Năm năm trở lại đây, kinh doanh trang trại kết hợp đón khách du lịch ngày càng phổ biến ở khu vực TP. Đà Lạt. Tiếp nối các trang trại mô hình nông nghiệp công nghệ cao, loại hình trang trại “mới lạ” hơn như trang trại chuyên canh atiso, trang trại nuôi ong cũng thu hút được lượng khách đáng kể dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua.
Khởi nghiệp bằng cách khôi phục vị trí cây atiso
Vốn là đặc sản hàng đầu của Ðà Lạt, song những năm gần đây cây atiso đang mất dần vị trí bởi sự thoái hóa giống dẫn đến diện tích trồng bị thu hẹp. Tuy nhiên, một số bạn trẻ ở Lâm Đồng đã nhìn thấy tiềm năng khác từ loài cây này và đã quyết tâm đầu tư đến nơi đến chốn. Bên cạnh công dụng làm thuốc và thực phẩm, atiso còn có hình dáng và đẹp đặc sắc. Đó là lý do Dalat Bunny Hill quyết định đầu tư và trồng loại cây này theo cách riêng: vừa sản xuất atiso đạt chuẩn Vietgap, vừa tạo dáng cây đẹp trồng vào chậu phục vụ nhu cầu trưng bày dịp tết.
Sau khi trưng bày, người mua có thể sử dụng atiso từ hoa tới rễ cây để nấu ăn, pha nước uống, ngâm rượu… Mỗi năm cây ra hoa một lần và được Bunny Farm áp dụng kỹ thuật để ra hoa dịp tết. Đến tay khách hàng, chậu hoa sen núi được trồng tối thiểu từ một đến vài năm để cây đủ cao, có dáng đẹp. Tại hội chợ hoa xuân Công viên 23-9 (TP. Hồ Chí Minh) Tết Âm lịch vừa qua, atiso trồng chậu được tiêu thụ khá tốt với mức giá 1-4 triệu đồng.
Tết Kỷ Hợi 2019 cũng là dịp nhiều du khách trẻ đã đến tham quan, chụp hình “sống ảo” ở trang trại atiso rộng 4.000m2 tọa lạc tại số 20 Bis, đường Mê Linh, phường 9, Đà Lạt. Đầu năm 2018, chủ nhân độ tuổi 9X Trần Minh Tuấn nghỉ việc ở Sài Gòn để trở về trang trại atiso truyền thống của gia đình đầu tư chiều sâu, khép kín quy trình theo hướng sinh học hữu cơ, phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Nguồn giống gốc atiso được Tuấn trực tiếp chọn lựa, chiết tách hằng năm từ cây con mọc ra dưới gốc cây mẹ khỏe mạnh nhất. Sau đó đưa vào khu vực 500m2 vườn ươm chăm sóc đặc biệt trước khi lên luống trồng vụ mới; với mật độ bình quân 1.400 cây/1.000m2. Sau ba tháng đầu xuống giống trồng atiso, Tuấn sản xuất và thu hoạch xen canh các loại rau như bắp cải, sú tim, súp lơ… Lúc này phần lá atiso cũng bắt đầu thu hoạch để bán.
Quá trình phòng chống bệnh hại trên cây atiso, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Tuấn dùng gừng, ớt, tỏi… giã nhỏ pha rượu gạo, hòa với nước bơm phun khoảng 5 ngày/lần vào mỗi buổi sáng đầu giờ, hiệu lực diệt trừ bệnh hại đạt từ 80 – 90%. Trần Minh Tuấn cho biết dịp Tết Nguyên đán năm nay, thung lũng atiso của Tuấn tiếp đón khoảng 100 lượt khách du lịch kết hợp mua các sản phẩm atiso. Giá bán atiso vào ngày mồng 6 Tết Kỷ Hợi: 150.000 đồng/kg bông tươi, 75.000 đồng/kg lá khô, 250.000 đồng/kg rễ khô, 150.000 đồng/kg thân khô. Các mức giá này cao hơn thị trường năm ngoái từ 30 – 40%.
Quy trình khai thác ong hấp dẫn du khách
Lớn lên trong gia đình có nghề nuôi ong, sau nhiều năm vất vả theo nghề, anh Lê Quốc Thái mới quyết định thành lập Công ty TNHH mật ong Thái Dương. Điểm nhấn của doanh nghiệp này là vườn ong Thái Dương – Thai Duong Bee Garden (Liên Nghĩa – Đức Trọng). Vườn ong Thái Dương gần như đã hoàn thiện một mô hình du lịch – canh nông của nghề ong: không gian thoáng đãng, hoa được trồng nhiều tầng quanh hồ nước, từ hoa mười giờ ở sát đất đến hoa cúc, hoàng anh, hoa hồng, cánh bướm, rồi hoa muồng vàng ở tầng cao.
Du khách có thể đi theo đàn ong để khám phá quy trình ong kiếm phấn hoa, hút mật hoặc cùng những người nuôi ong đi thăm các tổ ong, cùng công nhân thực hiện một số hoạt động của nghề làm ong, chẳng hạn cấy ấu trùng để tạo sữa ong chúa. Ong chúa đẻ trứng nở ra ấu trùng, được ba ngày tuổi chỉ bằng đầu cọng tóc, lúc đó chúng được cấy vào các cốc nhỏ và bỏ lại vào đàn ong. Ấu trùng sẽ được ong thợ tiết sữa nuôi lớn, sau bốn ngày các cốc đầy sữa; đó cũng là lúc trang trại thu hoạch sữa ong chúa vì nếu để thêm 1-2 ngày, ấu trùng sẽ trở thành nhộng non và ăn hết sữa.
- Xem thêm: Gỡ khó cho trồng hoa công nghệ cao
Phần mũ sáp của các cốc sữa sẽ được nấu, tạo thành bánh để bán cho các công ty mỹ phẩm làm son môi hay làm thuốc. Trước khi lấy sữa ong, sẽ phải gắp ấu trùng ra khỏi cốc sữa, rồi dùng thìa múc sữa vào cốc lớn hơn, có để sẵn túi lọc. Khi cốc lớn đầy, người ta rút túi lọc cho sữa vào bao bì, đóng nhãn và hạn sử dụng… Mật ong cũng vậy, người nuôi ong biết chính xác mật ong hình thành từ hoa gì vì họ chủ động đưa ong đến vùng hoa đó. Khi hết vụ hoa, các cầu ong sẽ được thu lại, quay ly tâm để lấy mật ong.
Trong quá trình hút mật hoa, ong sẽ không được nuôi bằng bất cứ loại thức ăn nào, chỉ được cho ăn đường vào mùa mưa không có hoa. Khi ong ăn đường thì không thu được sản phẩm mà chỉ nhân đàn để đến mùa hoa thu được nhiều sản phẩm hơn. Nên mật ong Thái Dương hoàn toàn từ thiên nhiên. Mùa xuân – mùa của trăm hoa đua nở, chính là mùa ong lấy mật được nhiều nhất. Trại ong Thái Dương nằm trên đường dẫn vào thác Pongour nên khá tiện cho du khách đến tham quan, mua sắm. Từ lúc đưa vào hoạt động đến nay, trang trại đã đón tiếp nhiều đoàn khách lớn, nhỏ khác nhau và đa số du khách, nhất là các em thiếu nhi tỏ ra rất hứng thú khi quan sát mô hình này.