Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) Nguyễn Văn Thái, là người Việt Nam thứ hai vừa được trao giải “Nobel xanh” Goldman 2021 bởi những nỗ lực bảo tồn tê tê, một trong mười loài động vật có vú hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới nhưng lại bị buôn bán nhiều nhất thế giới. Khoảng một triệu cá thể đã bị săn trộm trong một thập kỷ qua. Việt Nam là điểm nóng đặc biệt.
Là một trong những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ảnh hưởng đến con người, đại dịch COVID-19 được khoa học xác định gây ra bởi một loại virus có tên SARS-CoV-2. Từ năm 2002, chủng virus SARS-CoV tương tự loại đã gây nên dịch SARS (tạm dịch “Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng”), bắt nguồn từ dơi và truyền sang người qua việc tiếp xúc tại một chợ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ở Trung Quốc với vật chủ trung gian là cầy vòi mốc Himalaya (Paguma larvata).
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các bệnh truyền nhiễm từ động vật (zoonoses) như SARS chiếm 75% trong số tất cả các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ảnh hưởng đến con người trong 30 năm qua. Những thay đổi môi trường, hành vi và môi trường sống của con người khiến ngày càng có nhiều bệnh lây nhiễm từ các loài ĐVHD.
WHO và hầu hết các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng ý rằng, nguồn gốc của đại dịch loài người tiếp theo có thể là động vật và ĐVHD đang nổi lên như là nguồn chính.
Nguyễn Văn Thái đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện trong bối cảnh bộn bề dịch bệnh COVID-19, nhưng người ta vẫn không thể phớt lờ những cảnh báo từ thiên nhiên do sự tàn phá của con người. Anh nói: “Tôi muốn mọi người nhìn động vật hoang dã với những vẻ đẹp về văn hóa và thưởng thức giá trị thiên nhiên chứ không phải ở giá trị sử dụng”.
Dịch bệnh, tự nhiên và mất mát
____
Liên quan đến đại dịch COVID-19, năm ngoái Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho rằng virus Corona có thể đã lây sang người do ăn thịt tê tê. Anh bình luận gì về công bố trên?
Hiện thế giới vẫn chưa có công bố chính thức về nguồn gốc đại dịch COVID-19 nhưng tôi nghĩ đây cũng là thông tin giúp mọi người quan tâm đến tê tê và ĐVHD hơn. Trước đây rất ít người biết tê tê, ngay cả những nơi có loài này. Tại các diễn đàn quốc tế, khi tôi nói tên tê tê (pangolin), nhiều người nghĩ là penguin (chim cánh cụt). Tê tê có 8 loài thì có 4 loài phân bố ở châu Phi, 4 loài còn lại phân bố ở châu Á.
Việt Nam may mắn có hai loài, là tê tê java và tê tê vàng, trước đây phân bố khắp cả nước nhưng hiện nay còn rất ít.
____
Vai trò của chúng với hệ sinh thái như thế nào?
Tê tê kiểm soát quần thể côn trùng. Chúng có móng chân rất dài, vừa có khả năng leo trèo rất tốt vừa đào bới thân cây mục, nền đất, tạo hang cho nhiều loài động vật khác trú ngụ, giúp đất rừng tơi xốp. Nếu chúng ta đánh mất tê tê, điều đó có thể gây ra vô số tác động lên các hệ sinh thái nơi chúng sống.
____
Một câu hỏi khá cũ nhưng cần: tại sao bảo vệ ĐVHD lại quan trọng như vậy?
Mỗi sự tồn tại trên Trái đất đều có lý do của nó. ĐVHD cũng là một phần của hệ sinh thái, mất đi thì sẽ gây ra sự mất cân bằng, gây hậu quả nghiêm trọng. Thường người ta hiếm khi cảm nhận được điều này trực tiếp nhưng mất đi rồi thì đã quá muộn. Bạn thử hình dung đêm nào bạn ngủ trong nhà mình cũng sợ rắn lục bò lên giường cắn bất cứ lúc nào – như đã xảy ra ở Phú Yên trước đây. Vì các loài thiên địch của rắn lục như cầy, chồn hay chim ăn thịt đã bị săn bắt cạn kiệt.
