài học từng được sử dụng để thích nghi với thế hệ thiên niên kỷ và áp dụng cho thế hệ Z sẽ là những tổ chức thành công. Đó là những nhà tuyển dụng biết cách tương tác và tận dụng tính hiếu kỳ – ham học hỏi, những kỹ năng độc đáo và sự thông thái về công nghệ của một thế hệ cư dân số.