Mức tiêu thụ khổng lồ động vật hoang dã
Đó là đêm tháng 12-2017 khi những chiếc xe tải lăn bánh đến Island House Lane, một con đường nhỏ bình lặng trong khu dân cư và khu vườn cộng đồng vùng ngoại ô quận Tai Po. Bên kia bến cảng là kênh Tolo và những ngọn đồi xanh lởm chởm dọc bờ biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trên mặt nước, một chiếc tàu cao tốc đang chờ sẵn. Những người đàn ông bắt đầu dỡ hàng từ những chiếc xe tải trên bãi biển. Khi các sĩ quan Cục Hải quan và Thuế Hồng Kông (C&ED) xuất hiện, những chiếc tàu đã chạy ra biển. Các sĩ quan C&ED đuổi theo trong suốt 2 giờ trước khi họ biến mất.
Tuy nhiên, từ xe tải, các sĩ quan thu giữ được một phần của hàng hóa lậu – số hàng điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và máy tính bảng trị giá khoảng 1 triệu USD. Các đặc vụ C&ED cũng phát hiện hơn 300 kg vảy tê tê được đóng gói trong những hộp bìa cứng. Vảy tê tê được đánh giá cao như một thành phần trong y học cổ truyền Trung Quốc. Trong thập niên qua, tê tê bị săn trộm ở mức báo động ở Trung Phi. Lô hàng lậu bị thu giữ ở Tai Po có giá trị đường phố khoảng 300.000 USD.
Trong thế giới buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Hong Kong chiếm một vị trí độc đáo do nằm trên ngưỡng cửa của Trung Quốc đại lục – thị trường động vật hoang dã sôi động nhất thế giới. Trong thập niên qua, tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc bùng nổ dẫn đến việc mở rộng đáng kể một thị trường đen động vật hoang dã toàn cầu đe dạo các loài ở Châu Phi, Đông Nam Á và những nơi khác.
Tê tê là 4 trong số 8 loài hiện đang bị đe dọa cho nên thị trường quốc tế về các sản phẩm tê tê đã bị cấm kể từ năm 2016. Các nhà nghiên cứu tại Quỹ ADM Capital, một tổ chức đặt trụ sở tại Hồng Kông tập trung vào các vấn đề môi trường, gần đây đã phân tích dữ liệu về việc thu giữ các sản phẩm động vật hoang dã từ C&ED. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 1-2019 bởi Tổ chức Thương mại động vật hoang dã Hồng Kông (HKWTWG), các nhà nghiên cứu phát hiện tê tê buôn lậu bị bắt giữ tại nơi này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Từ năm 2013 đến 2017, Hong Kong thu giữ 43 tấn vảy tê tê và xác động vật các loại trong các chuyến hàng lậu đến từ 6 quốc gia, chủ yếu là Cameroon và Nigeria. Số lượng tê tê bị tịch thu ở Hong Kong chỉ riêng trong các năm 2013 và 2015 tương đương với 45% tổng lượng sản phẩm tê tê bị thu giữ trên toàn thế giới từ năm 2007 đến 2015 – theo số liệu gần đây nhất của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC). Mặc dù dữ liệu không bao gồm năm 2018, nhưng các vụ bắt giữ tê tê cũng được cho là tăng gần gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2018. Vào tháng 1.2019, chính quyền Hong Kong chặn đứng lô hàng quy mô tê tê lớn nhất từ trước đến nay (lên đến 9 tấn) trên một tàu chở hàng từ Nigeria.
Các sản phẩm tê tê dường như chủ yếu được dành cho Trung Quốc đại lục – mặc dù chúng cũng không khó tìm thấy ở Hong Kong. Trên con phố Queen’s Road buôn bán sầm uất ở quận Sheung Wan, cô nhân viên bán hàng tại một cửa hàng nhỏ kinh doanh quả câu kỷ tử khô, hạnh nhân và đậu xanh, sẵn sàng cung cấp vảy tê tê cho khách hàng. Mặc dù cửa hàng cẩn thận không để sản phẩm trên kệ hàng, nhưng cô nhân viên bán hàng nói rằng với một cuộc gọi điện thoại, hàng sẽ được giao trong nửa giờ và việc chuyển nó qua biên giới mà không bị phát hiện là điều dễ dàng.
Nguồn cung cấp cho thương mại bất hợp pháp
Trong những năm gần đây, khi thế giới tăng cường báo động về hậu quả sinh thái của buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cũng như các hình thức tội phạm và an ninh khác, nhiều quốc gia đã tăng cường củng cố luật pháp và các nguồn lực chống buôn lậu. Tại Mỹ, buôn bán động vật hoang dã hiện nay thường bị truy tố theo các đạo luật tội phạm có tổ chức.
Chính quyền Mỹ mô tả hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một trong những hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất. Giới chức C&ED ước tính hàng lậu động vật hoang dã – chủ yếu là tê tê, ngà voi và gỗ – tịch thu được trong 5 năm qua trị giá hơn 71 triệu USD. Các vụ án liên quan đến ngà voi có nhiều khả năng bị truy tố. Hồng Kông nằm liền kề về mặt văn hóa và vật lý với tỉnh Quảng Đông, một trung tâm y học cổ truyền Trung Quốc và nghề thủ công ngà voi trong nhiều thế kỷ, nơi tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm đã ăn sâu vào đời sống người dân.
