Báo cáo gần đây nhất của Chính phủ cho thấy nợ công năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỉ đồng, bằng 62,6% GDP, như vậy tính ra mỗi người dân đang gánh trên vai khoản nợ gần 33 triệu đồng. Nợ công dù tăng thêm về con số tuyệt đối nhưng lại giảm nếu so với tỷ trọng GDP (từ mức bằng 63,6% GDP năm 2016 xuống còn 62,6% GDP năm 2017).
Để kiểm soát nợ công, Chính phủ cho hay đã triển khai đồng loạt các biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo nợ công trong mức an toàn, trong đó có chủ trương tạm dừng xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án mới, thẩm định chặt chẽ các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, đặc biệt là các dự án vay mới.
Cũng phải thừa nhận Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc trả nợ đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và trả nợ vay về cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia. Thế nhưng tình trạng bội chi, lãng phí trong đầu tư công và tình hình làm ăn thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khống chế nợ công theo dự kiến cuối năm 2018 ở mức 63,9% GDP, tức vẫn nằm trong giới hạn 65% GDP theo Quốc hội cho phép.
Sẽ đáng lo hơn nếu trong thời gian tới đây tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào ngân sách nhà nước giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của ngân sách trung ương còn hạn chế.
Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng với việc tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình năm năm qua là 18,4%, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cũng là nỗi ám ảnh của chúng ta, đến mức người đứng đầu Chính phủ có lúc đã cảnh báo về việc “không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.
Điều này giải thích tại sao trong năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ. Về phía Bộ Tài chính, một trong những giải pháp mà Bộ này sẽ triển khai trong năm nay là không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới.
Nợ công hiện nay đã đến mức báo động hay chưa là đề tài từng gây tranh cãi bởi cách diễn giải khác nhau. Khái niệm nợ công của chúng ta chỉ gồm nợ chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nhưng cũng có khái niệm nợ công bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo cách tính này thì nợ công của chúng ta đã vượt mức cho phép của Quốc hội, nhất là trong tình hình các “ông lớn” quốc doanh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất không có khả năng trả bớt.
Trong chừng mực, có thể nói kinh doanh kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là tác nhân đáng kể của tình hình nợ công chồng chất. Báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của 583 doanh nghiệp nhà nước cho thấy, tổng tài sản các “ông lớn” tăng gần 4% so với năm 2015, lên hơn 3 triệu tỉ đồng. Trong đó, tài sản của các công ty mẹ – con trực thuộc số doanh nghiệp này hơn 2,8 triệu tỉ đồng, số các Công ty TNHH MTV còn lại 0,2 triệu tỉ đồng, chiếm 8%.
Cùng với tổng tài sản tăng, nợ phải trả của 583 doanh nghiệp nhà nước cũng tăng 3%, lên mức trên 1,5 triệu tỉ đồng trong năm ngoái. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2015 là 1,22 lần, trong đó tỷ lệ này tại 18 tập đoàn, tổng công ty là ba lần.
Theo báo cáo hợp nhất của một số tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả lớn, gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần 487.000 tỉ đồng, công ty mẹ góp hơn 313.500 tỉ đồng. Số nợ phải trả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng trên 338.580 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than & khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 100.729 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng nợ hơn 75.110 tỉ đồng…
Ngoài nợ phải trả lớn, một số “ông lớn” còn có nợ quá hạn cao, không có khả năng trả, điển hình như Tổng công ty Giấy Việt Nam (dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam) khoản nợ quá hạn hơn 2.700 tỉ đồng. Trong số này, nợ phải trả Bộ Tài chính khoảng 1.610 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty con của Tổng công ty Giấy là Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam cũng có khoản nợ quá hạn tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Kon Tum 504 tỉ đồng (gốc và lãi). Để cứu đơn vị trực thuộc, Tổng công ty Giấy đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến 1-1-2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án này.
Dù nhiều tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả lớn, vài chục nghìn tỉ tới trăm nghìn tỉ đồng, nhưng số nợ này đã được tách khỏi nợ công (theo Luật Ngân sách Nhà nước) và các đơn vị này phải tự vay, tự trả. Riêng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân sách sẽ ứng trả thay, như trường hợp Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Hồi đầu năm 2017, Ngân hàng HSBC đã phát đi cảnh báo “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào trong thời gian tới”. HSBC cũng nhận định đối với trường hợp Việt Nam, nợ công đang tăng lên không hẳn là một điều xấu: trong bối cảnh tăng trưởng mạnh, chắc chắn cần thiết phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. Vấn đề đặt ra là trong thời gian dài, phải có biện pháp đảm bảo việc điều tiết tăng trưởng nợ.
Vấn đề nợ công cũng đang được đặt vào chương trình nghị sự của Quốc hội và được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Tại một phiên họp tổ tuần qua, trong khi các đại biểu bày tỏ lo lắng về tình hình nợ công thì Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, một số chỉ tiêu như nợ công, bội chi ngân sách nhà nước trước đây khiến dư luận, nhà điều hành lo lắng, giờ đã khả quan hơn. Việc đưa trái phiếu chính phủ, ODA vào tính bội chi, theo ông Dũng, giúp quản lý tập trung hơn, tốt hơn.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính thì thời điểm này áp lực nợ công nhẹ nhàng hơn nhiều so với vài ba năm trước, quy mô nợ tăng nhưng áp lực nợ đã giảm. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến cuối năm nay nợ công, nợ chính phủ vẫn trong giới hạn, nợ công khoảng 62,6% GDP không quá trần 65%, cơ cấu chuyển biến rất tích cực, nợ chính phủ tích cực. Nếu vào năm 2011 nợ nước ngoài trong nợ chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%, thì hiện hai chỉ tiêu này lại đang đảo ngược với nợ nước ngoài 39%, còn trong nước 60%. Việc cơ cấu lại nợ công như vậy là đang đi đúng hướng: giảm nợ nước ngoài – tăng nợ trong nước. Đây là xu thế của các nước mà chúng ta đang học tập kinh nghiệm, chẳng hạn như Nhật Bản nợ công 200% và toàn bộ là nợ trong nước.
Mặt khác kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ – tức là các khoản nợ của Chính phủ – tăng từ mức bình quân 1,84 năm lên mức 8,7 năm vào cuối năm 2016. Tính bình quân năm 2017, kỳ hạn bình quân trái phiếu chính phủ đã tăng gấp rưỡi, lên mức 14,1 năm, trong khi lãi suất giảm xuống còn 6 – 6,1%. Kỳ hạn kéo dài gấp 3-4 lần, trong khi lãi suất giảm một nửa cũng sẽ giúp nghĩa vụ trả nợ giảm, đây là một yếu tố tích cực.
Việc quản lý nợ công hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau và đang được Quốc hội xem xét khi bàn về “Luật Quản lý nợ công sửa đổi”. Chính phủ đề nghị giữ nguyên ba đầu mối quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn và không phải điều chỉnh các luật liên quan. Thế nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thiên về ý kiến thu gọn nợ công về một đầu mối theo yêu cầu đổi mới và dễ quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân.
- Hoàng Hải