500 năm sau khi qua đời, Magellan, nhà hàng hải đã đi vòng quanh thế giới lần đâu tiên, vẫn còn là mục tiêu tranh giành giữa hai dân tộc Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha. Mỗi quốc gia đều có lý lẽ riêng của mình: Ferdinand de Magellan là người Bồ Đào Nha, nhưng tiền chi cho chuyến đi và đa số thủy thủ đều của vua Tây Ban Nha, và người mang con tàu về đến nhà cũng là người Tây Ban Nha.
Với các chuyên gia, không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên chẳng phải là một tham vọng cố tình, mà là kết quả của sự ngẫu nhiên và may rủi. Magellan không hề có mục tiêu đi vòng quanh thế giới, và ông cũng không làm điều đó. Rồi Elcano cũng không có ý định đó. Sử gia Bồ Đào Nha José Manuel Garcia, muốn lôi hai nhà thám xuống khỏi tượng đài là những người tiên phong đi vòng quanh thế giới trong dịp lễ kỷ niệm 500 năm, giữa những tranh cãi ì xèo của hai dân tộc.
Bồ Đào Nha muốn ghi con đường Magellan vào Di sản thế giới của UNESCO. Hồ sơ ứng cử, gởi đi vào tháng 1-2017, xem nhà thám hiểm như một con người có lý tưởng và quên nói đến kẻ tài trợ cho chuyến đi là Tây Ban Nha cũng như người kết thúc cuộc hành trình là Elcano, người xứ Basque, cũng thuộc Tây Ban Nha! Những mơ hồ này là mục tiêu tranh cãi của hai dân tộc.
Nhưng tranh cãi và lễ hội cũng không làm thay đổi được quá khứ: Fernand de Magellan (1480-1521) vốn nổi tiếng lúc đó là người khởi đầu chuyến đi. Và chính Juan Sebastian Elcano (1476-1526) lại ở đúng vào thời điểm và vị trí để kết thức cuộc hành trình. Carlos Martinez Shaw, chủ trì hội nghị lịch sử quốc tế mang tên Primus circumdedisti me, được đưa lên trang bìa của tạp chí Andalucia en la Historia vào tháng 1-2019, lấy từ câu thành ngữ La tinh có nghĩa là: “Mày là kẻ đầu tiên cận kề tao, tuyên bố: Tranh cãi không có chỗ đứng ở đây. Không có hai, mà chỉ là một lịch sử: do hồ sơ để lại. Nó cũng đươc ghi trên tấm huy chương mà vua Charles Quint ban cho Elcano lúc hồi hương. Tuy nhiên, các nhà sử học như Queiro Veloso và Samuel Eliot Morison lại cho rằng tước hiệu đó phải dành cho Magellan. Vấn đề là quan điểm.
Manuel Garcia và Martinez Shaw vốn là bạn bè thân thiết, nhưng bất đồng nhau sâu sắc. Theo Manuel Garcia, Magellan đã đi vòng quanh thế giới. Năm 1519, mục tiêu của ông là đến quần đảo Moluques (hiện nay thuộc Indonesia) từ hướng Tây. Năm 1512 ông đã từng đi theo hướng Đông, vòng qua châu Phi, như vậy khi đến được Philippines ông đã đi trọn một vòng quanh trái đất, dù phải mất đến 2 lần.
Martinez Shaw cho là khôi hài khi lịch sử viết trật lất vì lý do chính trị hay tự ái dân tộc. Chuyến đi này được các nhà buôn ở Séville tài trợ 29%, phần còn lại là Hoàng gia Tây Ban Nha. Vào lúc nhổ neo, triều đình nhận thấy thủy thủ Bồ Đào Nha nhiều quá. Vua ra lệnh cho một số ở lại, và đề cử tướng thân cận Juan de Cartagena đi theo giám sát để khống chế bớt quyền hành của Magellan. Trong tài liệu chính thức, vua Tây Ban Nha đã cảnh báo Magellan: “Đừng tìm kiếm và làm gì cả ngoài biên giới hàng hải (mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thỏa thuận với nhau trong hiệp ước Tordesillas), cũng đừng gặp gỡ thánh vương Bồ Đào Nha, chú ruột và cũng là người anh cả chí thân của ta”.