Hay những đại dịch châu chấu phủ như mây mù, tràn ngập, có nơi dày đến 5 – 6 cm. Tất cả tình trạng này đều do mất kiểm soát giữa loài này với loài kia.
Tương tự, động vật là một mắt xích trong chuỗi thức ăn, con người cũng là một mắt xích trong hệ sinh thái như thế. Cá nhân tôi không nghĩ rằng ăn thịt ĐVHD là cực kỳ sai trái. Vấn đề là ăn cái gì hợp pháp và ăn có trách nhiệm. Như các bạn đồng nghiệp ở Úc, hay bản thân tôi sang Úc vẫn ăn thịt kangaroo, vì nó quá nhiều trong tự nhiên, đặc biệt là mùa khô. Chúng ăn hết hệ thực vật bản địa còn rất ít, dẫn đến nhiều loài thực vật bản địa bị tuyệt chủng. Sự tuyệt chủng này dẫn đến rất nhiều con kangaroo không còn gì ăn và bị chết đói. Vì vậy việc ăn thịt kangaroo là hợp pháp.
Cũng vậy, khi ý thức được những loài còn quá ít, hiếm thì dừng. Chúng ta cũng không thể biết được đâu đó một dịch bệnh có thể có nguồn gốc từ thiên nhiên.
____
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 5.2019 cho thấy Trái đất đang đối mặt với tình trạng sinh vật tuyệt chủng hàng loạt kể từ khi khủng long biến mất. Khoảng một triệu trong tám triệu loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới. Có vẻ như mỗi quốc gia đều có vấn đề của họ?
Vâng! Nhiều nước như Úc, Bắc Mỹ, Nhật Bản hiện luôn phải đi xử lý vấn đề có những quần thể phát triển quá mức vì các loài thú ăn thịt lớn đã bị mất rất nhiều do nạn săn bắn. Nhưng cũng phải hiểu các nước này đã trải qua quá trình phát triển, khai thác tài nguyên rất lớn như Việt Nam. Nếu việc bảo tồn hiện nay của Việt Nam hiệu quả và giữ lại được các loài hiện tại cho tương lai, thì chúng ta vẫn còn nhiều loài khác phải phục hồi. Vì rất nhiều quần thể như hổ, báo, gấu – thú ăn thịt thuộc top lớn nhất để kiểm soát hệ ĐVHD ở dưới đã bị mất hoàn toàn trong hệ sinh thái Việt Nam.
“Một điều đáng buồn khác, Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế bị chỉ trích là một trong những nơi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nhiều nhất. Đó là một sự mất mát đau đớn.”
NGUYỄN VĂN THÁI
Từ năm 1999 đến nay, chúng ta chưa hề chụp được một bức ảnh hổ nào ở ngoài tự nhiên. Báo gấm hoa mai hay beo lửa cũng vậy. Bây giờ phải giữ lại những gì mình đang có, sau đấy phục hồi lại những gì đã mất. Giữ thì nhanh hơn, đỡ tốn tiền bạc và công sức hơn. Phục hồi sẽ là một quá trình rất dài và rất tốn kém.
Hậu quả dễ thấy nhất của hành vi sử dụng, săn bắn, buôn bán ĐVHD là thiệt hại kinh tế. ĐVHD rất đắt đỏ, gây thiệt hại cho cá nhân, đơn vị mua sử dụng, ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Việt Nam đang có tới 13.000 cán bộ kiểm lâm ngày đêm ở trong rừng, sống cuộc sống không điện, không nước, không nhà, xa gia đình, lương thấp. Mỗi năm chúng ta mất vài triệu USD để cứu hộ các con gấu nuôi ở các trang trại. Hay nhỏ hơn, mỗi năm chúng tôi cứu hộ được khoảng 300 – 400 cá thể tê tê, thì có năm phải mua 6 tấn trứng kiến làm thức ăn cho chúng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng. Rồi bao người phải đi tù vì săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép.
Một điều đáng buồn khác, Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế bị chỉ trích là một trong những nơi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nhiều nhất. Đó là một sự mất mát đau đớn.
Chặng dường dài
____
Điều gì dẫn anh đến với loài tê tê?
