Sau một thời gian thường được lên báo đài nhờ sở hữu giống bí đao khổng lồ độc nhất vô nhị, gần đây làng Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) bắt đầu đón tiếp những nhóm du khách trong và ngoài nước. Dù doanh thu từ du lịch chưa được là bao nhưng ý tưởng thực hiện du lịch cộng đồng ở ngôi làng cách TP. Quy Nhơn 70km này đã bắt đầu được manh nha.
Không dễ tạo thành nguồn thu nhập thường xuyên
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty Du lịch Bình Long, các tour du lịch tham quan vườn bí đao khổng lồ, khám phá đầm Châu Trúc, các danh thắng biển, đảo của huyện Phù Mỹ chỉ mới được công ty ông triển khai trong vòng hai năm nay. Tuy nhiều dịch vụ địa phương còn hạn chế nhưng các đoàn khách trong nước và quốc tế luôn ấn tượng với những trái bí đao nặng 50 – 80kg, cũng như tính cách mến khách của người dân nơi đây.
Hộ ông Nguyễn Bảy là một trong những hộ thường xuyên đón du khách tới tham quan. Cứ mỗi khách đến, gia đình ông Bảy được công ty du lịch trả phí 10.000 đồng. Gia đình ông còn kết hợp nấu các món ăn truyền thống từ bí đao phục vụ khách và làm mứt bí, trà bí phơi khô cho khách mua mang về làm quà.
Với nhu cầu du lịch tăng nhanh như hiện nay, rất nhiều làng xã xa xôi của Việt Nam bắt đầu được “phát hiện”, các kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng cũng nhanh chóng được xây dựng. Tuy nhiên, từ việc có du khách đến làng cho đến việc tạo được nguồn thu nhập ổn định từ du khách là một khoảng cách rất xa. Điển hình như ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từ khi khu di tích đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền thường xuyên được các đoàn khách đến thăm, ngôi nhà vườn được sửa lại khang trang của anh Nguyễn Mạnh Tuấn trở thành điểm đến thường xuyên của các đoàn du khách.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thực sự không khả quan so với chi phí đầu tư, sửa sang nhà vườn. Lý do là khách chỉ tham quan trong ngày, lượng khách lưu trú qua đêm rất hiếm hoi. Người trong nghề cho biết việc chưa thu hút được khách nghỉ lại là do sự đơn điệu của các loại ngành nghề sản xuất ở địa phương. Thế nên hầu hết các homestay hiện thời chỉ đáp ứng được nhu cầu là điểm dừng chân, nghỉ ngơi; còn nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống sản xuất của người dân lao động gần như chưa thể đáp ứng.
Tại Phong Nha, Quảng Bình, du lịch cộng đồng được đánh giá có nhiều điều kiện tốt để phát triển. Năm 2016, anh Nguyễn Văn Thắng xuất thân là thợ rừng ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch quyết định mở một homestay. Kiến thức về loại hình du lịch cộng đồng mà vợ chồng anh có được đều học hỏi từ những người đã mở homestay trước đó.
Nằm ngay trung tâm xã Sơn Trạch, vùng cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Rustic Homestay của vợ chồng anh Thắng có địa thế thuận lợi, cộng thêm cách thức quảng bá hiệu quả và đã được nhiều du khách lựa chọn.
Tuy vậy, dịch vụ chủ yếu của Rustic Homestay là lưu trú, kết hợp với số tour du lịch khám phá hang động. Thời gian còn lại, khách tự thuê xe máy hoặc xe đạp khám phá làng quê chung quanh khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Vào mùa du lịch cao điểm, bình quân lượng khách lấp đầy homestay của anh Thắng khoảng 80%, còn bình thường khoảng 40% – 50%, mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Phát triển du lịch cộng đồng bài bản như Thái Lan
Nằm cạnh biên giới với Campuchia, Trat là tỉnh xa nhất về phía đông của Thái Lan. Người dân Trat đã tạo ra những sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, bằng cách khéo léo kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên hữu tình và nét văn hóa bản địa độc đáo.