Khi ra biển, lòng tốt của Hoàng gia chẳng còn lại bao nhiêu đối với 239 thủy thủ thuộc 9 quốc tịch khác nhau. Manuel Garcia, tác giả quyển Chuyến đi của Fernand de Magellan và người Bồ Đào Nha, cho biết: “Magellan chỉ huy đoàn tàu và chẳng bao giờ tuân lệnh của Juan de Cartagena. Ông là người duy nhất biết đường đi. Người Tây Ban Nha không dám cãi, vì họ chưa bao giờ đi đến Brazil. Ông ta chẳng thèm lắng nghe ý kiến của họ.
Sự bất bình của Juan de Cartagena và các tướng lãnh Tây Ban Nha khác đã dẫn đến cuộc nổi loạn của San Julian vào ngày 30-3-1520. Mặc dù chỉ có 32 người Bồ Đào Nha trong thủy thủ đoàn, Magellan vẫn đàn áp cuộc nổi dậy với đa số người Tây Ban Nha. Manuel Garcia nói: “Cuối cùng, phần lớn họ đi theo ông vì ông là kẻ duy nhất biết rõ đường đi. Ít nhất 44 kẻ nổi loạn bị kết án tử hình. Magellan cho hành quyết những kẻ cầm đầu. Luis de Mendoza, thuyền trưởng tàu Victoria bị cắt cổ.
Gaspar de Quesada, thuyền trưởng tàu Concepcion bị chặt đầu. Ông bỏ thuyền trưởng tàu San Antonio và linh mục Pedro Sanchez lên hoang đảo Juan de Cartagena vì nể trọng vua Tây Ban Nha và Giáo hội! Trong lúc chuẩn bị tiếp tục trị tội, Magellan bỗng nhận ra mình sẽ chẳng còn người để chỉ huy nên tha mạng cho một số, trong đó có một gã tên Juan Sebastian Elcano”. Martinez Shaw cho biết: “Đó là một thủy thủ bình thường. Anh ta vô danh tiểu tốt khi đoàn tàu đến Philippines. Anh ta đứng hàng thứ 4 trên tàu Victoria, sau thuyền trưởng, thuyền phó và trưởng toán thủy thủ”.
May mắn tiếp tục mỉm cười với anh ta. Người ta kể anh ta ngã bệnh khi Magellan đánh nhau với thổ dân trên đảo Mactan. Cuộc tấn công đã làm mất mạng chính nhà thám hiểm khi ông trúng phải một mủi tên tẩm thuốc độc. Nhưng cuộc chiến này cũng lần lượt lấy mạng các cấp chỉ huy khác của anh ta. Manuel Garcia giải thích: “Elcano lên chỉ huy sau Magellan, Barbosa, Carvalho và Espinosa. Trong 6 tháng chiến đấu với người Philippines, anh ta đã biết cách củng cố quyền lực của mình.
Cuối cùng, Elcano, vốn là người Tây Ban Nha lên chỉ huy tàu Victoria từ tháng 8-1521 đến ngày 6-9-1522, ngày mà ông ta đến được Sanlucar de Barrameda, Tây Ban Nha. Manuel Garcia cho biết: “Elcano đi vòng quanh thế giới một cách bất hợp pháp bởi vì đã phải băng qua vùng biển của Bồ Đào Nha một cách bất đắc dĩ”. Thiếu gió nên ông ta không thể đi qua con đường Panama của Trung Mỹ được. Martinez Shaw kết luận: “Chuyến đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên hoàn tất một cách bất ngờ. Mục tiêu chỉ là đến mua đinh hương trên đảo Molusque và chiếm cứ quần đảo này nhân danh vua Tây Ban Nha. Chẳng có gì khác hơn”.
Nhà sử học Bồ Đào Nha tóm tắt: “Mỗi người có một phần đóng góp. Đó là một chuyến đi của triều đình Tây Ban Nha với sự hợp tác của các thủy thủ thuộc 9 quốc tịch khác nhau, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của một người Bồ Đào Nha tên Magellan và kết thúc bằng sự can đảm của Elcano.
Con đường sang Ấn Độ của Bồ Đào Nha
Năm 1492, Christophe Colomb, người Ý gốc Genoa (gần Rome) được triều đình Tây Ban Nha tài trợ, đã khám phá ra châu Mỹ. Tên của ông còn nằm trong tất cả các sách sử. Ngoại trừ người Bồ Đào Nha đã đi trước hàng ngàn dặm, dưới sự kích động của ông Hoàng Henri, có biệt danh “Nhà hàng hải”, qua đời năm 1460.
Chính ông đã thuyết phục vua cha Jean I lao vào một cuộc phiêu lưu hàng hải điên cuồng: đi vòng quanh châu Phi để đến châu Á. Nhật báo Tây Ban Nha La Verdad kể: “Chìa khóa của chủ nghĩa bành trướng Bồ Đào Nha nằm ở địa dư. Bị Tây Ban Nha bao vây trên đất liền, nhưng mở cửa ra đại dương, muốn thoát khỏi cô lập, giải pháp duy nhất là phải chọn biển”.