Hồng Kông cũng gần với tỉnh Phúc Kiến, một vùng ven biển nổi tiếng với ngành công nghiệp chạm khắc, nơi có nhiều sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp – sừng tê giác, mào hồng hoàng mũ cát, gỗ hồng sắc – được biến thành đồ trang sức cao cấp, đồ trang trí trong nhà và tượng cho thị trường Trung Quốc. Những người buôn bán ngà voi, sừng tê giác và da động vật ở Hồng Kông – với tư cách là một lãnh thổ của Anh kết nối với thương nhân tại các thuộc địa cũ ở châu Phi – được người tiêu dùng trên khắp thế giới đánh giá cao. Hồng Kông – được coi là trung tâm buôn bán ngà voi quốc tế cho đến khi bị cấm vào năm 1989 – nhập khẩu 700 tấn ngà voi từ châu Phi hàng năm vào lúc cao điểm những năm 1970.
Trong nhiều năm, Hồng Kông là nhà nhập khẩu và xuất khẩu vây cá mập – một thành phần súp phổ biến trong ẩm thực Quảng Đông – hàng đầu thế giới. Theo thống kê gần đây nhất, Hồng Kông dẫn đầu thế giới về nhập khẩu cá và bò sát sống. Phần lớn giao dịch hợp pháp này có thể nhìn thấy ở các khu phố như khu thương mại Sheung Wan, nơi các cửa hàng chen chúc với những con hải mã khô và chim yến vây quanh đường phố bên dưới các bảng quảng cáo. Các nhà bảo tồn cho rằng thương mại hợp pháp này làm phức tạp các nỗ lực nhằm giải quyết vai trò của Hồng Kông là một nút quan trọng trong thương mại bất hợp pháp toàn cầu.
Chẳng hạn, khi bị lột da và phơi khô để bán, vây cá mập đầu búa – loài có nguy cơ tuyệt chủng – gần như không thể phân biệt được với vây của cá mập xanh đánh bắt hợp pháp trong các cửa hàng hải sản Hồng Kông . Trong số các loại bong bóng cá sấy khô treo trong cùng một cửa hàng, rất khó để phân biệt các loài được đánh bắt bền vững với bong bóng totoaba – một loài cá cực kỳ nguy cấp bị đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi Mexico. Điều đáng nói là hoạt động đánh bắt totoaba cũng vô tình đẩy loài cá heo California đến bờ vực tuyệt chủng do chúng thường bị mắc vào lưới đánh cá. Sự phát triển vượt bậc của ngành vận tải biển và kết nối toàn cầu đã khiến thị trường các loài này hoạt động một cách sôi động.
Thế giới đang thay đổi
Hầu hết số vảy tê tê tịch thu được phát hiện trong các container tại cảng Hồng Kông (lớn thứ 5 trên thế giới) và công tác kiểm tra gần 21 triệu container đi qua cảng hàng năm sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề cho C&ED. Ngà voi và sừng tê giác từ châu Phi đến sân bay quốc tế Hồng Kông – nơi dẫn đầu thế giới về lượng hàng hóa vận chuyển đường không và hành khách – ngày một nhiều thêm. Chuyên gia về môi trường Tse Chin-wan phát biểu: “Chúng tôi nghiêm túc về việc thực thi luật pháp và truy tố tội phạm.
Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Hồng Kông là một cảng mang lại rất nhiều cơ hội cho loại hoạt động buôn lậu xảy ra. Mỗi ngày chúng tôi có hàng chục ngàn hàng hóa ra vào thành phố”. Tse lập luận rằng trước những thách thức khó khăn này, hy vọng tốt nhất để giảm vai trò của Hồng Kông trong buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là giảm nhu cầu của người tiêu dùng địa phương đối với loại sản phẩm này. Tse cho biết vây cá mập nhập khẩu vào Hồng Kông đã giảm 50% từ năm 2007 đến năm 2017.
Thế giới đang thay đổi và Hồng Kông cũng đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết vai trò là điểm đến mua sắm động vật hoang dã cho người tiêu dùng từ Trung Quốc đại lục. Năm 2018, Hồng Kông thực hiện một bước quan trọng là cấm bán ngà voi, sau các động thái tương tự của Trung Quốc và Mỹ vào 2 năm trước đó. Khu mua sắm sầm uất trên đường Nathan, nơi chật cứng các cửa hàng ngà voi gần đây như những năm 1980, hiện chủ yếu được chuyển biến thành khu vực kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ quốc tế.
Leung Shun-cheung cùng với chị gái Leung Yun-timung và em gái Leung Yun-tim điều hành Hang Cheong Ivory, một cửa hàng nhỏ trên phố Queen’s Road. Họ kinh doanh ngà voi nhập lậu. Đó là cách mà họ làm. Vào một buổi tối, ông Leung đang cúi xuống một chiếc bàn làm việc trong cửa hàng, chà nhám một đôi đũa ngà mà ông đã chạm trổ, trong khi bà Leung sắp xếp hóa đơn tại một bàn gần đó. Những bóng đèn huỳnh quang trần chiếu sáng những kệ kính bụi bặm chứa đầy những hình chạm khắc ngà, nhưng không có khách hàng. Vì bị cấm, chúng tôi kinh doanh không được nhiều, bà Leung nói.
Thỉnh thoảng, người dân địa phương đến đây để mua một mẩu hàng nhỏ. Bà Leung cho biết khi lệnh cấm trong nước có hiệu lực, họ dự định đóng cửa hàng mà người cha họ đã gầy dựng từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông Leung đưa ra một lá thư nhận được từ Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hồng Kông, trong đó nhắc nhở về thời hạn 2021 và đề nghị ông theo một nghề nghiệp mới. Ông Leung nay đã 72 tuổi và làm việc từ rất lâu trong cửa hàng ngà voi. Ông Leung cười nói: “Chính phủ yêu cầu tôi nghỉ hưu ở tuổi 75. Có lẽ họ rất quan tâm đến tôi”.