Sau khi di chuyển qua hai tuyến tàu điện ngầm, chúng tôi lên bộ ở ngay cổng vườn hoa rất nổi tiếng – vườn Luxembourg ở thủ đô Paris.
Nhìn từ bên ngoài, vườn Luxembourg không khác gì các công viên bình thường, với hàng rào sắt bao ngoài hàng cây rậm rạp. Nhưng càng đi sâu vào trong, chúng tôi có cảm giác bị choáng ngợp bởi không gian rộng lớn, thoáng đãng, tươi xanh của vườn, cảm thấy như lạc vào xứ sở thần tiên trong lòng một thành phố hiện đại. Nơi này là cánh đồng hoa xinh tươi, khoe sắc, phía khác là bãi cỏ bạt ngàn… Đi sâu vào vườn là hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, xa xa thấp thoáng hình dáng lâu đài ẩn khuất trong những tán lá xanh…
Vườn Luxembourg có diện tích lớn thứ hai trong số các công viên ở Pháp. Được biết, vào cuối thé kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đây là điểm đến của rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn như Victor Hugo, Balzac, Hemingway… để tìm cảm hứng sáng tác.
Một điểm nhấn đặc biệt là khắp vườn rất nhiều pho tượng được dựng lên. Các tượng trang trí miêu tả những vị thần Hy Lạp hay các con thú được đặt trên bãi cỏ hay trong những không gian cây xanh. Trong số đó có bức Nữ thần Tự Do được nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi, cũng là tác giả phiên bản lớn tại New York, tặng cho Bảo tàng Paris vào năm 1900, đến năm 1906 bức tượng được đem ra đặt ngoài vườn. Nơi đây cũng có đặt nhiều tượng danh nhân văn hóa như nhạc sĩ Beethoven, thi sĩ Paul Verlaine, văn hào Georges Sand… Cung điện Luxembourg nằm ở phía Bắc, hiện nay là trụ sở Thượng nghị viện Pháp. Phía trước cung điện là bể nước hình bát giác cùng lối đi và bãi cỏ rộng.
Ở một góc khu vườn là Đài phun nước Medici (La fontaine Médicis) được xây dựng vào thế kỷ 17 có dạng một hang động thu nhỏ; một đặc trưng nổi bật của phong cách Phục hưng Ý. Trước đài là tượng điêu khắc của Polyphemus (con trai thần Poseidon) nhìn về tượng đôi tình nhân Acis và Galatea.
Một trong những điểm thú vị ở Luxembourg là toàn khu vườn được xếp đặt rất nhiều những băng ghế dài và rất nhiều chiếc ghế sắt. Những chiếc ghế được sắp xếp không theo một “quy hoạch” nào cả, có thế được đặt có thể ở dưới bóng cây, ven đài phun nước hoặc dưới chân những bức tượng cổ… Mọi người vào đây có thể tự do làm những gì mình thích với chiếc ghế sắt đó. Có người ngồi ăn, đọc sách, thưởng trà; cũng có người ghép đôi ba chiếc thành chiếc giường ngoài trời, nhưng hầu hết đến ngồi để chụp đôi ba tấm hình lưu niệm.
Vườn hoa và hồ phun nước nằm thũng xuống giữa hai bên phía Tây và Đông như một lòng chảo. Một thiết kế rất đẹp và thoáng rộng cho tầm nhìn của người thưởng ngoạn. Có rất nhiều người ngồi nghỉ, tắm nắng xung quanh hồ. Cảnh hồ còn được tô điểm bởi những chú vịt tung tăng bơi lội.