Theo sử gia người Anh Roger Crowley, “Đế quốc Bồ Đào Nha là khởi thủy của toàn cầu hóa. Nhưng châu Phi lớn hơn trí tưởng tượng của các nhà khoa học và các nhà vẽ bản đồ Bồ Đào Nha. Khởi đầu từ thập niên 1440, từ đoàn thám hiểm này đến đoàn thám hiểm khác, “vòng quanh” châu Phi phải mất đến hàng chục năm cho đến khi Bartolomeu Dias vượt qua được mũi Hảo Vọng năm 1488. Sau đó 10 năm, Vasco de Gama đến được Ấn Độ. Đó là người châu Âu đầu tiên.
Thách thức của Magellan
Khi Magellan ra khơi vào tháng 9-1519, mục tiêu không phải là đi vòng qaunh thế giới. Chủ nhân của ông là hoàng đế Tây Ban Nha, chi muốn mở con đường mới đi đến quần đảo Molusque từ hướng Tây, ngày nay thuộc Indonesia, nguồn cung cấp đinh hương rất được ưa chuộng tại phương Tây. Con đường đi sang hướng Đông, vòng qua Phi châu, bị cấm bởi hiệp ước Tordesillas, năm 1494, khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia nhau thống trị thế giới nằm quanh một kinh tuyến cách quần đảo Cap Vert 370 dặm.
Antonio Pigafetta, người còn sống sót trong chuyến đi của Magellan, quả quyết: “Chính tay tôi ngày nào cũng viết nhật ký vì tôi rất khỏe mạnh”. Khi neo tàu xuống Cap-Vert lúc quay trở về, ông phát hiện điều bất thường của cuốn lịch: ông tin hôm đó là ngày 10-7-1522. Nhưng dân Bồ Đào Nha ở tại đây lại quả quyết là ngày 9-7-1522! Bởi thế Pigafetta là người đầu tiên phát hiện ra mâu thuẫn của kẻ đi vòng quanh thế giới! Ai đi vòng quanh thế giới theo hướng Tây, ngược với chiều quay của trái đất, sẽ bị thiếu mất 1 ngày.
Ngược lại, nếu đi theo hướng Đông, sẽ thêm được 1 ngày lúc trở về điểm xuất phát. Điều đó khiến cho Jules Verne viết quyển Vòng quanh thế giới 80 ngày, trong đó nhân vật Phileas Fogg, lúc đến đích, cứ tưởng mình bị trễ mất 1 ngày nên phải thua trận cá độ lừng danh. Cuối cùng, ông mới phát hiện mình đến đúng ngày và đại thắng.
Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha cũng ì xèo như vào năm 1519
Tháng 1 hàng năm, đến gần ngày kỷ niệm chuyến đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên trong lịch sử, giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lại nổi lên tranh cãi ồn ào. Lý do? Lisbonne muốn ghi danh con đường Magellan vào Di sản thế giới của UNESCO. Hồ sơ đệ trình “quên” nói đến vai trò then chốt của Tây Ban Nha như lời tố cáo của nhật báo ABC.
Trong khi trang mạng Observador nói: “Ý kiến này khơi dậy vết thương cũ”. Mấy tuần sau, tuần báo Dario de Noticias công bố điểm cuối cùng cho tranh cãi. Ngày 1-4-2019, cả Lisbonne và Madrid sẽ tổ chức ngày kỷ niệm chung và cùng đứng tên đăng ký với UNESCO. Nhưng hưu chiến thật ngắn ngủi. Theo yêu cầu của ABC, Viện Hàn lâm Lịch sử Hoàng gia Tây Ban Nha công bố một báo cáo theo đó chuyến đi của Magellan là đặc biệt dành cho Tây Ban Nha.
Trên nhật báo Bồ Đào Nha Publico, nhà sử học Rui Tavares giễu cợt: “Chẳng bao lâu nữa, các nhà bác học của Viện Hàn lâm sẽ giải thích cho chúng ta biết vì sao đội tuyển Real Madrid lại đá bóng tồi hơn sau khi Cristiano Ronaldo bỏ đi!”. Người Bồ Đào Nha giễu cợt mọi cố gắng giành giật vinh dự của Tây Ban Nha. Cuối cùng, một nhà bình luận của tờ Dario de Noticias tinh nghịch kể rằng tại Viện Bảo tàng Hàng hải Hambourg, người ta đã giải quyết được vấn đề.
