Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng và không còn mang tính độc tôn nữa. Các kỹ năng nhanh chóng trở nên lỗi thời, trong khi vài thập niên trước, một nhân viên có thể gắn bó suốt đời với công ty đầu tiên mình đã chọn khi ra trường. Thay đổi nghề nghiệp đòi hỏi sự can đảm, kiên trì và sự chuẩn bị bài bản. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia giúp bạn chuyển đổi nghề thành công.
1. “Ikigai” hay cân bằng cuộc sống bằng cách phối hợp hài hòa 3 yếu tố của cuộc sống: sống vui, sống có ý nghĩa và có lý tưởng
Blaise Pascal, nhà toán học – vật lý học, nhà văn, nhà thần học thế kỷ 17, từng nói: “Chúng ta phải tự biết mình. Nếu điều này không giúp tìm ra chân lý, ít ra nó cũng giúp bạn giải quyết cuộc sống và không có gì là đúng hơn thế”. Nhưng tự biết mình không phải là việc dễ dàng. Điều quan trọng là phải biết điều gì đã kéo bạn ra khỏi giường mỗi buổi sáng.
Người Nhật gọi nó là “ikigai”, một thuật ngữ dùng để chỉ sự phối hợp hoàn hảo giữa niềm vui sống, ý nghĩa và lý tưởng sống. “Ikigai” đã trở thành phương pháp được nhiều chuyên gia sử dụng để tư vấn khách hàng tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bằng cách soi rọi nội tâm của chính mình. Mục đích là nhằm đối chiếu rành rọt điều gì đã mang đến cho chúng ta hạnh phúc, tiền lương, ý nghĩa và lợi ích cho xã hội. Người Nhật cho rằng tất cả chúng ta đều ít nhiều “ikigai”, nhưng chưa chắc chúng ta đã nhận ra điều đó.
Đây là công cụ cho phép truy cập vào “la bàn nội tâm”. Nhiều trang web và sách tâm lý học tích cực giải thích, hướng dẫn chính xác cách để đạt được điều đó chỉ trong vài tuần.
2. Đầu tư cho bản thân và rèn luyện, đào tạo
Charlotte Appietto, nhà tư vấn nghề nghiệp, người đồng hành trong quá trình tư vấn khách hàng thay đổi nghề, cho biết: “Sự thành công không phải chỉ là những dòng chữ ghi trong lý lịch mà bạn phải tiếp tục quá trình phát triển cá nhân và tự rèn luyện liên tục”.
Sau khi soi rọi nội quan là bước thăm dò, Charlotte Appietto thường xuyên tư vấn cho khách hàng những quyển sách ên đọc như: Créez le job de vos rêves et la vie qui va avec (Tạo ra nghề mà bạn mơ ước song hành cuộc đời bạn), Créez sa vie en étant soi (Tạo ra cuộc sống cho chính mình), Réinventer sa vie professionnelle… quand on vient de la commencer (Tái tạo đời sống nghề nghiệp khi vừa mới bắt đầu vào nghề), Libérez votre créativité (Giải phóng óc sáng tạo của bạn), Les onze lois de la réussite (11 quy luật của sự thành công).
Charlotte Appietto vừa cho ra mắt trang web PoseTadem.com, trong đó cô không chỉ chia sẻ những trang sách, bài viết cô đã đọc, mà còn nêu những nhân chứng đã chuyển nghề thành công trong đời thật. Theo cô, điều quan trọng là không nên tự hài lòng với vốn hiểu biết, kinh nghiệm thu được mà phải tự rèn luyện không ngừng nghỉ để đạt mục đích và có một công việc tương xứng với những giá trị của bản thân.
Charlotte Appietto khôi hài bộc bạch: “Nếu bạn muốn chi tiền cho bản thân, hãy chi nó cho việc rèn luyện, đào tạo chứ không phải chi để mua vài miếng thịt sau giờ làm việc. Tôi thường xem xét ngân sách của mình. Từ nay trở đi, tôi tự nấu ăn và hạn chế mua sắm để có thể đầu tư tiền cho các khóa đào tạo và sách”. Trên mạng có đầy đủ các lớp đào tạo, trong đó một số khóa có thể được Pôle Emploi hay các tổ chức khác tài trợ.
3. Kích hoạt mạng lưới của bạn
Yohann Ouaki, tác giả quyển sách Tu vas aimer être freelance (Bạn sẽ yêu thích làm nghề tự do), cho biết: “Tất cả chúng ta đều có mạng lưới bạn bè, người thân, ngay cả những ai nghĩ rằng mình không có…”. Và khi bạn đang trong quá trình chuyển đổi nghề, bạn cần phải kích hoạt, duy trì và làm cho mạng lưới của bạn phong phú hơn.