Hai bức tường cao được thiết kế theo cánh vòng cung để phân chia vườn thành hai khu cao thấp khác nhau. Chính giữa vườn hoa là một obelish (thạch trụ) nhỏ được dựng gần hồ phun nước. Nhiều hàng cây được trồng theo các con đường nhỏ hai bên phía Đông Tây để du khách dạo chơi, trò chuyện dưới những hàng cây râm mát. Ngoài ra, còn có các sân tennis, có các khoảng trống để người dân Paris tụ họp, chơi thể thao hay đánh cờ…
Tài liệu về lịch sử thủ đô ghi chép: vườn được xây dựng từ thế kỷ 17 theo yêu cầu của Hoàng hậu Marie de Médicis. Do cảm thấy nhàm chán khi ở cung điện Lourve, Hoàng hậu muốn chuyển đến một dinh thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Ý, quê hương của bà. Từ yêu cầu này, các kiến trúc sư đã xây dựng cung điện Luxembourg ở giữa, bao quanh là khu vườn rộng lớn. Về sau, diện tích khu vườn ngày càng được mở rộng, và đạt quy mô hơn 20 hécta như hiện nay.
Chúng tôi đến Luxembourg vào dịp cuối xuân – đầu hè, nhưng dưới các hàng cây vẫn có ít lá vàng rơi rụng, từ đó có thể tưởng tượng ra được hình ảnh mùa thu lá vàng vườn Luxembourg. Không phải vô cớ mà biết bao nhiêu người từ thi sĩ, văn nhân đã tạo nên bao nhiêu tác phẩm lãng mạn từ khung cảnh mùa thu của khu vườn này. Không gian của ngôi vườn Luxembourg làm cho chúng tôi cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên, hòa chung nỗi niềm của những người lãng mạn thơ mộng khi đặt chân đến khung cảnh lãng mạn này.
Nhà văn Alexandre Dumas khi viết tác phẩm Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ đã cho nhân vật D’Artagnan hẹn đấu kiếm với Athos, Porthos và Aramis tại vườn Luxembourg. Từ đó, khu vườn Luxembourg này đã đi vào văn học Pháp qua nhiều thế hệ. Trong tác phẩm Quyển sách của bạn tôi, nhà văn Anatole France mô tả những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu, thuở cặp sách đến trường: “Một cậu bé đi qua vườn Lục Xâm vào một buổi sáng đầu thu, những chiếc lá vàng rơi ngẩn ngơ trên những pho tượng trắng, gió se se lạnh trong một khung cảnh thoáng buồn nhưng thơ mộng hơn bao giờ hết”… Tâm hồn xao xuyến bồi hồi, nhà văn người Pháp bắt gặp lại hình ảnh của chính mình, của một thằng nhóc trong vườn Lục Xâm, tay thọc vào túi, dây cặp đeo lưng, huýt sáo khe khẽ tung tăng tựa như con chim sẻ…
Ở Việt Nam, khu vườn thơ mộng đã được đưa vào âm nhạc và thơ ca làm say đắm bao người. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từng học tại Paris sáng tác ca khúc nổi tiếng Mùa thu không trở lại: “Ngày em đi /nghe chơi vơi não nề /qua vườn Luxembourg /sương rơi che phố mờ /buồn này ai có mua ?…”
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng có bài thơ Mùa thu Paris được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Mùa thu âm thầm/ Bên vườn Lục-Xâm/ Ngồi quen ghế đá/ Không em ôi buốt giá từ tâm…”.
Ca sĩ Duy Quang có ca khúc Lá vàng tượng trắng trong vườn Lục Xâm: “Màu vàng rơi rơi rơi trên tượng đá buồn, vườn Lục-Xâm đang nắng, ai ngồi nhìn hoang vắng. Lá vàng rơi trên tượng trắng. Nhạc hồng trên không trung rung ngọn gió vàng…”.
Có thể nói rằng người Pháp đã có những quy hoạch thành phố rất tuyệt vời. Cho đến nay, những công trình của nhiều thế kỷ trước mang dấu ấn lịch sử vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn. Những kiến trúc cổ kính vẫn sừng sững trên những trục lộ giao thông ngược xuôi xe cộ hay hai bên bờ sông Seine. Bên cạnh đó, rất nhiều công viên tạo nên những khoảng không gian trong lành đầy nét văn hóa ngay trong lòng thành phố; trong đó công viên Luxembourg là một công trình tuyệt đẹp vẫn tồn tại đến ngày nay…
- Xem thêm: Đến Schengen – tâm điểm của châu Âu