Gia đình tôi sống gần rừng Cúc Phương (Ninh Bình). Suốt thời thơ ấu, tôi tự hào sống gần ngôi nhà kỳ diệu của hàng ngàn loài, nhưng cũng kinh hoàng khi chứng kiến ĐVHD bị bắt, bị giết phi lý. Tôi bắt đầu nung nấu ý tưởng phải làm gì đó để bảo vệ chúng.
Tốt nghiệp đại học, tôi vào làm cho Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (CPCP) ở rừng Cúc Phương. Kiến thức từ trường đại học dường như không đủ, thực tế tồi tệ hơn nhiều. Nhiều loài động vật bị chết sau khi được cứu hộ và phần lớn chúng không thể trở về tự nhiên vì bị thay đổi hành vi, khuyết tật vĩnh viễn. Nhiều lần tôi không nói nên lời khi phát hiện một con tê tê đã chết trong quá trình vận chuyển, nhưng vẫn cuộn chặt vảy để bảo vệ con.
Tôi nhận thức rằng tê tê cũng giống như chúng ta, đều có tình mẫu tử và xứng đáng có một cuộc sống bình thường trong tự nhiên.
____
Hành trình này hẳn không đơn giản?
Những năm du học Anh, Úc, Mỹ giúp tôi có tư duy đa chiều. Về Việt Nam, tôi tiếp tục đi các nơi; gặp gỡ, trao đổi với nhiều người để tìm lại hướng đi phù hợp. Rồi quyết định thành lập SVW. Sáu tháng đầu chẳng nhận lương, lúc đấy tôi cũng chẳng biết quyết định lương như thế nào, ai sẽ là người quyết định lương thay cho mình… Như một startup (cười). Nhờ vào khoản tiền tiết kiệm được từ học bổng và đi làm thêm thời du học, có thể không bao nhiêu so với nhiều người, nhưng nó đã giúp tôi không bị áp lực phải tìm một công việc kiếm ra tiền.
SVW làm nhiều hoạt động cùng lúc để đạt mục đích bảo tồn: cứu hộ và sinh sản bảo tồn, bảo vệ rừng và ĐVHD ngoài tự nhiên, vận động chính sách, nghiên cứu xã hội, giáo dục nâng cao nhận thức, nghiên cứu ĐVHD ngoài tự nhiên. Hiện nay ngoài tê tê, chúng tôi đã mở rộng hoạt động để cứu thêm các loài thú ăn thịt nhỏ, linh trưởng và rùa.
____
Các nghiên cứu của SVW đã xác định được những yếu tố chính nào dẫn đến nạn buôn bán ĐVHD?
Chúng tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn khá lớn, với khoảng 9.000 người dân ở 15 tỉnh, thành Việt Nam. Qua đó, chúng tôi thấy rõ việc sử dụng ĐVHD đã trở thành một truyền thống, văn hóa rất lâu đời, phần lớn do sự đồn thổi, truyền miệng.
Cái thứ hai là tâm lý ích kỷ, muốn chiếm hữu rất lớn. Thích chơi trội, tìm thứ độc lạ, nên con gì càng hiếm thì săn lùng. Nghiên cứu cũng chỉ ra, sự mất niềm tin trong xã hội rất lớn. Nhiều người biết các loài ĐVHD quý, hiếm, bị pháp luật cấm nhưng lại không tin Việt Nam sẽ giữ được loài này. Thế nên thà mình lấy còn hơn để cho người khác lấy mất. Quan điểm này rất phổ biến hiện nay.
“Tôi nhận thức rằng tê tê cũng giống như chúng ta, đều có tình mẫu tử và xứng đáng có một cuộc sống bình thường trong tự nhiên.”
NGUYỄN VĂN THÁI
Điều cuối là người ăn, sử dụng, biếu tặng sản phẩm ĐVHD là những người nhiều tiền. Nhưng pháp luật lại không cấm và trừng phạt nhóm người này, mà chỉ tập trung vào các hành vi săn bắn, tàng trữ, buôn bán, quảng cáo, giết hại các loài ĐVHD quý hiếm. Điều này khiến họ cảm thấy mình vô can, không cần có trách nhiệm. Đấy vừa là kẽ hở pháp luật vừa định hình suy nghĩ và thói quen của nhiều người.
____
Xã hội Việt Nam hiện nay không còn xa lạ với hoạt động “bảo vệ ĐVHD”. Nhưng dường như đó vẫn là một “mỹ từ”, không thấm?