Các chuyên gia tại Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Trat chia sẻ với nhóm nghiên cứu đến từ Việt Nam: Quy trình xây dựng một sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng được tiến hành theo trình tự 10 bước: Nhận diện về tiềm năng điểm đến du lịch; nghiên cứu tính khả thi trong việc hợp tác với cộng đồng để phát triển du lịch; xác định tầm nhìn và mục tiêu để lựa chọn những phương pháp phát triển tốt nhất; lập kế hoạch chuẩn bị cho cộng đồng quản lý du lịch; thiết lập sự hướng dẫn cho cộng đồng tổ chức và quản lý; tổ chức thiết kế chương trình tour du lịch; tập huấn cho hướng dẫn địa phương; đào tạo kỹ năng quảng bá, xúc tiến sản phẩm; làm thí điểm; và giám sát và đánh giá kinh nghiệm để đề ra kế hoạch tiếp theo.
Các điểm du lịch cộng đồng tại tỉnh Trat được hình thành một cách khá tự nhiên trên cơ sở những tập tục nếp sống lâu đời của cư dân nơi đây. Đó là cộng đồng Baan Huai Raeng, huyện Muang có tập quán sinh sống dọc theo dòng kênh Huai Raeng với ba hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Hay đặc trưng của một làng nghề đánh cá dọc theo bờ biển ở rìa phía nam của vịnh Salak Khok, trên đảo Koh Chang.
Nếu muốn trải nghiệm những nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo, cộng cư hài hòa giữa Phật giáo và văn hóa Hồi giáo, du khách đến với cộng đồng Baan Nam Chieo, huyện Lam Ngob, nơi đồng thời cũng có những cảnh quan thiên nhiên độc đáo của khu rừng ngập mặn màu mỡ. Theo các chuyên viên của Trung tâm điều phối Mạng lưới du lịch cộng đồng tại Thái Lan (Thailand Community Based Tourism Network Coordination Center, CBT-N-CC), để du khách có những trải nghiệm chân thực nhất, cũng để đảm bảo sinh kế của cộng đồng, các hoạt động sản xuất, lao động ở nơi đây vẫn được diễn ra một cách sôi động, song song.
Cộng đồng chấp nhận chỉ tiếp đón và phục vụ một lượng khách vừa đủ, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách nhưng không can thiệp vào hoạt động kinh tế của người dân, cũng như phương hại đến các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của truyền thống địa phương. Điều này rất cần thiết để đảm bảo cuộc sống kinh tế của cộng đồng không bị phụ thuộc vào du lịch, trong một bối cảnh mà ngành kinh tế này rất nhạy cảm với tác động của môi trường xã hội khách quan như khủng hoảng kinh tế, các dịch bệnh… có thể làm cho địa phương không duy trì được lượng khách tham quan.
Được biết, các điểm du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Trat thuộc hệ thống sản phẩm du lịch CBT của Thái Lan với nhiều phân khu như miền Bắc, miền Nam, miền Trung và khu vực Đông Bắc. Trung tâm điều phối Mạng lưới du lịch cộng đồng tại Thái Lan là cơ quan quản lý hệ thống các điểm CBT, xúc tiến và làm đầu mối hợp tác kinh doanh với các hãng lữ hành.
Để trở thành đối tác, các nhà làm tour liên hệ trung tâm để cung cấp thông tin về nhu cầu của mình trước khi được CBT-N-CC đưa ra những tư vấn về sản phẩm cộng đồng phù hợp. Thông qua những quy ước hợp tác về vai trò và trách nhiệm của mỗi bên để đảm bảo quá trình khai thác sản phẩm thỏa mãn những điều kiện phát triển bền vững cho việc kinh doanh và các giá trị của cộng đồng địa phương.