Yohann Ouaki khuyên nên ăn trưa càng nhiều càng tốt với các thành viên trong mạng lưới. Anh cho biết: “Thật tuyệt và nhanh chóng mà chỉ mất khoảng 1 đến 2 giờ vào buổi trưa”.
- Xem thêm: Ngành nghề khiến bạn dễ gặp stress nhất?
Về phần mình, Charlotte Appietto khuyên sử dụng trang web Linkedin hay Shapr để nối mạng và xác định mục tiêu những đối tượng để gởi cho họ những thông điệp cá nhân theo dự án nghề nghiệp, thậm chí đề nghị gọi điện thoại cho họ để thảo luận về một chủ đề cụ thể. Người đối thoại sẽ dành cho bạn 15 phút nếu anh ấy quan tâm.
Mạng lưới cũng là những người thân cận chung quanh. Jim Rhon, diễn giả, doanh nhân Mỹ, từng nói: “Trung bình, bạn có 5 người bạn thân mà bạn dành nhiều thời nhất cho họ. Nói cách khác, những người thân cận có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định mà bạn chọn dù quyết định đó tích cực hay tiêu cực. Hãy quan sát 5 người gần gũi nhất với bạn, và hãy dành cho họ nhiều cuộc gặp gỡ mới để tạo nhiều cảm hứng hơn”.
4. Đề ra thời hạn để tiến lên: phương pháp tiến từng bước nhỏ
Không phải lúc nào cũng dễ dàng ấn định mục tiêu khi bạn chưa biết hướng tới nghề nào hay cách tổ chức để thành lập một doanh nghiệp. Nhưng điều cần thiết là xác lập thời hạn và kế hoạch hành động. Đây là kỹ thuật của các bước nhỏ. Charlotte Appietto nhắc lại: “Chúng ta không thể hoàn thành tất cả các mục tiêu cùng lúc. Chúng ta phải chia nó ra thành nhiều phần hành nhỏ và xác định thời hạn, ngày giờ hoàn thành”.
Ví dụ: ra thời hạn 1 tháng để thu thập thông tin, đề ra 2 tuần để tìm đối tác có trách nhiệm (một người bạn hay người quen để tư vấn, hổ trợ), ấn định 6 tháng để đạt được mục tiêu tài chính…
Nhưng nếu cứ chần chừ, lần lửa, điều này có nghĩa là chúng ta đã chọn sai phương hướng. Nữ chủ nhân trang web Pose TaDem.com kết luận: “Có lẽ bạn đang ngồi sai vị trí. Bạn không cảm thấy xứng đáng”. Đôi khi nguyên nhân là vì bạn lo sợ. Tuy nhiên, Johann Oauki cho rằng: “Sợ hãi là dấu hiệu tốt vì thuận lợi cho sự sáng tạo, chúng ta làm những việc mà chúng ta đã không làm, chúng ta chuyển động một ít. Đối mặt với sự sợ hãi sẽ mang lại cảm giác đó thú vị”.
5. Nghi thức hóa công việc hàng ngày
Johann Ouaki cũng là người sáng lập trường Soto dành cho “những người tự lập bẩm sinh hay sẽ trở thành người tự lập”. Anh giải thích rằng nghi thức và thói quen là rất quan trọng và an toàn. Tổ chức thiết lập ra khuôn khổ. Anh nói: “Khi chúng ta độc lập, chúng ta không bắt buộc phải làm việc suốt ngày. Tự do có thể mang lại thảm họa, nhưng thói quen tạo ra khuôn khổ giúp chúng ta an tâm”. Anh lấy ví dụ Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, mặc quần áo giống nhau mỗi ngày. Điều này giúp anh ta giảm đi một vấn đề phải bận tâm.
Đối với Charlotte Appietto, những thói quen buổi sáng rất thuận lợi cho sự thay đổi. Cô nói: “Thật là thú vị khi dành 30 phút mỗi ngày để đọc blog tìm cảm hứng nhằm thay đổi suy nghĩ. Viết lách cũng là cách tốt giúp thư giãn tinh thần. Tôi đề nghị viết nhật ký, điều này giúp làm rõ ý tưởng mà bạn có thể xem lại vài tháng sau. Viết cũng giúp nảy sinh ra ý tưởng và giải pháp”.