Tôi nghĩ việc mình yêu ĐVHD, làm bảo tồn, kêu gọi bảo vệ môi trường, biết trân quý thiên nhiên và không ăn ĐVHD là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu không xuất phát từ quan điểm hay ý kiến từ cộng đồng, nhu cầu chính quyền địa phương, thông điệp sẽ bị quên nhanh. Nếu nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ nào cũng muốn thể hiện mình, đưa logo, tất cả hình ảnh của mình vào để tạo dấu ấn thì mọi người sẽ luôn nhìn thấy thông điệp ấy là từ một nhóm người rất nhỏ yêu thiên nhiên, yêu động vật, thay vì đó là từ cộng đồng.
Bạn nghĩ sao nếu bí thư, chủ tịch một xã, huyện, tỉnh hay thành phố để hình ảnh của mình lên trên đường quốc lộ, đường phố và cam kết với cộng đồng ở đó không sử dụng ĐVHD, kêu gọi mọi người cũng không? Chúng tôi chỉ đứng đằng sau để thúc đẩy hoạt động của chính quyền địa phương, nói tiếng nói của cộng đồng, đặc biệt muốn thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý và giám sát những đơn vị buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.
____
Làm thế nào SVW giảm được mâu thuẫn và nhận được sự hợp tác của những người thuộc “phía đối đầu”, đặc biệt như thợ săn?
Những thay đổi và cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng sẽ giúp giảm mâu thuẫn. Chúng tôi mời mọi người tới thảo luận, chia sẻ và tìm ra giải pháp thay đổi. Chúng tôi đến các địa điểm tiêu thụ như chợ, nhà hàng và gặp các bác sĩ y học cổ truyền phỏng vấn để hiểu rõ hơn về nhu cầu tiêu thụ tê tê. Để hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng săn trộm, chúng tôi đã phỏng vấn, trao đổi với thợ săn ở khắp miền Bắc, Trung, Nam; có khi chúng tôi còn học từ kinh nghiệm của họ để áp dụng cho cứu hộ, chăm sóc tê tê.
Điều gây ngạc nhiên nhất cho chúng tôi là trong một nghiên cứu xã hội quanh Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), trong đó có hơn 38% là thợ săn, về “làm thế nào để giảm săn bắt”, thì có đến 50,5% người nói rằng phải tăng cường thực thi pháp luật. Có nghĩa họ thấy thực thi pháp luật về săn bắt ĐVHD còn rất yếu. Khi mời thợ săn tham gia hội thảo, tọa đàm, chúng tôi lồng cả những cam kết trực tiếp của các lãnh đạo vườn quốc gia, kiểm lâm trong thực thi pháp luật.
Khi đã có những hướng dẫn rõ ràng, đó cũng là lời tuyên bố chúng tôi biết các anh là ai, nếu không dừng lại thì anh tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Điều này cũng làm giảm những căng thẳng, xích mích với cộng đồng. Ở những khu vực chúng tôi đã làm việc, chưa có hiện tượng người dân chống đối, đánh trả lực lượng chức năng khi có hành động bắt giữ.
Việt Nam từng có rất nhiều loài ĐVHD, nhiều giá trị thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái. Nhưng thiên nhiên hiện nay đang là những khu rừng tĩnh lặng, không thấy thú, không tiếng chim. Nó nghèo nàn, không hấp dẫn. Vườn quốc gia Cúc Phương hay Pù Mát, Cát Tiên – là những vườn quốc gia hàng đầu đang phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam, năm nào cao nhất cũng chỉ được 100.000 lượt khách tham quan. Trong khi ngay bên cạnh mình, Vườn quốc gia Khao Yai ở Thái Lan, mỗi năm có hơn 2 triệu lượt khách! Nó tạo ra nguồn thu nhập từ du lịch rất lớn.