Tại cửa vào có 3 bức tượng: Bartolomeu Dias, Vasco de Gama và Magellan. Cả 3 người Bồ Đào Nha trong số 7 nhà hàng hải vĩ đại nhất thế giới. Chẳng có ai là người Tây Ban Nha cả! Nhưng cuối cùng, anh ta cũng viết thêm: “Những người Bồ Đào Nha là những nhà hàng hải vĩ đại nhất, và Tây ban nha là những kẻ chinh phục vĩ đại nhất!”.
Một con người dũng cảm
Theo nhà sử học Bồ Đào Nha Diogo Ramada Curto, Fernand de Magellan đã chứng tỏ sự gan lỳ của mình trong trận hải chiến Cannanore vào năm 1506 ở ngoài khơi Ấn Độ. Ông tham gia với tư cách lính trơn, giúp cho vua Manuel I của Bồ Đào Nha mở mang đế quốc. Sau đó, ông đi theo một con tàu vận chuyển gia vị. Con tàu chìm do va đập vào đá san hô. Vì không thể leo lên thuyền cứu hộ tất cả, một số phải ở lại bãi đá ngầm. Các thuyền trưởng và người giàu có muốn leo lên trước tiên, bỏ mặc lính lác.
Bạo loạn nổi lên. Magellan can thiệp bằng cách tình nguyện ở lại cùng một số binh sĩ nếu những người sang trọng đó cam kết sẽ quay trở lại rước mình bằng một chiếc thuyền trống. Nó chứng minh ông có tài chỉ huy trong tình thế hỗn loạn. Kể từ đó, Magellan bắt đầu lên chức. Năm 1511, ông tham gia đánh chiếm Malacca, nay thuộc Malaysia.
Năm 1513, ông đánh trận Azemmour, nay thuộc Maroc. Ông bị thương và sống với một khuyết tật ở đầu gối suốt cả đời. Bị kết tội buôn lậu với người Maures, Magellan bị vua Manuel I thất sủng. Năm 1517, ông gặp vua Tây Ban Nha Charles Quint, trình bày dự án đi đến đảo gia vị Molusques bằng hướng Tây.
Ngày 20-9-1519, 5 con tàu do ông chỉ huy lên đường tiến vào Đại Tây Dương. Trên đường đi, nhiều biến cố xảy ra, chứng minh Magellan có tài chỉ huy xuất sắc. Như cuộc đụng độ với thổ dân Tehuelches vào tháng 3.1520 tại vịnh San Julian vùng Patagonie, thuộc Nam Mỹ. Ông sai lính vũ trang đến gặp các thủ lĩnh địa phương, với vóc dáng cao to hơn người châu Âu gấp bội. Magellan ra lệnh bắt một tên “khổng lồ”, nhưng hắn đã bị giết sau một lúc chống cự. Ông muốn mang hắn tặng cho vua Charles Quint!
Trên tàu, ông thiết lập kỷ luật sắt và không tiết lộ tuyến đường đi. Tháng 3-1520, trong lúc mùa đông, một cuộc nổi loạn do các thuyền trưởng Tây Ban Nha chỉ huy nổ ra. Ông tỏ ra tàn nhẫn. Diogo Ramada Curto kể rằng Magellan giết những kẻ cầm đầu, chặt đầu và chân tay họ để thị uy. Với những kẻ đi theo mình, ông sẵn sàng hy sinh bản thân cho họ để không bị xấu hổ khi trở về Tây Ban Nha.
Cuộc hành trình tiếp tục. Họ phát hiện ra cái sau này là eo biển Magellan để đi qua Thái Bình Dương, Đói, khát, bệnh hoạn. Ở ngoài khơi Philippines, ông chứng tỏ bản lĩnh của mình. Ông tuyên chiến với Lapu-Lapu, vua đảo nhỏ Mactan, không chịu khuất phục. Nhưng lần này không dễ dàng. Bị trúng một mủi tên tẩm thuốc độc, Magellan qua đời vào ngày 27-4-1521. Ông chết trên lưng chiến mã như lời kể của sử gia Fernandez de Oviedo (1478-1557). Sĩ quan phụ tá Juan Sebastian Elcano, người Tây Ban Nha, lên chỉ huy con tàu cuối cùng của đoàn chiến thuyền và trở về nước, băng qua vùng biển của Bồ Đào Nha.
- Xem thêm: Kỳ diệu một mình trên hoang đảo