____
Hiện nay anh không còn thuần túy làm công việc bảo tồn ĐVHD mà còn quản lý, giữ lửa và truyền động lực cho hơn 60 nhân viên, xây dựng chiến lược hoạt động, tìm kiếm nguồn tài trợ, làm việc với cơ quan chính quyền…
Tôi không nghĩ những gì tôi đang làm là công việc bởi khi một điều gì là đam mê của bạn, nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn, là không khí bạn hít thở. Giải thưởng mà tôi được trao tặng hôm nay là kết quả của cả tập thể cùng đồng hành. Khi thành lập ở Việt Nam, SVW hướng đến mục tiêu dài hạn, bền vững. Tính đến nay, SVW đã tìm được gần 100 tỷ đồng tài trợ cho hoạt động của mình. Chúng tôi xây dựng một mô hình để chứng minh hiệu quả, từ đó nhân rộng ra cả nước.
SVW không tạo ra mô hình để thay thế cơ quan chức năng mà là đồng hành để thúc đẩy, tạo ra sự thay đổi tích cực với kết quả tốt hơn.
***
Kết thúc cuộc trò chuyện trực tuyến với chúng tôi, Nguyễn Văn Thái cho biết anh đã dành toàn bộ 200.000 USD tiền thưởng từ giải Goldman 2021 cho SVW, để thực hiện các hoạt động bảo tồn ở Việt Nam. Không dành lại một đồng cho cá nhân mình. Điều cảm động này khiến chúng tôi nghĩ đến bao nỗ lực bền bĩ và không vụ lợi của nhiều con người bên ngoài thế giới rộng lớn kia, mà Goldman chỉ là một trong những giải thưởng môi trường để nhắc nhở chúng ta về họ. Goldman không phải là một giải thưởng thành tựu trọn đời hay để lại cho mai sau. Những người được vinh danh trong giải thưởng này, họ được gọi là những người hùng đời thường (everyday heroes), vì họ nhìn thấy vấn đề môi trường trong cộng đồng của mình và quyết định hành động.
Nguyễn Văn Thái tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lấy chứng chỉ sau đại học về quản lý các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm tại Đại học Kent (Anh); thạc sĩ khoa học môi trường tại Đại học quốc gia Australia và tốt nghiệp sau đại học về quản lý và phát triển môi trường – Đại học quốc gia Australia. Năm 2012, anh được bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn tê tê thế giới và được bầu tiếp ở vị trí này năm nay. Năm 2016, Nguyễn Văn Thái đã nghiên cứu các chiến lược bảo tồn toàn cầu và cùng đồng nghiệp đưa được 8 loài tê tê từ Phụ lục II lên Phụ lục I thuộc Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW) thành lập năm 2014. SVW đã phối hợp với các vườn quốc gia, đơn vị kiểm lâm cứu hộ được 1.888 động vật thuộc 40 loài khác nhau; giải cứu 1.540 con tê tê và sau khi điều trị, phục hồi, khoảng 60% trong số chúng đã được thả trở lại tự nhiên thành công. Năm 2018, SVW kết hợp Vườn quốc gia Pù Mát thành lập nhóm “anti-poaching” đầu tiên tại Việt Nam. Qua đó SVW trang bị cho cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiến thức về bảo tồn ĐVHD, nhận dạng động vật, kỹ năng sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), võ thuật cơ bản và kỹ năng sinh tồn. Đội độc đáo này đã phá bỏ 9.701 bẫy thú, phá hủy 775 trại bất hợp pháp, tịch thu 78 khẩu súng và bắt giữ 558 kẻ săn trộm. Hoạt động săn bắn trái phép ở Vườn quốc gia Pù Mát giảm hơn 80% sau ba năm hoạt động. Hiện SVW đã ký thỏa thuận hợp tác với 5 vườn quốc gia để triển khai mô hình “anti-poaching” là Cúc Phương, Pù Mát, Cát Tiên, U Minh Thượng và U Minh Hạ.
Nguyễn Văn Thái từng được giới thiệu trong danh sách 40 nhà nghiên cứu, bảo tồn động vật hàng đầu thế giới, bởi sách Wildlife Heroes của hai tác giả người Mỹ Julie Scardina, Jeff Flocken, xuất bản 2012. Năm 2016, anh là người Việt Nam đầu tiên nhận giải “Future For Nature” dành cho những người trẻ có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã thế giới, cùng khoản tiền thưởng 50.000 Euro cho các hoạt động bảo tồn tê tê ở Việt Nam. Tháng 6.2021 Nguyễn Văn Thái là người Việt Nam thứ hai và là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được trao tặng giải Goldman Environmental Prize.